Cái ác lên ngôi

09-04-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Cái ác lên ngôi by

Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải đòi cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ….Ngài còn vâng lời cho đến nỗi chấp nhận chịu chết, chết trên cây thập giá. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

CÁI ÁC LÊN NGÔI VÀ GIẢI PHÁP CỦA THIÊN CHÚA

Một trong các vần đề mà các nhà xã hội quan tâm, đó là tình trạng gia tăng của cái ác trong xã hội. Trên mặt báo dường như ngày nào cũng có những bản tin giết chóc, trả thù độc ác, xử lý băng đảng. Cái ác không chỉ xảy ra giữa các băng đảng trả thù lẫn nhau, mà nó còn xảy ra giữa những người thân thiết nhau, và xảy ra cả ở những nơi công quyền nữa. Cái điều đáng lo hơn là vì dường như những bản tin như thế quá thường xuyên đến độ nó trở thành như những sự kiện bình thường trong xã hội, khiến xã hội lúc đầu còn thấy như là một chấn động mỗi khi có giết chóc xảy ra và dần đi đến chỗ chấp nhận nó và không quan tâm đến nó nữa. Vì đã trở nên quen thuộc nên người dân mất đi phản ứng về sự ác và chán nản không muốn và không dám bênh vực cho sư thật, sự thiện nữa.

Trong vụ án của Chúa Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm, chúng ta cũng thấy được cái ác dường như được đẩy lên đến đỉnh cao và dường như đã thắng thế. Theo dõi bản án mà chúng ta vừa nghe trong Bài Thương Khó, động lực sâu xa thúc đẩy những người Do Thái âm mưu thực hiện bản án này, đó là sự tự tôn, thù hằn, ghen tỵ. Vì tự tôn cho mình là nhất, cho mình là những người thánh thiện, nên những luật sĩ và biệt phái đã nhân danh sự thánh thiện của bản thân và họ còn nhân danh cả Thiên Chúa để gieo đau khổ và chết chóc xuống cho người vô tội. Vì sự thù hằn ghen tỵ vì thấy ông Giêsu này được nhiều người ủng hộ vì rao giảng một lối sống khác với lối sống của mình, nên những thượng tế và luật sĩ đã không chấp nhận và muốn loại trừ Người. Sự thù hằn khởi đầu từ một nhóm rất nhỏ, và nó được thổi bùng lên vào dịp lễ Vượt Qua năm đó, khi các luật sĩ và biệt phái đã kích động được cả một đám đông mù quáng và cuồng nhiệt để gây áp lực đưa đến sự hành hạ và cái chết cho Đức Giêsu. Không chỉ như thế, cái ác nó còn được bọc bên ngoài bằng một sự thánh thiện khi những người Do Thái này nghĩ rằng họ gieo đau khổ chết chóc cho ông Giêsu là họ đang bảo vệ giới răn lề luật của Thiên Chúa và bảo vệ truyền thống của cha ông. Vì thế họ đã mưu mô mượn tay người Rôma để thực hiện mưu đồ gian ác của mình, mà chúng ta có thể thấy sự tráo trở lật lọng của những người chủ mưu trong chuyện này.

Khởi đầu, họ đã dàn dựng nên một vụ bắt bớ tưởng chừng như là đơn thuần, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng bộc lộ ác tâm và mưu đồ của mình khi đưa Đức Giêsu đến dinh thày thượng tế, để ở đây, bằng một phiên tòa bỏ túi mang tính các nội bộ tôn giáo xảy ra ngay trong đêm, họ đã đưa ra bản án rằng : Nó phải chết. Việc tổ chức một phiên tòa chóng vánh trong đêm khuya như thế đã đủ để cho thấy những con người này đang bị chi phối bởi quyền lực của bóng tối là ma quỷ. Từ đây cái ác cứ gia tăng khi họ rắp tâm thực hiện mưu đồ loại trừ Chúa Giêsu, và để chứng minh sự vô tội của mình, thì những người Do Thái mà chủ mưu là các tư tế và luật sĩ, biệt phái đã mượn tay của người Roma để thực hiện mưu đồ này. Họ đã chuyển Chúa Chúa Giêsu đến cho Philatô, biến những tranh luận mang tính tôn giáo thành bản án chính trị. Từ nơi dinh Philatô sự ác được gia tăng đến cực độ bằng những trận mưa roi đòn, hành hạ, nhục mạ.

Cũng ở sân dinh Philatô người Do Thái công khai khẳng định mình đứng về phía thế gian, bắt tay với cái ác, khi tuyên bố:Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cêsa. Một khi con người đã bắt tay với sự ác, đồng lõa với ma quỷ thì sẽ hoàn toàn bị sự chi phối của nó. Những người Do Thái đã không chấp nhận một giải pháp dung hòa hay sự nhân đạo theo đề nghị của Philatô : Cho đánh đòn rồi tha, nhưng trái lại họ gào thét như điên khùng : Đóng đinh nó vào thập giá. Với đòi hỏi này mục tiêu của ác tâm của những người do Thái đã được thực hiện. Philatô đã trao Đức Giêsu cho họ đem đi đóng đinh theo ý của họ.

Suy niệm một vài nét trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu như thế, đôi khi trong chúng ta cũng cảm thấy bức xức trước cách hành xử của người Do Thái và của cả quan Philatô là cơ quan công quyền có trách nhiệm bênh vực công lý vì họ đã không làm gì trước những bất công. Theo thói đời, người ta thường dùng sự ác để đối lại với cái ác, dùng bạo lực để đương đầu với bạo lực, thế nhưng đó lại không phải là cách phản ửng của Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta cứ cảm thấy băn khoăn khó hiểu và đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại cứ im lặng trước cái ác, cụ thể là tại sao Thiên Chúa không có phản ứng gì mạnh mẽ trước cái bất công mà Con của Ngài đang phải chịu? Thiên Chúa dường như tỏ ra lép vế trước cái ác chăng ?

Đó là suy nghĩ theo kiểu của con người, còn Thiên Chúa lại có cách hành xử và phản ứng hoàn toàn khác. Thiên Chúa không dùng bạo lực để đối lại bạo lực, vì như thế chỉ làm cho bạo lực càng gia tăng. Nhưng Thiên Chúa đã dùng tình yêu để đương đầu với bạo lực, dùng sự tha thứ để đối lại với bất công, dùng sư kiên nhẫn để đối lại với mưu mô của ma quỷ và sự ác, và dùng đau khổ để biến thành vinh quang, dùng cái chết của Đức Giêsu để biến thành sự sống mới, dùng sự thất bại của thập giá để biến nó trở nên cờ hiệu chiến thắng. Đó chính là câu trả lời của Thiên Chúa cho những băn khoăn thắc mắc của con người về vấn đề đau khổ và sự ác.

Đức Giêsu, một vị Thiên Chúa quyền năng sáng tạo mọi loài mọi vật đã thực hiện theo con đường đó. Ngay từ đầu, khi mà sự ác, hận thù đang tràn ngập trên cuộc sống của con người, thì chính Đức Giêsu đã chấp nhận mang lấy thân xác con người để có thể “cảm nghiệm” đến tột cùng thân phận con người. Tiên tri Isai đã mô tả điều này qua hình ảnh của một người Tôi Tớ của Thiên Chúa, một con người và cũng là một người con, hoàn toàn yêu mến Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa như đầy tớ vâng lời ông chủ, và sẵn sàng làm tất cả những gì mà ông chủ muốn, đồng thời chấp nhận tất cả những roi đòn, sự nhục mạ tủi hổ mà người khác gây ra cho mình, vì có Thiên Chúa là sức mạnh và là nguồn trợ lực.

Cũng trong cái nhìn đó, thánh Phaolô còn đi xa hơn khi nhìn thấy sự khôn ngoan kỳ diệu và quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện qua Chúa Giêsu và cuộc khổ hình của Người : Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải đòi cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ….Ngài còn vâng lời cho đến nỗi chấp nhận chịu chết, chết trên cây thập giá. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Đó là cách Thiên Chúa vốn thực hiện không chỉ cho Đức Giêsu mà còn cho tất cả những ai dám nên giống như Đức Giêsu, và những ai bước theo con đường của Đức Giêsu.

Thưa quý OBACE, đối diện với đau khổ, sự ác ngày nay, chúng ta cũng rất dễ bị cám dỗ để sử dụng các biện pháp của con người, chúng ta muốn có một giải pháp ngay tức khắc, mà khi theo đuổi giải pháp này chúng ta lại gây thêm oán thù và làm gia tăng sự ác. Dĩ nhiên chúng ta không thể làm ngơ trước sự xấu và sự ác, càng không bao giờ được tán đồng, cũng không bắt tay, và kể cả không thể im lặng trước sự tội và sự ác. Vì khi chúng ta im lặng hoặc làm ngơ trước sự xấu và sự ác là chúng ta đồng lõa với nó. Như vậy vấn đề ở chỗ là chúng ta phải có phản ứng và cách hành xử như thế nào trước sự xấu và sự ác?

Sự xấu và sự ác ngày hôm nay đang diễn ra dưới rất nhiều hình thức, nhiều cấp độ, từ trong tâm hồn và hành động của mỗi người, đến những hành động và cách sống trong gia đình. Các bậc làm cha mẹ hãy mạnh dạn để từ chối sự dữ và sự ác trong gia đình, đừng bao giờ dùng bạo lực hay nhục mạ nhau để giải quyết những căng thẳng trong gia đình và xóm ngõ, đừng bao giờ tán đồng với sự sai trái của con cái, và đừng bao giờ làm ngơ trước sự làm ăn gian dối hay cư xử bất công của những người thân trong gia đình. Hãy lấy tình yêu thương của Chúa, sự nhẫn nại để khuyên bảo, điều chỉnh cho nhau, và hãy dùng tình yêu thương để biến đổi, hãy cư xử quảng đại và tha thứ cho nhau, vì chỉ có tha thứ mới có thể chữa lành những vết thương do hận thù, chỉ có sự quảng đại mới thắng vượt được sự nhỏ nhen ích kỷ. Hãy gieo thật nhiều những hạt mầm yêu thương, công bằng và sự thật trong gia đình, trong công ty xí nghiệp, chúng ta sẽ gặt được yêu thương.

Cũng thế, đối với các bạn trẻ và những người làm con, hãy học nơi Chúa Giêsu sự hiền hòa và khiêm nhường, hãy dùng tình bác ái Kitô giáo để cư xử với nhau. Đừng bao giờ cộng tác với sự xấu, sự dữ dưới bất cứ hình thức nào ; hãy cùng nhau để xua trừ sự dữ sự ác trong xã hội, đừng bao giờ ấp ủ trong mình sự nóng nảy, tự ái, giận hờn, vì cả giận thì mất khôn, trái lại chúng ta hãy nuôi dưỡng và làm cho trái tim của mình được lớn lên, cho đôi vòng tay được mở rộng để có thể yêu thương mà không giới hạn, đón nhận sự khác biệt và tha thứ cho sự xúc phạm. Thực hiện như thế không biến chúng ta thành nhu nhược, nhưng làm cho chúng ta lớn lên và mạnh mẽ hơn.

Mỗi người Công Giáo cùng sống và thực hiện như thế, là chúng ta đang cùng với Đức Kitô để đẩy lui sự dữ và sự ác và cả sự chết ra khỏi thế giới và làm cho Tin Mừng của Đức Kitô được nảy mầm khắp nơi. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW