Hiệu ứng Phanxicô và biến cố Caserta
Đức Phanxicô làm nhiều người ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi gặp mục sư Giovanni Traettino và cộng đoàn Ngũ Tuần của ông tại Caserta vào hôm thứ hai, 28 tháng 7 vừa qua. Nhận xét về biến cố này, Phil Lawler cho rằng Đức Phanxicô đã thay đổi cung cách thế giới nhìn ngôi vị giáo hoàng.
Thực vậy, không cần chờ cuộc cải tổ nghiệp vụ truyền thông tại Vatican, một cuộc cải tổ vừa được phát động với việc đề cử cựu tổng toàn quyền Hồng Kông của Anh làm phối trí viên, và như thế, mới đang ở giai đoạn đặt kế sách, biến cố Caserta cho thấy Vatican đã thay đổi cung cách xử lý tin tức rồi.
Chỉ cần nhìn cung cách đưa tin của Sở Thông Tin Vatican (VIS) về biến cố này cũng đủ chứng minh nhận định trên. Song song với việc tường trình các phát biểu của Đức Phanxicô tại Caserta, một điều dĩ nhiên VIS phải làm, cơ quan này cũng đã tường trình đầy đủ không kém các phát biểu của chủ nhà là mục sư Giovanni Traettino.
Lawler cho rằng ông đã đọc các bản tin của VIS cả 20 năm nay và thấy rằng trong suốt 20 năm này, khi nào Đức Giáo Hoàng là một trong hai hay ba diễn giả tại một biến cố công cộng, Vatican ít khi nào nhắc tới các diễn giả kia; tập chú bao giờ cũng chỉ là Đức Giáo Hoàng. Bài diễn văn của Thượng Phụ Đại Kết Constantinople hay của Đức HY Quốc Vụ Khanh may ra được tóm lược, nhưng không bao giờ đầy đủ như bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng. Nhưng ở đây, sở thông tin Vatican đã cung cấp một tóm lược hết sức chi tiết bài nói của vị mục sư Ngũ Tuần.
Tường thuật của tờ L’Osservatore Romano cũng thế, dành cùng một không gian cho các nhận xét của Đức Phanxicô và của mục sư Traettino. Lawler cho rằng không phải vì Vatican đã sa vào chủ nghĩa dửng dưng tôn giáo, đặt vị mục sự Thệ Phản ngang hàng với Đức Giáo Hoàng. VIS là một cơ quan đưa tin, phục vụ các nhà báo. Lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng đương nhiên có thế giá hơn lời tuyên bố của một mục sư Thệ Phản, nhưng nó không nhất thiết phải có giá trị hơn về phương diện tin tức. Hiển nhiên, VIS muốn lưu ý tới lời lẽ Mục Sư Traettino chào mừng Đức Giáo Hoàng.
Phương thức đưa tin như trên, theo Lawler, cũng cho thấy một thay đổi đáng kể trong cung cách các viên chức Vatican quan niệm chức vụ giáo hoàng, một thay đổi mà chính Đức Phanxicô hết sức cố gắng cổ vũ. Phương thức “cũ” coi Đức Giáo Hoàng như nhà quân chủ thế kỷ 18, và muốn gợi ý để mọi người thấy: khi ngài có mặt ở đâu, mọi người khác phải biến thành vô nghĩa. Phương thức “mới” coi Đức Giáo Hoàng như một con người bình thường, tuy đang lãnh trách nhiệm phi thường và một thẩm quyền lớn lao, nhưng cũng đang nói chuyện với những con người khác rất có thể có những điều lý thú để nói.
Rõ ràng Đức Giáo Hoàng đang phát động chiến dịch nhắc nhở thế giới, và dĩ nhiên cả các phụ tá của ngài tại Vatican, nhớ rằng: Giám Mục Rôma không phải là nhà chuyên chế thế tục, và thẩm quyền thiêng liêng của ngôi vị giáo hoàng không được ngụy trang bởi những mũ áo cân đai của nền quân chủ lỗi thời. Sứ điệp này đang bắt đầu được lắng nghe và thi hành.
Cần một điển hình khác? Lawler cho rằng điển hình khác này cũng đã xẩy ra tại Caserta khi Đức Phanxicô gặp gỡ các linh mục của giáo phận. Tường trình của Đài Phát Thanh Vatican có kèm theo một bức hình: Đức Phanxicô ngồi bên cạnh Đức Cha Giovanni D’Alise, giám mục Caserta, chứ không ngồi trên ngai hay trên một chiếc ghế cao hơn. Ngài ngồi bên cạnh vị giám mục anh em như bất cứ ai khác cùng ngồi với đồng nghiệp trong một cuộc họp công vụ. Hết sức tự nhiên. Nhưng không hề tự nhiên trong hơn 20 năm qua. Lawler cho rằng trong các năm này, người ta không bao giờ thấy một sắp xếp chỗ ngồi giống như thế khi có sự hiện diện của Giám Mục Rôma.
Xin lỗi thay cho các anh chị em Công Giáo thiếu hiểu biết
Theo tin Zenit ngày 29 tháng 7, hôm Thứ Hai vừa qua, tại Caserta, miền Nam nước Ý, Đức Phanxicô đã xin lỗi người Ngũ Tuần thay cho các người Công Giáo từng bách hại họ trong quá khứ, vì thiếu hiểu biết; đồng thời kêu gọi hợp nhất trong đa dạng.
Sau khi gặp riêng người bạn lâu năm của mình là Mục Sư Giovanni Traettino, Đức Phanxicô đã nói chuyện với khoảng 200 người, phần lớn là Ngũ Tuần đến từ Ý, Mỹ và Á Căn Đình. Ngài bảo: cuộc đối thoại đại kết cần được tiếp tục bất kể một số người Công Giáo tìm cách trì hoãn nó.
Trong một bầu khí vui tươi và thân mật, Mục Sư Traettino nói với bạn mình là Đức GH Phanxicô rằng :Với những người như ngài, người Kitô hữu chúng tôi có nhiều hy vọng”.
Đáp lời Mục Sư Traettino rằng “sự hiện diện của Chúa Giêsu và việc bước đi trước nhan Người phải là tâm điểm đời ta”, Đức Phanxicô cho hay “Việc bước đi ấy chính là giới răn thứ nhất của Thiên Chúa truyền cho dân Người, được đại diện bởi Ápraham: ‘hãy trung thành bước đi trước mặt Ta và hãy vô tì vết!’”
Ngài nói tiếp: “tôi không hiểu được việc một Kitô hữu đứng im! Tôi không hiểu được việc một Kitô hữu mà lại không muốn bước đi! Kitô hữu là phải bước đi, vì nếu họ đứng im, họ làm sao tiến lên phía trước được, chắc chắn sẽ trở thành hủ hóa”.
Đức Giáo Hoàng bảo rằng: khi ta bước đi trước nhan Thiên Chúa, ta sẽ tìm được tình huynh đệ. Còn nếu thay vào đó mà dừng lại, mà dò xét lẫn nhau, mà hành tỏi nhau, ta sẽ chia rẽ Giáo Hội.
Đức Phanxicô quan niệm rằng hành tỏi bắt đầu từ giây phút đầu tiên Giáo Hội bị chia rẽ. Chúa Thánh Thần không tạo ra chia rẽ, Người chỉ tạo ra đa dạng trong Giáo Hội, “một đa dạng phong phú và tươi đẹp”.
Cùng với đa dạng, Chúa Thánh Thần cũng dựng nên hợp nhất. Do đó, không những “Giáo Hội là một trong tính đa dạng của mình” mà còn có sự hợp nhất “với nhiều thành phần khác nhau, mỗi phần với tính đặc thù và đặc sủng của mình”. Ngài nói thêm: “Đây là sự hợp nhất trong đa dạng. Đây là con đường các Kitô Hữu cần đi, khi cho nó cái tên thần học là đại kết”.
Khi ghen tương và đố kị chia rẽ ta, ta phải trì chí trên con đường tiến tới hợp nhất này. Ngài nói: “một số những người ban hành các đạo luật này, và một số những người bách hại, tố cáo các anh em Ngũ Tuần là vì họ ‘quá hứng chí’, gần như ‘điên loạn’, chính họ làm hỏng cuộc thi đua”
Rồi Đức Phanxicô tỏ lời xin lỗi: “Tôi là một mục tử của người Công Giáo, nên tôi xin lỗi về việc này. Tôi xin lỗi nhân danh các anh chị em Công Giáo thiếu hiểu biết và bị ma qủy cám dỗ. Tôi cầu xin Chúa ban ơn biết nhìn nhận và tha thứ”.
Đức Phanxicô nói thêm: “Chúng ta đang trên đường hợp nhất giữa anh em. Một số người sẽ ngạc nhiên nói ‘Đức Giáo Hoàng đi với người Tin Mừng! Ngài đi gặp anh em của ngài! Đúng! Vì, sự thật là họ đã đến với tôi trước, tại Buenos Aires. Và do đó, tình bạn này đã bắt đầu, sự gần gũi giữa các mục tử của Buenos Aires, và hôm nay ở đây”.
Sau đó, ngài cám ơn cộng đoàn và xin họ cầu nguyện cho ngài vì ngài rất cần lời cầu nguyện của họ.
Ngài là người của hòa giải, đúng hơn, tiên tri của hòa giải
Đó là câu phát biểu của Mục Sư Giovanni Traettino, mục tử của cộng đoàn Ngũ Tuần tại Caserta dưới tên: Giáo Hội Tin Mừng Hòa Giải, ngỏ với Đức Phanxicô, trước khi ngài nói chuyện với cộng đoàn này.
Ông thưa với ngài bằng những từ ngữ thân thương nhất: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất thân mến, người anh em yêu dấu của tôi”. Ông cho rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là niềm vui cho bản thân ông, cho gia đình ông và cho toàn thể cộng đoàn và cho toàn bộ gia đình thiêng liêng “của chúng tôi”… “Chúng tôi yêu ngài rất nhiều. Và có một điều ngài cần biết là: ngay nơi người Tin Mừng chúng tôi, người ta hết sức âu yếm con người của ngài, và rất nhiều người chúng tôi cầu nguyện cho ngài hàng ngày… Dù sao, yêu ngài rất nhiều cũng là điều dễ dàng. Một ít người trong chúng tôi còn tin rằng việc bầu ngài làm Giám Mục Rôma là do chính Chúa Thánh Thần thực hiện. Một hồng ân trước nhất cho toàn thể Kitô Giáo trong việc đương đầu với thế giới: đó là điều bản thân tôi vẫn nghĩ. Với nghĩa cử hôm nay của ngài, một nghĩa cử hoàn toàn không ai ngờ và gây ngạc nhiên lớn, ngài đã đem lại tính hữu hình và tính cụ thể cho điều xem ra càng ngày càng là lý do hàng đầu đối với cuộc đời ngài và do đó, đối với thừa tác vụ của ngài, vì sự sống luôn đi trước thừa tác vụ. Chỉ bằng một nghĩa cử, ngài đã vượt qua mọi cái phức tạp của nghi lễ, ngài biết cách đi thẳng vào trái tim sự sống và các tương quan nhân bản và cách riêng, vào mối tương quan với người ngài nhận là anh em: gặp gỡ người anh em của mình, gặp gỡ người này ngay tại nơi họ ở, họ có thế nào gặp gỡ họ thế ấy. Rồi, trong trường hợp của chúng tôi, để thăm chúng tôi, ngài thực sự đã phải chịu cực tới hai ngày. Chúng tôi hết sức biết ơn ngài!”
Chưa hết, mục sư nói tiếp: “Đối với ngài, tín thác một văn kiện hay một thông điệp là điều không đủ… Hiển nhiên, ngài đã suy niệm nhiều về việc Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô: ngài muốn đụng tới chúng tôi, ngài muốn đích thân tới, đích thân ôm lấy chúng tôi. Ngài đã tỏ một lòng can đảm lớn lao, tự do và can đảm! Và ngài vốn hiến mình, trong đơn sơ và yếu đuối, cho sự đa dạng của chúng ta, nhưng còn cho cả việc chúng ta ôm lấy nhau nữa. Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu dấu, với những người như ngài, các Kitô hữu chúng tôi có nhiều hy vọng. Cho tất cả! Với chỉ một nghĩa cử, ngài đã mở rộng cánh cửa, ngài đã gia tốc việc thể hiện giấc mơ của Thiên Chúa. Ngài đã trở thành thành phần của lời Chúa Giêsu cầu xin: cho chúng tất cả nên một. Và ngài làm thế với sự vinh quang mà Tin Mừng Gioan đoạn 17 từng nói tới: với sự vinh quang mà không có nó ta không thể xây đắp hợp nhất. Tôi muốn nói tới sự vinh quang của lòng khiêm nhường. Như một ai đó vốn nói, lòng khiêm nhường nằm ở tâm điểm của vinh quang…”
Mục sư không quên nhắc tới bài giảng hàng ngày của Đức Phanxicô tại Nhà Thánh Mácta, trong đó có nói tới “chân lý là một gặp gỡ”, gặp gỡ trước nhất với Chúa Giêsu Kitô. Ông cho rằng: “sự thật này nằm ở tâm điểm cuộc sống của ngài, là chất sống cho cuộc hiện sinh thiêng liêng của ngài, là động lực gây hứng cho cuộc đời ngài. Đối với tôi, người quan sát ngài, không thể nào khác thế. Nó làm tôi tràn đầy hân hoan vì Chúa Kitô cũng là viên ngọc qúy, xin lỗi, Người là viên ngọc qúy của mọi Kitô Hữu, của cả người Tin Mừng chúng tôi nữa…”.
Theo Mục Sư Traettino, chính nhờ thế, người Tin Mừng “chúng tôi cũng đang sống và trải nghiệm cách mới mẻ bản sắc Tin Mừng của mình, một bản sắc không còn được nuôi dưỡng bằng chủ nghĩa bài Công Giáo, như từng có trước đây, nữa, nhưng là một bản sắc biết thừa nhận gốc rễ của mình trong thân cây lịch sử của Kitô Giáo, trong đó, có cả Công Giáo lẫn Cải Cách”.
Mục Sư cho rằng đấy cũng là phương thức của Đức Phanxicô: “Ngài đã học được cách liên hệ một cách xây dựng và đầy cứu vớt với những người ngài thừa nhận là cha và là anh em của ngài và lấy ra được từ kho báu của ngài điều cũ điều mới, như Sách Tin Mừng vốn nói. Ngài đã học được rằng cần phải mua cả cánh đồng, như lời Chúa Giêsu dạy ở một chỗ khác, để có thể chiếm hữu được trọn của qúy. Ta phải có trọn cánh đồng mới có thể khám ra châu báu, không bỏ qua việc biện phân bằng Lời Thiên Chúa, nhưng phải khảo sát mọi sự để chỉ giữ lấy điều tốt. Nhờ phương thức này, ta ít bị nguy cơ coi thường các đóng góp của anh em, giập tắt Thần Khí hay ngay cả gán cho các nguồn khác những điều vốn là của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô từng khuyên nhủ ta trong thư gửi tín hữu Texalônica: “Đừng giập tắt Thần Khí, đừng khinh thường ơn nói tiên tri, nhưng hãy khảo sát mọi sự và giữ lấy điều tốt. Và một lần nữa, mỗi người phải xa lánh mọi thứ xấu xa” (xem 1Tx 5:19-22).
Mục Sư cho rằng tâm điểm lời giảng của người Tin Mừng cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, nó là sứ điệp chính, là hạt nhân, là DNA của Phúc Âm; nó là “lãnh địa trên đó đắp xây mọi cuộc đối thoại có thể có giữa chúng ta và là con đường hợp nhất giữa các Giáo Hội”. Mục sư cho rằng những vị như Cha Raniero Cantalamessa, Đức Hồng Y Piovanelli của Florence và Đức HY Kaspers cũng có cùng những tâm tư như thế.
Dĩ nhiên đó là bình diện đức tin. Nhưng ta cũng sống trong bình diện lịch sử, bình diện cảm nghiệm, “trong đó chúng ta trải nghiệm nỗi nhục của chia rẽ, của chiến tranh giữa các Kitô hữu, của thù nghịch, của bách hại, ngay tại Ý: bất hạnh thay, trong nhiều năm, chúng ta đã chịu bách hại, đặc biệt là người Ngũ Tuần, trong các năm từ thập niên 35 tới thập niên 55, thời gian khét tiếng… Ở giữa là thời gian của hòa giải, thời gian của đạo đức, nếu ngài muốn, là thời gian yêu thương, thời gian trách nhiệm, cần được chu toàn bởi những người nam nữ của hòa giải. Bằng cuộc thăm viếng của ngài ở đây, một cuộc thăm viếng chứng minh rằng ngài coi rất trọng việc hòa giải, ngài đã cho thấy ngài là người của hòa giải, tôi muốn nói, là tiên tri của hòa giải”.
Liên Minh Tin Mừng Thế Giới xin lỗi
Hiệu ứng Phanxicô không chỉ có thế. Theo tin Zenit ngày 30 tháng 7, Tổng Thư Ký của Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, Mục Sư Tunnicliffe, vừa lên tiếng ca ngợi cuộc viếng thăm người Ngũ Tuần tại Caserta hôm thứ Hai vừa qua của Đức Phanxicô và đáp lại lời ngài xin lỗi về sự thiếu hiểu biết của người Công Giáo bằng cách xin người Công Giáo tha thứ cho người Tin Mừng về các kỳ thị của họ đối với người Công Giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Vatican vào Thứ Tư hôm qua, Mục Sư Tunnicliffe đã trình bày một số suy tư về nghĩa cử viếng thăm hơn 200 thành viên của Giáo Hội Hoà Giải Ngũ Tuần Caserta. Được hỏi về tác động của cuộc gặp gỡ này, Mục Sư trả lời: “tôi nghĩ việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt tay với người Tin Mừng là điềm báo rất hay cho những cuộc đàm thoại tương lai, vì nó sẽ giúp chúng ta đi sâu hơn vào các tương tác của chúng ta với nhau”.
Mục Sư nói thêm: “Trong ít năm qua, Liên Minh Tin Mừng Thế Giới, một liên minh đại diện cho khoảng 650 triệu Kitô hữu khắp thế giới, càng ngày càng có nhiều tương tác hơn với Vatican và Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi vừa kết thúc cuộc đối thoại thần học chính thức lần thứ hai; cuộc đối thoại này nhận diện được nhiều phạm vi hai bên cùng quan tâm và các phạm vi hai bên hiện còn khác biệt”.
Nhận định về lời xin lỗi của Đức Phanxicô đối với người Tin Mừng và Ngũ Tuần, Mục Sư Tunnicliffe cho rằng lời xin lỗi này hợp với Thánh Kinh và “phản ảnh sứ điệp của Chúa Kitô”. Sau khi hy vọng rằng nghĩa cử này của Đức Giáo Hoàng sẽ gửi “một thông điệp mạnh mẽ ra khắp thế giới , nhất là các nước vẫn còn nhiều căng thẳng đáng kể giữa người Công Giáo và người Tin Mừng”, nhà lãnh đạo Tin Mừng này đã ngỏ lời xin lỗi như sau: “Tôi cũng cần nói điều này: Tôi nhìn nhận rằng trong lịch sử từng có những tình huống trong đó, người Thệ Phản, trong đó có người Tin Mừng, đã kỳ thị chống lại các Kitô hữu Công Giáo và tôi thực sự đau buồn về các loại hành động như thế, vì dù ta có thể bất đồng về thần học, nhưng việc này không bao giờ nên dẫn ta tới kỳ thị hay bách hại người khác. Tất cả chúng ta cần thừa nhận các sai sót của mình” và theo gương Đức Phanxicô, Mục Sư nói “hãy yêu cầu từng người khác tha thứ”.
Vũ Văn An