Sống có trách nhiệm – Bài giảng Lễ Thánh Gia
Sống có trách nhiệm với bản thân và với những người liên hệ, đó cũng là bổn phận của mỗi cá nhân. Không chú ý thực thi bổn phận và trách niệm của mình, cuộc sống này sẽ mất ý nghĩa. Đặc biệt trong lãnh vực gia đình, để duy trì hạnh phúc, mỗi thành viên phải có trách nhiệm đối với gia đình và đối với mọi thành viên khác.
Hiện hữu trên đời, mỗi người đều có một sứ mạng phải hoàn thành. Bất kỳ ở hoàn cảnh và địa vị nào, ai cũng phải chu toàn bổn phận của mình. Sống có trách nhiệm với bản thân và với những người liên hệ, đó cũng là bổn phận của mỗi cá nhân. Không chú ý thực thi bổn phận và trách niệm của mình, cuộc sống này sẽ mất ý nghĩa. Đặc biệt trong lãnh vực gia đình, để duy trì hạnh phúc, mỗi thành viên phải có trách nhiệm đối với gia đình và đối với mọi thành viên khác.
Gia đình được gọi là tổ ấm. Nhà cao cửa rộng và đầy đủ tiện nghi chưa chắc đã xây được tổ ấm, vì “chất liệu” để xây tổ ấm không chỉ là vật chất, mà là tình yêu thương, lòng nhân hậu và sự gắn kết giữa mọi thành viên của gia đình.
Sau khi mừng lễ Giáng Sinh, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một tổ ấm, đó là gia đình Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Gia đình Nagiarét được gọi là “Thánh gia”, tức là gia đình thánh thiện và những thành viên của gia đình này đều là những vị thánh. Thánh Luca kể lại một sự kiện thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Đây chính là hồi ức của Đức Maria, cũng là điều Đức Mẹ luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Từ sự kiện cậu bé Giêsu bị lạc nhân dịp lên Giêrusalem dự lễ, chúng ta thấy những thành viên của gia đình Nagiarét đều là những người sống có trách nhiệm với nhau.
Trước hết là trách nhiệm của Chúa Giêsu với sứ vụ Chúa Cha đã trao phó. Câu trả lời của Chúa với Đức Maria đã chứng minh điều đó: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Nhiều lần, Chúa Giêsu khẳng định Người đến trần gian để thi hành ý của Chúa Cha. Mọi hành động, lời nói và trọn vẹn cuộc sống của Người là nhằm thực hiện ý Chúa Cha, kể cả biến cố thập giá. Là một thành viên trong gia đình Nagiarét, Chúa Giêsu cũng chu toàn bổn phận trong gia đình. Là một cậu bé 12 tuổi, sự chu toàn ấy được thể hiện qua việc Người vâng phục Đức Maria và Thánh Giuse, như thánh sử Luca đã ghi lại (câu 51).
Nếu Chúa Giêsu luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa Cha, thì thánh Giuse và Đức Maria cũng là những người chuyên tâm tuân giữ Lề Luật, tức là chu toàn trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Việc ông bà đi lễ hằng năm tại Giêrusalem đã chứng minh điều này. Để đi hành hương theo Luật định ông bà phải vượt qua quãng đường xa, vất vả gian nan và chấp nhận những bất tiện. Dưới ngòi bút của sử gia Luca, ông bà cũng được trình bày như người cha người mẹ có trách nhiệm đối với con mình. Thực ra cậu bé Giêsu không bị lạc, mà Người chủ ý ở lại trong Đền thờ. Đây cũng là dịp để Người ra mắt các vị hiền sĩ, các bậc thày thông thái của Đền thờ. Thánh Luca không ghi lại nội dung tranh luận giữa cậu bé Giêsu và các bậc thày. Có thể đó là những tranh luận mang nội dung niềm hy vọng thiên sai, hoặc những nội dung chứa đựng lời Kinh Thánh. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các bậc thày như một cuộc “ra mắt” để Chúa Giêsu trình diện với Dân riêng, mà đại diện là các bậc lão thành thông thái của Đền thờ.
Người yêu mến Chúa và tuân giữ lề luật của Ngài, là người luôn biết tạ ơn vì những hồng ân đã lãnh nhận do lòng thương xót của Chúa. Bà Anna sinh con ở tuổi cao niên đã cảm nhận được sự can thiệp lạ lùng của Chúa, đã đến đền thờ Silô cùng với con mình để dâng con cho Chúa. Đây cũng là dịp để bà tạ ơn Ngài, vì bà đã sinh con cách lạ lùng.
Những nhân vật được nêu trong các bài đọc của Phụng vụ lễ Thánh gia năm C này đều là những gương mẫu cho chúng ta trong đời sống gia đình. Năm tới, 2019, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mọi tín hữu hãy quan tâm đồng hành với các gia đình đang gặp khó khăn. Một trong những lý do dẫn tới gia đình tan vỡ, là những thành viên thiếu trách nhiệm đối với nhau. Khi không quan tâm đến nhau, gia đình có nguy cơ trở thành quán trọ hay một chung cư, mặc ai nấy đi về, niềm vui không được chia sẻ, nỗi buồn không được động viên. Thiếu quan tâm đến nhau sẽ làm cho những người thân trở thành xa lạ, dẫn tới bạo lực gia đình và chia tay đổ vỡ.
Được gợi hứng từ giáo huấn của Thánh Phaolô (x. 1Cr 13,4-7) và Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu” của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong “Tâm thư gửi các gia đình Công giáo”, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã diễn giải những khía cạnh khác nhau của tình yêu gia đình, dựa trên “Bài ca đức mến” (x. 1 Cr 13,407).
tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;
tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;
tình yêu hi vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực. (Trích Tâm thư gửi các gia đình Công giáo năm 2017, số 8).
Mỗi chúng ta hãy noi gương gia đình Nagiarét và nỗ lực xây dựng gia đình mình thành tổ ấm yêu thương, nơi có Thiên Chúa ngự trị và nơi có tình yêu làm mối dây liên kết mọi thành phần gia đình.
“Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc” (Khuyết danh).
TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org