Chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô: Niềm vui trong hy vọng
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu bài giảng tại nhà nguyện Santa Marta hôm thứ sáu 30 tháng 5 dựa trên quan sát rằng Thánh Phaolô "đã rất dũng cảm", "bởi vì ngài có sức mạnh nơi Chúa". Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý rằng đôi khi vị Tông Đồ Dân Ngoại dũng cảm này cũng cảm thấy sợ. Đức Thánh Cha ghi nhận rằng "Sợ hãi là điều xảy ra với tất cả các chúng ta trong cuộc sống.". Vì vậy, nhiều khi người ta bị cám dỗ để che dấu bớt căn tính Kitô của mình và tìm cách thỏa hiệp với thế giới.
Thánh Phaolô biết là nhiều người, cả Do Thái, lẫn dân ngoại đều không thích những gì ngài đã và đang làm, nhưng điều này không ngăn chặn được ngài; và cuối cùng ngài phải gánh chịu những khó khăn và khủng bố. Gương của thánh nhân nên làm cho chúng ta suy nghĩ lại về những lo lắng của chúng ta. Ngay cả Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu cũng cảm thấy sợ hãi và đau khổ và trong lời từ biệt của Ngài với các môn đệ, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng "thế gian sẽ nhảy mừng trước những đau khổ của họ”, và điều đó thực sự đã xảy ra với các vị tử đạo tiên khởi tại hí trường Côlôsê.
"Chúng ta phải nói sự thật! Đời sống Kitô hữu không phải là một đại yến tiệc đâu. Không. Chẳng phải đâu. Trái lại, tất cả chúng ta đều phải than khóc, và than khóc rất nhiều lần khi chúng ta bệnh hoạn, khi chúng ta có những vấn đề với con cái trong gia đình, với người phối ngẫu của mình; khi chúng ta thấy tiền lương chúng ta không còn được đến cuối tháng; khi con cái đau yếu, khi chúng ta thấy rằng chúng ta không thể trả tiền mượn nhà băng để mua nhà và chúng ta phải bằng cách nào đó mà tồn tại. Nhiều vấn đề lắm. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta: … 'Đừng sợ' 'Vâng, anh chị em sẽ buồn, sẽ than khóc và thậm chí còn thấy những người không ưa mình đang nhảy mừng hân hoan vì những đau khổ của anh chị em".
Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng có một nỗi buồn còn sâu xa hơn ập đến với tất cả chúng ta khi chúng ta lầm đường lạc lối. Nói cho đơn giản là khi chúng ta cố gắng mua cho được hạnh phúc và niềm vui của cái thế giới này, của tội lỗi, để rồi chung cuộc lại chỉ thấy một nỗi buồn và một khoảng trống mênh mông trong chúng ta. Đó là nỗi buồn gặp phải những thứ hạnh phúc sai trái. Niềm vui Kitô giáo, ngược lại, là một niềm vui trong hy vọng về một điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, trong những lúc gian truân và thử thách, chúng ta không thấy điều này: đó là niềm vui của chúng ta được tinh luyện qua gian nan, qua những thử thách hàng ngày của chúng ta. ‘Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt giữa hân hoan’. Nhưng thật khó để đi nói với một người bệnh đang đau khổ rất nhiều rằng ‘Vui lên, ngày mai bạn sẽ hân hoan’ Không, anh chị em không thể nói như thế nhưng chúng ta phải giúp họ cảm thấy những gì Chúa Giêsu đã thực hiện nơi chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy được niềm vui đó. Khi chúng ta ở trong bóng tối, chúng ta không thấy bất cứ điều gì nhưng chúng ta thưa, 'Lạy Chúa, con biết nỗi buồn này sẽ chuyển thành niềm vui. Con không biết điều đó sẽ xảy đến cách nào, nhưng con biết điều đó chắc chắn sẽ xảy ra!' Đó là một hành vi đức tin nơi Chúa Một tác động của đức tin!
Để giúp chúng ta hiểu được nỗi buồn chuyển thành niềm vui như thế nào Chúa Giêsu lấy ví dụ một người phụ nữ sắp sinh con: "Sự thật là người phụ nữ đau đớn rất nhiều khi sinh con – nhưng sau đó khi ôm đứa bé trong tay, bà quên đi mọi chuyện". Điều cuối cùng còn lại trong chúng ta là niềm vui của Chúa Giêsu, một niềm vui tinh khiết. Đó là một niềm vui còn mãi. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng niềm vui này đôi khi bị ‘lu mờ trong những khoảnh khắc của cuộc sống, chúng ta không cảm thấy nó trong những lúc gian nan, nhưng nó hiện ra sau đó: một niềm vui trong niềm hy vọng’. Điều này chính là thông điệp vang lên trong Giáo Hội hôm nay: Đừng sợ!.
Hãy can đảm trong đau khổ và hãy nhớ rằng cuối cùng Chúa sẽ đến, cuối cùng niềm vui sẽ ngự trị, sau bóng đêm là ánh mặt trời. Nguyện xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui trong hy vọng này. Và dấu chỉ cho thấy là chúng ta đang có niềm vui trong hy vọng này là sự an bình nội tâm. Biết bao những bệnh nhân, những người đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, trong đau đớn, vẫn có được sự bình an của tâm hồn… Đây là hạt giống của niềm vui, niềm vui của hy vọng và an bình. Anh chị em có an bình trong tâm hồn giữa những thời khắc đen tối, giữa những lúc khó khăn, giữa thời bách hại, khi những người khác nhảy mừng trước những đau khổ của anh chị em không? Anh chị em có thấy an bình không? Nếu anh chị em cảm thấy an bình, anh chị em đang có hạt giống của niềm hân hoan chắc chắn sẽ đến. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu những điều này.
Đặng Tự Do (30/05/2014)