Nhật ký hội nghị thường niên Kỳ II-2012 HĐGM VN
Ngày 1
WHĐ (09.10.2012) – Chiều thứ hai 08 tháng 10 năm 2012, thời tiết Thanh Hóa đã tạnh khô sau những cơn mưa do ảnh hưởng của bão miền Trung, các Đức giám mục từ 24 giáo phận ở Việt Nam đã đến Tòa Giám mục Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 200 km, để dự Hội nghị thường niên kỳ II năm 2012. Trước giờ cơm tối, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh và linh mục đoàn giáo phận cùng các tu sĩ và giáo dân đã đón tiếp long trọng HĐGMVN cùng Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh, tại Nhà Hội. Sau cơm tối, tất cả các Đức cha cùng với Đức Tổng giám mục Girelli vào nhà nguyện Chầu Thánh Thể để cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần xuống cách riêng trong những ngày hội nghị sắp tới.
Đúng 8g30 Hội nghị khai mạc tại phòng hội mới tiện nghi và khang trang. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGM VN đọc diễn văn khai mạc và chào mừng Đức TGM Girelli. Một lần nữa ngài bày tỏ niềm vui và hạnh phúc của Dân Chúa tại Việt Nam được Đức Thánh Cha quan tâm bổ nhiệm vị đại diện đến hiện diện và đồng hành với Giáo hội ở Việt Nam, hôm nay lại đến hiện diện với hội nghị trong ngày đầu tiên. Đức cha chủ tịch HĐGM ngỏ lời chân thành cám ơn đối với quý Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể – Tổng giáo phận Huế, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn – giáo phận Qui Nhơn, và Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ – giáo phận Phú Cường, đã được Đức Thánh Cha chấp thuận nguyện vọng xin nghỉ hưu vì lí do tuổi tác.
Ngày 2
WHĐ (10.10.2012) – Khởi đầu ngày hội nghị thứ nhất, thứ Ba 9/10, Đức cha Tổng thư ký thông báo nội dung làm việc của Hội nghị trong ngày: Đức TGM Girelli đại diện Tòa Thánh chia sẻ đôi lời; vấn đề xây dựng Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang; và Quy chế HĐGM VN.
Hội nghị lắng nghe Đức Tổng giám mục đại diện Đức Thánh Cha chia sẻ. Thay cho bài đã được soạn sẵn, ngài nói tự nhiên những suy tư được gợi từ hình Logo của HĐGM VN: Con thuyền buồm đang lướt trên biển đầy sóng to và hình thánh giá trên bầu trời như chiếc la bàn định hướng. Ngài nói, con thuyền như Giáo hội lữ hành, trên đó là cộng đoàn gồm Phêrô và các tông đồ và dân Chúa, đang đi trên biển không thiếu sóng bập bềnh làm thuyền chông chênh. Hai cột buồm, một to một nhỏ. Cột buồm to như biểu tượng cho ngọn gió đức tin làm no đầy cánh buồm, điều Hội Thánh cử hành và sống năm sắp tới đây. Phúc âm hóa trước hết là sống mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu Kitô thể hiện qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ trong Hội Thánh. Giáo hội Việt Nam, theo lời Đức TGM Girelli, có truyền thống cầu nguyện và lòng đạo bình dân tốt đẹp hơn nhiều Giáo hội khác, giáo dân còn tham dự các bí tích đông đảo và sốt sắng, vì thế mà có sức mạnh để sống tinh thần Công đồng Vatican II. Trong khi các Giáo hội Tây phương tái khám phá lại cội nguồn của Kitô giáo mình, Giáo hội Việt Nam cần đào sâu nội dung giáo lý đức tin để có chiều sâu hơn, và để loan báo Tin mừng cho dân tộc mình. Cánh buồm nhỏ hơn, đối với ngài, là biểu tượng, như được no đầy bởi ngọn gió tình thương nhân bản (lòng từ ái) muốn xả thân phục vụ giá trị bác ái và công lý – hòa bình nhất là qua việc giáo dục và bác ái xã hội. Cánh buồm thứ nhất, đức tin, là nguồn năng lượng chủ yếu và phúc âm hóa, là mục đích và là bản chất của Hội Thánh. Cánh buồm thứ hai, nhân ái, là biểu hiện ra ngoài không thể thiếu được, nhờ nguồn năng lượng thứ nhất. Đức tin và đức bác ái không thể tách rời được.
Sau phát biểu của Đức TGM Girelli, các Đức cha Việt Nam trao đổi với ngài về đề tài vừa nói để đào sâu và để hiểu cách cụ thể hơn; đặc biệt các Đức cha quan tâm nhiều đến vấn đề Hội nhập Văn hóa và Đối thoại.
Kế đến, Hội nghị bàn đến đề tài xây dựng Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu La Vang, vấn đề quan trọng là gây quỹ và đồ án của Vương cung thánh đường. HĐGM sẽ tiếp tục kêu gọi toàn dân Chúa tại Việt Nam và đồng bào hải ngoại cộng tác vào xây dựng công trình chung của Hội Thánh Việt Nam. Sau cùng, các Đức giám mục nhất trí với nhau về cấu trúc ban tổ chức công trình xây dựng La Vang của HĐGM mà đứng đầu là Đức Tổng giám mục Huế, và phó là Đức cha phó chủ tịch HĐGM VN phụ trách tài chánh.
Buổi chiều, các Đức cha còn tiếp tục đề tài về Trung Tâm La Vang rồi sang đề tài khác. Đó là về một điểm cần thêm vào Quy chế HĐGMVN liên quan đến các giám mục hưu còn khả năng làm việc chuyên môn hay phụ trách một Ủy ban trực thuộc HĐGM. Các Đức cha đa số tuyệt đối đồng thuận về phía tích cực.
Kế đến, Đức cha chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội giới thiệu với Hội nghị trang web mới của HĐGM VN bản Anh ngữ: http://www.cbcvietnam.org
Thời giờ còn lại, các Đức cha bàn thảo về đề tài “Năm Đức Tin” và Lá Thư Mục Vụ cho Năm Đức Tin. Đề tài quan trọng này còn phải được tiếp tục bàn thảo những ngày hôm sau.
Ngày 3
WHĐ (11.10.2012) – Để tiếp đón khoảng 120 vị khách quan trọng mà phần lớn là các giám mục đại diện các HĐGM trong vùng đến dự Hội nghị Khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (LHĐGMAC), giáo phận Xuân Lộc và Sài Gòn đã chuẩn bị tất bật trong nhiều tháng qua. Trong ngày thứ hai của Hội nghị, thứ Tư 10-10, HĐGM dành nhiều thời giờ vào buổi sáng để xem lại việc tổ chức Hội nghị Khoáng đại này: đưa đón, tiếp tân, nơi ăn, ở, hội họp, cầu nguyện, lễ khai mạc và bế mạc. Các Đức cha chủ nhà đón tiếp thay mặt HĐGM VN mong muốn tổ chức chuẩn bị thật chu đáo để bày tỏ lòng quý trọng khách, nhưng sao cho không quá sang trọng. Hội nghị cũng nghe và góp ý về các dự thảo tham luận của các Đức cha đại diện HĐGM VN tham dự Hội nghị.
Kế đến, Hội nghị thảo luận và góp ý ban đầu về phác thảo Thư Mục Vụ cho Năm Đức Tin.
Buổi chiều, vấn đề tổ chức Hội nghị Khoáng đại của LHĐGMAC được Hội nghị bàn các chi tiết cuối cùng và đúc kết.
Đề tài thảo luận kế tiếp là việc loan báo Tin mừng bằng những phương tiện truyền thông hiện đại. LHĐGMAC mời gọi các HĐGM trong khu vực cộng tác với Văn phòng Truyền thông của LHĐGMAC trong công tác này. HĐGM ủy thác cho Đức cha chủ tịch UB Truyền thông Xã hội tìm hiểu sâu sát hơn để có những quyết định hợp lý.
Trở lại với đề tài Năm Đức Tin, nhận thấy cần thiết có một Kinh Năm Đức Tin để đọc chung trong toàn thể Giáo hội Việt Nam, Hội nghị đã giao cho Đức cha Phêrô, chủ tịch UB Phụng tự phác thảo và các Đức cha góp ý. Ngoài ra, hội nghị cũng bàn luận vài đề tài mục vụ thời sự nhưng ít cấp bách hơn do Đức cha Stêphanô giáo phận Cần Thơ và Đức cha Giuse giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng trình bày.
Buổi tối, các Đức cha họp theo giáo tỉnh với những vấn đề riêng.
Ngày 4
WHĐ (12.10.2012) – Thứ năm ngày 11/10/2012 là ngày thứ ba của Hội nghị và là ngày cuối cùng, vì ngày thứ Sáu 12-10 HĐGM VN cử hành lễ khai mạc Năm Đức Tin, đồng thời hiệp mừng kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận Thanh Hóa (1932 – 2012).
Buổi sáng, Hội nghị nghe Đức cha Phó chủ tịch HĐGM tường trình về vấn đề xây dựng tòa nhà Văn phòng Tổng thư ký và các Ủy ban. Sau đó, Đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo tường trình những bước tìm hiểu ban đầu và đưa ra hai phác đồ về việc thành lập Học viện Thần học để phân tích và chọn lựa: hoặc sẽ khởi đầu từ việc tái lập Giáo hoàng Học viện Piô X và sau đó mở rộng Học viện Thần học hay chỉ khởi đầu từ thành lập Học viện Thần học cao cấp mà thôi. Những khó khăn và thuận lợi của cả hai giải pháp đã được nêu ra, nhưng HĐGM chưa đi đến biểu quyết dứt khoát cho vấn đề. Ủy ban Giáo dục còn phải tiếp tục nghiên cứu chi tiết hơn nữa. Trước khi kết thúc phiên làm việc buổi sáng, “Thư Mục Vụ Năm Đức Tin” của HĐGMVN gởi cộng đồng Dân Chúa đã được ban soạn thảo hoàn tất hiệu đính lần cuối cùng.
Ngoài ra, thời giờ còn lại Hội nghị cũng bàn thảo các vấn đề về Mục vụ Truyền thông trong LHĐGMAC, quỹ tương trợ các linh mục hưu dưỡng, chức phó tế và chức linh mục, các kiều bào. Các Đức cha bàn thảo và còn tiếp tục suy nghĩ để tìm ra một hướng đi tích cực cho các vấn đề. Hội nghị cũng ấn định Hội nghị Thường niên Kỳ I-2013 sẽ được tổ chức tại Đền Đức Mẹ Bãi Dâu, thuộc giáo phận Bà Rịa.
Hội nghị kết thúc trước 16g00 cùng ngày với diễn văn bế mạc của Đức cha chủ tịch HĐGM hướng toàn thể Giáo hội Việt Nam ra khơi trên con thuyền Loan báo Tin mừng và Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin.
Buổi tối, HĐGM VN được mời tham dự Diễn nguyện kỷ niệm 80 năm thành lập giáo phận Thanh Hóa tại Nhà Hội mới của giáo phận, chuẩn bị cho Đại Lễ ngày hôm sau.
WHĐ