Bài giảng Chúa nhật 14 Thường niên B

03-07-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giảng Chúa nhật 14 Thường niên B by

Trong khi nhiều người dễ dàng chấp nhận sự dối trá, thỏa hiệp để được lợi lộc danh vọng, thì người Kitô hữu phải cân nhắc kỹ càng để không phạm Luật Chúa và không làm trái với lương tâm. Lịch sử ghi lại rất nhiều tín hữu đã chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu để làm chứng cho sự thật. Các thánh tử đạo là những ví dụ điển hình và là gương mẫu cho chúng ta về lòng trung thành với Chúa, noi gương Chúa Giêsu.

BÀI 1: ƠN GỌI NGÔN SỨ

Kinh Thánh Cựu ước kể với chúng ta, trong lịch sử Cứu độ, đã có những vị ngôn sứ can đảm phi thường, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm. Họ truyền đạt thánh ý của Chúa cho dân Israen, và cho cả các bậc vua chúa. Lời truyền đạt của họ vừa mang nội dung khích lệ an ủi, nhưng cũng có khi là những lời lên án, trách móc, đe dọa tai ương sắp xảy đến. Bài đọc I nhắc tới Ngôn sứ Êdêkien, một trong bốn ngôn sứ lớn của Cựu ước (Edêkien, Elia, Giêrêmia và Isaia). Êdêkien thi hành sứ mạng trong một bối cảnh chính trị phức tạp của thời lưu đày. Mặc cho những chống đối đe dọa, ông vẫn luôn trung thành với Chúa. Ông không nhằm lấy lòng người đời bằng những lời ngon ngọt, nhưng truyền đạt lời của Chúa một cách can đảm phi thường.
 
Cũng như các ngôn sứ nói chung, Êdêkien đã đóng vai trò quan trọng trong việc uốn nắn sửa dạy dân Israen ở một giai đoạn lịch sử, nhờ đó, dân biết sám hối, từ bỏ đường tội lỗi và tuân giữ những thánh chỉ của Chúa.
 
Vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử là Đức Giêsu thành Nagiarét. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai có sứ mạng cứu nhân độ thế. Lời nói và việc làm của Người đã chứng tỏ quyền năng thiên linh, đồng thời nhằm đem cho con người sự giải thoát. Khi nghe lời Chúa giảng dạy, những người nghe đã thốt lên: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người" ( Lc 7, 16). Lời Người giảng dạy vừa có uy quyền vừa có sức thu hút lạ kỳ. Hễ người đi đến đâu, dân chúng đi theo rất đông để đón nhận Lời Hằng Sống. Trước uy quyền của Người, những kẻ thù ghét Người cũng phải chùn bước.
 
Nếu có nhiều người đón nhận giáo huấn của vị ngôn sứ thành Nagiarét, thì cũng  có những người khước từ và mưu mô chống đối. Đó là trường hợp những người đồng hương của Chúa Giêsu. Thánh Máccô trong Tin Mừng hôm nay kể lại một chuyến về thăm quê của Người. Người thi hành nhiệm vụ ngôn sứ, khi vào Hội đường để đọc và chú giải Sách Thánh. Đây là một sinh hoạt hàng tuần của các cộng đoàn Do Thái. Rất nhiều người ngạc nhiên vì lời giảng dạy của Chúa sâu sắc và khôn ngoan. Tuy vậy, cũng có những người dè bỉu chế nhạo. Khi không bắt bẻ được Người trong lời giảng dạy, họ bàn tán chê bai về gia đình và thân thế của Người. Họ lôi nghề nghiệp thợ mộc của cha Người để soi mói và nhằm giảm uy thế của Người. Họ chỉ đánh giá Người theo cái nhìn ghen tỵ và thành kiến. “Ngôn sứ bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình…”, Chúa Giêsu đã nhắc lại một câu ngạn ngữ thường được sử dụng trong giới bình dân, để chỉ sự cứng lòng của họ.
 
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu được trao ba sứ mạng: Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế. Ngôn có nghĩa là lời; Sứ có nghĩa là được sai đi. Ngôn sứ tức là người được sai đi để nói Lời của Chúa. Nhiệm vụ này, không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì “Trung ngôn nghịch nhĩ – Lời nói thẳng thì khó nghe”. Để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ, có những lúc người tín hữu giống như người bơi ngược dòng. Trong khi nhiều người dễ dàng chấp nhận sự dối trá, thỏa hiệp để được lợi lộc danh vọng, thì người Kitô hữu phải cân nhắc kỹ càng để không phạm Luật Chúa và không làm trái với lương tâm. Lịch sử ghi lại rất nhiều tín hữu đã chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu để làm chứng cho sự thật. Các thánh tử đạo là những ví dụ điển hình và là gương mẫu cho chúng ta về lòng trung thành với Chúa, noi gương Chúa Giêsu.
 
Qua chức năng ngôn sứ, mỗi chúng ta đều được sai đi để giới thiệu Chúa cho mọi người. Dù ở bậc nào, ai cũng có thể thực hiện được chức năng này, miễn là có thành tâm thiện chí. Được thúc đẩy và soi sáng bởi Đức tin, người được sai đi loan báo Lời Chúa không còn lo sợ. Thánh Phaolô, vị chiến sĩ Đức tin và là Tông đồ dân ngoại, đã cảm nhận được niềm vui khi chịu thử thách trăm chiều. Ngài vui sướng khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Chính lúc ấy, Ngài lại được thêm sức mạnh thần linh Chúa ban (Bài đọc II).  

Không ai chúng ta viện cớ mình kém cỏi để từ chối nhiệm vụ ngôn sứ. Một nụ cười, một lời nói động viên, một cử chỉ thân thiện… dù rất đơn sơ, nhưng nếu được thực hiện với lòng yêu mến, chúng trở nên những món quà ý nghĩa. Món quà quan trọng và ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho mọi người, đó là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người và đang ở giữa chúng ta.

“Thiên Chúa sai mỗi người đến thế gian với một sứ điệp để loan báo, với một bài ca đặc biệt để hát lên, với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng”  (John Powell).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI 2: ĐỨC GIÊSU LÀ AI? – NIỀM TIN QUA NHỮNG ĐIỀU BÉ MỌN

Chúa Giêsu đã rất thành công ở Caphanaum cũng như những nơi khác, Ngài đã làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh tật cho nhiều người và giải thoát nhiều người bị quỷ ám. Vậy mà khi về quê hương Nagiareth Ngài đã bị thất bại, phép lạ không thể xẩy ra vì "họ không tin vào Ngài".
 
Người đồng hương không tin vào Đức Giêsu, mặc dù theo Luca (4,16-30) khi nghe Người giảng "mọi người đều tán thành và thán phục". Nhưng có lẽ họ tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người mà thôi, chứ không tán thành và thán phục Người ( Vậy mà điều quan trọng  lại là qua những lời hay ý đẹp đó họ phải tin vào Người cơ).Vì thế họ mới bảo nhau" Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?"…
 
Vậy Ngài đã nói gì mà họ tán thành và thán phục? Theo Luca Ngài đã đọc và giải thích đoạn sách của tiên tri Isaia nói về Đấng Kitô của Thiên Chúa, chắc Ngài đã giải thích rất hay, rất sâu sắc và hấp dẫn nữa, lại khơi lên cho họ niềm hy vọng lớn lao về Đức Kitô – Đấng giải thoát. Chắc là vậy.
 
Nhưng "tiếc thay", vì Ngài nói : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Tốt rồi, hay quá. Nhưng Ngài lại bảo rằng ứng nghiệm ở nơi Ngài. Hay quá, đúng quá, nhưng khốn nỗi không thể chấp nhận được, vì Ngài là ai; là ai mà dám nói như thế cơ chứ. Ngài không phải là anh thợ mộc con ông Giuse, người thợ mộc nghèo đáng thương của làng Nagiareth đó sao? "Có gì tốt ở Nagiareth chứ?" (người ta đã từng nói: khốn cho cô gái nào lấy phải anh chàng người Nagiareth đấy thôi). Chỉ là anh thợ mộc đáng thương, nói hay- tốt; nói sâu sắc – tán thành; khơi lên niềm hy vọng – thán phục.  Nhưng xác định mình là  NIỀM HY VỌNG lớn lao ấy thì không ổn rồi (thưa anh thợ mộc đáng thương, con ông Giuse thợ mộc khó nghèo).
 
Sau này nữa, chúng ta có thấy ai trong dân làng Nagiareth đứng dưới chân thập giá Chúa với Đức maria không? Có lẽ là không, vì đó là cái kết cục của kẻ ngộ nhận mà, một chàng thanh niên nghèo từ Nagiareth mà lại nhận mình là NIỀM HY VỌNG của nhân loại lầm than, lại còn là "Con Thiên Chúa hằng sống" nữa cơ chứ. Cái chết ô nhục trên thập giá chẳng phải là một thất bại hoàn toàn đó sao?
 
Không biết cho đến nay, có người Nagiareth nào tin Đức Giêsu là Đấng Kitô không? Nhưng hơn hai ngàn năm qua, ngày hôm nay và trong tương lai đã có và sẽ vẫn có nhưng người cho rằng cái chết trên thập giá của Đức Giêsu Nagiareth là "Điên rồ" và "Ô nhục". Đối với những người đó thì Đức Giêsu phải "bước xuống khỏi thập giá" họ mới tin.
 
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có thực sự tin Đức Giêsu là NIỀM HY VỌNG VĨNH CỬU của mình không? Chúng ta có dám tín thác nơi người, phó thác cho người toàn bộ con người, cuộc sống của chúng ta không? Có dám đặt tất cả dưới chân người, nghĩa là để cho người toàn quyền "cầm lái" con thuyền cuộc đời chúng ta không nhỉ?
 
Cũng như đã có bao người đã đọc, đã tán thành và thán phục bài văn của em Hà Minh Ngọc viết về "bản chất của thành công", nhưng đã bao nhiêu người dám sống cho đến cùng với cái bản chất của thành công ấy. Bời vì cũng theo tư tửơng của em thì cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là thành công nhất trên cuộc đời này còn gì. Vì nơi Ngài đã đạt tới mức tận cùng: tận cùng của sự bất công, tận cùng của tối tăm, tận cùng của khổ đau, tận cùng của ô nhục, cũng là tận cùng của sự điên rồ. Nhưng Ngài đã đón nhận tất cả. Tất cả trong cái TẬN CÙNG CỦA TÌNH YÊU.
 
Cái lý của trần gian này là: chiến thắng thuộc về kẻ mạnh. Kẻ mạnh ở đây là kẻ có tiền, có quyền và có cơ bắp. Nhưng Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ rằng: quyền là để phục vụ trong khiêm nhường và tình thương; tiền là để cho đi trong mến yêu và trân trọng; cơ bắp là để nâng niu những con người khốn khổ trong đại dương của lòng thương xót. Ngài cũng đã tạ ơn Chúa Cha vì đã "Mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn".
 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tuyên xưng Chúa là Chúa và là Thầy của chúng con, nhưng chúng con đang phải đối diện với cuộc sống thật nghiệt ngã. Trước những lý lẽ tàn bạo của trần gian, chúng con thấy mình yêu đuối, chúng con thấy mình nhát đảm và nhiều khi gục ngã trong trần gian. Xin Chúa thương xót chúng con, xin dìm chúng con trong đại dương lòng thương xót Chúa, để tình yêu của Chúa thấm nhuần chúng con, giúp chúng con phúc âm hóa đời sống cá nhân, gia đình và giáo xứ, góp phần phúc âm hóa trần gian, bằng cuộc sống khiêm nhường, đơn sơ và giản dị nhưng ngập tràn yêu thương. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW