Chúa Nhật V Mùa Chay – A – 06/04/2014
Ed 37,12-14; Tv 129; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45
Lm. Jude Siciliano, O.P.
HÃY TÍN THÁC VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ
Kính thưa quý vị,
Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu thực hiện bảy “dấu lạ” liên tiếp: Dấu lạ đầu tiên tại Cana (Ga 2,11) và dấu lạ cuối cùng làm cho anh Ladarô sống lại. Thánh Gioan gọi những hành động đầy quyền năng này của Đức Giêsu là “dấu lạ” chứ không phải “phép lạ”. Dấu lạ được hiểu là điều đã khơi dậy sự ngạc nhiên của những người chứng kiến – còn hơn cả thốt lên “wow!” Chúng biểu thị sự hiện diện sống động của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện những dấu lạ này. Qua những dấu lạ, các tín hữu cảm nhận được “vinh quang” của Thiên Chúa, khởi đầu ở Cana. Đức Giêsu bày tỏ “vinh quang” này khi Người làm thay cho nhân loại vốn luôn phải đương đầu với những giới hạn, bệnh tật và cái chết. Trước khi làm cho anh Ladarô sống lại, Đức Giêsu đã cầu nguyện, biểu hiện sự kết hiệp nên một với Thiên Chúa; vì thế, những dấu lạ Đức Giêsu thực hiện cho thấy rõ việc Thiên Chúa hiến mình vì chúng ta.
Khi gặp Đức Giêsu, cả hai chị em cô Mácta và Maria cùng nói một điều: “Thưa Ngài, nếu Ngài ở đây, thì em con đã không chết.” Khi Đức Giêsu nói với cô Mácta: “Em chị sẽ sống lại”, thì cô tuyên xưng niềm tin rằng em của chị sẽ sống lại “vào ngày sau hết khi kẻ chết sống lại.” Tiếp đến, cô Mácta tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Nhưng cả hai chị em cô Mácta và Maria đều không tin rằng Đức Giêsu sẽ làm cho người em đã chết của họ sống lại. Thực thế, khi Đức Giêsu truyền hãy đem phiến đá ở cửa mộ đi thì cô Mácta nói rằng: “Thưa Ngài, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày.”
Việc anh Ladarô sống lại là một dấu lạ. Dấu lạ này chỉ rõ Đức Giêsu là ai và khẳng định điều Người đã nói với cô Mácta rằng em cô sẽ sống lại “vào ngày sau hết khi kẻ chết sống lại.” Những ai tin vào Người, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Thực vậy, những ai tin vào Người “sẽ không bao giờ phải chết.” Quả thật, việc anh Ladarô sống lại củng cố niềm tin cho những ai đã tin vào Đức Kitô.
Đúng thế, nhưng cả hai chị em cô Mácta và Maria đều đặt ra một vấn nạn lớn cho Đức Giêsu rằng: “Nếu”, “Nếu có Thầy ở đây…” Trong hoàn cảnh đó, những người khác cũng sẽ nói thế này: “Ông ấy đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết sao?” Đức Giêsu đã chữa lành người mù, một kẻ Người không hề quen biết. Còn anh Ladarô là bạn thân của Đức Giêsu, tại sao Người nán lại, chần chừ không đến sớm và để anh phải chết?
Chúng ta cũng có thể hỏi “Tại sao sự việc lại ra nông nỗi thế này?” Tại sao Thiên Chúa lại cho phép những điều xấu xảy đến với chúng ta và với những người chúng ta thương mến? “Nếu” Thiên Chúa yêu thương thế gian, tại sao những điều tệ hại như thế lại xảy ra cho nhiều người? Hai chị em cô Mácta và Maria phải chờ đến bốn ngày sau khi anh Ladarô chết, Đức Giêsu mới xuất hiện. “Tại sao vậy?” Tại sao những lời cầu nguyện của chúng ta trong lúc ngặt nghèo lại không được Thiên Chúa mau chóng đáp lời? Chẳng có giải pháp hoặc câu trả lời dễ dàng cho những vấn đề hệ trọng này. Chẳng lẽ chúng ta lại không mong vấn đề được giải quyết hay sao? Thực ra chúng ta đang có “dấu lạ – điều kỳ diệu Đức Giêsu đã làm cho anh Ladarô, cho những người chị của anh, cũng như cho cả người Do Thái có mặt ở đó để an ủi hai chị em cô Mácta và Maria.
Câu chuyện trên đây mời gọi chúng ta biết tin tưởng. Trong đoạn Tin Mừng này, “tin” là một hành động – bạn hãy tin. Cô Mácta không tuyên xưng niềm tin vào một đạo lý cụ thể nào, nhưng cô tin vào chính con người Đức Kitô – cô đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô. Đó là cách thức niềm tin khởi đầu bằng một tương quan ngôi vị với Đấng mà sau này Thánh Tôma sẽ lặp lại sau khi Đức Kitô phục sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Nhiều nhân chứng thẩm định việc Đức Giêsu chữa lành anh mù – bài Tin Mừng tuần trước chúng ta đã nghe (Ga 9,1-41). Khi gặp lại anh sau khi anh đã được chữa lành, Đức Giêsu hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Trong Tin Mừng Gioan, thấy gắn liền với tin. Những người “thấy” dấu lạ thì tin vào Đức Kitô. Sau này, Đức Giêsu phục sinh nói với ông Tôma rằng: “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,29). Chúng ta không có mặt ở đó để chứng kiến tận mắt những dấu lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện. Nhưng nhờ có những dấu lạ mà Tin Mừng Gioan mặc khải, chúng ta thực sự “thấy” và đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô.
Anh Ladarô là hình ảnh của mỗi chúng ta. Trong ngôi mộ, anh bị cái chết trói buộc. Có bao nhiêu người rõ ràng còn sống mà dường như cận kề với cái chết dưới hình thức này hay hình thức khác? Một cái chết dần mòn do quá sợ hãi, lo âu, lệ thuộc, đau ốm, công việc bế tắc, tương quan đổ vỡ, hành vi tiêu cực, v.v… Dù chết theo hình thức nào, chết thực sự hay chết dần mòn, hôm nay chúng ta cũng cần phải lắng nghe lời Đức Giêsu mời gọi “Hỡi …., hãy ra khỏi mộ!” Chỗ để trống ấy là tên của quý vị.
Đức Giêsu không muốn chỉ ban cho chúng ta một thứ nước tăng lực có chứa hàm lượng chất kích thích cao. Người muốn chúng ta tận hưởng một cuộc sống được phục sinh, ngay cả đối diện với cái chết của thân xác. Chủ đề này được lặp lại xuyên suốt Tin Mừng Gioan: Nếu tin vào Đức Kitô, chúng ta sẽ có sự sống đời đời, vì chưng chúng ta được chia sẻ sự sống của Chúa Cha và Chúa Con.
Chúng ta đang kết thúc Mùa Chay, chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh của Đức Kitô và của chúng ta nữa. Trong suốt Mùa Chay, có lẽ chúng ta đã xác định được đâu là “những khoảng tối” trong tâm hồn, và những lối sống nào đã làm hao mòn cuộc đời chúng ta. Từ ngôi mộ này hay ngôi mộ kia, chúng ta nghe thấy Đức Giêsu đang hoàn tất lời Người đã hứa xưa kia trong Tin Mừng theo thánh Gioan rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa và những ai nghe tiếng Người sẽ được sống” (Ga 5,25).
Chúng ta hy vọng rằng Mùa Chay đã không khiến chúng ta thấy quá sợ hãi vì tội lỗi và thiếu sót của mình. Những Chúa Nhật Mùa Chay cho chúng ta cơ hội lắng nghe Lời ban sự sống của Thiên Chúa. Có lẽ những thực hành Mùa Chay thánh của chúng ta bao gồm cả việc đọc và cầu nguyện bằng Lời Chúa trong những Thánh Lễ hằng ngày, hoặc tại nhà. Nếu chú tâm, hẳn chúng ta đã nghe ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc một: Thiên Chúa muốn “mở tung các huyệt mả cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi đó”, và nhớ lại điều Tin Mừng Gioan đã nói: Đức Giêsu là “sự sống lại và là sự sống.”
Chúng ta được đồng hoá với anh Ladarô trong suốt câu chuyện, từ đầu đến cuối. Khi anh Ladarô bước ra khỏi mồ, Đức Giêsu truyền bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” Tôi nghĩ rằng anh Ladarô, kẻ được giải thoát khỏi sự chết, đã trở lại sống cuộc đời mới của một con người đã hoàn toàn thay đổi. Quý vị có nghĩ thế không?
Chẳng lẽ anh Ladarô lại không biết trân trọng cuộc đời mới của mình sao, đấy là điều mà một người sống sót sau căn bệnh hiểm nghèo vẫn thường làm cơ mà? Có một người sống sót sau căn bệnh ung thư chia sẻ với tôi rằng: “Giờ con chẳng lãng phí với những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống nữa.” Tôi thiết tưởng anh Ladarô sẽ coi trọng và đáp lại tình thương mà những người chị đã dành cho anh. Anh sẽ rất vui mừng và trân trọng những món quà đơn sơ mà trước đây mình đã xem nhẹ, chẳng hạn như nước uống, bữa ăn gia đình, đùa vui với bạn bè, những bông hoa dại, một nụ cười của trẻ thơ, những chú chim, những con vật nuôi, v.v…
Khi Mùa Chay khép lại và cuộc sống mới được mở ra cho chúng ta nhờ sự Phục Sinh của Đức Kitô, chúng ta hoà chung niềm vui với cô Maria, cô Mácta, anh Lazarô và nhiều người Do Thái có mặt ở đó đã “nhìn thấy điều Đức Giêsu thực hiện và bắt đầu tin vào Người.” Lúc này đây, chúng ta đánh giá lại xem mình đã sống thế nào, hãy để ý xem đâu là những thứ ưu tiên không hợp lý, hãy tập trung vào cuộc sống hiện tại chúng ta đang có trong Đức Kitô, và hướng tới lời hứa trong tương lai Người dành cho chúng ta. Giờ đây cũng là lúc chúng ta nghĩ đến những người đang cần sự giúp đỡ trong gia đình, trong cộng đoàn và thế giới, rồi thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con có thể làm gì để giúp họ được giải thoát và đem lại tự do cho họ?”
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp