Những thách đố về Mục Vụ Gia Đình trong bối cảnh Phúc Âm Hoá – Chương III

19-07-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Những thách đố về Mục Vụ Gia Đình trong bối cảnh Phúc Âm Hoá – Chương III by

Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III
Những thách đố về Mục Vụ Gia Đình trong bối cảnh Phúc Âm Hoá

Tin Mừng về gia đình và luật tự nhiên
Sự liên hệ giữa Tin Mừng về gia đình và luật tự nhiên 

20. Trong phạm vi chấp nhận các giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân và gia đình, cần phải nhắc đến đề tài luật tự nhiên. Ở đây chúng ta phải kể đến sự kiện là các tài liệu của Huấn Quyền thường nhắc đến từ này, là từ mà ngày nay hơi có một chút khó hiểu. Tình trạng phức tạp trên một quy mô rộng lớn mà chúng ta hiện nay đang thấy về quan niệm luật tự nhiên có chiều hướng ảnh hưởng một cách phiền toái đến một số yếu tố của giáo lý Kitô giáo về đề tài này. Thực ra, điều làm nền tảng cho mối liên hệ giữa Tin Mừng về gia đình và luật tự nhiên, không phải là việc bảo vệ một khái niệm triết học trừu tượng, nhưng là một mối liên hệ cần thiết mà Tin Mừng thiếp lập với con người trong tất cả các biến cố lịch sử và văn hóa của họ. “Như vậy luật tự nhiên đáp ứng nhu cầu được thiết lập bởi nhân quyền dựa trên l‎ý trí và làm cho một cuộc đối thoại liên văn hóa và liên tôn có thể xảy ra” (Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Tìm Kiếm một nền đạo đức phổ quát: một cái nhìn mới về luật tự nhiên, 35). 
Các vấn đề liên quan đến luật tự nhiên ngày nay 

21. Trong ánh sáng của những gì Hội Thánh đã duy trì qua nhiều kỷ nguyên, qua việc nghiên cứu về mối liên hệ giữa Tin Mừng về gia đình và kinh nghiệm chung cho từng người, chúng ta có thể kể đến rất nhiều vấn đề được vạch ra trong các câu trả lời cho các câu hỏi liên quan đến đề tài luật tự nhiên. Đối với đại đa số các câu trả lời và ‎ý kiến, thì quan niệm về “luật tự nhiên” ngày nay, trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau, có vẻ rất có vấn đề, nếu không nói là không thể hiểu nổi. Đây là một từ ngữ được hiểu nhiều cách khác nhau hoặc đơn thuần là không hiểu gì cả. Nhiều Hội Đồng Giám Mục, trong những hoàn cảnh rất khác nhau, nói rằng mặc dầu chiều kích hôn nhân của mối liên hệ giữa người nam và người nữ thường được chấp nhận như một thực tại sống động, nhưng không được giải thích theo một luật phổ quát được xác định. Chỉ có một số rất ít câu trả lời và ý‎ kiến chứng tỏ một sự hiểu biết đầy đủ về luật này ở mức phổ thông. 

22. Cũng rõ ràng từ các câu trả lời và ý kiến rằng tĩnh từ “tự nhiên” đôi khi có thể bị hiểu theo nghĩa chủ quan là “bộc phát”. Người ta có khuynh hướng đề cao giá trị của cảm giác và cảm xúc, là những chiều kích có vẻ “xác thực” và “cơ bản”, và do đó, “tự nhiên” để làm theo. Những quan niệm về nhân chủng cơ bản, một đàng. nhắc đến quyền tự chủ của sự tự do của con người, là điều không nhất thiết phải liên quan đến một trật tự tự nhiên khách quan, và đàng khác, nhắc đến khát vọng hạnh phúc của con người được hiểu như việc đạt được các ước muốn của mình. Do đó, luật tự nhiên được coi là một di sản lỗi thời. Ngày nay, không chỉ ở Tây phương, nhưng từ từ trên toàn thế giới, các nghiên cứu khoa học trở nên một thách đố nghiêm trọng đối với những quan niệm về tự nhiên. Sự tiến hóa, sinh vật học và khoa học thần kinh, khi đối diện với những tư tưởng truyền thống về luật tự nhiên, đưa đến kết luận rằng không nên coi luật này là phù hợp với “khoa học”. 

23. Ngay cả quan niệm về “nhân quyền” cũng thường bị coi như một nhắc nhở về quyền tự quyết của chủ thể, nhưng không dựa vào quan niệm luật tự nhiên. Về điểm này, nhiều người đã ghi nhận rằng hệ thống luật pháp của nhiều quốc gia đang ban hành luật về những trường hợp trái với trật tự truyền thống của luật tự nhiên (chẳng hạn như việc thụ thai nhân tạo, hôn nhân đồng tính, thí nghiệm phôi thai người, phá thai, vv.). Chính trong bối cảnh này, mà ý thức hệ gọi là học thuyết về phái tính càng ngày càng lan tràn, theo đó, phái tính của mỗi cá nhân chỉ là sản phẩm của việc điều kiện hoá xã hội và các nhu cầu xã hội, nên không còn có một sự tương ứng hoàn toàn với phái tính theo sinh vật học. 

24. Ngoài ra, người ta cũng ghi nhận một cách rộng rãi rằng điều gì được luật dân sự thiết lập – dựa trên chủ nghĩa thực chứng pháp lý càng ngày càng chiếm ưu thế – sẽ dễ được chấp nhận về mặt luân lý, theo não trạng thông thường. Điều là “tự nhiên” có khuynh hướng được định nghĩa như thế bởi các cá nhân và xã hội, trở thành những thẩm phán duy nhất của các lựa chọn đạo đức. Việc tương đối hoá quan niệm về “tự nhiên” cũng được phản ánh trong khái niệm về sự ổn định “về thời gian” trong sự liên hệ của những kết hợp vợ chồng. Ngày nay, tình yêu được coi là “mãi mãi” bao lâu mối liên hệ này thực sự còn có thể kéo dài. 

25. Nếu, một đàng, người ta đánh mất ý nghĩa của “luật tự nhiên”, đàng khác, như một số Hội Đồng Giám Mục Châu Phi, Châu Đại Dương và Châu Á nói rằng, trong một số vùng, chế độ đa thê được coi là “tự nhiên”, và việc bỏ một người vợ không có khả năng sinh con – đặc biệt là con trai – cho chồng cũng được coi là “tự nhiên”. Nói cách khác, có vẻ như, từ quan điểm của nền văn hóa thịnh hành, luật tự nhiên không còn được coi là phổ quát, vì không còn là một hệ thống để quy chiếu chung nữa. 

26. Những câu trả lời cũng cho thấy rõ một niềm tin phổ biến rằng sự phân biệt phái tính có một nền tảng tự nhiên nơi chính đời sống con người. Vì thế, theo truyền thống, văn hóa và trực giác, người ta ước muốn duy trì sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Do đó, luật tự nhiên là một “thực thể” được các tín hữu chấp nhận rộng rãi, mà không cần phải biện minh bằng lý thuyết. Vì sự biến mất của quan niệm về luật tự nhiên có khuynh hướng làm tan rã mối liên hệ giữa tình yêu, tính dục và khả năng sinh sản, là những điều được hiểu như bản chất của hôn nhân, nên người ta không hiểu được nhiều khía cạnh luân lý tính dục của Hội Thánh ngày nay. Chính trên sự biến mất này đã mọc ra một số phê bình về luật tự nhiên, thậm chí từ một số thần học gia.
Những tranh luận thực tiễn về sự kết hợp giữa người nam và người nữ của luật tự nhiên

27. Vì các học viện ngày nay ít nhắc đến luật tự nhiên, nên có nhiều tranh luận gây ra bởi việc thực hành rộng rãi nạn ly dị, chung sống trước hôn nhân, ngừa thai, truyền sinh nhân tạo và hôn nhân đồng tính. Trong số những dân nghèo nhất và ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tây phương nhất – đặc biệt được nhắc đến ở đây là một số quốc gia Phi châu – các loại tranh luận khác về luật này lại tỏ tưởng, chẳng hạn như hiện tượng trọng nam khinh nữ, chế độ đa thê, hôn nhân giữa thiếu niên và trẻ em dưới 13 tuổi và ly dị trong trường hợp không có con, hay không có con trai làm kế tử, cũng như loạn luân và những thực hành sai lạc khác. 

28. Trong hầu hết các câu trả lời, kể cả những ý‎ kiến, càng ngày càng có nhiều gia đình “mở rộng,” đặc biệt là sự hiện diện của con cái từ các cặp vợ chồng khác nhau. Trong xã hội Tây phương, hiện nay có nhiều hợp trong đó con cái của những cha mẹ ly thân hoặc ly dị, dù có tái hôn hay không, ở với các ông bà cũng ở trong tình trạng ấy. Ngoài ra, đặc biệt là ở Âu châu và Bắc Mỹ (nhưng cũng trong các quốc gia Đông Á), có sự gia tăng những trường hợp kết hôn nhưng không muốn có con, cũng như những cá nhân sống độc thân hay sống đơn lẻ. Ngay cả số gia đình chỉ có một cha hay một mẹ cũng gia tăng. Ở trong cùng những châu lục ấy, tuổi kết hôn cũng gia tăng một cách đáng kể. Nhiều khi, đặc biệt là ở các nước Bắc Âu và Bắc Mỹ, con cái còn bị coi là một trở ngại cho hạnh phúc của cá nhân và của các cặp vợ chồng. 

29. Cũng đáng nhắc đến là việc sẵn sàng nhìn nhận theo mức độ dân sự, đặc biệt là ở nhiều vùng của Á châu, cái được gọi là những kết hợp “đa nhân” giữa những cá nhân có khuynh hướng tính dục và căn tính giới tính khác nhau, chỉ dựa trên nhu cầu của họ cùng trên nhu cầu cá nhân và chủ quan. Tóm lại, người ta có khuynh hướng nhấn mạnh đến quyền tự do cá nhân mà không nhượng bộ: người ta chỉ “xây dựng” dựa trên những dục vọng cá nhân của họ. Cái mà người ta cho là có thể trở nên “tự nhiên” chỉ là quy về mình và điều khiển những dụ vọng cùng nguyện vọng của mình. Điểu này chịu ảnh hưởng bởi những phương tiện truyền thông đại chúng và lối sống được biểu thị bởi một số nhân vật thể thao và kịch ảnh; những bình diện này có ảnh hưởng thậm chí ở những quốc gia mà nền văn hóa gia đình truyền thống có vẻ chống lại chúng nhiều hơn (Phi Châu, Trung Đông và Trung và Nam Á). 

Kêu gọi đổi mới từ ngữ

30. Nhu cầu cấp bách hậu thuẫn việc sử dụng thuật ngữ truyền thống “luật tự nhiên” là đẩy mạnh việc cải tiến ngôn từ và khuôn khổ khái niệm để tham chiếu, ngõ hầu truyền thông các giá trị của Tin Mừng một cách dễ hiểu hơn với con người thời nay. Đặc biệt là phần lớn các câu trả lời và hơn nữa là các ý kiến cho thấy sự cần thiết phải nhấn mạnh một cách quả quyết hơn đến vai trò của Lời Chúa như một công cụ đặc quyền trong khái niệm về đời sống hôn nhân gia đình, và khuyến khích việc tham khảo thế giới Thánh Kinh và các ngôn ngữ cùng các hình thức tường thuật của nó nhiều hơn nữa. Theo nghĩa này, điều đáng ghi nhận là đề nghị xắp loại các câu Thánh Kinh theo chủ đề và đào sâu khái niệm về sự linh hứng của Thánh Kinh và về “trật tự sáng tạo,” như một cơ hội để đọc lại “luật tự nhiên” một cách sống còn và có ý nghĩa hơn (như ý tưởng về lề luật được viết trong tim trong Rm 1:19-21; 2:14-15). Một số người cũng đề nghị việc phải nhất định sử dụng một ngôn ngữ dễ hiểu, như ngôn ngữ biểu tượng được sử dụng trong phụng vụ. Cũng có những đề nghị khuyến khích việc chú tâm đến thế giới của giới trẻ qua các cuộc đối thoại trực tiếp, đặc biệt là về các chủ đề này.

Còn tiếp…

Nguyên bảnhttp://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20140626_instrumentum-laboris-familia_it.html

Phaolô Phạm Xuân Khôi 18/07/2014

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW