Tiếp kiến chung với ĐTC: Hãy khiêm nhường như Chúa Hài Đồng
VATICAN. Chúng ta hãy trở nên khiêm nhường như Chúa Giêsu Hài Đồng. Đối diện với Đức Giêsu, chúng ta được kêu gọi gạt bỏ những yêu sách tự lập của mình để nhận lãnh lấy dạng thức tự do đích thực, vốn bao hàm nơi việc ý thức chúng ta đang đối diện với Thiên Chúa và hãy phục vụ Ngài. Đây là những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm 2015, sáng thứ tư 30.12, giữa bầu khí giá lạnh tại quảng trường Thánh Phêrô. Tuần này, ĐTC Phanxicô đã dành bài huấn dụ của mình để nói về Chúa Giêsu Hài Đồng.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha, Ngài nói:
Anh chị em rất thân mến,
Trong những ngày đầu mùa Giáng Sinh này trước mắt chúng ta là Chúa Giêsu Hài Đồng. Cha xác tín rằng trong các mái ấm của chúng ta vẫn còn rất nhiều gia đình đã làm hang đá, đây là truyền thống tốt đẹp vốn được bắt đầu từ Thánh Phanxicô Assisi nhằm duy trì sự sống động trong cõi lòng của chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa làm Người.
Lòng mộ mến Chúa Giêsu Hài Đồng rất là phổ biến. Rất nhiều các thánh nam nữ đã vun trồng lòng sốt mến này trong lời cầu nguyện hằng ngày của mình, và họ đã ứơc ao khuôn đúc đời sống mình theo mẫu gương của Chúa Giêsu Hài Đồng. Cha nghĩ cách đặc biệt đến Thánh Tê-rê-sa Lisieux, với tư cách là nữ đan tu Cát Minh, đã nhận lãnh lấy tên Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu và cũng là Danh xưng của Dung Nhanh Cực Thánh. Chị, cũng đồng thời là Tiến Sĩ Hội Thánh, đã biết sống và làm chứng cho “thời thơ ấu thiêng liêng” ấy vốn được thể hiện trong việc chiêm ngắm trường học của Đức Trinh Nữ Maria, sự khiêm nhượng của Thiên Chúa khi vì chúng ta mà Ngài đã trở nên nhỏ bé. Và đây là một mầu nhiệm vĩ đại, Thiên Chúa thì khiêm nhường! Chúng ta vốn cao ngạo, đầy ắp sự tự mãn và chúng ta lại tự tín mình vĩ đại, nhưng chúng ta lại chẳng là gì cả! Ngài, Đấng vĩ đại, thì khiêm nhường và đã trở nên một em bé. Đây thực là một mầu nhiệm.
Đã có những lúc, trong bản vị Thiên Chúa-Người của Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã là một hài nhi, và điều này phải có một ý nghĩa thiết yếu trong niềm tin của chúng ta. Thật đúng là cái chết của Ngài trên thánh giá và sự sống lại của Ngài là cách thức diễn tả hết mực tình yêu cứu độ của Ngài, tuy nhiên chúng ta cũng không được quên rằng tất cả cuộc sống của Ngài trên trần gian cũng là sự mạc khải và là giáo huấn. Trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy ghi nhớ về thời thơ ấu của Ngài. Để lớn lên trong đức tin chúng ta cần phải chiêm ngắm Chúa Giêsu Hài Đồng thường xuyên hơn. Chắc chắn là, chúng ta chẳng biết gì cả về giai đoạn thơ ấu này của Ngài. Những dấu hiệu hiếm hoi mà chúng ta có được liên quan đến việc đặt tên sau tám ngày kể từ khi Ngài được hạ sinh và được dâng tiến trong Đền Thờ (Lc 2, 21-28); cũng như liên quan đến cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ cùng với cuộc lánh nạn sang Ai Cập (Mt 2, 1-23). Và rồi, đã có một bước nhảy lớn cho đến lúc Ngài được 12 tuổi, khi Ngài cùng với Đức Maria và Thánh Giuse đi hành hương lên Giêrusalem nhân dịp lễ Vượt Qua, và thay vì trở về nhà cùng với cha mẹ thì Ngài đã ở lại Đền thờ để đàm đạo với các tiến sĩ luật.
Như đã thấy, chúng ta biết rất ít về Chúa Giêsu Hài Đồng, nhưng chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ Ngài nếu chúng ta quan sát đời sống của những em bé. Thật là một đìêu tốt lành khi cha mẹ, ông bà, có thói quen quan sát các trẻ em xem chúng làm gì.
Trên hết, chúng ta khám phá ra rằng trẻ em mong muốn chúng ta chú ý đến chúng. Nhưng tại sao chúng phải là trọng tâm? Có phải là vì chúng kiêu ngạo không? Không đâu! Bởi vì chúng cần cảm giác được bảo vệ. Thật là cần thiết ngay cả cho chúng ta khi đặt Đức Giêsu là trọng tâm của cuộc sống mình và biết rằng, thậm chí nghe có vẻ là ngược đời, chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ Ngài. Ngài muốn ở trong vòng tay của chúng ta, Ngài ước ao được chăm lo và và chúng ta luôn hướng nhìn Ngài. Mặt khác, cần làm cho Chúa Giêsu Hài Đồng tươi cười để Ngài thấy tình yêu của chúng ta và niềm vui của chúng ta bởi vì Ngài đang ở giữa chúng ta. Nụ cười của Ngài là một dấu chỉ của tình yêu mang lại cho chúng ta sự chắc chắn của việc được yêu thương. Cuối cùng, trẻ em yêu thích chơi đùa. Tuy nhiên, cho trẻ em được vui chơi có nghĩa là gạt bỏ lý luận của chúng ta để bước vào luận lý của chúng. Nếu chúng ta muốn rằng trẻ em được vui vẻ thì cần phải hiểu điều gì làm cho chúng thích thú, và đừng ích kỉ khi buộc trẻ em phải làm những điều hài lòng chúng ta. Đây là một bài học cho chúng ta. Đối diện với Đức Giêsu, chúng ta được kêu gọi gạt bỏ những yêu sách tự trị của mình và đây là cốt lõi của vấn đề phải không?- để thay vào đó nhận lãnh lấy dạng thức tự do đích thực, vốn bao hàm nơi việc ý thức chúng ta đang đối diện với ai và hãy phục vụ Ngài. Ngài, Chúa Hài Đồng, là Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã đến giữa chúng ta để trình bày cho chúng ta Dung Mạo của Thiên Chúa Cha giàu tình yêu và lòng thương xót. Vì thế, chúng ta hãy ôm ấp trong vòng tay mình Chúa Giêsu Hài Đồng, và hãy dấn thân phục vụ Ngài: Ngài là suối nguồn tình yêu và bình an. Và sẽ là một điều thật đẹp, ngày hôm nay, khi chúng ta trở về nhà, đến gần hang đá và hôn Chúa Giêsu Hài Đồng và thỏ thẻ với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn khiêm nhường như Ngài, con muốn khiêm nhường như Thiên Chúa”, và hãy nài van ân ban này từ nơi Ngài.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai, dongten.net