13 người thay đổi thế giới
ANRÊ – VỊ TÔNG ĐỒ GIÀU TÌNH BẠN (Ga 1, 41–42)
Ông đang lắng nghe Gioan Tẩy Giả. Ông là một trong những người đã đến để nghe vị tiên tri man dã này. Ông nghe rõ Gioan đang nói, tay chỉ về phía Giêsu: "Đây Chiên Thiên Chúa…” (Ga 1, 29–36).
Tò mò và kích thích, ông theo Giêsu. Đức Giêsu thấy ông theo bèn hỏi ông muốn gì. Anrê và bạn ông thưa rằng họ muốn tiếp chuyện với Người. Chắc hẳn không chỉ là một buổi nói chuyện bình thường vì họ còn nhớ rõ thời giờ: "Lúc đó khoảng giờ thứ mười" (Ga 1, 39)… Một giờ đầy ý nghĩa đối với Anrê, giờ của quyết định, giờ của cơ hội, giờ thay đổi cả cuộc đời ông.
Ông ra về với một niềm xác tín: "Giêsu là Chiên Thiên Chúa," Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa sai đến mà bao thế hệ hằng mong đợi.
Bấy giờ Anrê chỉ còn nghĩ đến một người: đó là em trai mình, Simon Phêrô. Ông bắt buộc phải nghĩ đến Phêrô. Ông đã sống dưới bóng của chính người em ruột mình từ tấm bé: luôn luôn là Phêrô thế này, Phêrô thế nọ. Lúc nào cũng Phêrô. Phêrô là trung tâm điểm. Phêrô là vì sao sáng. Phêrô là kẻ đứng đầu. Anrê biết rằng Phêrô có những khả năng mà mình không có. Dù sao thì cậu em Phêrô cũng phải gặp Chúa Giêsu: "Trước hết, ông đến gặp em mình" (Ga 1, 41).
Anrê là môn đệ đầu tiên theo Chúa Giêsu nhưng lại không hề được ghi đầu trong bất cứ danh sách Tông Đồ nào. Luôn luôn là Phêrô đứng đầu, rồi mới đến Anrê. Trong Tin Mừng Mác-cô và Tông Đồ Công Vụ, tên ông ghi đến hạng thứ tư.
Có lẽ suốt đời mọi việc đều xảy ra như thế.
Ở trường, Phêrô là người trả lời nhanh nhất.
Ngoài sân chơi, Phêrô là quản trò.
Khi giao thiệp, bạn bè vây quanh Phêrô.
Trong công việc chài lưới, Phêrô giải quyết mọi việc.
Phêrô ra lệnh và Anrê trong bóng mờ lủi thủi thi hành.
Khi gặp Anrê, người ta thường hỏi: "Anh tên là gì? À, nhớ ra rồi, anh là anh của Phêrô".
Đóng vai phụ đâu phải là dễ, nhất là phải đóng suốt đời. Ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần nọ, tháng này đến tháng kia. Trong mọi việc, trong mọi lúc, trong mọi nơi. Sống nấp bóng một người em chói lòa đâu phải dễ!
Và bây giờ, Anrê đã khám phá ra Đức Giêsu Kitô trước: được một lần ông sẽ đứng đầu, được một lần ông có dịp nổi. Nếu ông biết rằng ông đứng đầu trong một trường hợp ngoại lệ, nếu ông biết rằng thế giới sẽ chống lại ông, thì chắc hẳn ông đã không đưa Phêrô đến gặp Chúa.
Nhưng Anrê không phải loại bi quan yếm thế, ông đã học cách tạo nên những âm thanh tuyệt diệu trên những phím đàn hạng hai. Đầu tiên ông Anrê đến gặp em mình và nói rằng: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia…" rồi ông đưa Simon Phêrô đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1, 41-42). Ông không do dự, không nghi ngờ, Ông khẳng định: nếu ông nghi ngờ, thì hẳn Phêrô đã không bị thuyết phục.
Nhưng Anrê nói như đinh đóng cột: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia."
Phêrô nghe anh mình nói, ông lắng nghe với tất cả con người nóng bỏng và hướng ngoại của mình.
Chúng ta dễ hiểu vì sao Anrê phải là một con người đóng vai phụ. Đời sống của Anrê đã khiến ông em phải nể phục: Anrê êm dịu, trầm tĩnh và khiêm nhường.
Phêrô không cười vào mặt, không mỉa mai Anrê. Phêrô đã chấp thuận để Anrê dẫn đến gặp Đức Giêsu.
Có thể Anrê không có tài thuyết phục của Phêrô, nhưng ông đã đem Phêrô đến gặp Chúa.
Có thể không bao giờ chúng ta có một Phêrô, nếu tiên vàn không có một Anrê.
Chúng ta gặp lại Anrê trong Kinh Thánh vài tháng sau.
Một đám đông đã nghe Chúa giảng suốt ngày. Trời đã xế và Người phải trở về. Đối với một số người, đường đi xa xăm lắm. Những người đàn bà đã thấm mệt, những đứa trẻ đã lả người. Họ không còn lương thực.
Tông Đồ của Chúa Giêsu nghĩ ngợi hoang mang. Rồi Anrê bước tới, (Ở đây, Phúc Âm lại ghi rõ "Anrê, anh của Simon Phêrô" (Ga 6, 8) để nhận diện ông: suốt đời, ông chỉ là một.