Ăn chay và ăn mặn
Đời đáng sống, hay không đáng sống…
Trong những ngày này, người Công giáo đang sống trong những ngày gọi là “Mùa Chay”. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro. Mùa Chay là mùa hy sinh hãm mình, thanh tẩy tâm hồn, canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn kỷ niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và mừng Đại Lễ Phục Sinh.
Chữ “CHAY” nơi đây hiểu theo một nghĩa hơi khác với ý niệm “CHAY” của một số tôn giáo khác. Như bên Phật giáo, chữ “CHAY” có nghĩa là “không ăn thịt”, chỉ ăn rau, hoa trái. “Chay trường” là kiêng ăn thịt suốt đời, hoặc trong một thời gian lâu dài; hoặc ăn chay theo ngày như “mồng một và ngày rằm”. Vì thế có danh từ “ĂN CHAY” và “ĂN MẶN”. Có những trường phái hoặc những người chủ trương “ăn chay” (vegetarian) để chữa bịnh, hoặc để tu luyện, như những tu sĩ nam nữ trong các dòng khổ tu Công giáo, như “Châu Sơn”, “Phước Sơn”, dòng tu Camêlô…
Chữ “chay” bên Công giáo hiểu là “ăn ít đi”, ngày ăn chay là ngày chỉ ăn một bữa chính và một bữa ăn nhẹ, và không ăn “vặt” giữa các bữa ăn, trừ những vị đã già nua, hoặc những người bệnh tật. Còn “kiêng thịt” mới là ngày không ăn thịt. Ngày xưa, người Công giáo không ăn thịt ngày thứ Sáu suốt năm để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập tự giá để chuộc tội nhân loại. Bây giờ chỉ còn “kiêng thịt ngày thứ Sáu trong Mùa Chay”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kiêng thịt ngày thứ Sáu quanh năm, có người kiêng thịt ngày thứ Sáu và ngày thứ Tư trong tuần.
Trong Mùa Chay, người Công giáo chỉ buộc vừa ăn chay (chỉ buộc những người từ 18 tuổi đến 59 tuổi), vừa kiêng thịt (chỉ buộc những người từ 14 tuổi trở lên), trong hai ngày là ngày “Thứ Tư Lễ Tro” (ngày mở đầu Mùa Chay Thánh) và ngày “Thứ Sáu Tuần Thánh” (ngày đặc biệt kỷ niệm của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu). Những người đau ốm hoặc quá già nua tuổi tác thì không phải giữ những luật trên đây.
Như vậy, so với các tôn giáo bạn, thì lề luật “ăn chay”, “kiêng thịt” của Giáo hội Công giáo rất là nhẹ nhàng. Lý do, vì Giáo Hội coi các lề luật, kể cả đi dâng lễ ngày Chúa Nhật, chỉ là nhưng “hướng dẫn cụ thể” để mọi người tuỳ theo hoàn cảnh, tuổi tác tự làm lấy những công việc đó một cách tự nguyện do đức tin chân thành và lòng yêu mến Chúa, chứ không chỉ làm vì sợ tội, sợ hình phạt. Giống như những người con hy sinh thời giờ đến thăm cha mẹ, hoặc giữ những lời chỉ bảo của cha mẹ, vì lòng hiếu thảo, yêu mến cha mẹ, chứ không chỉ vì sợ cha mẹ la mắng, hoặc cha mẹ ghét bỏ. Đó là thái độ “sống đạo trưởng thành”, với tấm lòng, với tình yêu thương, chứ không phải chỉ vì sợ tội. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Hơn nữa, Mùa Chay không phải chỉ gồm có ăn chay, kiêng thịt, mà quan trọng ở chỗ “hy sinh hãm mình”, tập luyện ý chí để tự kiểm soát con người của mình (self-control) không bị “danh, lợi, thú” điều khiển cuộc đời của mình.
Như vậy, Mùa Chay là thời gian đặc biệt để mọi người tự thanh luyện con người của mình, làm mới lại con người của mình; nhờ ơn Chúa Thánh Thần giúp đỡ để canh tân đời sống. Thực ra đó là những điều mà mỗi người chúng ta đều phải làm hằng ngày để cải thiện con người của mình, để mỗi ngày trở nên tốt hơn, mới hơn (tân nhật tân); hôm nay phải cố gắng để “mới hơn hôm qua”. Đó là một cuộc hành trình đức tin để tiến lên gần Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ… Mỗi ngày chúng ta tiến gần cái chết hơn, đến gần nấm mồ của chúng ta hơn và cũng là tiến gần đến với Chúa hơn. Con đường sống đạo là con đường đi lên, vươn lên mãi mãi.
Một cách cụ thể, trong Mùa Chay, mỗi người thường được nhắc nhở phải cầu nguyện nhiều hơn, ăn chay hãm mình nhiều hơn; nhưng phải đưa đến hiệu quả là “sống bác ái, vị tha” hơn, qua các công việc từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó trên thế giới, thường được gọi là “làm phúc, bố thí”. Danh từ “bố thí” bây giờ không còn được dùng; vì làm việc từ thiện là một “chia sẻ” trong tình nhân loại, chứ không phải là việc “bố thí” ban phát của người giàu cho người nghèo.
Trong Mùa Chay, mọi người đều được nhắc nhở đọc, suy ngẫm và đưa vào thực hành hằng ngày, những đoạn Kinh Thánh trong sách Cựu Ước cũng như Tân Ước nói đến tinh thần công bằng, bác ái.
Trong Cựu Ước, Tiên tri Isaia nhắc nhở: “Việc ăn chay mà Thiên Chúa muốn, đó là: mở xiềng xích trói buộc cho người bị áp bức, đem tự do cho người bị đàn áp, phá tan gông cùm xiềng xích bất công. Cho người đói ăn; tìm nơi trú trọ cho người không nhà cửa; đem áo mặc cho người trần trụi…” (Isaia 58,6…). Tiên tri Ezechiel kêu gọi: “Không áp bức người ta, trả lại của cải cho người cầm cố; không gian lận của người khác; cho người đói ăn; cho người trần trụi áo mặc. Không cho vay để lấy lời nặng, không gây oan khiên…” (Ezekiel 18,7…). Trong sách Thứ Luật, có đoạn viết: “Anh em đừng cứng lòng, đừng khép lòng với người thiếu thốn; nhưng hãy rộng tay giúp đỡ họ trong cơn túng cực…” (Thứ luật 15,7…); hoặc: “Hãy lắng nghe những lời than van của đồng loại; hãy công bằng trong việc xét xử cho cả hai bên, dù một bên là ngoại kiều. Khi xét xử, đừng nể vị, hãy lắng nghe người bình dân cũng như người quyền thế” (Thứ Luật 1,16…). Sách Cách ngôn viết: “Đừng bóc lột người nghèo khổ vì họ nghèo khổ; đừng áp bức những người yếu thế nơi xử án…” (Cách ngôn 22,22…). Đặc biệt, Tiên tri Giêrêmia viết: “Hãy thi hành sự công minh, chính trực; hãy giải thoát người bị áp bức; đừng ngược đãi, hành hung những người ngoại kiều, kẻ mồ côi, người góa bụa. Không được đổ máu những người vô tội…” (Giêrêmia 22,3…).
Kinh Thánh Tân Ước càng nhấn mạnh rõ ràng hơn về việc thực hành đức tin qua việc tôn trọng phép công bằng và lòng thương, giúp đỡ mọi người, nhất là những người gặp cảnh khó khăn thiếu thốn. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa thì chưa có ai nhìn thấy bao giờ; nhưng nếu chúng ta thương yêu nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới được hoàn hảo…” (1 Gioan 4,12…). “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở trong người đó được? Anh em thân mến, anh em đừng yêu thương nhau trên đầu môi, chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm!” (1 Gioan3,17…). Thánh Giacôbê viết: “Thưa anh em, anh em nói mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin có thể cứu rỗi người đó được chăng? Giá như có người anh em nào không có áo che thân, không đủ ăn hằng ngày, mà anh em nói: Hãy đi bình an, mặc cho ấm, và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ họ đang cần, thì nào có ích gì? Đức tin không hành động là đức tin chết!” (Thư Giacôbê 2,14…). Chỗ khác Thánh Giacôbê viết: “Anh em đã tin vào Chúa Kitô thì đừng đối xử thiên tư. Giả như có một người bước vào dự cuộc hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời một người nghèo khó cũng vào, ăn mặc tồi tàn, mà anh em kính cẩn nhìn ngừơi ăn mặc lộng lẫy và nói: xin mời ông vào ngồi chỗ danh dự này; còn với ngừơi nghèo anh em lại nói: Đứng đó! Hoặc: Ngồi dưới chân tôi đây này! Như vậy là anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và là những kẻ đối xử bất công đầy tà tâm đó sao!” (Thư Giacôbê 2,1…).
Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài đã sinh ra trong gia đình nghèo khó, sống cuộc đời nghèo khó (Con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu!), và khi đi rao giảng Tin Mừng tình thương, Ngài đã luôn đến với người nghèo khó, bệnh hoạn, phong cùi để an ủi và chữa lành cho họ. Ngài đã nói nhiều dụ ngôn để kêu gọi mỗi tín hữu hãy biết thương yêu giúp đỡ người nghèo; như trong dụ ngôn “Người nhà giàu và ông Lazarô nghèo khó”: Người giàu có ăn mặc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Trong khi ông Lazarô thì nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm ở cổng người nhà giàu, thèm được ăn những mảnh vụn từ bàn ăn của người nhà giàu rớt xuống mà ăn cho đỡ đói; nhưng chẳng ai cho. Cuối cùng thì ông Lazarô chết và người nhà giàu cũng chết. Nhưng số phận hai người sau cái chết khác hẳn nhau. Ông Lazarô được hưởng cuộc sống hạnh phúc nước trời; còn người nhà giàu phải chịu cảnh khốn khổ! (Luca 16,19…).
Mỗi người chúng ta đều phải chết, dù giàu, dù nghèo, và khi chết chúng ta đều trở về cát bụi, không mang theo chút của cải gì. Những gì chúng ta có thể mang theo để dâng lên Chúa đó là những gì chúng ta làm cho người lâm cảnh cùng khốn. Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta đi dâng lễ rất đông, và chúng ta đều lên chịu xức tro trên trán và nghe ca đoàn hát rất cảm động: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…”.
Ngày phán xét cuối cùng Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta theo những việc chúng ta đã làm cho Chúa qua việc giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh hoạn… Trong câu chuyện “Ngày phán xét chung”, Thiên Chúa nói với những người tốt lành, từ tâm: “Các con hãy vào hưởng hạnh phúc Nước Trời, vì xưa Cha đói các con đã cho Cha ăn, Cha khát đã cho Cha uống, Cha bệnh hoạn các con đã viếng thăm… Khi chúng con làm những điều đó cho anh em là chúng con đã làm cho chính Cha!…” (Mathêu 25,31…).
Chính những đoạn Kinh Thánh trên đã thúc đẩy nhiều linh mục, tu sĩ, cũng như các tín hữu đã hy sinh thời giờ, tiền của cũng như cả cuộc đời để lo giúp đỡ người nghèo khó trên thế giới, phục vụ người đau ốm, săn sóc những bệnh nhân trong các trại phong cùi như ở Việt Nam trước đây và cả hiện nay.
Công việc bác ái, từ thiện là việc chúng ta phải làm suốt năm, suốt đời. Nhưng đặc biệt trong Mùa Chay, chúng ta càng cần đọc và suy ngẫm Lời Chúa để đem vào thực hành trong đời sống, để âm thầm phục vụ tha nhân trong khiêm tốn với cả lòng thương người phát từ lòng chân thành của chúng ta qua tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần tự hỏi: Tôi đã làm gì để giúp đỡ Chúa qua những người cần được giúp đỡ?
Một cách thực tế chúng ta thử đặt vấn đề: Trong tủ áo của tôi có biết bao quần áo đắt tiền quý giá, nhiều khi mặc một lần rồi bỏ đó; trong khi trên thế giới có bao người không đủ quần áo để mặc cho ấm vào những ngày thời tiết lạnh giá!
Chúng ta có bao đôi giày mắc tiền, chỉ đi một lần rồi bỏ; trong khi trên thế giới có nhiều người nghèo, không có giày dép để đi.
Chúng ta ăn uống quá đầy đủ và bỏ đi bao đồ ăn dư thừa; trong khi nhiều người không có một bữa ăn no cho mình và cho con cái.
Lương tâm một con người lương thiện, một Kitô hữu không thể không đặt những vấn đề như vậy! Thực tế, đã có nhiều người đã đặt vấn đề, và đã rộng tay giúp đỡ các công cuộc từ thiện của Giáo Hội, nhờ thế hội từ thiện của Giáo Hội, thường được gọi là “Caritas" (Bác Ái) quốc tế, cũng như ở Hoa Kỳ hằng năm, nhất là vào Mùa Chay, đã nhận được nhiều tiền của để giúp các công cuộc từ thiện, các chương trình xã hội trên toàn thế giới.
Xin Chúa Thánh Thần canh tân đời sống chúng ta trong Mùa Chay Thánh này, để chúng ta cũng được “sống lại” với Chúa trong cuộc sống mới, rộng mở tâm hồn để cùng chung tay xây dựng hoà bình, thịnh vượng và phát triển trên toàn thế giới, và chúng ta được thấy cuộc đời chúng ta thật tốt đẹp, thật hạnh phúc và giàu ý nghĩa.
“Ăn Chay” hay “Ăn Mặn” là tuỳ sự lựa chọn và hoàn cảnh sống của mỗi người; tuy nhiên, “đời đáng sống hay không đáng sống?”, “đời chúng ta có hạnh phúc hay không?” là tuỳ thái độ sống của chúng ta và lòng từ tâm quảng đại của chúng ta!
Lm. Anphong Trần Đức Phương
Nguồn: conggiao.info