Chúa Nhật IV Mùa Chay B – 15/03/2015
2 Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21
Lm. Jude Siciliano, OP.
KHI CON NGƯỜI ĐƯỢC GIƯƠNG CAO
Kính thưa quý vị,
Gần đây tôi không thấy cảnh này, nhưng khi một cầu thủ bóng chày đánh được một quả home-run, người hâm mộ nào đứng ở chỗ quả bóng rơi xuống sẽ giơ lên dấu hiệu bài đọc “Ga 3,16.” Người hâm mộ bóng chày theo dõi trận đấu trên truyền hình đều được định hướng đến các Sách Thánh của mình, phải như thế, đến bản văn nổi tiếng nhất của Tân Ước: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Những ai giơ cao bảng hiệu như vậy đều đoan chắc rằng: các khán giả đó đều biết ý mà câu “Ga 3,16” hướng đến và nhà nào có Kinh Thánh đều biết cách tìm ra chỗ trích câu Tin Mừng này.
Chúng ta đang ở giữa mùa Chay, nhưng các Sách Thánh của chúng ta đã hướng đến Tuần Thánh rồi, đặc biệt là thứ Sáu Tuần Thánh, khi “Con Người” được “giương cao.” Đoạn Tin Mừng hôm nay gợi nhớ sách Dân Số (21,4-9). Khi dân Israel kêu trách ông Môsê trong sa mạc, Chúa đã cho rắn độc đến cắn để phạt họ. Để cứu họ, Thiên Chúa đã sai ông Môsê làm một con rắn đồng, treo lên cây cột rồi “giương lên.” Những ai bị rắn cắn, phải nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống. Con rắn chữa lành trên cây cột là hình ảnh tiên trưng cho Đức Kitô và đã trở thành một biểu tượng của ơn cứu độ. Như lời Đức Giêsu nói hôm nay: “Con Người phải được giương cao, để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” Thánh Gioan sử dụng động từ “nhìn” như một biểu tượng của đức tin. Vì vậy, “nhìn” hay “trông” lên Đức Giêsu là tin vào Người và “được sống muôn đời.” Quý vị nên lưu ý rằng: đoạn nói về sự sống muôn đời được đặt ở thì hiện tại, nghĩa là, với người tín hữu, sự sống ấy đang bắt đầu lúc này.
Đức Giêsu đang trò chuyện với Nicôđêmô, ông này đến gặp Người vào ban đêm (3,1). Có lẽ Nicôđêmô muốn có thời gian với Đức Giêsu trong bầu khí tĩnh lặng. Hay có lẽ ông là một biểu tượng cho thế giới đang chìm trong tăm tối. Dường như Nicôđêmô đã chấp nhận nguồn sáng đã được trao ban cho ông vì sau đó, cũng trong Tin Mừng này, ông sẽ lên tiếng bênh vực Đức Giêsu (7,50) và mua các loại hương liệu để táng xác Người (19,39).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan đã làm gián đoạn dòng chảy trong sách Tin Mừng để thực hiện một lời công bố về tin mừng, một bản tóm lược sách Tin Mừng của mình. Phần này chứa đầy những chủ đề tiên báo phần còn lại của Tin Mừng: đức tin và cuộc phán xét ; Đức Giêsu, Đấng Mặc Khải được Chúa Cha sai đến; ánh sáng và bóng tối; những kẻ làm điều ác và những kẻ làm điều lành. Gioan loan báo rằng: Thiên Chúa mặc khải cho toàn thế giới, cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho những cá nhân riêng biệt, hay một số ít những kẻ có đặc quyền. Thiên Chúa quan tâm đến tất cả mọi người và bất kỳ ai “sống sự thật” và “đến cùng ánh sáng,” đều được ban cho sự sống đời đời.
Đoạn Tin Mừng này phản ánh trải nghiệm của cộng đoàn Gioan. Không phải tất cả mọi người đều đáp lại ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận hiến lễ mà Thiên Chúa ban tặng là chính Đức Giêsu. Điều này được gợi lên bằng câu trích này: “người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng.” Về điểm này, thời đại chúng ta có khác thời xưa là mấy! Con người vẫn tiếp tục chọn bóng tối hơn ánh sáng và làm điều dữ, “người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng vì các việc họ làm đều xấu xa.” Điều này đã làm ngã lòng cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cũng như những vụ bê bối gây ra sự bi quan và chán nản trong Giáo Hội của chúng ta ngày nay vậy.
Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng kết thúc với một dấu hiệu lạc quan. Như Đức Giêsu là ánh sáng cho trần gian và cuộc đời của Người là một lời mặc khải về Thiên Chúa cho mọi người, thì mỗi người Kitô hữu “đã đến cùng ánh sáng” cũng mặc khải Thiên Chúa cho thế giới này. Người ta chuộng bóng tối bởi vì nó che dấu những hành vi xấu xa của họ. Mặt khác, các tín hữu là những người mang ánh sáng, vì các hành động của họ làm chứng về Thiên Chúa.
Thánh Gioan có khuynh hướng sử dụng các từ ngữ và cách diễn đạt mang nghĩa kép. Đức Giêsu nói cho ông Nicôđêmô rằng Người sẽ được “giương cao,” rằng những ai “tin vào Người sẽ được sống muôn đời.” Hạn từ “giương cao” ám chỉ cái chết của Người trên thập giá. Hạn từ này cũng có nghĩa là sự phục sinh từ cõi chết của Người và việc được nâng lên vinh quang bên hữu Chúa Cha. Vì thế, những ai nhìn lên Đức Giêsu trên thập giá không chỉ được chữa lành khỏi vết thương tội lỗi, mà còn nhận được cùng một sự sống của Đức Giêsu – sự sống đời đời.
Thánh Gioan cung cấp cho chúng ta một đoạn vốn được bàn tán trên các biển áp-phích trong các sân vận động và trên các miếng dán càng xe ôtô. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Các tín hữu lặp lại câu này không chỉ như một khẩu hiệu, nhưng còn như một lời chân lý và sự bảo đảm.
Khi chúng ta phạm tội, hay nhận thấy những hành vi của mình không phản ánh được ánh sáng của Thiên Chúa cho thế giới nhưng lại bắt chước sự tăm tối của thế gian, câu Kinh Thánh này vừa là một lời cầu nguyện, vừa là lời đảm bảo cho chúng ta. Nó là một lời cầu nguyện với lòng tin tưởng vào tình thương và sự bảo đảm của Thiên Chúa rằng chúng ta sẽ được tha thứ, không phải vì bất cứ công trạng nào của chúng ta, nhưng vì chúng ta có thể nhìn lên Đấng được giương cao trên thập giá và nhờ đó, chúng ta có thể bước ra khỏi bóng tối tội lỗi để đến cùng ánh sáng của Đức Kitô.
Nicôđêmô đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Trong lời chỉ dẫn mà Đức Giêsu trao cho ông, chúng ta được nhắc nhớ về những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Dù rằng có rất nhiều người chọn hành động theo sự tối tăm, nhưng tình thương Thiên Chúa dành cho thế giới bất xứng này lại không có giới hạn nào. Thiên Chúa không yêu thương chỉ những người lương thiện trong thế giới này, hay những người được ưu tuyển. Cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu được dành cho toàn thể thế giới. Quả vậy, vì tình thương Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô, nên chúng ta không thể xem bất kỳ người nào là kẻ khó ưa, bởi lẽ họ đã được đôi tay dang ra trên thập giá của Đức Kitô ôm lấy. Ngay cả những ai công khai từ chối Người, hoặc bận tâm với thế sự, vẫn được Thiên Chúa thương yêu.
Trong sa mạc, dân Israel đã quay lưng với Thiên Chúa và đã phải gánh chịu hậu quả. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương họ và ban cho họ ơn chữa lành nếu họ nhìn lên con rắn mà ông Môsê giương cao trên cây cột. Chúng ta không chỉ nhìn vào cây thập giá và được cứu. “Nhìn,” theo ngôn ngữ Kinh Thánh, mang ý nghĩa nhiều hơn việc nhìn một cái gì đó bằng mắt thường. Hạn từ này hàm ý việc nhìn bằng con mắt đức tin. Chúng ta còn nhìn thấy gì khác với đôi mắt đức tin như thế này? Nhờ Đức Kitô và ánh sáng mà Người chiếu rọi vào bóng đêm mà giờ đây chúng ta có thể nhìn như chính Thiên Chúa nhìn vậy: chúng ta nhìn những người khó ưa và tội lỗi với tình yêu; chúng ta nhìn thấy niềm hy vọng trong những hoàn cảnh mà người khác coi là vô vọng; chúng ta nhìn thấy Đức Kitô nơi những người bên ngoài và những người bị bỏ rơi.
Chúng ta cũng nhìn thấy sự sống vĩnh cửu trong những nghi thức có vẻ bình thường: việc đổ nước, bẻ bánh, một chén rượu, việc xức dầu và một lời xá giải. Chúng ta thấy được vì Đức Kitô đã được giương cao và giờ đây một luồng sáng đã chiếu vào thế giới tăm tối của chúng ta.
Thập giá đã mặc khải về một Thiên Chúa, không như một Đấng thiêng liêng đứng từ xa mà nhìn, nhưng là Đấng đã cùng chia sẻ niềm vui, đau khổ và cái chết của chúng ta. Thiên Chúa đã đồng hành với chúng ta trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất để nâng đỡ và đưa chúng ta vào sự sống. Đức Giêsu, chết trên thập giá và sau đó phục sinh, ngự bên hữu Thiên Chúa, chính là bằng chứng xác thực của chúng ta. Người đã được “giương cao” và giờ đây chúng ta nhìn lên ngài để được “sống đời đời”. Đối với chúng ta, sự sống này đã bắt đầu rồi.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp