Chúa Nhật XVII Thường Niên A – 27/07/2014
1 V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52
Lm. Jude Siciliano, OP.
HÃY BÁN HẾT CỦA CẢI ĐỂ ĐƯỢC KHO BÁU
Kính thưa quý vị,
Quý vị chẳng phải thích những câu chuyện kể về một người tình cờ gặp chiếc đèn thần hay bùa hộ mạng sao? Khi người đó vô tình chạm vào chiếc đèn, thì một bà tiên hay vị thần hiện ra nói rằng: “Hãy cứ xin, rồi ta sẽ ban cho con mọi điều con ước muốn”. Khi đó chúng ta đặt cuốn sách đang đọc xuống và để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Chúng ta ước mong điều gì: tiền bạc ư? Chẳng cần làm việc ư? Sức khoẻ tốt ư? Tuổi thọ ư? Gia đình hạnh phúc ư? Thế giới hoà bình ư? Tôi luôn mong muốn trở thành một người chơi vĩ cầm mà không mất nhiều thời gian tập luyện. Hẳn đó là những điều thúc đẩy tôi mong ước.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách các Vua quyển I hôm nay làm cho trí tưởng tượng của chúng ta thêm sinh động. Thiên Chúa đến với vua Salômôn trong một giấc mộng và bảo ông rằng: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”. Thiên Chúa bước vào cuộc đời vua Salômôn bằng một lời mời gọi công khailôi cuốn ông ngay thời điểm ông bị công kích. Ông còn trẻ và chỉ mới bắt đầu cầm quyền trị nước. Ông thấy mình không xứng đáng. Vua Salômôn đến thánh điện núi Ghípôn để xin Thiên Chúa trợ giúp. Ông thú nhận với Thiên Chúa rằng ông đang gặp khó khăn: Ông còn trẻ người non dạ, và gánh nặng đè trên vai ông là phải cai trị một đất nước rộng lớn.
Vua Salômôn có thể xin bất cứ điều gì ông muốn, nhưng ông chỉ xin có được một “tâm hồn biết lắng nghe” (một số người dịch là một “trí khôn minh mẫn”). Ông không xin có được mọi hiểu biết cao siêu. Ông chẳng cần nỗ lực biết mọi thứ trên đời. Thực vậy, ông chỉ muốn biết cách cai trị một đất nước rộng lớn bằng “tâm hồn biết lắng nghe”. Nói khác đi, một “tâm hồn biết lắng nghe” để ông có thể phân biệt điều tốt xấu; để xác định điều phải trái cho dân của mình. Xem ra ông đã hiểu được vai trò lãnh đạo sẽ đòi buộc ông phải quên đi lợi ích bản thân khi phục vụ Chúa và Dân Người.
Chúng ta cùng trở lại phần đầu câu chuyện. Nếu Thiên Chúa cũng đề nghị chúng ta “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” thì chúng ta sẽ xin gì? Lời đề nghị thực sự đặt chúng ta lấp lửng giữa các ưu tiên và các giá trị cao nhất, phải không quý vị? Ai là người quan trọng đối với chúng ta? Chúng ta cần trả lời thế nào và phục vụ họ ra sao? Ngoài ra, đâu là những giá trị cốt lõi của chúng ta? Trong câu chuyện, vì Thiên Chúa đã khởi xướng và chấp nhận lời thỉnh cầu chính đáng của vua Salômôn, nên có lẽ Thiên Chúa sẵn lòng thực hiện điều tương tự cho chúng ta, nếu chúng ta phân định được những ưu tiên của mình rồi kêu xin Người.
Vua Salômôn được mời gọi để lựa chọn. Các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay cũng thế. Nước Trời đòi hỏi chúng ta thực hiện điều tương tự. Xem ra chúng ta bất chợt tìm ra điều này, cách tình cờ,như kho báu được chôn trong ruộng. Tuy nhiên, Nước Trời đòi hỏi chúng ta cần có sự phân định. Chúng ta có thể đánh giá kho báu chúng ta bắt gặp như thế nào không? Chúng ta có sẵn lòng đón nhận kho báu ấy với niềm vui và thực hiện những hy sinh trong cuộc sống của mình để đạt được kho báu ấy không? Đó là những chọn lựa quan trọng, không dễ dàng tiến hành chút nào. Trong dụ ngôn, một khi người kia bán tất cả những gì anh có để đạt được kho báu, thì anh sẽ chẳng còn lại gì – ngoại trừ kho báu. Cuộc sống thường ngày của chúng ta cần biểu lộ phù hợp với lựa chọn chúng ta thực hiện để đáp lại lời Thiên Chúa. Chúng ta cần thực hành cách đầy đủ điều chúng ta tuyên xưng ở đây trong ngôi nhà thờ này vào Chúa nhật chứ? Sau hết, chúng ta có mua thửa ruộng đó không?
Nếu chúng ta mua thửa ruộng đó thì toàn bộ cuộc đời chúng ta sẽ phản ánh chọn lựa của mình. Đâu là cái giá của Kitô giáo? Thưa rằng: Tất cả mọi thứ. Chẳng phải các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã bỏ lại tất cả những gì các ông có như tàu thuyền, chài lưới, cha và sự nghiệp để theo Đức Giêsu (4,18-22) sao? Sau này, thánh Mátthêu đã bỏ công việc thu thuế của mình (9,9) để theo Đức Giêsu. Các ông đã từ bỏ rất nhiều để “mua thửa ruộng”.
Thoạt tiên, các ông cảm thấy phấn khích khi theo nhà giảng thuyết lưu động nổi tiếng. Tiếp theo, sau thảm kịch về cái chết và mạc khải về sự phục sinh của Người, họ đã cảm nghiệm được niềm vui của người trong dụ ngôn. Hãy lưu ý rằng các sách Tin Mừng không nhấn mạnh sự hy sinh của các môn đệ tiên khởi. Hy sinh là điều chắc chắn, các ông sắp cảm nhận được niềm vui mà một người tìm thấy trong Nước Trời.
Chúng ta không cần bận tâm đến tính hợp pháp của hành động khi đặt vấn nạn rằngliệu người đàn ông kia có được phép giấu không cho người chủ thửa ruộng biết kho báu bí mật đó hay không. Chúng ta hãy để cho Đức Giêsu, người thuật chuyện, kể vắn tắt cho chúng ta nghe dụ ngôn về việc người kia tình cờ gặp thấy và vui mừng khi khám phá ra kho báu. Trong khi giá mua thửa ruộng để đạt được kho báu là rất cao – “tất cả những gì anh có” – tôi sẽ không nhấn mạnh đến sự hy sinh của người đàn ông. Đức Giêsu xem ra nhấn mạnh đến kho báu là vương quốc và niềm vui mà kho báu mang lại cho người chủ mới.
Những dụ ngôn về Nước Trời của Đức Giêsu không phải là những câu chuyện ở thế giới bên kia. Nếu thế, chúng ta đang nhìn lên bầu trời để xem vương quốc giống như cái gì đó thôi. Quả thực, khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ sau khi Người trú ngụ trong hoang địa, Người công bố: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (5,17). Người ta có thể tìm gặp vương quốc ấy ở đâu?
Họ sẽ khám phá ra vương quốc ấy trong nhiều cách thức rất cụ thể khi Đức Giêsu bước vào đời họ và chữa lành nhiều người; Người đến với những người bị xã hội ruồng bỏ; chăm sóc người nghèo; đón nhận đàn ông và phụ nữ cách bình đẳng. Đó là cách thức cụ thể và gần gũi mà Nước Trời dành cho dân khi Đức Giêsu đi qua. Đó giống như người kia trong dụ ngôn. Họ sẽ khám phá giá trị của vương quốc cách tình cờ. Và một khi họ đã đón nhận vương quốc, họ sẽ chia sẻ với tất cả niềm vui.
Người ta có thể khám phá sự gần gũi của vương quốc mỗi khi Đức Giêsu kể họ nghe một trong những dụ ngôn của Người. Những dụ ngôn hết sức thông thường như cuộc sống hàng ngày – hạt giống được gieo trồng, bánh được nướng, cừu bị lạc và tìm thấy, đồ trang sức được mua sắm và cá được đánh bắt. Đó là những ví dụ Đức Giêsu dùng để giúp các thính giả của Người hình dung ra Thiên Chúa trong đời sống của họ – trong cuộc đời này, và lúc này, chứ không phải trong tương lai hay một nơi xa vời nào đó. Người diễn tả Lời Chúa như ông Môsê đã làm cho dân lúc sắp vào Đất Hứa: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).
Những hành động của Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng Mạc khải của Thiên Chúa rất cụ thể và gần gũi. Đó là điều mà các dụ ngôn dạy chúng ta qua những hình ảnh thông thường mỗi ngày: Nước Trời đang hiện diện tại đó trước mắt chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, và chúng ta cóđôi tai và đôi mắt để cảm nhận. Những dụ ngôn như trong bài Tin Mừng hôm nay giúp cho cặp mắt và đôi tai chúng ta cảm nhận được rằng Thiên Chúa bước vào đời ta bằng những cách thức hết sức kinh ngạc: tựa như kho báu quý vị tình cờ tìm thấy và nhận ra sức sống của nó – làm thay đổi giá trị. Khi nhận ra điều đó, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì phải làm để sở hữu kho báu ấy trong niềm vui.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp