Thánh Giuse trong mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh
Xin nhắc lại chu kỳ Kinh Thánh có 3 năm: Năm A là năm có số lẻ 1 (2014 chia cho 3 lẻ 1) đọc Tin Mừng theo Mathêu, năm B có số lẻ 2 (2015 chia cho 3 lẻ 2) đọc Tin Mừng theo Maccô, năm C có số chẵn (2016 chia cho 3), đọc Tin mừng theo Luca.
Tuần tới tuần thứ tư Mùa Vọng, đọc Mathêu 1,18-24 nói về truyền tin Chúa cho Thánh Giuse. Trước hết, đoạn văn trích dẫn một sự kiện có thực đã xảy ra để trình bày giáo lý, chứng minh rằng Chúa Giêsu thuộc dòng tộc Đavid, chứng minh rằng Ngài là Đức Kitô, chúng minh rằng nơi Ngài đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh Cựu Ước.
Vì thế, ta thấy Thánh Mathêu giới thiệu đầu tiên gia phả của Chúa Kitô và tiếp đến là vai trò của Thánh Giuse. Thánh Giuse đính hôn với Đức Maria, và trước khi về chung sống với nhau, Đức Maria đã thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse là người công chính không muốn tiết lộ mầu nhiệm đó, định tâm lìa xa cách kín đáo.
Đoạn văn kể trên nói lên sự trinh khiết của Đức Mẹ và sự công chính của Thánh Giuse. Công chính như thế nào? Theo Cựu Ước, người công chính là người tuân giữ hoàn hảo luật Chúa. Việc Thánh Giuse âm thầm lìa xa Đức Mẹ không đúng luật vì được dạy nếu có tội thì phải tố cáo, nếu li dị phải làm tờ ly hôn có ít là hai người làm chứng. Thế mà Thánh Mathêu nói Thánh Giuse là người công chính, điều này khiến ta phải hiểu từ ngữ “công chính” ở đây có mức độ cao hơn, vì không phải dựa vào luật lệ, bản văn có khi rơi vào hình thức, máy móc. Nhưng ở đây, ta thấy tinh thần tôn giáo của Thánh Giuse rất cao: Thánh Giuse không dám nhận Đức Maria về nhà mình vì ngài biết Đức Maria mang thai do quyền năng của Chúa, ngài không có quyền nhận đứa bé Thánh đó là con của mình. Ngài rút lui trong tâm tình kính sợ Thiên Chúa giống như tiên tri Isaia khiếp sợ trước vinh quang của Chúa, giống như Thánh Phêrô xin Chúa Giêsu xa đi trước mẻ cá lạ lùng. Từ ngữ “công chính” này cũng đã dùng cho trường hợp Abel.
Tiếp đến, Thánh Giuse còn đáng được gọi là công chính lần nữa qua việc mau mắn thực hiện sứ mệnh của Thiên Thần truyền cho ngài trong giấc ngủ “đưa Đức Maria về nhà mình” vì lẽ ngài phải từ bỏ ý nghĩ, cách thế ngài thi hành trước sự huyền bí của Đức Maria mang thai, và khi Đức Mẹ sinh Chúa Kitô ra, thánh nhân đã đặt tên cho Chúa Hài Nhi là Giêsu tức là nhận mình là “bố” và Chúa Giêsu là “con”, một chuyện đáng sợ ,nhưng vì tuân hành ý Chúa Thánh Giuse đã làm.
Hậu quả là nhờ sự vâng phục đó, nhờ sự công chính đó, Chúa Kitô đã được hội nhập vào dòng dõi Đavid. Đức Maria không bị mang tiếng và Lời Chúa được ứng nghiệm (một nữ trinh sẽ sinh con). Như vậy, Thánh Giuse đã biết tôn trọng ý Chúa hơn ý mình, biết thực hiện ý Chúa trong đời mình.
Dầu đoạn Phúc Âm này Thánh Matthêu có dụng ý nói về Thánh Giuse phục vụ Chúa Kitô, chấp nhận Chúa Kitô hội nhập vào loài người, vào dòng dõi Đavid, nhưng đoạn Phúc Âm không quên nhắc tới Đức Maria vì Đức Maria đóng vai trò quan trọng hơn Thánh Giuse, thực hiện trọn lời tiên tri Isaia: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi Ngài là Emmanuel” nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng vai trò quan trọng nhất là Chúa Kitô giáng trần để cứu chuộc nhân loại.
Chúa Kitô là trung tâm điểm của mọi mầu nhiệm Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại. Ngài hạ mình xuống làm người, để Đức Mẹ sinh ra, nhập vào dòng họ Thánh Giuse, nhờ đó Ngài giống chúng ta, nhờ đó Ngài trở thành Emmanuel.
Thiên Chúa siêu việt vô cùng, con người ta không thể thấy được, không thể cảm được, nhưng nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai giáng trần làm người, ta thấy được Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa linh thiêng cao vời, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể chúng ta cảm được Thiên Chúa gần gũi chúng ta. Mặt khác, nếu ta hiểu Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Thiên Chúa hiện diện nơi ta, trong cả phần thâm sau nhất của hữu thể ta, thì dĩ nhiên Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng Kinh Thánh lại nói Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong hoàn cảnh mầu nhiện Nhập Thể là cụ thể nhất, tức là nhấn mạnh tới công trình Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Kitô nơi mọi người, công trình xây dựng nhiệm thể của Ngài là Hội Thánh.
Đón tiếp mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Chúa làm người, là nhận ra ơn Chúa tác động nơi chúng ta, nhận ra ơn Chúa đang kéo nhân loại lên với Chúa. Đón tiếp mầu nhiệm Giáng Sinh, ta phải có thái độ đón ý Chúa như Thánh Giuse, tức là cưu mang Chúa trong tinh thần và biết Chúa hiện diện trong Hội Thánh, trong mọi người.
Linh mục Fx. Nguyễn Hùng Oánh (18.12.2013)