Cầu nguyện là nối liền nhịp cầu yêu thương – Bài giảng Chúa nhật 17 thường niên C
Cầu nguyện bắc một nhịp cầu nối liền trời với đất, xóa tan khoảng cách xa xôi và làm cho con người được nên một với Thiên Chúa trong những dòng tâm sự thân thương.
Đức Thánh Cha Benêđictô XVI, khi nói về cầu nguyện, đã viết: “Nếu không còn ai lắng nghe tôi nữa, thì vẫn còn Chúa lắng nghe tôi. Nếu tôi không còn có thể nói chuyện với ai, nếu tôi không còn có thể kêu cầu đến bất cứ người nào, tôi vẫn luôn có thể thưa chuyện cùng Chúa. Nếu không còn ai giúp đỡ, khi nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, thì Thiên Chúa vẫn có thể giúp tôi” (Thông điệp Spe salvi, số 32).
Cầu nguyện đem lại cho chúng ta những điều kỳ diệu. Con người phàm hèn có thể ngỏ lời với Đấng Tối cao và có thể lắng nghe Lời của Ngài. Cầu nguyện bắc một nhịp cầu nối liền trời với đất, xóa tan khoảng cách xa xôi và làm cho con người được nên một với Thiên Chúa trong những dòng tâm sự thân thương.
Sự “mặc cả” của ông Abraham với Đức Chúa được diễn tả rất “con người”. Điều đó cho ta thấy mục đích của lời cầu nguyện là làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa. Sự năn nỉ của ông cũng diễn tả một quan niệm bình dân về Thiên Chúa. Ngài cũng giống như một con người. Ngài mềm lòng trước lời than van và dường như Ngài nhượng bộ họ.
Một Thiên Chúa “không vui khi thấy tội nhân phải chết”, “chậm bất bình và hết sức khoan dung” là Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta. Ngài là Cha yêu thương và muốn cho chúng ta được những điều tốt lành. Chúng ta không còn phải ngần ngại e dè khi đến với Chúa. Chúa Giêsu đã cho chúng ta quyền được thân thưa “Lạy Cha” với Đấng Tối cao. Kinh Lạy Cha là lời nguyện hoàn hảo, cũng là lời nguyện duy nhất mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Đó là lời tâm sự rất thân tình như con thảo nói với cha mẹ. Mặc dù ngắn gọn, nhưng Kinh Lạy Cha đã gồm tóm tất cả giới răn của Chúa là mến Chúa yêu người. Kinh Lạy Cha không nặng về lý thuyết, nhưng rất cụ thể và là phương châm sống cho mỗi tín hữu để nối kết với tình Cha, cảm thông với tình người.
Kiên trì nhẫn nại là một điều kiện cần thiết khi cầu nguyện. Với cách diễn tả bình dân và dễ hiểu, Chúa Giêsu đã dùng một dụ ngôn để khẳng định điều này. Người cha thế gian mà còn biết thương con cái và chọn lựa những điều tốt cho con mình, huống chi là Thiên Chúa, Đấng quyền năng và nhân hậu vô cùng.
Một tác giả tu đức đã giải thích về lời cầu nguyện như sau: “Mỗi khi bạn cầu nguyện, Chúa sẽ trả lời bằng một trong ba cách này:
- OK, Ta đồng ý ban cho con điều con xin ngay lập tức.
- OK, Ta đồng ý ban cho con điều con xin, nhưng hãy thư thả chờ đợi một chút.
- OK, Ta biết rằng điều con xin là hợp lý, nhưng Ta có điều này tốt hơn cho con, và ta muốn ban cho con điều tốt hơn ấy.
Bạn thấy không, bao giờ Chúa cũng trả lời bằng sự đồng ý – OK”.
Mẹ Têrêsa Calcuta đã chia sẻ về cầu nguyện như sau: “Có những lúc bạn cảm thấy phân tâm không thể cầu nguyện được, đơn giản thôi: bạn hãy để Chúa Giêsu cầu nguyện cùng với Chúa Cha trong sự tĩnh lặng của tâm hồn bạn. Nếu tôi không thể nói, Chúa Giêsu sẽ nói thay tôi. Nếu tôi không thể cầu nguyện, Chúa Giêsu sẽ cầu nguyện thay tôi” (Trích từ La prière, fraicheur d’une source, tr. 15).
“Cầu nguyện là thứ rượu làm vui thỏa tâm hồn con người” (Thánh Bernard). Phải chăng nhiều người tín hữu không thiết tha với việc cầu nguyện là vì họ không cảm thấy sự dịu ngọt khi nghe Chúa nói và tâm sự với Ngài. Mỗi chúng ta khi đến với Chúa hãy giữ tâm hồn thinh lặng để cảm nghiệm hạnh phúc nơi sâu thẳm tâm hồn. Chính trong thinh lặng mà ta khám phá ra Thánh ý của Chúa và thực hiện ý Ngài trong đời.
Với lối so sánh rất đơn sơ mà sâu sắc, Thánh Gioan Maria Vianay chia sẻ kinh nghiệm với chúng ta: “Càng cầu nguyện, chúng ta càng ước muốn cầu nguyện. Như một con cá lúc đầu bơi trên mặt nước, sau đó, lặn xuống và càng lặn sâu hơn nữa thế nào, thì linh hồn cũng bơi, lặn và mất hút trong hương vị ngọt ngào của cuộc chuyện vãn với Thiên Chúa như vậy”.
Cầu nguyện là kiếm tìm và cảm nghiệm sự ngọt ngào của ân sủng cho đời sống tín hữu. Cầu nguyện còn hướng tới tha nhân, mang lại cho họ những điều tốt đẹp và giúp họ tránh những tai ương có nguy cơ xảy đến. Tác giả sách Sáng thế kể với chúng ta, nếu có mười người công chính trong thành Xơđôm, là những người biết cầu nguyện và sống đẹp lòng Chúa, thì thành ấy không bị tiêu diệt. Tiếc thay, một điều kiện rất đơn giản mà không có được. Thành Xơđôm đã bị lửa thiêu thành đống tro tàn.
Thế giới hôm nay cũng rất đang cần đến những người cầu nguyện và sống đạo đức công chính để nhờ đó mà Thiên Chúa không giáng phạt, nhưng chúc lành và cứu rỗi thế gian.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: daminhvn.net