Ngôn sứ của niềm hy vọng – Bài giảng Chúa nhật 23 thường niên năm A
Như ngôn sứ Egiêkien, mỗi chúng ta hãy trở nên ngôn sứ của niềm hy vọng, chiếu rọi ánh sáng của Chúa vào những góc khuất của cuộc đời và đem niềm vui của Chúa đến cho đồng loại hôm nay.
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được trao ban ba chức năng quan trọng, đó là: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Chức năng ngôn sứ để rao giảng Lời Chúa; chức năng tư tế để thánh hoá bản thân và góp phần thánh hoá môi trường xã hội; chức năng vương đế để cộng tác trong việc quản trị và xây dựng cộng đoàn đức tin. Cả ba chức năng này làm thành vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu. Nhờ ba chức năng này, người tín hữu giáo dân không chỉ là những thành viên thụ động, dửng dưng với những sinh hoạt chung, nhưng là những thành viên tích cực tham gia làm cho cộng đoàn Giáo Hội địa phương sinh động và phát triển.
Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến chức năng ngôn sứ. Như vừa nói ở trên, chức năng này giúp chúng ta loan báo Lời Chúa. Ngôn có nghĩa là Lời; Sứ là được sai đi. Người tín hữu được Chúa sai đi để nói Lời Ngài trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn.
Lịch sử và truyền thống Do Thái giáo ghi đậm dấu ấn từ giáo huấn của các ngôn sứ. Trong Cựu ước, Chúa dùng các ngôn sứ để ngỏ lời với dân riêng được tuyển lựa. Thông điệp của các ngôn sứ mang nội dung rất phong phú: khiển trách, cảnh cáo, lên án, báo trước tai hoạ, khen ngợi, tuyên dương. Dù được sai đi để chuyển tải sứ điệp nào, các ngôn sứ đều phải trung thành với nhiệm vụ được trao. Bài đọc I hôm nay ghi lại lời Chúa căn dặn ngôn sứ Egiêkien. Ông sống và thi hành sứ vụ ở thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Chúa nói rõ với ông: “Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel”. Chúa cũng cảnh báo: phải trung thành với sứ mạng, và phải chuyển tải thông điệp một cách trung thực, không sợ hãi. Nếu ngôn sứ tránh né không dám nói sự thật, thì chính ông phải gánh chịu những hậu quả và tai ương. Egiêkien là ngôn sứ của niềm hy vọng. Ông chuyển tải cho dân chúng giáo huấn của Chúa nói về những bộ xương khô sẽ trở lại thành những con người sống động, những nấm huyệt sẽ được mở ra và những trái tim khô cằn chai đá sẽ được thay thế bằng trái tim bằng thịt biết yêu thương. Giáo huấn của ông đã góp phần nuôi dưỡng niềm hy vọng của dân Israel trong cảnh lưu đày, giúp dân chúng vững tin vào Chúa trong khi chờ đợi ngày trở về quê cha đất tổ (x.Ez chương 36 và 37).
Đối với chúng ta hôm nay là người Kitô hữu, đâu là nhiệm vụ của người ngôn sứ? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong Tin Mừng. Thánh Mátthêu đã tổng hợp trong một đoạn văn ngắn giáo huấn của Chúa ở ba lãnh vực: sửa lỗi anh em, bao dung tha thứ, và cầu nguyện cộng đoàn. Mặc dù phân chia ba nội dung, nhưng đều có chung một ý tưởng, đó là sống với tha nhân, sống cho tha nhân và cùng cầu nguyện với tha nhân. Đây chính là nhiệm vụ của người ngôn sứ: nhắc nhở người khác trong tình bác ái khi họ làm điều sai lỗi, với sự khiêm nhường và với trái tim chân thành. Cộng đoàn xã hội cũng như cộng đoàn Đức tin luôn bao gồm những người tốt và những người chưa tốt. Chẳng ai có thể tự nhận mình là đã hoàn hảo. Mỗi chúng ta còn mang nhiều khiếm khuyết, mặc dù có thể hoàn hảo ở một khía cạnh nào đó. Chính vì vậy mà mỗi khi cử hành Thánh lễ, điều đầu tiên là chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của mình và thân thưa với Chúa: Xin Chúa thương xót chúng con!. Việc sửa lỗi anh em là một nghĩa cử của đức bác ái, nên phải được thực hiện trong tình yêu thương như Chúa đã dạy. Người tín hữu vừa có bổn phận sửa lỗi người khác, vừa phải khiêm tốn lắng nghe những lời góp ý để hoàn thiện bản thân.
Con người sống trên trần gian không như những ốc đảo riêng biệt và khép kín, theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”, nhưng liên đới với nhau và cùng chung chia hạnh phúc cũng như đau khổ. Một người sống vô trách nhiệm, hoặc không quan tâm đến ích chung sẽ làm cho những người xung quanh bị ảnh hưởng lây, giống như đại dịch Covid-19 đang hoành hành nhân loại, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Ngày nay người ta cũng nói nhiều đến ô nhiễm môi trường do các công ty xí nghiệp tự tiện xả rác thải hoặc do nhiều người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Xã hội không chỉ ô nhiễm môi trường trong không gian, mà còn trong lãnh vực luân lý do lối sống buông thả và coi thường đạo lý. Hậu quả là ngày càng có nhiều vụ giết người cướp của, bạo lực và thù hằn ngay giữa những thành viên trong cùng một gia đình. Những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị chính mẹ ruột của mình giết chết hoặc bỏ rơi. Tình mẫu tử đã khô cạn và tình nhân loại cũng không còn.
“Dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, đây là lần thứ hai Chúa Giêsu nói đến “Cầm buộc” và “Tháo cởi”. Tuy vậy, dựa theo ngữ cảnh, thì hai lần Chúa nói mang ý nghĩa khác nhau. Lần trước Chúa trao quyền cho thánh Phêrô chìa khoá Nước Trời với lời tuyên bố: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). Qua lời này, Chúa trao cho thánh Phêrô và Giáo Hội quyền lãnh đạo đoàn chiên của Chúa, duy trì kỷ luật và giúp các tín hữu nên hoàn thiện. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói đến sự tha thứ bao dung, như một nhân đức cần phải có nơi mỗi người tín hữu. Nếu họ cố chấp không tha thứ cho người khác, Chúa cũng sẽ không tha thứ cho họ. Lòng bao dung quảng đại đối với tha nhân là một điều kiện căn bản để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đây cũng là ý nghĩa của lời cầu nguyện chúng ta vẫn đọc trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đó là nguyên tắc “gieo nhân nào gặt quả nấy” trong truyền thống Việt Nam, hoặc “đong đấu nào nhận đấu ấy” mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng. Nếu chúng ta khe khắt với anh chị em mình, thì Chúa cũng khe khắt với chúng ta.
“Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” – Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta như thế. Vị tông đồ dân ngoại có lý, vì luật yêu thương bao trùm tất cả. Chính tình yêu nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa và giúp ta sống hài hòa với anh chị em mình. Thánh Augustinô cũng nói với chúng ta: “Ama et fac quod vis”: Cứ yêu đi rồi sẽ làm được mọi sự”. Ở nơi khác, ngài cũng viết: “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân”. Đó chính là hoa trái của Đức yêu thương. Tình yêu giúp chúng ta chiến thắng tất cả. Tình yêu là chu toàn Lề Luật.
Tình yêu đối với tha nhân còn là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa nhận lời chúng ta cầu xin. “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thày, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”. Lời cầu nguyện chung giữa hai hoặc nhiều người là lời cầu nguyện đặt nền tảng trên tình yêu thương. Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, đến nỗi Chúa Giêsu nhấn mạnh “Xin bất cứ điều gì” cũng được Chúa Cha nhận lời.
“Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác nhà Israen…”. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, Chúa đang đặt chúng ta làm “người canh gác”, tức là người có khả năng và có trách nhiệm cảnh báo cho người khác những nguy hiểm đang rình rập: có thể đó là lối sống buông thả, coi thường luân thường đạo lý. Có thể đó là sự dửng dưng với Thiên Chúa và những giá trị tâm linh. Đó còn là những mâu thuẫn, hận thù, dối trá, lừa lọc, chỉ nhìn những lợi lộc nhất thời trước mắt mà không chú ý đến tiếng nói của lương tâm và những ích lợi lâu dài. Một cuộc sống ngay thẳng, tốt lành của người tín hữu sẽ giống như lời nhắc nhở và cảnh báo đối với những người xung quanh. Họ giống như những biển báo giao thông được đặt hai bên đường, giúp người giao thông tránh những chỗ nguy hiểm, tuân thủ những quy định, hầu đem lại an toàn và hạnh phúc cho mọi người. Như ngôn sứ Egiêkien, mỗi chúng ta hãy trở nên ngôn sứ của niềm hy vọng, chiếu rọi ánh sáng của Chúa vào những góc khuất của cuộc đời và đem niềm vui của Chúa đến cho đồng loại hôm nay.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org