Công cuộc truyền giáo tại Kẻ Sặt bắt đầu từ bao giờ

10-02-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Công cuộc truyền giáo tại Kẻ Sặt bắt đầu từ bao giờ by

Nói đến việc truyền giáo chung cho dải đất hình chữ S này khởi đầu từ thời kỳ nào, và kể những ai có công khai mở đầu tiên, đã là một công việc rất khó, một phần vì các tài liệu rất ít ỏi hiếm hoi và tản mác, phần khác vì lúc đầu chưa có cơ quan Toà Thánh đứng ra tổ chức, các vị thừa sai Âu Châu đến ta lúc đầu chỉ là những vị tuyên uý cho các tàu thuyền hay các thương gia Bồ Đào Nha, hay Tây Ban Nha ghé qua các bến cảng ở bờ biển Việt Nam. Họ lên đất giảng đạo một thời gian ngắn, khi tàu nhổ neo, họ lại ra đi, tiếng nói không hiểu nhau. Nên có vị như Cha Bartholomé Ruiz chỉ rửa tội được đứa trẻ sắp chết (1685). Sau này cũng có các tổ chức, các cơ sở của các dòng tu, như Phanxicô. Đaminh sai một số linh mục dòng, nhưng quá ít và lại thiếu kinh nghiệm, nên không để lại tài liệu chắc chắn cho hậu thế. Ngày nay có một sự kiện này, hễ nói đến truyền giáo ở Việt Nam, thì sử gia nào cũng nhắc đến: việc một giáo sĩ tên là l-ni-khu, đến giảng đạo ở Ninh Cường và Trà Lũ vùng Nam Định đời Vua Trang Tông nhà Lê năm 1533. Cho đến sau, khi các thừa sai dòng Tên đến làm việc đông người, có tổ chức, có ghi chép tài liệu để lại, nhờ đó ngày nay chúng ta mới biết được phần nào.

Vậy ta thử hỏi: nếu tình hình truyền giáo ở cả nước Việt Nam còn mờ mịt như vậy, thì nói đến việc giảng đạo cho từng khu, từng niềm, như nói gốc tích việc đạo của làng Sặt thì càng khó kể thế nào!

Dưới đây chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài giả thuyết về công việc này. Có hai giả thuyết về nguồn gốc việc rao giảng Đức tin cho người làng Kẻ Sặt, do ai đưa đến? Trong cơ hội nào và vào thời kỳ nào?

I. GIẢ THUYẾT I

Theo giả thuyết này cho rằng việc giảng đạo cho dân Kẻ Sặt hầu hết bắt nguồn từ ở Kẻ Chợ (tức là ở chính kinh đô Thăng Long xưa). Họ lý luận rằng: Dân làng Sặt vốn xưa nay chuyên nghề thương mại, nhiều nhóm tổ chức đóng thuyền bè, hoặc đi vào vùng thanh nghệ tĩnh buôn mắm, hay đóng bè chở gỗ, tre, nứa… về bán tại bến Chợ Sặt, có tốp khác ngược thuyền lên các tỉnh miền Trung du, như Yên Bái, Phú Thọ, buôn các thứ thổ sản trên đó, rồi về bán cho các địa phương, thường thì họ trở về bán ngay tại Kẻ Chợ, là kinh đô lúc bấy giờ. Những người ghé qua Kẻ Chợ mới có dịp tiếp xúc với các Cha thừa sai, hay một số anh em có đạo trên ấy, rồi tòng giáo và đem đức tin về truyền lại cho dân làng.

II. GIẢ THUYẾT II

Có người lại chủ trương rằng: cơ hội đem ánh sáng đức tin cho dân làng, đó là từ Phổ Hiến. Hồi thế kỷ 16 và 17, các thương gia ngoại quốc như Bồ Đào Nha, Tây Bạn Nha, Anh, Pháp, hay Trung Hoa, Nhật, Xiêm và các nước lận cận thường đem hàng hoá vào trao đổi buôn bán với nước ta tại các thương điểm nổi tiếng, như Faifo (Hội An, Đà Nẵng ở Đàng Trong), Vân Đồn (Quảng Yên), và Phố Hiến (Hưng Yên) ở Đàng Ngoài. Những nơi đây vừa là nơi giao dịch buôn bán, vừa là nơi đức tin công giáo xâm nhập vào Việt Nam trước hết. Phố Hiến lại là một thương điểm ở gần Hưng Yên, tức ngay gần Kẻ Sặt. Nên có thể kết luận: từ Phố Hiến mà người Sặt đã đón nhận được đức tin.

Trong hai giả thuyết nêu trên, chúng tôi nhận thấy giả thuyết thứ hai dễ chấp nhận hơn. Vì những lý do sau đây:

Trước hết, xin nói qua về Phố Hiến, cũng gọi là Phố Khách. Khách đây không chỉ riêng cho người Hoa, mà người ta thường ám chỉ cho tất cả ngoại kiều đến Phố Hiến. Phố Hiến xưa là một thị trấn lớn, ở sát ngay thị xã Hưng Yên ngày nay, chỉ cách có 2-3 cây số, nằm trên nơi ngã ba sông, chỗ sông Luộc nhập vào sông Hồng, gần biển, thuận tiện cho việc giao dịch quốc tế.

Theo lời thuật lại của một nhà du lịch Anh, tên William Dampier và một thương gia Pháp, tên Pierre le Poivre, cả hai đã đến tận Phố Hiển vào khoảng năm 1668, đã kể lại với đại ý như sau: Phố Hiến là một khu đất rộng có tới 2000 nóc nhà và một trại lính khá đông. Nhà chức trách ta không muốn cho ngoại kiều đến Thăng Long đông, thì lập ra thương điểm này. Ở đó có những khu riêng dành cho người Hoa, Nhật, Xiêm. Tàu của người Hà Lan thì đậu xa độ 10 cây số, còn của người Anh thì gần hơn độ 4,5 cây số. Từ đây, các thương gia ngoại quốc có thể thuê thuyền ghe chở hàng hoá của họ lên Kẻ Chợ (Thăng Long). Dân chúng địa phương chung quanh cũng đem các thổ sản ra đây bán trác rồi lại mua hàng ngoại về. Nên nơi đây việc buôn bán đi lại nhộn nhịp và sầm uất. Vì thế có câu: thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.

Các thừa sai thuộc các dòng như Phanxicô, Đaminh, Dòng Tên, thường theo các thương thuyền ghé các cửa ải ở ven biển, để bắt liên lạc với dân chúng và giảng đạo cho họ. Lúc đầu nghe tên các Cha Bartholomé Ruiz, Ordonnez de Cévallos và một vài vị khác tới Bắc Kỳ vào cuối thế kỷ 16. Sau đến các Cha Dòng Tên Baldinotti, Alexandre de Rhodes, Marquez, Fuciti,… các Ngài qua các cửa như Cửa Bạng (Thanh Hoá), Vân Đồn (Quảng Yên). Nhưng nhất là phần đông vào lối Phố Hiến, rồi lên tới Thăng Long.

Sau khi các Cha Dòng Tên bị trục xuất vào năm 1663, thì đển các Cha hội thừa sai ngoại quốc Paris. Trong số này ta phải kể nhiều đến Cha Francois Deydier đến Phố Hiến đầu tiên vào năm 1666, Ngài thay mặt Đức Cha Pallu. Đức Cha Pallu lúc đó được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục đại diện tông toà đầu tiên địa phận Đàng Ngoài mà không thể đến Bắc Kỳ được.

Theo hai chứng nhân kể trên, Cha Deydier cũng dựng một ngôi nhà tại Phố Hịến làm trụ sở như của các nhóm thương gia khác để che mắt vua quan Việt Nam. Vì có lệnh của Chúa Trịnh cấm các thừa sai, nên ít khi Ngài ở đó, thường chỉ để một người làm liên lạc viên, còn Cha thường dùng thuyền bè qua lại trên sông, tiếp xúc với dân chúng các xã chung quanh, rồi từ họ lại đi tuyên truyền cho các xã ở xa.

Trong số các xã năng đến với Cha, ta có thể đoán chắc có dân làng Sặt vì họ là dân chuyên sống bằng nghề buôn bán lại tiện có ghe thuyền, mà Phố Hiến chỉ cách xã Tráng Liệt có độ 30-40 cây số. Hơn nữa, chắc các cha thừa sai hồi đó cũng đi lại Kẻ Sặt nhiều lần, nên mới lôi cuốn được dân làng mộ mến và tin theo đạo thật đông.

Theo sử gia Bonifacy, trong cuốn “Les débuts du christianisme en Annam, Hà Nội 1930”, tường thuật:

Cố Francois Deyclier đi lại làng Sặt và lấy đó làm trụ sở, Ngài thường sống trên ghe thuyền, lại dùng phương tiện giao thông này lui tới các nơi khác, vừa dạy do các người tân tòng, vừa huấn luyện cho một số thầy giảng của các Cha Dòng Tên để lại, để sau này phong chức linh mục cho họ.

Như vậy, chúng ta đã có đủ lý do để quả quyết rằng: Phố Hiến là đường dây liên lạc đầu tiên đã đưa ánh sáng đức tin cho dân làng Kẻ Sặt.

Đến đây, ta còn một câu hỏi khác được đặt ra: Nếu ánh sáng đức tin đến với dân Sặt qua Phố Hiến, thì nó bắt đầu từ thời kỳ nào, hay khoảng năm nào?

Để trả lời câu hỏi này, ta phải thú nhận là không có tài liệu nào minh xác. Trong cuốn "26 anh hùng tử đạo Kẻ Sặt”, Cha Bùi Đức Sinh chỉ nói: dân làng Kẻ Sặt được giảng đạo cuối thế kỷ 16 và lập thành giáo xứ năm 1630 mà Cha không nói dựa theo sử liệu nào. Chắc Cha cũng chỉ căn cứ vào cuốn “Historia de les missiones Dominicanas" của Cha Marcos Gispert. Nhưng căn cứ vào đó đã đủ chưa? Vì Cha Marcos Gispert tuy giảng đạo lâu năm ở Việt Nam, nhưng là mãi sau này, còn Dòng Đaminh cũng chỉ tới truyền đạo từ năm 1676.

Vậy trong việc này, nếu chưa cố bằng chứng trực tiếp xắc đáng, thì xin phép dựa vào các chứng liệu gián tiếp, cũng tương đối chắc chắn, và từ từ đi ngược dòng lịch sử để tìm ra câu tra lời.

1. Trước hết, ta đã chấp nhận việc dân làng Kẻ Sặt đã nhận ánh sáng đức tin ngay từ thời các Cha hội thừa sai ngoại quốc Paris mới tới Việt Nam, chính tác giả Bonifacy đã nói rõ cho Cha Deydier là vị thừa sai đầu tiên của hội đến Việt Nam, đã tiếp xúc với dân Sặt và dùng nơi đây làm điểm xuất phát việc giảng đạo của Ngài.

2. Mà Cha đã chọn Kẻ Sặt mà không chọn nơi khác, tức là Cha đã nhận thấy dân ở đây sốt sắng và đáng tin cậy. Nếu họ được sốt sắng và đáng tin cậy như vậy, thì cũng phải hiểu họ theo đạo đã khá lâu, trước khi hội thừa sai Paris đến.

3. Theo cha Nguyễn Tri Ân, OP. Bề trên Dòng Đaminh Việt Nam, hồi còn làm giáo sư môn giáo sử, có kể lại một câu chuyện này: xưa có nhiều người dân Sặt có lòng quý mến yà quyến luyến các Cha Dòng Tên. Nên khi các Tân Linh mục bản quốc đầu tiên được truyền chức và bổ về coi xứ này, thì họ không chịu nhận và không đi xưng tội với các Cha này, lấy lẽ các Cha này không do Dòng Tên đặt lên, chỉ là linh mục giả và không có quyền giải tội. Chính Đức Cha (không nói rõ Đức Cha nào!) phải thân hành về xưng tội với Tân Linh mục ngay giữa nhà khách trước mặt bổn đạo, thì từ đó họ mới tin và chịu xưng tội với các Cha rnới.

Việc này có thể đúng thật, Vì từ hồi thế kỷ 17, khi Tòa Thánh trao quyền qho các đoàn thể thừa sai không phân minh rõ ràng, đã xảy ra sự tranh chấp giữa hội thừa sai và Dòng Tên ở Việt Narn, mà dại diện là các Cha Deydier và Fuciti, một thời gây cho Hội Thánh tại Việt Nam bao nhiêu xáo trộn, làm cho giáo dân cũng hoang mang, xáo trộn và chia bè: người hội Dòng Tên hay bênh vực hội thừa sai, việc này kéo dài từ năm 1659 cho tới cuối thế kỷ 17.          

Dựa vào sự kiện lịch sử này, ta có thể suy luận là dân xứ này phải đã theo đạo từ thời Dòng Tên giảng đạo, hay có thể sớm hơn trước đó lâu nữa, khi các thừa sai Dòng Phanxicô, hay Đaminh mới tới truyền giáo đầu tiên tại Phố Hiến, từc là từ cuối thể kỷ 16. Rồi sau này mới phát triển mỗi ngày rộng ra, cho tới khi xây cất Nhà Thờ lớn và được thành lập giáo xứ.  

Trên đây chỉ là những giả thuyết đã được nêu ra về gốc tích việc truyền đạo tại Kẻ Sặt, còn thực hư thế nào thì tuỳ ở mỗi người chúng ta tự do xét đoán và chấp nhận, cho đến khi tìm được sử liệu chắc chắn. Nhưng dù không biết rõ dân xứ Sặt theo đạo từ bao giờ, chúng ta nhận thấy sự thật lịch sử này, là xứ Kẻ Sặt xưa nay vốn được tiếng là một giáo xứ cổ kính, toàn tòng và sốt sắng, được các Bề trên trong Giáo hội lưu ý nhiều:

1. Như sử gia Bonifacy đã nói trên, xứ Sặt được Cố Deydier, một trong các Cha thừa sai tiên khởi, đã lấy xứ này như là trụ sở truyền giáo của Ngài. Đó ià một điều hân hạnh cho dân xứ.

2. Trong cuốn "Les Origines du clergé Vietnamien, Tinh Việt Sài Gòn 1959", tác giả là linh mục Nguyễn Hữu Trọng, dựa theo tài liệu cổ của các thừa sai để lại, có cho chúng ta hay: sau khi các Cha hội thừa sai Paris huấn luyện và phong chức cho hai lớp linh mục bản quốc đầu tiên, gồm có 9 vị, nhưng ít lâu sau qua đời hai vị, còn lại có 7 vị, thì Bề trên chia Miền Bắc (Đàng Ngoài) ra làm 7 khu vực, trao cho mỗi Cha coi một khu và cứ ba năm đổi một lần. Đại khái như sau:

  • Cha Benedicto Hiền, Cha sở kinh đô Kẻ Chợ, và cai quản miền thượng tỉnh trung.
  • Cha Mactinô Mật, Cha xứ LangCan và cai quản miền hạ từ tỉnh Nghệ An.
  • Cha Simon Kiên, Cha xứ Lang-Tao, và cai qun miền thượng tỉnh Nghệ An.
  • Cha Antôn Quế, Cha x VanNo, và cai qun cả tỉnh Thanh Hóa.
  • Cha Léon Trụ, Cha xứ Kẻ-Công và coi cả tỉnh Đông.
  • Cha Vitô Tri, Cha x Kiên-Lao và coi cả miền Hạ tỉnh Trung.
  • Cha Giacôbê Chiểu, cai quản hai tỉnh Tây và Bắc.

Dựa vào danh sách trên, ta chú ý đến Cha Léon Trụ, Cha xứ Kẻ Công và coi cả tỉnh Đông. Tỉnh Đông là tỉnh Hải Dương. Còn xứ Kẻ Công đây là xứ nào? Trong một bản đồ cổ do các thừa sai để lại, mà Cha Trọng có trưng ra ở đầu sách của Ngài, thì lại ghi là Kẻ Đông! Mà tìm trong các Hạt tỉnh Hải Dương thì xưa nay không có xứ nào tên là Kẻ Đông hay Kẻ Công. Nên ta suy ra thì đó là xứ Kẻ Sặt lúc bấy giờ. Gọi là Kẻ Đông, vì nó thuộc địa phận Đông rồi các vị không thuộc địa lý và tên tuổi, mới viết hay gọi sai đi là Kẻ Công.

Như vậy, xứ Kẻ Sặt xưa là một trong 7 giáo xứ lớn đầu tiên của miền Đàng Ngoài, tức là Bắc Kỳ ngày nay.

3. Xứ Kẻ Sặt còn là Tòa Giám Mục đầu tiên của địạ phận Đàng Ngoài nữa.

Trên kia ta đã thấy Cha Deydier đã lấy xứ Kẻ Sặt làm trụ sở phát xuất truyền giáo cho cả miền Bắc. Sau này, vào năm 1679, Toà Thánh phân chia địa phận Đàng Ngoài ra làm hai địa phận Đông và Tây, và cử Cha Deydier làm Giám mục đại diện tông toà địa phận Đông, tức Hải Phòng sau này, thì Ngài lại chọn Kẻ Sặt làm Tòa Gám Mục. Sau Ngài, các Cha Dòng Đaminh đến thay thế hội thừa sai ngoại quốc Paris mà coi địa phận này, thì Đức Cha Raymundo Lezoli, Dòng Đaminh gốc Ý lên thay, lại thụ phong Giám mục tại chính Kẻ Sặt vào ngày lễ Đức Mẹ dâng con vào Đền Thờ (02/02/1702). Sau này, trong suốt thời cấm cách, các Đấng vẫn coi kẻ Sặt là Toà được bảo vệ chắc chẳn của mình.

Mặc dù về sau, Toà Giám Mục đã được rời về Hải Phòng, nhưng các Đấng vẫn quý mến Kẻ Sặt, năng đi lại thăm viếng, có Đấng coi Kẻ Sặt như quê hương thứ hai của mình. Khi tạ thế, các Đấng truyền đem xác về an táng tại Nhà thờ Kẻ Sặt và chính vị Giám mục ngoại quốc cuối cùng là Đức Cha Francois Gomer Lễ, nguyên Cha xứ Hongay, khi được cử làm Giám mục, đã đưa về đây để tổ chức lễ tấn phong thật long trọng vào ngày 19/03/1933.

NGUYỄN THANH THẢO


TÀI LIỆU SƯU TẦM

  • Les débuts du christianisme en Annam, Bonifacy.
  • Les Origines du clergé Vietnamien, Nguyễn Hữu Trọng.
  • Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Michel Đức.
  • Việt Nam giáo sử, Phan Phát Huồn.

Trích: "Đặc san kỷ niệm 20 năm Thánh đường Kẻ Sặt Hố Nai – Biên Hoà"

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW