18 năm với chuyện quê ta
Từ ngày bước chân xuống tàu há mồm đến nay, chuyện quê ta chốc đã có trên 18 năm trường. Ngày rục rịch lên đường nghe hai tiếng <dzô Nam> sao mà lạ thế ! Thành phần muốn đi nghĩ rằng chỉ quá lắm là 7 năm bằng thời gian Thánh Gia lánh nạn bên nước Ê-díp-tô là cùng. Còn thành phần lưỡng lự, hoặc không đi lấy lẽ: Ở rừng ở bụi, 6 tháng có tổng tuyển cử lại phải về, ích chi đâu. Chỉ có đám trẻ con như tụi này, là khoái ! Tuy có ra chìu nghe ngóng nhưng lòng thích vô cùng. Có tin ngừng bắn liền <A-la-xô> vào những nơi cấm địa chiến tranh, hay họp nhau và thích kể chuyện phiêu lưu <vô Nam> đi <xe lết>, có 50đ một chiếc hấp dẫn quá chừng.
Quê ta bắt đầu dao động nhiều khi nghe những chuyện đình chiến, di cư trên báo <Tia Sáng> các danh từ còn lạ hoắc, và những lời giải thích, đồn thổi, những tin cán binh gốc làng tưởng chết rồi, mò về ban đêm tuyên truyền v.v… gây hoang mang, xao động gia tốc. Năm ấy, đồng ruộng đặc biệt là có rất nhiều ếch chồng đôi và tất cả đều nứt nẻ đang thì lúa con gái, lính tráng đào ngũ, trút áo ở bờ đê mỗi ngày một nhiều. Dân ta từ từ bỏ chăm sóc ruộng vườn và bắt đầu đem đồ đạc ra bán. Thiên hạ đến mua như hội: nhà cửa, súc vật, cây cối, đến những vật vặt vãnh đều bán được hết.
Làng ta là một thị trấn bị tiếp thu sau Hà Nội. Nhưng sau ngày đình chiến đã có một số người lánh đi trước. Các phương tiện di chuyển không khó vì làng luôn có xe đò. Lúc đầu chỉ đi rất lai rai, nhân vụ ám sát hai mẹ con Bà Những trong một đêm, dân làng mới lo hoảng, đi đông hơn, bán đồ rẻ hơn – có gia đình đã định ở lại, mua thêm đồ đạc, nay cũng hoảng bỏ đi.
Một thiểu số dân ta đi phi cơ, đại đa số xuống tàu há mồm. Cha Thu đi trước dẫn phái đoàn đầu khoảng 20 gia đình sang Nam vào cuối tháng 7 âm lịch 1954, tạm cư tại rừng cao su Thủ Dầu Một sau hai tuần mới về Hố Nai, Biên Hoà.
Chuyến sau Cha Minh đi với trên hai ngàn dân xứ, sáng ngày 13/08/1954 âm lịch. Từ sở dầu xuống tàu há mồm ra Vịnh hạ Long và đến chỗ nước giáp giới xanh đỏ thì lên tàu buôn Anh (sơn đen đỏ). Hồi còn ở làng, phía bên kia hay tuyên truyền tàu há mồm đổ người ra biển, nhưng lên rồi mới thấy khoái, bốn năm tiếng ra Vịnh Hạ Long mọi người đều vui vẻ. Khi lên tàu lớn mới <phờ râu trê> vì tàu buôn thiếu đủ phương tiện nên say sóng lu bù. Sống có 3,4 ngày thuỷ thủ thôi, nhiều người đến nay vẫn còn tởn khi nghĩ lại.
Đến thị xã Vũng Tàu nhìn thấy nhà cửa, xe chạy quanh núi đã mừng. Xế chiều 17/08/1954 âm lịch tàu cập bến Sài Gòn. Dân chúng mua hàng ăn uống trả thù cứ thả tiền xuống là đủ thứ trứng vịt luộc, bánh, chuối, cam được đưa lên từ các xuồng ghe vây quanh tàu, tranh nhau quá trời mà vẫn rẻ.
Bến tàu chiều đó thật đông người, đường phố mới bị mưa, từng đoàn xe đầu bằng chờ di tản xuống <Bãi Trấu> những kho lớn sát nhau do quân Nhật dùng trữ thóc, nay nền đất còn xót lại một nếp Trấu dày.
Dân ta bắt đầu đời sống Nam Bộ. Kê liền bàn thờ, sáng sau, Cha Minh làm lễ. Nước sông được chiếu cố liền, nhưng đó là cả hợp chất với những <đàn thuỷ lôi> nổi trôi như gỗ mục, dân mình chưa ngờ đến cái đặc tính sông ngòi Nam Bộ. Gạo được phát, đồ ăn mua thêm nhất là rau muống. Người Nam bó rất nhỏ từ 5-6 cọng một mớ, mua về ngắt chỗ non luộc sào, chỗ già chẻ nhỏ làm dưa. Kỳ đầu ở Hố Nai cũng thế. Kẻ thèm rượu có người bán tận nơi, rượu cồn nhưng thèm có xá kể chi. Rồi dân mình cũng vãng cảnh gần xa: Chợ Lớn, cầu Nhị Thiên Đường, thích xé tiền làm đôi mua đồ đạc.
Ba tuần ăn chực nằm chờ, dân ta được đi đến Hố Nai, lòng ai cũng vui sướng, nhưng Hố Nai hồi ấy chỉ là một rừng thưa hoang dã, mọc lên sau một lần đã bị đốn (một số còn nằm sót), có nhiều hố khá sâu như ao, chuôm nhỏ không nước. Vì chính <dinh Phi-la-tô> của Cha Thu đã dựng trên một trong những hố này, với một số lô nhà lèo tèo bám hai mặt lộ, nhiều chiếc chưa xong.
Khi đoàn người đến, số hai chục gia đình đã ở trên mấy lô tôn rồi. Còn các lô tranh đang lợp dở <quân ta cũng nhào dzô nghẹt kín mục tiêu>. Hồi đó đang mưa lớn, những chuyện nước nôi gau go vô cùng. Thường phải qua bên suối kín vì chưa có chỗ chứa. Nước mưa có khi tràn qua nhà như nước vỡ bờ đem theo những đàn dòi bọ lớn bé mẹ con vì các W.C lộ thiên ngập nước tràn lan, thả dàn…
Ngay bữa sau, từng tốp người đã trang bị dao quắm vô rừng, chặt cây to làm cọc giường, cây nhỏ thẳng thắn làm giát gường, công việc chạy phăm phắp và trải chiếu buồm lên là chu rồi. Cái lạnh của rừng cây cũng khá. Đồn rằng trong Nam này nóng lắm chỉ cần chiếu thôi, ai ngờ một ngày có đủ cả bốn mùa. Tụi này phải chui vào bao bố co lại cho kín đầu đuôi mới qua khỏi cái lạnh đêm mưa trong rừng.
Có chỗ nghỉ lưng rồi dân ta bắt tay ngay vào <nghề tiều phu>. Suốt ngày từng đoàn người đủ hạng vô rừng tha về đủ thứ gỗ, mây song và cỏ gianh. Chặt cây thì càng ngày càng vô sâu hơn qua đường tàu xa lạ, qua suối quanh co. Cỏ gianh thì qua gần Lạc An trèo đủ bẩy cái giốc, nhỏ này theo một gánh một bó nhỏ giá 6 đồng, thấy cực quá lắm. Cũng phía Lạc An có nhiều cụm tre, giang, gầu với hàng chùm vắt đói rất tài chui. Hồi ấy có những loại mối, kiến rừng trang bị hai càng đen to hơn mình nó, ăn từng đàn rào rào, cắn vào gót chân chảy máu mà cứ <tử thủ> tới chết. Có nhiều người bị sâu quảng, bệnh ngứa kỳ cục, gãi lên là tạo ra những đường nhỏ như bờ đê, làm tê dại cả tay chân mình mẩy.
Người chết đầu tiên phải kể là ông Bạ Bền, ông đi lạc và tìm không thấy, được ghi nhận là mất tích. Đến tháng 9 âm lịch, Cha xứ Thức đưa mấy chục gia đình cập bến Vũng Tàu (tàu này có tiếng là sướng) ở Rạch dừa ba tuần rồi cũng về Hố Nai. Nhưng mấy tuần sau Ngài lên số sáu, phường Kẻ Sặt 2, nay có chừng 5,6 chục gia đình.
Đất Hố Nai hồi đầu chỉ coi là đất tạm cư. Mặc dầu Chính phủ đã có ý phân chia cho các địa phận, thấy ai cũng lộ vẻ ngao ngán chờ các vị lãnh đạo tinh thần quyết định đi tìm địa điểm mới.
Thời kỳ này dân ta cũng tản mác lai rai: người xuống Bình Xuyên chừng 40 gia đình, một số đi Xóm mới, Hy vọng, một nhóm lên Lạc lâm, Bắc Hội, vài người xuống tận Cái Sắn… Còn một số khá giả lưu lại Sài Gòn với một số học sinh nội trú ở Phú Thọ, nay đã thành tài và làm ăn khá giả.
Riêng Hố Nai cây số 8 tuy là tạm nhưng từ những ngày đầu đã thiết lập hai dự án: thứ nhất là phân chia lô gắp số, thứ hai là gia đình nào muốn làm trước thì cứ làm theo đồ án chỉ và nhà sau sẽ kế tiếp như thế vô mãi rừng sâu. Tiếc là cách thứ hai bị dẹp, còn cách thứ nhất coi có vẻ ngon lành nhưng thiếu thực tế trước rừng sâu còn âm u. Chỉ có khu nhà thờ, nhà xứ là được tôn trọng. Còn nhà dân trước xin làm tạm đợi lô sau thì lung tung như ta còn thấy.
Cuối năm 1954, dân làng vẫn dự lễ tại lô nhà tôn tiền chế (chỗ chợ). Năm 1955 mới xây nhà thờ hiện tại, đầu tiên chỉ có vách ván sau mới xây gạch xung quanh, có nhà thờ mới dân ta cũng thêm vui, lại có khu chợ cấp công ăn việc làm, một số buôn bán đó đây, một số trồng tỉa và đốn cây cho đến khi rừng tàn.
Kẻ Sặt 1 nay lên tới 700 gia đình vẫn coi là gốc làng cùng với các vị lãnh đạo tinh thần tiếp tục. Ngoài Bắc làng ta lớn (nom 10.000 người), sang Nam vẫn lớn thường được chọn làm địa điểm tiếp rước những bậc vị vọng đạo đời.
Không biết có phải mời không, năm 1955 làng ta đã tiếp phái đoàn Uỷ Hội Quốc Tế, rồi Đức Hồng Y Spell-man cũng có ghé làng trong một lần viếng Việt Nam. Đức Hồng Y Agagianiar (1959) Bộ Trưởng Truyền Giáo. Năm 1966 làng cũng là một địa điểm dừng chân của Đức Mẹ Fatima.
Trong năm ngày lễ Đức Mẹ Văn Côi, xứ ta cũng tiếp đón các Cha địa phận về họp và Hội Fic, bốn lần hội họp ta cũng tận tình giúp đỡ.
Năm 1968, biến cố Mậu Thân gây cho dân xứ ta thiệt hại nhất sánh với vùng Hố Nai: 8 mạng chết, nhiều nhà sập, nhiều người lần này thấy được mặt mũi Vi Xi… Đặc biệt ở Bình An dân làng có 7 người chết và nhà cửa bị thiêu rụi đen thui hết.
Năm 1969, các Cha và dân xứ lập hội Ái Hữu Kẻ Sặt quy tụ tất cả trong tình thương bao bọc, các cựu học sinh Văn Côi năm ấy cũng quy tụ lại dịp Lễ Sinh Nhật để ôn lại <Những ngày xưa thân ái>. Sinh hoạt nhà thờ, nhà thánh không có gì gọi là mất gốc cả: kinh hạt đều đều, ngắm đứng, dâng hoa v.v… vẫn còn là điều ước mong. Ngay Mùa Phục Sinh di cư đầu tiên dân ta vẫn nhớ tổ chức <Quân dữ bắt Đức Chúa Giêsu> đi diễu xuống tận Thánh Tâm, Thái Bình, dân Hố Nai còn nhắc nhớ, nhất là vai bác Hai Nheo, các hội đoàn thêm Legio, các bà mẹ, con Đức Mẹ, thay Trung Binh và hội Hương lão mới tái lập…
Cũng vì tục lệ dân ta còn khí nặng nề tốn kém, nên năm 1970 dân làng cố tạo một Hương Ước mới nhằm cải tổ một vài lệ cưới, tang ma v.v… Còn chuyện cỗ vinh quy ta chưa đá động đến, gây sự sôi nổi khá, vừa ồn ào vừa âm thầm… Nhưng việc gì cũng cần thời gian. Chiến tranh hoà bình Việt Nam quanh quẩn, chỉ có thế mà cũng kéo dài ngoài 16 năm mới rục rịch đình chiến.
Về chuyện ăn học, thăng tiến dân ta cũng khí ít so sánh với các làng khác. Có lẽ vì thiếu hoàn cảnh và vì quan niệm dân ta, có các Đoàn quán để mốc mà không có trường học kể là tiếc nhất.
Người có óc kinh doanh lớn, tiến bộ cũng chưa nhiều – Số thiếu niên đi tu khá đông gần đủ các dòng. Các nữ tu theo tỉ lệ hơi ít và sẵn sàng mang mặc cảm thua sút tai hại.
Các vị lãnh đạo tinh thần cũng đổi thay nhiều vị trong 18 năm. Cha xứ Thức được ba tuần thì lên lập sở tại cây số 6 mang tên Kẻ Sặt 2.
Cha Thu lên thay tới năm 1965 thì lên xứ An Bình. Cha Tiên tiếp nối đến tháng 6/1968, rồi Cha Chưởng đến coi và tháng 2-1972 thì đổi. Từ đó đến nay là Cha Minh, Ngài đã từng làm phó trên 10 năm tại làng ngoài Bắc trong Nam.
Các Cha phó cũng thay đổi đều đều. Cha Minh đi cùng với Cha Thu, nhưng ngược lên miền Gầu Dây. Cha Phương đến phụ tá Cha Tiên một năm rồi lên xứ Kim Thượng. Cha Tân tiếp nối đến ngày về làm Cố sở Thuỷ Giang. Sau cùng Cha Tước đương kim phụ tá. Các Thầy giúp xứ chính thức được hai ông: Thầy Thái và Chính. Ngoài ra toàn giúp lai rai. Riêng có cụ Tứ họ Khổng là <tử thủ> lâu, trước kẻ viết biết hít khí trời và nay có lẽ thinh thích ca bài <Xin chọn nơi này làm quê hương>. Tựu trung các Cố đến xứ ta đều cố gắng xây dựng trong ngoài nhưng các Ngài đều ở trong một khuôn mẫu.
Với cương vị là em cháu trong làng, em vâng lời trong tình huynh đệ viết qua loa bài này, thực tế còn thiếu nhiều sự kiện lịch sử. Trong khuôn khổ bài này em chỉ có hi vọng rất bé được cùng dân làng, nhất là giới trẻ ôn lại đôi sự việc đã qua chứ chưa dám suy tư và đề nghị chi cả…
Jos. Bình Yên
Lm. Giuse Chu Đình Chuyển
Trích “Về Nguồn” – Đặc San Liên Tu Sĩ Kẻ Sặt