Chúa Nhật XIV Thường Niên – A – 06.07.2014
Dcr 9,9-10; Rm 8,9.11-13; Mt 11, 25-30
Lm. Jude Siciliano, OP.
ÁCH TÔI ÊM ÁI, GÁNH TÔI NHẸ NHÀNG
Kính thưa quý vị,
Tôi bắt đầu những ngày đau buồn khi nghe được tin tức từ Iraq trên Đài Phát Thanh Quốc gia. Các phần tử cực đoan Suni đã tiếp quản một nửa đất nước. Dân Shiite đang trốn khỏi Mosul. Quân lính xếp hàng trên đường phố và có những cuộc hành quyết. Người dân vướng vào cuộc giao tranh là những nạn nhân của cuộc xung đột không do việc làm của họ. Tôi buồn khi cố hình dung những gì các bậc cha mẹ đang làm khi họ cố chạy đến nơi an toàn cùng với con cái. Ngoài ra, tin tức được cá nhân hơn khi tu sĩ Đa Minh chúng tôi nhận được những dòng email đau buồn về anh chị em của mình, cùng với giáo dân, bị nhốt trong các nhà thờ ở Mosul. Chúng tôi đang lo sợ cho cuộc sống của họ. Tất cả là vì kẻ thù cũ không bị kiểm soát sẽ ở đó – và người vô tội bị vướng vào cuộc giao tranh.
Chúng ta nghe sách Sáng Thế thuật lại Thiên Chúa có ý định tốt đẹp khi Người dựng nên chúng ta. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Sau khi Thiên Chúa tạo nên ông bà nguyên tổ, Người đã chúc phúc cho họ. Lời chúc phúc có bị mất đi không? Thưa rằng lời chúc phúc dường như kết thúc ở thế hệ thứ hai, khi lòng ghen tị và oán giận của Cain khiến ông giết em mình. Anh giết em, ngay sau lời chúc phúc đầu tiên. Dân Suni chống lại dân Shiite; các tín đồ Hồi Giáo đối đầu với các Kitô hữu – dường như không có nhiều thay đổi. Kinh Thánh nói đúng: Bạo lực có nơi chúng ta ngay từ ban đầu. Vì thế mới có lời chúc phúc của Thiên Chúa. Cái nào sẽ thắng thế, bạo lực hay lời chúc phúc? Đôi lúc thật khó trả lời.
Trên chương trình Một Khi Trở Lại của Bill Moyer, có buổi thảo luận giữa Mary Gordon, một thần học gia với một giáo sĩ Do Thái (xin lỗi, tôi quên tên ông ta). Họ bàn về câu chuyện Cain và Abel. Moyers hỏi: “Tại sao Chúa không giết Cain vì tội ác của ông?” Vị giáo sĩ Do Thái trả lời: “Bởi vì Chúa muốn ngăn chặn vòng xoay bạo lực”. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh, giống như Thiên Chúa, và từ lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã muốn chúng ta phản chiếu hình ảnh của Người và “ngăn chặn vòng xoay bạo lực”. Đó là điều làm nên đoạn Kinh Thánh hôm nay.
Quý vị không cảm thấy ngạc nhiên khi thức dậy vào buổi sáng và bật radio chỉ để nghe những tin tốt lành hay sao? Những ngày này, điều đó sẽ hoàn toàn không xảy ra với bất cứ hình thức truyền thông nào. Nhưng chúng ta, những người có đức tin, hướng đến nguồn tin khác, đó là Kinh Thánh, và các bài đọc luôn chứa đựng tin vui cho chúng ta. Kinh Thánh giúp chúng ta giữ vững niềm hy vọng và làm việc thiện, thậm chí khi chúng ta xem tin tức buổi tối và những giọt lệ sầu tuôn trào đôi mắt trước cảnh cùng cực nơi nhiều vùng đất và quốc gia trên thế giới.
Ngôn sứ Dacaria công bố tin vui và niềm hy vọng cho người đương thời, có lẽ 100 năm sau ngày hồi hương. Họ hy vọng có thể phục hồi Giuđa đến vinh quang từng có dưới thời vua Đavít. Tuy nhiên, họ đã không thành công. Vì thế, niềm hy vọng của dân chúng chuyển sang “thời cùng tận”, thời viên mãn cánh chung, khi Đấng Mêsia đến. Ngôn sứ giữ vững niềm hy vọng của dân chúng, rằng Thiên Chúa sẽ ban một vị vua và đấng cứu độ. Nhưng ngôn sứ Dacaria đã nhìn thấy một vị vua khác với vị vua dân chúng mong chờ; một người không cổ võ hung tàn, nhưng chấm dứt nó và xây dựng vươnng quốc bình an. Vị thủ lãnh hiền lành này sẽ loại bỏ tất cả vũ khí chiến tranh, công bố một nền hòa bình vĩnh cửu. Nghe như điều này không thể có phải không quý vị?
Những người đương thời với Đức Giêsu nhận ra Người như sự viên thành thị kiến của ngôn sứ Dacaria. Nhưng Người không là một biểu tượng đơn độc của các nhân đức mà các ngôn sứ cổ võ. Chúng ta có thể nghe lời mời gọi Đức Giêsu dành cho chúng ta không? “Hãy đến cùng tôi”. Người không chỉ đưa tay trợ giúp những ai mang gánh nặng nề, mà còn mời gọi chúng ta mang lấy “ách” của Người – đường lối của Người là sống và phục vụ.
Một “trái tim hiền lành và khiêm nhường” dường như không hoạt động trong thế giới chúng ta. Những người hiền lành bị “những người quyền cao chức trọng” lợi dụng và loại trừ. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ, có sức mạnh từ Người, từ bỏ bạo lực vì danh Người. Các môn đệ phải đối mặt và chống lại sức mạnh quyền lực đang giẫm đạp người nghèo và người thấp cổ bé miệng. Chúng ta phải “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” và luôn chống lại sự dữ bằng cách đồng hành với những người cần được biện hộ và bảo vệ. Thậm chí chúng ta có thể có quyền lực trần thế theo ý muốn, nhưng như những môn đồ của đấng Mêsia “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, chúng ta không dùng quyền lực trần thế để chống lại bất cứ người hay nhóm nào.
Học cho biết hiền lành và hòa nhã là một kế hoạch suốt đời. Hằng ngày, chúng ta đương đầu với cám dỗ sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng để thực hiện kế hoạch của mình – thậm chí kế hoạch đó là tốt. Chúng ta phải thường xuyên thực hành đức hiền từ trong các mối tương quan với người khác, xung quanh ta, trong gia đình ta, cũng như những người chúng ta tiếp xúc nơi công sở, trường học, khu vui chơi giải trí và các địa điểm xã hội.Việc thực hành hàng ngày như thế là huấn luyện nền tảng cho những thời khắc lớn hơn giúp chúng ta mạnh mẽ và hiền lành nhằm chống lại bất công và hận thù.
Thực hành cách thức hiền từ của Đức Giêsu giống như một nỗ lực bị thất bại và đôi khi là một trách nhiệm nặng nề. Khi sự thiếu kiên nhẫn khiến chúng ta phải cậy dựa vào những cách thức thông thường trên thế giới nhằm hoàn thành các mục tiêu của mình, chúng ta cần hướng về Đức Giêsu, Đấng luôn nói hết lần này đến lần khác rằng: “Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng; anh em sẽ được nghỉ ngơi. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng”.
Đức Giêsu là hiện thân của khôn ngoan Thiên Chúa, một dấu đối nghịch với lẽ khôn ngoan thế gian luôn đặt chính mình trên hết và cổ vũ chúng ta hành động vì lợi ích của chính chúng ta. Đức Giêsu chỉ ra một cách thức khác, trong đó, Thiên Chúa “ẩn náu khỏi sự khôn ngoan”. Tại sao Thiên Chúa làm điều đó? Phải chăng Người không muốn nhân loại được sung túc? Vâng, nhưng khôn ngoan Đức Giêsu mang đến không do sự cố gắng của con người, mà là ân huệ Chúa ban. Vài người cùng thời với Đức Giêsu cho rằng họ có tất cả những gì họ muốn trong lề luật và các ngôn sứ. Lời dạy của Đức Giêsu thì quá nhiều đối với họ, và như thế đã “ẩn giấu” khỏi mắt họ.
Đức Giêsu nói: “Cha tôi ban cho tôi mọi sự”. Người đang nói về tri thức, mạc khải về Thiên Chúa, được ban cho những ai đón nhận Người. Chúng ta biết được Thiên Chúa nhờ biết Đức Giêsu. Mạc khải này giải thoát chúng ta khỏi ách nặng nề khi cố gắng đặt chính mình hiểu đúng Thiên Chúa bằng nỗ lực riêng.
Thực vậy, Đức Giêsu trao cho chúng ta ách của Người – lời mời gọi đón nhận sứ điệp của Chúa và sự tha thứ cùng với đời sống mới sẽ đến trong cùng sứ điệp đó. Đó là cái ách phục tùng và quy thuận, đòi hỏi tinh thần phục vụ trong toàn bộ đời sống chúng ta. Nhưng khi đón nhận ách của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa và tìm gặp chốn nghỉ ngơi Đức Giêsu đã hứa.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp