“Thầy thuốc, dấu chỉ của lòng thương xót”
Đáp lại lời mời gọi của của Cha Đa Minh Trần Công Hiển – Đặc Trách Giới Thầy Thuốc Giáo phận, gần 130 bác sĩ, điều dưỡng, nha sĩ, dược sĩ… thuộc các giáo hạt Phước Lý, Long Thành, Biên Hòa, Tân Mai, Hố Nai, Hòa Thanh đã đến tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng tại Giáo xứ Hà Nội, Giáo hạt Hố Nai vào sáng thứ bảy 14/12/2019 vừa qua. Đây là cơ hội quý giá để những thầy thuốc có thời gian lắng đọng tâm hồn, dọn đường cho Chúa khi cùng nhau cật vấn bản thân đã trở nên dấu chỉ của lòng thương xót khi cứu giúp bệnh nhân, cũng như giúp ai đó tìm đến niềm hy vọng vào sự sống trong Chúa Giêsu hay chưa?
8g30, sau những lời kinh xin ơn thánh hóa, Ths Bác sĩ Lan Hải đã chia sẻ đề tài “Thầy thuốc, dấu chỉ lòng thương xót”, một đề tài khá gần gũi và cụ thể trong việc đóng góp với chương trình mục vụ của giáo phận trong năm 2019-2010 “Gia Đình và Giới Trẻ hãy là chứng nhân của Lòng Thương Xót – Người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện”. Từ kinh nghiệm cá nhân khi sẻ chia với đồng nghiệp, bác sĩ Lan Hải đã gợi lên những khái niệm lòng thương xót trong chính thiên chức nghề nghiệp và y đức của giới y bác sĩ. Lòng thương xót nơi người thầy thuốc, với chị, cũng chính là chất nhựa sống chảy trong thân cây của những giá trị sống nơi con người. Đặc biệt, với người thầy thuốc, lòng thương xót xem ra lại có chỉ số, và được thực hiện “gấp đôi”. Bởi lẽ, nơi thiên chức thầy thuốc, ở đó không chỉ là y đức, nhưng còn là lòng thương xót chảy từ bên trong ra bên ngoài trong khi họ thực hiện sứ mạng của mình. Thêm nữa, nếu nghề nghiệp ngành y đòi hỏi người thầy thuốc phải đạt tới kỹ năng, sau đó nâng lên thành nghệ thuật, nó vẫn chưa thể đủ, và buộc phải đẩy lên tới lòng thương xót nữa. Nên dẫu cho khi người thầy thuốc bất lực, không cứu chữa được bệnh nhân, thì họ vẫn có thể biểu lộ lòng thương xót cảm thông, chia sẻ với người khác trong nhiều cách thế khác nhau.
Sau bài chia sẻ, quý y bác sĩ đã cùng nhau thảo luận theo nhóm với các câu hỏi “Thầy thuốc Công Giáo làm được gì để cứu giúp những người trẻ có ý định tự tử/ muốn ngừa hoặc phá thai/ muốn ly dị hay đã ly dị/ nghiện ma túy hay ngáo đá/ nghiện smartphone/ mắc bệnh ung thư?”
Sau những trao đổi tích cực tham gia của các cá nhân nơi mỗi nhóm, đại diện các nhóm đã trình bày phần đúc kết của nhóm mình với sự tham dự của Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Phụ Tá Giám Mục, Cha Đặc trách Đa Minh, cùng quý cha trưởng ban các giáo hạt. Với những vấn nạn nhức nhối từ ngoài xã hội cho đến trong nhà, quý thầy thuốc đã biểu tỏ sự ray rứt, trăn trở của tiếng lương tâm khi đang thực hiện ngành nghề với những băn khoăn làm cách nào để cứu giúp những bệnh nhân, những người đến với họ mang theo nhiều khủng hoảng, căn bệnh, những bất ổn tâm lý và tinh thần. Trước những điều xem ra khó khăn hay bế tắc của bệnh nhân, các thầy thuốc đưa ra xác tín rằng “niềm tin và hy vọng sẽ cứu chữa họ”, và đặc biệt, họ cần phải cầu nguyện cho bệnh nhân- bệnh thể lý, tâm lý và tinh thần- khi tham gia cứu chữa. Để rồi, quý thầy thuốc khẳng định, trong lãnh vực nghề nghiệp của ngành y mà họ đang phục vụ, đó là những cơ hội để họ truyền thông tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Với sự hiện diện thay mặt Đức Giám Mục Giáo phận, Đức Cha Phụ tá Gioan cũng chia sẻ những suy tư của ngài với các thầy thuốc tham gia buổi tĩnh tâm. Ngoài việc biểu lộ niềm vui vì được hiện diện, được lắng nghe những chia sẻ, Đức Cha Gioan còn nói đến sự xúc động cá nhân khi nhận ra những băn khoăn, ray rứt, cho đến những khát mong trở nên dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa nơi những thầy thuốc. Nhắc đến lời của Chúa Giêsu trong mỗi lần Người cứu chữa các bệnh nhân “Niềm tin đã cứu chữa con”, Đức Cha phụ tá nói rằng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tin, một điều kiện để được Người chữa lành. Cũng cùng một danh từ, một điều kiện ấy, dù họ bệnh thể xác, hay bệnh tâm linh do tội lỗi “đức tin của con đã cứu chữa con”, cho thấy Chúa Giêsu vừa là vị Lương y chữa lành tật bệnh, vừa là Đấng cứu độ. Đối với những y bác sĩ, “chúng ta được trao sứ mạng, vừa cứu và vừa chữa (cứu chữa).” Sự gần gũi ân cần, sẽ tăng cường tâm lý cho người bệnh, giúp họ có thể vượt qua được những khủng hoảng tinh thần, hay lo lắng, sợ hãi từ căn bệnh của mình. Đức Cha cũng nhắc lại một yếu tố quan trọng mà các nhóm đều đề cập: “cầu nguyện”- gắn liền với “cứu”, “vì chúng ta biết bên trên con người, đằng sau cuộc đời, là điều cao vời hơn. Sự cầu nguyện và sự hiện diện của người thầy thuốc bên cạnh trong công việc nghề nghiệp của họ, cuối cùng là để Thiên Chúa được vinh danh ”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Đức Cha Gioan còn mở rộng cái nhìn trong lãnh vực thần học về sự sống tuyệt vờitrong chính cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, đã đến để chữa và cứu con người. Trong trải nghiệm giống như con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, Chúa Giêsu hiểu thấu những nỗi đau khổ của con người, để rồi, chính Người đã nâng những đau khổ ấy lên trên thập giá, bằng cái chết để cứu con người, để ban cho con người sự sống mới nhờ sự phục sinh của Người. Đức Cha mong các thầy thuốc nhớ rằng “bên kia cái chết là sự sống”, và lời giải đáp này nằm ở mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu, nằm ở niềm tin mà họ tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. “Hãy chăm sóc sự sống con người từ khởi đầu trong bào thai, cho đến khi họ lìa đời”, và thực thi nghề nghiệp trong hạnh phúc vì chúng ta có niềm tin và hy vọng vào Chúa với những cách chữa lành của Người, và chính họ, những y bác sĩ là những công cụ của Chúa để Người chữa lành những bệnh nhân, thi thố lòng thương xót của Người qua bàn tay và tâm hồn, đạo đức, niềm tin của những người thầy thuốc Công Giáo.
Đỉnh cao của buổi tĩnh tâm chính là Thánh Lễ do Đức Cha Phụ tá cử hành để cầu nguyện cho các thầy thuốc Công Giáo- hay không Công Giáo- trong Giáo phận có được niềm tin, hy vọng khi cứu chữa bệnh nhân của mình. Cầu nguyện cho họ uôn cố gắng trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Chúa khi tiếp xúc, thực hiện chuyên ngành trên những bệnh nhân. Đồng thời, lời cầu nguyện cũng hướng đến xin ơn sủng Chúa ban cho những thầy thuốc luôn có được sự sáng suốt, khôn ngoan và tận tâm để giúp đỡ những người trẻ có cơ hội trưởng thành toàn diện, giúp những cặp vợ chồng trẻ có thể vượt qua được những thử thách, khó khăn để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân của họ cho đến trọn đời như chính bí tích tình yêu hôn nhân mà họ đã kết ước.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, một lần nữa, Đức Cha Phụ tá đã mong ước quý thầy thuốc hãy dùng trí hiểu của họ không những dành cho chuyên môn của mình, nhưng còn để dành cho việc tìm kiếm, kết nối với Chúa qua Lời Chúa. “Xin quý thầy thuốc hãy có nơi mình một cuốn Kinh Thánh và hằng ngày dành ra 10-15 phút để gặp Chúa trong chính Lời của Ngài”, nhờ đó, những thầy thuốc sẽ thực thi nghề nghiệp trong hướng dẫn của Chúa, được sống và sống dồi dào trong sứ mạng, chuyên ngành của mình.
Cầu xin sự tốt lành, tình yêu và lòng thương xót từ Thiên Chúa mà những thầy thuốc Công Giáo nhận được, sẽ tiếp tục được trao ban, trở thành nguồn suối mát chảy đến với các bệnh nhân, qua mỗi lần họ tư vấn, khám chữa bệnh, chăm sóc, cứu chữa người khác.
Tin, ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
Nguồn: giaophanxuanloc.net