“Tôi phải làm gì?” – Bài giảng Chúa nhật 28 thường niên năm B
Một bạn trẻ đã đến với Chúa Giêsu và đặt câu hỏi: “Thưa Thày, tôi phải làm gì?” Bạn trẻ này là đại diện của số đông những người đang đi kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời. Quả vậy, cuộc sống là một hành trình liên lỉ kiếm tìm hạnh phúc. Có điều là quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người lại khác nhau.
Chàng thanh niên trong Tin Mừng được kể là một người đạo hạnh. Từ thuở nhỏ, anh nghiêm túc tuân giữ những gì Chúa dạy trong luật Môisen: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ. Anh rất tự tin để khẳng định với Chúa Giêsu về những thực hành đạo đức của mình. Tuy vậy, Chúa muốn cho anh tiến xa hơn trên con đường trọn lành. Xem ra Chúa chưa hài lòng về những gì anh đã và đang làm. Người đặt ra một điều kiện: ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mọi sự. Khi Người yêu cầu người thanh niên bán hết mọi gia sản, tức là Người đòi hỏi anh phải từ bỏ những gì gắn bó, thậm chí từ bỏ chính bản thân để theo Chúa.
Tôi phải làm gì? Đó cũng là câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra thường xuyên, để lượng giá những việc mình đang làm và mục đích mình đang hướng tới. Câu hỏi này cũng giúp chúng ta nhìn lại bản thân, để nhận ra sứ vụ mà Chúa muốn mình phải thực hiện trong cuộc sống. Sống trên đời, mỗi người có một sứ vụ phải hoàn thành. Tuy vậy, để nhận ra sứ vụ đích thực của cuộc đời là một vấn đề khó khăn. Có nhiều người long đong lận đận, ôm nhiều ảo mộng, nên đã ở tuổi xế chiều vẫn chưa xác định được sứ mạng cuộc đời của mình.
Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? Thưa, cần có ơn khôn ngoan. Bài đọc I chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết của ơn khôn ngoan. Tác giả đã nói đến giá trị của sự khôn ngoan như sau: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn”. Theo giáo huấn của Giáo Hội, ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn này giúp chúng ta nhìn rõ bản chất của sự việc hay của một con người, chứ không quan sát theo cảm tính hay theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Vì những gì bóng bẩy bên ngoài thì hay đánh lừa giác quan. Giống như cách tiếp thị của dịch vụ quảng cảo trên các phương tiện truyền thông. Trong số những quảng cáo này, có nhiều sản phẩm là hàng giả hoặc kém chất lượng, nhiều người đã bị lừa và tiền mất tật mang.
Cũng theo giáo huấn của Giáo Hội, sự khôn ngoan đích thực là Thiên Chúa. Sự khôn ngoan ấy được ngôi vị hoá nơi Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người là Đấng Cứu độ trần gian. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Qua lời tuyên bố này, Người khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Người dẫn tới Chúa Cha, là nguồn mạch của mọi ơn phúc.
Tin vào Đức Giêsu Kitô, đó là bí quyết để đạt được khôn ngoan và cũng đạt được hạnh phúc đời này và đời sau. Khi nghe Chúa Giêsu so sánh việc vào Nước Trời khó khăn giống như con lạc đà chui qua lỗ kim, thánh Phêrô đã nói với Chúa: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Lời thánh Phêrô diễn tả mối băn khoăn của ông khi theo Chúa. Đó cũng là mối băn khoăn của chúng ta: theo Chúa thì được gì? biết bao nhiêu người không theo Chúa mà cũng hạnh phúc sung sướng. Chúa hứa với thánh Phêrô và các môn đệ: họ sẽ được gấp trăm những gì họ đã từ bỏ vì Chúa. Thực tế đã chứng minh: đối với linh mục và tu sĩ, là những người từ bỏ mọi sự trần gian để theo Chúa, Chúa ban cho họ gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần.
Cùng với tác giả Thánh vịnh 89, chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con”. Giữa thời buổi bất an và tràn ngập những ưu tư lo lắng, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan và nghị lực để chúng ta can đảm chọn lựa Chúa, với xác tín Chúa sẽ thưởng gấp trăm những gì chúng ta dám hy sinh vì Ngài.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org