Lời chủ chăn: Niềm vui mục tử

11-03-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn: Niềm vui mục tử by

TĨNH TÂM LINH MỤC THÁNG 3 – 2014

Kính thưa quý Cha thân mến,

Tôi vui mừng lại có dịp chào thăm quý Cha, những người anh em trong chức Linh mục tôi hằng trân trọng và quí mến. Đề tài hôm nay tôi muốn chia sẻ với quý Cha là “Niềm vui mục tử”. Niềm vui và hạnh phúc là điều ai cũng mong ước, nhưng trong thế giới hôm nay xem ra đây lại là điều thiếu thốn nhất đến nỗi có cha đã nói: “Ngày nay người ta chỉ biết nhe răng, chứ không biết cười”, có ý nói là người ta cười, nhưng lòng thì không vui, không hạnh phúc.

Người ta mong ước niềm vui và bôn ba đi tìm kiếm khắp chốn, bằng mọi cách, nhưng  lại không tìm thấy. Trong truyện "The painted Veil" tác giả W. Somerset Maugham đã nói lên suy nghĩ của mình qua lời khuyên của Mẹ Nhất tu viện Mei-Tan-Fu nói với chị nữ tu nhà tập như sau: "Này con, không thể tìm được bình an tâm hồn trong công việc hay trong vui thú; ở ngoài đời hay trong tu viện đâu. Phải tìm nó trong lòng mình". Dựa vào suy nghĩ đó, tôi muốn mời gọi quý Cha hãy tìm niềm vui, hạnh phúc ngay chính trong cuộc đời và sứ mệnh Linh mục của mình.

1. Niềm vui là cộng sự viên của Chúa

Niềm vui đầu tiên chúng ta có thể cảm nghiệm được trong sứ mệnh mục tử là niềm vui được cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Thiên Chúa thương yêu nhân loại quá đỗi đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào Con Một đó thì sẽ được cứu rỗi (x. Ga 3,16).

Để thực hiện chương trình cao cả này, Thiên Chúa cần có những cộng tác viên và chúng ta, các linh mục của Chúa là những cộng tác viên đó. Còn gì vui sướng và hãnh diện hơn việc được cộng tác với Thiên Chúa toàn năng trong chương trình lớn lao của Ngài là cứu độ nhân loại? Đó là niềm vui của sự thân thiết, của sự tín nhiệm Chúa dành cho, kèm theo ý thức vế tầm quan trọng của sứ mệnh đối với vận mạng đời đời của nhân loại. Niềm vui biến thành lòng hăng say dấn thân khi thấy nhiều người chưa biết và chưa đón nhận tình yêu của Chúa. Như thế, niềm vui mục tử sẽ là sức mạnh giúp chúng ta sẵn sàng chịu đựng hy sinh và thiệt thòi mong đáp lại lòng thương yêu và sự tín nhiệm của Thiên Chúa, miễn sao chương trình tình yêu của Ngài đối với nhân loại được thực hiện.

Nói đến niềm vui thân mật với Chúa, tôi nghĩ đến “Lời nguyện chiều Chúa Nhật” của cha Michel Quoist: “Lạy Chúa, chiều nay, chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa. Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa. Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình. Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng. Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải của con. Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình”.

Văn hóa tôn giáo Việt Nam có nét đẹp tình nghĩa cha con, nhưng lắm khi cũng có thể trở nên cạm bẫy làm loãng tình nghĩa thân mật với Chúa và vơi cạn niềm vui mục tử. Niềm vui này, chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được nếu biết bước qua ngưỡng cửa của sự cô đơn tình nghĩa loài người để coi trọng tình nghĩa của Chúa và để được thấm nhuần tinh thần của Chúa, Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vu (x. Mt 20,25-28 ; Mc 10,42-45) và tất cả cuộc đời chỉ nhắm làm sao “để họ được sống và sống sung mãn” (Ga 10,10).

2. Niềm vui được chia sẻ khó khăn và tâm tư của đoàn chiên

Ít ai có được sự tín nhiệm của nhiều người như linh mục: Bao nhiêu bổn đạo đau khổ, chán nản và có khi tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương của cuộc đời, người đầu tiên họ nghĩ đến, thường là mục tử của họ. Với lòng tin tưởng bao la vào tình thương của Thiên Chúa, những người đau khổ đó tìm đến linh mục là mục tử, mong được một lời cảm thông, một ánh mắt nhân từ. Qua bí tích cáo giải, chúng ta còn được nghe những thống khổ thầm kín, động đến những vết thương sâu thẳm nhất của lòng người. Có người nói: “Linh mục là sọt rác, phải nghe đủ mọi thứ bẩn thỉu của cuộc đời”. Tôi nghĩ nếu coi đó là sọt rác thì chúng ta phải nói là chúng ta được hưởng niềm vui sọt rác vì chúng ta được nếm hương vị ngọt ngào cùa lòng tín nhiệm bao la mà lòng người chỉ dành cho Thiên Chúa.

Cách đây ít lâu, tôi được đọc mẩu hồi ký của một linh mục và tôi xin được chia sẻ lại với quý Cha:

“Sáng nay, sáng Thứ Sáu Tuần Thánh, mình đi Đàng Thánh Giá với giới trẻ. Còn khoảng 20 phút trước khi ngắm đàng Thánh Giá thì thấy nhóm hướng đạo tới. Nam có, nữ có. ‘Trời đất, lạnh thế này mà tụi nó mặc quần xà loỏng thì chịu gì cho thấu?’. Mấy chị hướng đạo không mặc quần xà loỏng, nhưng mặc váy ngắn thì cũng thế thôi. Mấy chú hướng đạo cũng tốt. Đi viếng Đàng Thánh Giá còn cố dắt theo mấy đứa nhỏ bất bình thường. Có một đứa nhỏ bất bình thường có cả bà mẹ đi theo. Bà mẹ cũng chẳng có vẻ bình thường hơn đứa con bao nhiêu.

Trong khi ngắm Đàng Thánh Giá, mấy đứa trẻ bất bình thường kêu la luôn miệng. Trong giây lát mình mường tượng đến khung cảnh một gia đình có đứa con bất bình thường, kêu la suốt ngày đêm. Cuộc đời của người cha, người mẹ đó là một chặng Đàng Thánh Giá triền miên. Sứ mệnh làm cha, làm mẹ trong hoàn cảnh đó quả là một cuộc thử lửa của tình yêu và của lòng trông cậy. Bỗng nhiên cảm thấy cuộc đời của mình quá dễ dãi.

Khoảng đường giữa hai chặng Đàng Thánh Giá có khi hơi dài. Mình chợt thấy một bà mẹ khoác tay đứa con bất bình thường từ từ tiến bước chung với mọi người. Một cô hướng đạo chạy đến khoác tay bên kia đứa trẻ. Bên này lại một anh hướng đạo chạy đến khoác tay bà mẹ và họ cùng tiến bước. Thánh Giá chắc bớt nặng khi có người cùng ghé vai gánh vác. Cảnh tượng này làm mình tự nhiên cảm thấy nhẹ con tim như chính mình được ai giúp đỡ. Chợt nhớ đến mầu nhiệm thứ Năm Tuần Thánh và sứ mệnh linh mục. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa truyền Phép Thánh Thể, mầu nhiệm của Tình Yêu, và chính trong khung cảnh của mầu nhiệm Tình Yêu, Chúa đã thiết lập chức Linh Mục. Sứ mệnh Linh Mục là sứ mệnh phục vụ mầu nhiệm Tình Yêu. Mình mường tượng thấy bổn phận linh mục phải biết khoác tay, và tìm được nhiều người khác khoác tay những người bất bình thường. Có trăm ngàn thứ bất bình thường… Thứ bất bình thường thể lý nhiều khi đã thấy ngại, nhưng thứ bất bình thường thiêng liêng lại càng ớn hơn. Nhưng chính nhờ việc dìm mình vào cái ngại, cái ớn đó, mình lại múc được nguồn vui lạ thường, một thứ vui không thuộc trần gian, đưa mình lên thế giới của Thiên Chúa”.

3. Niềm vui được thông phần đau khổ với Chúa để cứu nhân loại

Trong sứ mệnh mục tử, linh mục được hưởng nhiều đặc ân và nhiều dễ dãi mà người thường chẳng dám mơ cũng chẳng dám nghĩ tới. Nhưng cuộc đời linh mục cũng không thiếu đau khổ và hoàn cảnh khốn đốn. Vấn đề không phải chỉ là những khó khăn thiếu thốn vật chất, những lo lắng vì công việc chồng chất, mà nhất là những đau khổ tâm hồn: bị khinh chê, bị chống đối, bị hiểu lầm, thư rơi thư rớt và có khi chính sự yếu đuối của mình cũng gây ra đau khổ và dằn vặt. Tùy theo tính tình, người thì buồn tủi, khép kín, tránh né mọi người, kể cả anh em, người thì coi thường, bịt tai không đếm xỉa và bất cần, người khác thì tìm cách thanh minh trong phẫn nộ và có khi với những lời nói thiếu kính trọng, không thích hợp với sứ mệnh mục tử. Dù là thái độ nào trong ba thái độ trên, kết quả cũng vẫn là tâm hồn bức xúc và bất an.

Mạch nước trong lành có thể trào lên từ núi đá (x. Xh 17,1-7 ; Ds 20,2-11) Cũng thế, đau khổ có thể là nguồn phát sinh ra niềm vui mục tử ! Đó là niềm vui của người đàn bà, khi sinh nở thì đau đớn, nhưng khi đã sinh con thì vui mừng vì đã sinh ra được một đứa con (x. Ga 16,21-23). Đau khổ được đón nhận với lòng bao dung, với tình thương yêu tha thứ và với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa có thể biến đổi lòng người, cả những con tim giá lạnh hay sỏi đá. Đó là tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá. Không lạ gì, khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Ngài đã xin ba em bé hy sinh, hãm mình để đền tội cho các kẻ có tội và xin ơn cải hóa cho họ. Cũng vậy, tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã xin thánh Bernadette làm việc đền tội, chịu đau khổ cầu xin cho người có tội ăn năn trở lại: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng không ở đời này mà ở đời sau. Ở đời này, con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu cho các kẻ có tội được ăn năn trở lại không?” Thánh Bernadette đã trả lời “có”. Và có thể nói là trong suốt cuộc đời, thánh Bernadette đã chẳng làm gì khác hơn là chịu bệnh tật. Đau khổ, bệnh tật trở thành một sứ mệnh, biến thành ơn ích cho tha nhân. Đau khổ, bệnh tật là một kho tàng quí báu nếu biết đón nhận theo tinh thần của Chúa trên cây Thánh Giá.

Là mục tử, chúng ta phải năng động sinh hoạt và có nhiều sáng kiến mục vụ, nhưng điều quí giá chúng ta phải hết sức trân trọng chính đau khổ, được đón nhận với tình yêu thương, trong lòng tin vào Chúa, đối với mọi người, kể cả người là căn cớ của sự đau khổ của mình. Đau khổ được đón nhận với tinh thần đó không những sẽ là nguồn vui cho mình, mà còn biến thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại nữa.

Nhân dịp Mùa Chay sắp bắt đầu, xin chúc quý Cha mọi ơn thiêng liêng của Mùa Chay, nhất là ơn canh tân cuộc sống để sứ mệnh mục tử của chúng ta đem lại nhiều ơn ích và niềm vui cho chính chúng ta và cho đoàn chiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.

Thân ái chào quý Cha.

Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW