Tính bền vững trong Hôn Nhân Công Giáo

05-05-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Tính bền vững trong Hôn Nhân Công Giáo by

“Thưở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ. Vì thế, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt […]. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Ở Việt Nam ngày xưa không có quan niệm về ly dị. Luân lý Khổng Mạnh coi trọng gia đình, luôn cổ võ tinh thần vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo, trên kính dưới nhường, gia phong hoàn hảo. Nhưng ngày nay do tiếp thu những trào lưu của lối sống phương Tây một cách không chọn lọc nên bao chuyện đau lòng xảy ra trong gia đình. Nào là ông ăn chả, bà ăn nem; vợ chồng ly thân, ly dị; con cái bất hiếu, khinh thường cha mẹ;… Điều này xảy ra như cơm bữa và phổ biến trong xã hội. Nếu có điều kiện theo dõi tin tức trên báo chí hàng ngày chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Hiện trạng chung là vậy, nhưng dường như các cặp vợ chồng Công Giáo ít xảy ra tình trạng ly thân, ly dị hơn. Như vậy, đâu là cốt lõi để hôn nhân Công Giáo được bền vững? Đâu là yếu tố chính giúp các gia đình Công Giáo sống hiệp nhất, thủy chung? Trong sự hiểu biết của mình, với đề tài Tính bền vững trong hôn nhân Công Giáo, người viết xin được nêu lên một vài ý tưởng để trả lời câu hỏi trên.

1. Nền tảng Kinh Thánh

Để xây dựng tính bền vững hôn nhân, ngay từ đầu Thiên Chúa đã đề ra những lề luật để giúp con người sống tốt hơn trong đời sống gia đình.

Trong Mười Điều răn mà Thiên Chúa ban cho con người, Ngài đã chỉ rõ “ngươi chớ ngoại tình[1] bởi vì ngoại tình là một trong những nguyên nhân gây đỗ vỡ gia đình, và khi ngoại tình là không tôn trọng người kề vai gối ấp với mình. Qua thời các tiên tri, điều này cũng được diễn tả cách rõ ràng qua lời tiên tri Malakhi: “Ngươi chớ phản bội người vợ ngươi đã kết ước trong tuổi thanh xuân[2].

Đặc biệt nhất, tình bền vững trong hôn nhân được thể hiện qua sứ điệp của Chúa Giê-su khi Ngài tranh luận với những người Pha-ri-sêu về chủ đề này: “Thưở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ. Vì thế, người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt […]. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly[3].

Bởi vì tính bất khả phân ly trong hôn nhân là một phần trong các giáo huấn của Chúa Giê-su nên trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phaolô dạy rằng: “Với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, và chồng cũng không được rẫy vợ[4].

Như vậy, tính bền vững hay bất khả phân ly trong hôn nhân Công Giáo không chỉ là điều con người mong muốn mà đó còn là điều làm đẹp lòng Chúa.

2. Trên căn bản tình yêu

Lẽ dĩ nhiên mỗi cặp vợ chồng khi quyết định tiến tới hôn nhân thì phải dựa trên cơ sở tình yêu giữa hai người. Nhưng tình yêu trong hôn nhân công giáo không chỉ là tình yêu nam nữ đơn thuần mà trong đó còn mang một ý nghĩa thiêng liêng. Tình yêu đó được coi như là dấu chỉ của tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo hội [5]. Tác giả thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô viết: “người làm chồng hãy yêu thương vợ mình, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và đã hiến mình vì Hội Thánh […] màu nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh[6].

Chúa Ki-tô yêu thương Hội Thánh bằng tình yêu khăng khít và trung tín. Nó có tính chất bền chặt đời đời, kiếp kiếp bởi vì Thiên Chúa là vĩnh hằng. Do đó tình yêu trong hôn nhân Công Giáo cũng có thể được ngầm hiểu là vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, tình yêu vợ chồng còn mang tính nhân linh cao cả vì là tình cảm tự ý của một nhân vị hướng đến một nhân vị khác. Trong tình yêu hôn nhân, hai vợ chồng một cách ý thức và chủ ý nói với nhau: mãi mãi chỉ có anh/ em và chỉ có anh /em mà thôi. Lời Chúa nói “điều Thiên Chúa đã kết hợp” tương ứng với lời hứa của đôi tân hôn: “Em nhận anh làm chồng… Anh nhận em làm vợ… để yêu thương và tôn trọng anh (em) mọi ngày suốt đời”.

Như vậy, tình yêu vợ chồng là một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh, bởi vậy mỗi cặp vợ chồng phải biết gìn giữ cho tình yêu đó được hoàn thiện và bền vững.

3. Là một Bí tích

Đối với người Công Giáo, đời sống hôn nhân là một bí tích Chúa Giê-su đã thiết lập để ban ơn thánh bề trong giúp đỡ đôi vợ chồng vượt thắng những khó khăn, và trung thành với nhau cho đến chết [7]. Như vậy, bí tích hôn nhân là một giao kèo trọn đời, không tháo cởi được cho đến khi một trong hai người, vợ hoặc chồng không còn trên cõi đời này nữa.

Bởi vì được Thiên Chúa thiết lập nên bí tích hôn nhân tạo nên một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai vợ chồng. Chính Thiên Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Như thế, hôn nhân thành sự giữa người vợ và người chồng mà không bao giờ có thể tháo gỡ được [8]

Khi tình yêu của vợ và chồng được nâng lên tầm bì tích thì tình yêu đó không chỉ đơn thuần tay đôi giữa anh và em mà còn có sự trợ lực từ Thiên Chúa. Hai cái ly rỗng chẳng thể nào làm đầy cho nhau, phải cần đến sự trợ giúp từ ấm chuyên. Cũng vậy, trái tim hai vợ chồng muốn yêu thương nhau, phải nhờ Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu. Trước khi kết hôn hai vợ chồng là hai cá thể anh và em, sau khi kết hôn họ gọi nhau là “chúng mình”. Và cái khối tình này, qua bí tích hôn nhân, được Thiên Chúa chúc phúc, bảo vệ, làm cho tăng trưởng bền vững đến hết đời.

Kết

Tóm lại, hôn nhân Công Giáo bền vững hơn bởi vì đây là một bí tích do chính Đức Giê-su thiết lập để hướng tới sự hiệp thông và thiện ích của các đôi vợ chồng, theo ý định ngay từ ban đầu của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly. Bên cạnh đó Thánh Công Đồng khẳng định: “Bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị ngay cả đối với xã hội[9].

Bản toát yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 350, nói: “Gia đình Ki-tô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia vì gia đình biểu lộ và sống bản chất ‘hiệp thông và gia đình’ của Hội Thánh như là gia đình của Thiên Chúa”. Ước mong sao mỗi chúng ta cùng chung tay đóng góp xây dựng gia đình yêu thương, hiệp nhất và thủy chung để mỗi gia đình Công Giáo xứng đáng được gọi là “Hội Thánh tại gia” như ý định của Thiên Chúa và Giáo Hội.


  • [1] x. Xh. 20,14.
  • [2] x. Ml. 2, 14-15.
  • [3] x. Mt. 19,4-9 ; Mc. 10, 5-9 ; Lc. 16, 18.
  • [4] x. 1Cr. 7, 10-11.
  • [5] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 219; Bản toát yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 341.
  • [6] x. Ep. 5, 25.
  • [7] x. Fr. Thomas Túy, O.P., Hôn phối Công Giáo, lễ Thánh Gia 30/12/2012.
  • [8] x. Bản toát yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 346.
  • [9] x. Gaudium Et Spes, số 48.

Giuse Trần

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW