ĐTC Phanxicô tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày 11-1-2016, ĐTC đặc biệt lưu ý cộng đồng quốc tế quan tâm và giải quyết hợp lý vấn đề làn sóng người di dân.
ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, gồm đại diện của 180 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.
Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để ĐTC kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.
Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, và hài lòng ghi nhận trong năm qua, con số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh thường trú ở Roma gia tăng (từ 80 lên 86), điều này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh. ĐTC cũng nhắc đến việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định giữa Tòa Thánh và các nước trong năm qua, kể cả hiệp định với Palestine, hiệp định về thuế khóa với Italia và Hoa Kỳ. Ngài cũng nói đến những nét nổi bật trong các cuộc viếng thăm ngài thực hiện trong năm qua tại Philippines, Sri Lanka, Sarajevo, 3 nước Nam Mỹ, Cuba, Hoa Kỳ, LHQ, và 3 nước Phi châu: Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi. Sau cùng ĐTC nói đến việc mở Năm Thánh lòng thương xót. Trong phần kế tiếp, ĐTC đặc biệt nói đến vấn đề di dân trong thế giới ngày nay, nhất là tại Âu Châu, với những vấn đề đi kèm. Ngài nói:
Vấn đề di dân
Quí vị Đại sứ thân mến, một tinh thần cá nhân chủ nghĩa là mảnh đất phì nhiêu làm bành trướng cảm thức dửng dưng lãnh đạm đối với tha nhân, đưa tới thái độ đối xử với họ như một món hàng mua bán, đẩy đưa tới sự không quan tâm gì tới nhân tính của người khác và rốt cục làm cho con người yếu nhược và có tâm trạng ”sống chết mặc bay”. Phải chăng đó chẳng phải là những tâm tình mà nhiều khi chúng ta có đứng trước những người nghèo, người ở ngoài lề, những người rốt cùng trong xã hội sao? Và bao nhiêu người rốt cùng trong các xã hội chúng ta! Trong số những người ấy, tôi nghĩ trước tiên tới những người di dân, với những khó khăn và đau khổ của họ, mà họ phải đương đầu hằng ngày trong việc tìm kiếm một nơi để sống an bình và xứng đáng, nhiều khi cuộc tìm kiếm của họ thật là tuyệt vọng.
Vì thế, hôm nay, tôi muốn dừng lại để cùng với quí vị suy tư về sự cấp thiết trầm trọng của làn sóng di cư mà chúng ta đang gặp, để phân định những nguyên do của nó, hướng đến những giải pháp, chiến thắng thái độ sợ hãi không thể tránh né đi kèm một hiện tượng ồ ạt và rộng lớn như vậy, liên hệ đặc biệt tới Âu Châu trong năm 2015, và cả một số miền ở Á châu và Trung Mỹ.
”Đừng sợ và kinh hãi, vì Chúa là Thiên Chúa của ngươi ở với ngươi, dù ngươi đi đâu” (Gs 1,9). Đó là lời mà Thiên Chúa hứa với Ông Giôsuê và cho thấy Chúa tháp tùng mỗi người dường nào, nhất là người ở trong tình cảnh mong manh như người đang tìm nơi tị nạn ở nước ngoài. Thực vậy, toàn thể Kinh Thánh kể lại cho chúng ta lịch sử nhân loại lữ hành, vì tình trạng di động là điều gắn liền với bản tính con người. Lịch sử loài người được hình thành với bao nhiêu cuộc di dân, nhiều khi diễn ra như một ý thức về quyền tự do chọn lựa, nhưng đôi khi do những hoàn cảnh bên ngoài đòi hỏi. Từ cuộc lưu vong khỏi địa đàng cho đến Abraham tiến về đất hứa; từ trình thuật cuộc Xuất Hành khỏi Ai Cập đến cuộc lưu đày ở Babilon, Kinh Thánh kể lại những cơ cực và đau khổ, ước muốn và hy vọng, giống như tình trạng hàng trăm ngàn người lữ hành ngay nay, với cùng quyết tậm của Môisê đạt tới một miền đất ”chảy sữa và mật” (Xc Xh 3,17), nơi họ có thể sống tự do và an bình.
Vì thế, ngày nay cũng như xưa kia, chúng ta nghe thấy tiếng kêu của Rachele khóc thương con bà không còn nữa (Xc Gr 31,15; Mt 2,18). Đó là tiếng của hàng ngàn người khóc lóc trốn chạy những cuộc chiến tranh khủng khiếp, những cuộc bách hại và vi phạm các quyền con người, hoặc tình trạng bấp bênh về chính trị hay xã hội, nhiều khi làm cho cuộc sống của họ ở quê hương trở nên không thể sống nổi. Đó là tiếng kêu của những người buộc lòng phải trốn chạy để tránh những hành động dã man khôn tả đối với những người vô phương thế tự vệ, như các trẻ em và người khuyết tật, hoặc cuộc tử đạo chỉ vì thuộc về một tôn giáo.
Cũng như hồi đó, nay chúng ta nghe tiếng của Giacop nói với các con ông: ”Hãy đi xuống đó và mua thóc về cho chúng ta để chúng ta có thể sống và không phải chết” (St 42,2). Đó là tiếng của những người trốn chạy lầm than cùng cực, vì không thể nuôi sống gia đình hoặc không được săn sóc sức khỏe, giáo dục, hoặc vì tình trạng sa sút, không có hy vọng cải tiến, hoặc cũng vì những thay đổi khí hậu và điều kiện khí hậu cùng cực. Rất tiếc là, chúng ta biết nạn đói vẫn còn là một trong những tai ương trầm trọng nhất của thế giới chúng ta với hàng triệu trẻ em mỗi năm chết vì đói. Nhưng điều đau buồn là nhận thấy rằng nhiều khi chính những người di dân ấy không được thuộc vào các hệ thống bảo vệ dựa trên căn bản các hiệp định quốc tế.
Chống nền văn hóa gạt bỏ
Làm sao không nhận thấy trong tất cả những điều đó là kết quả của ”nền văn hóa gạt bỏ” gây nguy hiểm cho con người, hy sinh con người cho các thần tượng lợi lộc và tiêu thụ? Điều trầm trọng là chúng ta trở nên quá quen thuộc với những tình trạng nghèo đói và túng thiếu ấy, những thảm trạng của bao nhiêu người và coi chúng là ”những điều bình thường”. Con người không còn được cảm thấy như một giá trị hàng đầu phải tôn trọng và bảo vệ, nhất là nếu họ là người nghèo hoặc khuyết tật, hay nếu họ chưa hữu ích – như những trẻ em chưa sinh ra – hoặc không còn hữu ích nữa, như người già. Chúng ta trở nên vô cảm đối với mọi hình thức phung phí, bắt đầu từ sự phung phí lương thực, là điều thuộc vào số đáng trách nhất, trong khi có nhiều cá nhân và gia đình đang chịu đói và thiếu dinh dưỡng.
Cầu mong Hội nghị về nhân đạo thành công
Tòa Thánh cầu mong Hội nghị Thượng Đỉnh thế giới đầu tiên về nhân đạo, được LHQ triệu tập vào tháng 5 tới đây , có thể thành công trong khung cảnh đau buồn ngày nay với các cuộc xung đột và tai ương, với ý hướng đặt con người và nhân phẩm ở trọng tâm mọi câu trả lời về nhân đạo. Cần có một sự dấn thân chung để quyết liệt lật ngược nền văn hóa gạt bỏ và xúc phạm đến sự sống con người, để không một ai cảm thấy bị lơ là hoặc quên lãng, và những sinh mạng khác không bị hy sinh vì thiếu tài nguyên, và nhất là vì ý chí chính trị.
Tiếc thay, ngày nay cũng như xưa kia, chúng ta nghe thấy tiếng của Giuda đề nghị bán em mình (Xc St 37,26-27). Đó là sự kiêu hãnh của những kẻ cường quyền lạm dụng người yếu, biến họ thành những đồ vật để phục vụ cho những mục tiêu ích kỷ hoặc những tính toán chiến lược và chính trị. Nơi nào không thể có một sự di trú hợp pháp, thì những người di dân thường buộc lòng phải chọn giải pháp nhờ những kẻ buôn người hoặc buôn lậu, tuy phần lớn đều biết rõ những nguy cơ trong cuộc lữ hành sẽ bị mất của cải, phẩm giá và cả mạng sống nữa. Trong viễn tượng đó, một lần nữa tôi tái kêu gọi chấm dứt nạn buôn người, nạn biến con người thành món hàng, nhất là những người yếu thế nhất và vô phương tự vệ. Trong tâm trí chúng ta vẫn luôn ghi đậm hình ảnh những trẻ em bị chết trên biển cả, nạn nhân của sự vô lương tâm của con người và sự độc địa của thiên nhiên. Rồi những người sống sót và đến một quốc gia đón nhận, họ mang những chấn thương sâu đậm về kinh nghiệm ấy, không kể những kinh nghiệm về những kinh hoàng vẫn xảy ra trong chiến tranh và bạo lực.
Như xưa kia, ngày nay người ta cũng nghe Thiên Thần lập lại: ”Hãy trỗi dậy, mang hài nhi và mẹ Người, trốn sang Ai Cập và hãy ở đó cho đến khi Ta sẽ báo lại cho ông” (Mt 2,13). Đó là tiếng nói mà nhiều người di dân nghe thấy, họ là những người sẽ không rời bỏ quê hương nếu không bị bó buộc. Trong số những người ấy có nhiều tín hữu Kitô, ngày càng ồ ạt rời bỏ quê hương trong những năm gần đây, quê hương mà họ đã cư ngụ từ thời đầu của Kitô giáo.
Sau cùng, ngày nay chúng ta cũng nghe tiếng của tác giả thánh vịnh lập lại: ”Trên bờ sông Babilone, ta ngồi ta khóc tưởng nhớ Sion” (Tv 136 [137], 1). Đó là tiếng khóc của những người sẵn sàng trở về quê hương họ nếu có những điều kiện thuận lợi về an ninh và sinh tồn. Nơi đây tôi cũng nghĩ đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông, họ mong muốn góp phần như những công dân với đầy đủ danh nghĩa vào thiện ích tinh thần và vật chất của các quốc gia liên hệ.
Giải quyết nguyên nhân thúc đẩy di cư
Phần lớn những nguyên nhân tạo nên di cư người ta có thể giải quyết từ lâu. Và nhờ đó có thể phòng ngừa bao nhiêu tai ương, hoặc ít là làm dịu bớt những hậu quả tàn ác của chúng. Cả ngày nay, trước khi quá trễ, người ta có thể làm được nhiều điều để chặn đứng những thảm họa và kiến tạo hòa bình. Nhưng điều này có nghĩa là đặt lại vấn đề những thói quen và đường lối thực hành đã có từ lâu, bắt đầu từ những vấn đề liên quan tới việc buôn bán võ khí cho tới vấn đề cung cấp các nguyên liệu và năng lượng, vấn đề đầu tư, các chính sách tài chánh và sự hỗ trợ phát triển, cho tới tệ nạn trầm trọng là tham nhũng. Chúng ta ý thức rằng về vấn đề di cư, cần thiết lập những dự án trung và dài hạn, đi xa hơn những câu trả lời cấp thiết. Các dự án đó một đàng phải thực sự giúp những người nhập cư hội nhập vào những quốc gia tiếp đón, và đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển các nước xuất cư, với những chính sách liên đới, nhưng không đòi các nước này phải theo những chiến lược và chính sách ý thức hệ xa lạ hoặc trái ngược với các nền văn hóa của những dân tộc mà sự viện trợ nhắm tới.
Không quên những tình cảnh thê thảm khác, trong đó tôi đặc biệt nghĩ đến biên giới giữa Mêhicô và Hoa Kỳ, mà tôi sẽ đến gần khi viến gthăm thành phố Ciudad Juárez vào tháng tới đây, tôi muốn đặc biệt nghĩ đến Âu Châu. Thưc vậy, trong năm qua, Âu Châu đã có một làn sóng tị nạn rất lớn – nhiều người tị nạn bị thiệt mạng khi toan tính đi tới Âu Châu – làn sóng ồ ạt này chưa từng có trong lịch sử đại lục này, ít là từ sau thế chiến thứ hai. Nhiều người di dân đến từ Á, Phi, xem Âu Châu là một điểm tham chiếu cho các nguyên tắc như bình đẳng trước pháp luật, và các giá trị được ghi khắc trong chính bản tính của mỗi người, như phẩm giá bất khả xâm phạm và sự bình đẳng của mỗi người, lòng yêu mến tha nhân không phân biệt nguồn gốc hoặc là thành viên của tổ chức nào, tự do lương tâm và tình liên đới với người đồng loại.
Thách đố đối với Âu Châu
“Tuy nhiên những cuộc đổ bộ ồ ạt tới các bờ biển của Âu Châu dường như làm lung lay hệ thống đón tiếp, được kiến tạo với bao vất vả trên những tro tàn của thế chiến thứ hai và vẫn còn là ngọn đèn pha về tình người mà người ta tham chiếu. Đứng trước làn sóng ồ ạt và những vấn đề đi kèm không thể tránh được, đã nảy sinh nhiều vấn nạn về khả năng đón tiếp thực sự và sự thích ứng của những người ấy, đề sự thay đổi sự tháp tùng văn hóa và xã hội của những nước tiếp cư, cũng như sự hoạch định lại một số quân bình về chính trị địa lý của các miền. Một điều không kém phần quan trọng là những lo sợ về an ninh, lo sợ càng được gia tăng trước những đe dọa lan rộng do nạn khủng bố quốc tế. Làn sóng di dân hiện nay dường như đe dọa chính nền tảng của tinh thần nhân bản mà Âu Châu vẫn luôn yêu mến và bảo vệ.
Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh mất các giá trị và các nguyên tắc nhân đạo, sự tôn trọng phẩm giá mỗi người, nguyên tắc phụ đới và tình liên đới hỗ tương, dù chúng có thể tạo nên gánh nặng lớn lao khó gánh vác trong một số thời điểm lịch sử. Vì thế, tôi muốn tái khẳng định xác tín theo đó Âu Châu, với sự trợ giúp của gia sản văn hóa và tôn giáo rộng lớn của mình, có những phương thế để bảo vệ vị trí trung tâm của con người và tìm ra sự quân bình đúng đắn giữa hai nghĩa vụ luân lý là bảo vệ các quyền của các công dân và bảo đảm sự trợ giúp cũng như tiếp đón người di dân.
Đồng thời tôi cũng thấy cần phải bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những sáng kiến tạo điều kiện cho sự tiếp đón xứng đáng dành cho con người, trong đó có Quỹ Di dân và Tị nạn thuộc Ngân hàng phát triển của Hội đồng Âu Châu cũng như sự dấn thân của những nước đã chứng tỏ thái độ chia sẻ quảng đại. Trước tiên tôi nghĩ đến các nước láng giềng của Siria, đã tức khắc giúp đỡ và đón nhận, nhất là Liban, nơi mà người tị nạn chiếm tới 1 phần 4 dân số, và nước Giordani đã không khép kín biên giới mặc dù đã đón tiếp hàng trăm ngàn người tị nạn rồi. Cũng vậy không nên quên những cố gắng của các nước đi hàng đầu, đặc biệt là Thổ nhĩ kỳ và Hy Lạp.
Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với Italia, với quyết tâm cứu vớt nhiều sinh mạng trong Địa Trung Hải, và vẫn còn mang gánh nặng đón tiếp đông đảo người tị nạn trên lãnh thổ của mình. Tôi cầu mong rằng lòng hiếu khách truyền thống và tình liên đới trổi vượt của nhân dân Italia không bị giảm bớt vì những khó khăn không thể tránh được hiện nay, nhưng dưới ánh sáng truyền thống ngàn đời, có thể đón nhận và hội nhập sự đóng góp về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa mà người di dân có thể mang lại.
ĐTC cũng nói rằng: ”Điều quan trọng là các nước đi hàng đầu trong việc đương đầu với tình trạng cấp thiết hiện nay không bị bỏ mặc một mình, và điều quan trọng không kém là khởi sự một cuộc đối thoại thẳng thắn và tôn trọng giữa tất cả các nước liên quan đến vấn đề di dân – các nước nguyên quán, nước chuyển tiếp hoặc nước tiếp đón – để tìm ra những giải pháp mới mẻ và lâu dài với óc sáng tạo táo bạo. ..
Khía cạnh văn hóa và tôn giáo của hiện tượng di dân
Trong việc giải quyết vấn đề di dân, chúng ta cũng không thể bỏ qua các khía cạnh văn hóa đi kèm, bắt đầu từ những khía cạnh tôn giáo. Trào lưu cực đoan và thủ cựu tìm được một môi trường dễ dàng không những không việc lợi dụng tôn giáo để chiếm quyền bính, nhưng cả trong sự trống rỗng các lý tưởng và sự đánh mất căn tính – kể cả căn tính tôn giáo – mà người ta thấy ở Tây Phương. Từ sự trống rỗng ấy nảy sinh sự sợ hãi khiến người ta coi tha nhân như một nguy hiểm và một kẻ thù, co cụm vào mình, bám chặt những lập trường thiên kiến của mình. Vì thế hiện tượng di cư cũng đặt một câu hỏi nghiêm trọng về văn hóa mà ta không thể không trả lời. Vì thế, sự tiếp đón có thể là một cơ hội thích hợp để có sự cảm thông và cởi mở chân trời, cho người được đón tiếp, họ có nhiệm vụ tôn trọng các giá trị, truyền thống và luật lệ của các cộng đồng đón nhận họ, và cho cả những cộng đồng tiếp cư, được kêu gọi đề cao giá trị những gì mà người di dân có thể cống hiến để mưu ích cho toàn thể cộng đoàn. Trong lãnh vực này Tòa Thánh tái quyết tâm dấn thân trong lãnh vực đại kết và liên tôn để thiết lập một cuộc đối thoại chân thành và liên chính, đề cao giá trị của những đặc thù và căn tính của mỗi người, tạo điều kiện cho sự sống chung hòa hợp giữa mọi thành phần xã hội.
G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 11.01.2016