Niềm tin Phục Sinh trong Cựu Ước
Niềm tin Phục Sinh là kết quả của một suy tư lâu dài. Dù cho niềm tin về sự phục sinh dường như xuất hiện muộn thời trong Cựu Ước, song người Israël luôn tin vào sự tồn tại của con người sau cái chết sinh học.
Vì thế, theo tư tưởng của người Israël, rồi ra ai cũng sẽ phải đi vào « âm phủ » (shéol). Đây là “nơi tăm tối” (G 10, 21), nơi con người bị rơi vào quên lãng. « huyệt sâu, chốn tối tăm, vực thẳm, chốn quên lãng », đây là những hạn từ mà Thánh Vịnh 88 sử dụng để diễn tả âm phủ. Số phận thảm thương của cư dân nơi này gần giống như không hề tồn tại bởi vì họ chẳng còn khả năng nào để trở về lại nơi ánh sáng.
Có hai yếu tố dẫn đến niềm tin vào sự phục sinh. Trước hết, người Israël nhìn nhận Giavê là chủ tể của sự sống và sự chết. Thật vậy, sách Samuel quyển thứ nhất đã nhìn nhận sự toàn năng của Thiên Chúa: «Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2,6). Bản văn này nhắc nhớ rằng Thiên Chúa mạnh hơn sự chết vì Ngài có thể làm cho kẻ chết được sống.
Mặt khác, vấn đề thưởng phạt công minh đã chất vấn sự công bình của Thiên Chúa. Sự thưởng phạt của Thiên Chúa công bình ở chỗ là cho người công chính được hưởng cuộc sống lâu dài hạnh phúc và phạt những ai không tôn trọng Giao Ước phải chết sớm. Ấy vậy mà trên thực tế thì cái chết chạm đến mọi người. Và còn hơn thế nữa, người lành thì sống đầy bất hạnh trong khi kẻ dữ thì sống sung túc giàu sang. Đó là bi kịch sống của ông Gióp (400 năm trước thời Đức Giêsu Kitô). Vận rủi đến tới tấp, ông Gióp vẫn trung thành với Chúa. Trong khi đó, nếu Thiên Chúa chúc phúc cho người công chính bằng cách ban cho họ cuộc sống trường thọ và phú quý thì làm sao mà ông phải chịu gian nan cơ cực đến như vậy? Vấn đề nan giải này đã mở ra cánh cửa cho niềm tin vào sự cứu rỗi ở thế giới bên kia.
Bước cuối cùng đưa đến niềm tin vào sự phục sinh là cuộc bách hại người Israël vào thời của vua Syrie là Antiochus Épiphane, vào những năm 166-164 trước Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc chiến này, nhiều người Do Thái đạo đức đã bị sát hại cách dã man. Điều gì chờ đợi những vị tử đạo Israël này? Sách Maccabê cuốn thứ hai đã đem đến câu trả lời : “Vua vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của Ngài” (2 Mcb 7,9). Các vị tử đạo của dân Israël chết đi trong niềm tin phục sinh. Các bản văn Cựu Ước được viết sau này đã khẳng định rõ ràng sự phục sinh của những người đã chết.
Vào thời Chúa Giêsu, dù rằng niềm tin phục sinh đã được phổ biến rộng rãi nhưng những người Sađucêô vẫn chưa chấp nhận điều dó.
Daniel Montpetit
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ, WGP.Quy Nhơn 19.04.2014