Tâm tình Phục Sinh 2014
Hàng năm cứ mỗi dịp Giáng Sinh gần một nửa dân số trên thế giới hớn hở loan tin: “Emmanuel – Chúa đã sinh ra để cứu chuộc nhân loại”.
Từ trong nhà người dân bình thường cho đến siêu thị khang trang lộng lẫy và những Thánh Đường cổ kính trang nghiêm người ta chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này khá chu đáo và hoành tráng.
Vài tháng sau, trong mùa Phục Sinh, nhân loại lại chứng kiến hàng tỉ người hô vang reo hò: “Alleluia – Mừng vui lên – Chúa đã sống lại rồi”. Thế giới cũng chuẩn bị và tham gia vào lễ kỷ niệm này không kém gì Lễ Giáng Sinh.
Tất cả những lễ hội trên thế giới trong hai dịp lễ lớn trên đều xoay quanh một sự kiện lịch sử xảy ra cách đây gần hai thế kỷ. Đó là một chàng trai 33 tuổi con của một người thợ mộc quê làng Na-da-rét xứ Giu-đê đã bị kết án tử hình trên đồi Golgotha bằng cách đóng đinh giang hai tay treo trên một khúc cây có hình chữ thập. Tuy ông này bị hành quyết cùng với hai tên tộm cướp nhưng tội danh của ông ta không phải là trộm cướp mà do đã tự xưng mình là “INRI” có nghĩa là “Vua dân Do Thái”.
Theo Kinh Thánh Tân Ước thì người đàn ông này có tên là Giêsu và theo nghiên cứu của Jefferson Williams, Markus Schwab và Achim Brauer được công bố trên Tạp Chí Địa Chất Quốc Tế thì có thể ông ta đã bị hành quyết vào ngày thứ Sáu 3 tháng 4 năm 33 sau Công Nguyên.
Vì sao cuộc đời của chàng trai nghèo khó này lại có ảnh hưởng cực lớn đến nhân loại như vậy? Có rất nhiều lý do nhưng xin chỉ nêu ra một lý do đơn giản là anh ta đã mang đến cho nhân loại một Niềm Hy Vọng bất tận qua ba thông điệp sau:
- Anh ta chính là Thiên Chúa
- Anh ta là hiện thân của Thiên Chúa giữa trần gian.
- Anh ta đã chết nhưng tinh Thần Khí của anh ta sẽ sống mãi muôn đời với nhân loại.
Cho dù những di tích lịch sử còn tồn tại không đủ cơ sở để chứng minh những điều trên nhưng nhân loại không thể làm ngơ trước những thông điệp chan chứa niềm hy vọng ấy.
1. Thật khó mà tin được rằng một người đứng giữa chúng ta như ông A bà B đây lại có thể là Thiên Chúa được. Tất cả những người sống thời Giêsu cũng đều có một tâm trạng nghi ngờ về con người này như chúng ta hôm nay. Nhưng khó mà phủ nhận những điều đó là sự thật sau khi tìm hiểu kỹ về cuộc đời phi thường của một con người như thế, nhất là khi những điều đó đã được tường thuật lại bởi nhiều nguồn khác nhau và mỗi nguồn đều dám lấy mạng mình ra để minh chứng cho những điều ấy là sự thật, và những thế hệ tiếp nối sau đó đã loan truyền niềm tin ấy trong tinh thần tương tự gần 2000 năm qua.
- Làm sao có thể phủ nhận được tính siêu phàm của một người rất ư là bình dân mà có thể làm những phép lạ giữa đám đông, giảng dạy về tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại cho dù những điều ấy trái ngược với cách cư xử của nhân loại đối với nhau để rồi cuối cùng phải chấp nhận cái chết thảm thiết để chứng minh cho những gì mình đã giảng dạy?
- Không có một công thức lý luận đơn giản nào để chứng minh Giêsu chính là Thiên Chúa nhưng khi chúng ta tin vào Giêsu là Thiên Chúa là khi chúng ta đặt một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa là Đấng rất gần gũi với chúng ta không khác gì tất cả cuộc đời của Giêsu và nếu tất cả những việc Giêsu đã làm đều đẹp lòng Thiên Chúa thì những gì chúng ta làm đúng với tinh thần của Giêsu không khác gì là Thiện ý. Do đó Thiên Chúa đã trực tiếp tỏ mình và ý muốn của Thiên Chúa qua Giêsu và Giêsu chính là kim chỉ nam cho tất cả những tư tưởng và hành động của mỗi người chúng ta. Đây là NIỀM HY VỌNG rằng chúng ta có thể biết được một phần nào bản tính của Thiên Chúa qua nhân vật Giêsu trong lịch sử nhân loại.
2. Chàng trai Giêsu đã tự xưng mình là Thiện Chúa không phải để mọi người thời ấy bái phục, thờ lạy hoặc tôn vinh nhưng để tỏ cho nhân loại tường tận khía cạnh nhân bản của Thiên Chúa: Nếu Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa thì có nghĩa là Thiên Chúa cũng có những thất tình lục dục như chàng trai Giêsu, một người chân lấm tay bùn như chúng ta. Vì thế qua sự hiểu biết về con người Giêsu chúng ta có thể thông hiểu một phần nào bản tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa cũng thương yêu và gần gũi với nhân loại như chính Giêsu đã sống những ngày yêu thương, gian nan thử thách với nhân loại. Về nhân bản, hãy nhìn vào Giêsu để hiểu rõ hơn tình thương của Thiên Chúa đối với nhân loại và mỗi người chúng ta như thế nào. Đây là NIỀM HY VỌNG rằng Thiên Chúa đã mở đường cho chúng ta đến gần với Ngài qua cuộc đời của Giêsu. Giêsu là Thiên Chúa, những gì Giêsu làm đều là những gì Thiên Chúa đã làm, chúng ta hãy làm theo những gì Thiên Chúa đã giảng dạy và đã thực hiện qua con người Giêsu.
3. Đối với thế giới hữu hình, cái chết của chàng trai Giêsu trên đồi Golgotha là dấu chấm hết cho cuộc đời 33 năm quá ngắn ngủi của chàng trai này và là một kết cục hoang mang đầy vô vọng cho những người đã từng theo bước chân Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng theo một số nhân chứng kể lại thì Giêsu đã chết thật và thân xác của ông đã biến mất khỏi mộ phần trong khi nó được canh gác cẩn thận. Hơn nữa một số người đã thuật lại rằng Giêsu đã hiện ra với họ sau khi chết. Những sự kiện này đã tạo ra cho những người theo Giêsu một niềm tin rằng chàng trai này đã sống lại. Từ niềm tin này những biến cố lịch sử xoay quanh con người thật của chàng trai Giêsu Na-da-rét đã được thuật đi thuật lại cho đến năm nay là năm 2014 sau Công Nguyên. Sự kiện mừng lễ Phục Sinh năm nay là bằng chứng cụ thể cho sự sống còn của Thần Khí xuất phát từ con người Giêsu khi xưa. Thần Khí ấy là gì? Thần Khí ấy là NIỀM HY VỌNG vào niềm tin tưởng tuyệt đối rằng Thiên Chúa thương yêu nhân loại, Thiên Chúa đang hiện hữu giữa nhân loại và Thiên Chúa sẽ luôn đồng hành với nhân loại đến muôn đời giống như Giêsu đã thương yêu nhân loại cách đây 2000 năm, Giêsu đang hiện hữu giữa nhân loại và Giêsu sẽ luôn đồng hành với nhân loại đến muôn đời.
Hàng năm, thậm chí là hàng ngày trong Thánh Lễ, người Công Giáo sống lại biến cố lịch sử trên. Người Công Giáo chúng ta luôn tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã nhập thể để tỏ cho nhân loại biết thế nào là tình yêu ấy và đã truyền dạy cho nhân loại biết thế nào là yêu thương Thiên Chúa, yêu thương đồng loại qua cuộc đời của Giêsu. Nhưng đã gần 2000 trôi qua mà sao thế giới vẫn còn chiến tranh chém giết lẫn nhau? Chính những người Công Giáo vẫn còn nghi kỵ, chia rẽ phỉ báng nhau thay vì sống yêu thương nhau cho đến hơi thở cuối cùng như Thiên Chúa đã từng làm như vậy qua chàng trai Giêsu khi xưa?
Ngày nay cứ mỗi dịp Phục Sinh người Công Giáo chúng ta hô hào to lớn hơn bao giờ hết rằng Thiên Chúa đã chết, đã sống lại và đang hiện hữu giữa chúng ta. Nhưng chúng ta có thật sự sống và hành động theo đúng như những gì Thiên Chúa đã truyền dạy qua chàng trai Giêsu không?
- Chúng ta có dám chấp nhận thân phận làm người như Thiên Chúa đã làm khi sinh ra cơ hàn trong máng cỏ và chết trơ trọi trên một khúc cây?
- Chúng ta có dám từ bỏ mình để sống thương yêu như Thiên Chúa đã làm khi tự do chấp nhận cái chết trên cây Thập Tự?
- Vậy sao chúng ta còn mãi chiến đấu và bảo vệ DANH DỰ – CỦA CẢI – VẬT CHẤT thế gian hơn là yêu thương, nâng đỡ nhau bằng mọi giá như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho dù phải chết treo trên cây thập tự?
Tất cả những tiếng reo hò “ALLELUIA – ALLELUIA – ALLELUIA” sẽ trở nên vô nghĩa nếu người Công Giáo chúng ta chỉ reo hò suông mà không hành động như Chúa Giêsu đã làm trên cây thập giá.
Thao Dinh
Phục Sinh 2014