Thầy ơi, cứu con…
Câu chuyện Phêrô đi trên mặt nước để tới với thầy Giêsu rất độc đáo và thật kỳ lạ. Nếu phép lạ bánh hóa nhiều cho trên năm ngàn người được ăn no nê xảy ra công khai và vẻ vang bao nhiêu, thì phép lạ này lại âm thầm, riêng tư và tủi hổ bấy nhiêu. Nó xảy ra trong đêm vắng, cách xa bờ hàng mấy cây số, chỉ có vài môn đệ được chứng kiến, và sự việc hầu như chỉ liên quan tới một mình Phêrô – người môn đệ có lối biểu hiện niềm tin rất ư là bồng bềnh. Thế nhưng hình như phép lạ này cũng vẫn chỉ muốn nói lên cùng một điều mà phép lạ bánh hóa nhiều trước đó đã đề cập tới, có khác biệt chăng là ở chỗ: thay vì nhìn vào ‘Ngài chạnh lòng thương…” thì ở đây trọng tâm chính là thái độ và niềm tin tưởng của Phêrô vào điều này; ‘nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con…’.
Vẫn trong thái độ ‘Ngài chạnh lòng thương’, lần này Đức Giêsu đang đứng ‘trên núi một mình cầu nguyện’, trước cảnh các môn đệ lênh đênh ‘xa bờ… bị sóng đánh vì ngược gió… Người đi trên mặt biển mà đến với họ’. Cũng như phép lạ hóa bánh ra nhiều, việc đi trên mặt biển, cho dầu có là một hiện tượng phi thường đi chăng nữa thì chắc hẳn Đức Giêsu đã không làm chỉ vì muốn chứng tỏ quyền năng của Người. Điều này càng đúng khi Mátthêu chỉ đơn giản thuật lại ‘Khi thầy trò đã lên thuyền, thì sóng gió lặng ngay…’ mà không nhắc tới bất kỳ một cử chỉ hay lời nói uy nghiêm nào, như một dịp khác khi Người dõng dạc truyền khiến gió yên biển lặng (Mt 8: 23-27).
Đi trên mặt biển nổi sóng đúng là một hiện tượng ngoại thường, nhưng nếu so với việc một Thiên Chúa thánh thiện, trọn tốt trọn lành mà lại đi xót thương con người tội lỗi phản nghịch thì vẫn chẳng thấm vào đâu. Phản ứng trước sự kiện này của các môn đệ cũng rất điển hình: các ông cho đó là ‘ma đấy’, tức là một điều huyền hoặc khó tin, tạo sợ hãi hơn là mừng rỡ. Đức Giêsu chấn an các ông bằng cách giới thiệu chính bản thân Người “Cứ yên tâm, chính thầy đây, đừng sợ!” Chỉ một khi đụng chạm tới được một Giêsu hiến mình trên thập giá ta mới có thể nhận biết tình yêu xót thương của Thiên Chúa là có thật chứ không phải một điều mơ hồ viển vông. Thực vậy, toàn bộ việc nhập thể và cuộc sống của Đức Giêsu xem ra không nhằm một mục đích nào khác hơn là chứng minh cụ thể điều này; ‘Thiên Chúa yêu thương trần gian đến nỗi’ (Ga 3:16).
Có lẽ Phêrô hiểu được phần nào lời chấn an đó vì chính ông đã ước muốn được đến với Người, đến qua việc đi trên mặt biển tròng trành của lòng xót thương; và khi nhận được lời mời gọi “cứ đến”, ông lập tức ‘từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước mà đến với Người’. Lúc đó chắc niềm tin của Phêrô đặt nơi ‘con người Giêsu’ là vững chắc và tuyệt đối lắm, là không có chút vấn đề gì. Do niềm tin tưởng này mà ngay đến cả Phêrô cũng đã có thể hành động phi thường: ‘ông đi trên mặt nước’. Thế nhưng, cũng như tất cả mọi niềm tin, niềm tin của Phêrô cũng chẳng hoàn toàn ổn định, vững chắc gì, chỉ cần ‘thấy gió thổi’ và sóng biển dật dờ đã đủ làm ông hoảng sợ. Lúc đó, đối với ông, xem ra sự hiện diện của con người Giêsu đầy lòng xót thương là không còn bảo đảm nữa. Ông muốn tìm được một vững chãi khác, chắc chắn hơn, an toàn hơn… và thế là ông ‘bắt đầu chìm’. Sự cứu vớt (đồng nghĩa với sự phi thường) chỉ trở lại khi ông lại kêu nài tới lòng thương xót của Thầy Giêsu: “Thầy ơi, cứu con!” Và câu quở trách Đức Giêsu dành cho Phêrô, người tín hữu tiêu biểu ấy, lại càng đầy ý nghĩa: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Phêrô không kém tin và hoài nghi về quyền năng của Thầy Giêsu, điều ông kém tin và hoài nghi chính là Thầy có thực sự quan tâm tới ông hay không, có thực lòng yêu mến và xót thương ông vô bờ bến tới độ dám chết cho ông hay không? Chính khi sợ hãi la lên “Thầy ơi, cứu con!” ông đã bộc lộ sự hoài nghi kém tin tồn tại sâu xa nơi mình. Mối hoài nghi này còn dai dẳng đeo bám Phêrô, và lớn mạnh dần lên tới độ, khi cảm thấy mạng sống bị đe dọa, ông còn dám mở miệng thề thốt “tôi thề là không hề biết người ấy!” Chỉ sau đó, khi nhận ra khóe mắt nhân từ của Thầy quay lại nhìn mình, ông mới xác tín rằng: Thầy Giêsu quả yêu thương ông bất chấp các yếu hèn và phản bôi…, và thế là ông ‘ra ngoài khóc lóc thảm thiết’ (Mt 26:74-75). Lúc đó, phải, chỉ lúc đó Phêrô mới trở thành một Kitô hữu thực thụ, và xứng đáng là thủ lĩnh của một Hội Thánh được trao quyền ‘tha – cầm’ mà Thầy Giêsu nhận được từ Chúa Cha.
Thiên Chúa chạnh lòng thương xót được biểu lộ qua Đức Giêsu chết trên Thập giá là quá rõ, nhưng chấp nhậm cách tuyệt đối để sống trọn vẹn điều này lại là cả một câu chuyện dài. Câu chuyện của Phêrô chỉ là tiêu biểu, nó sẽ còn được lập lại nhiều lần trong đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu qua mọi thời đại; cả đức tin của tôi nữa – một tu sĩ, linh mục… hay của bất cứ ai khác cũng phải vậy thôi, sẽ không có bất kỳ một ngoại lệ nào!
Lạy Chúa, tại sao trong con còn tồn tại những nỗi sợ hãi, trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống thiêng liêng? Con nói là mình tới với Chúa trong Tin Mừng, nhưng lòng lại chất chứa đầy những âu lo. Không phải con không vững tin vào sự hiện hữu hay quyền năng Chúa, cho bằng niềm tin tưởng vào tình Chúa yêu thương con còn trong tình trạng quá nông cạn và chập chờn. Giờ đây, con xin được ơn trọng đại này là không ngừng suy tôn, bái lạy lòng thương xót Chúa, đồng thời cũng biết, trong mọi nghịch cảnh cuộc đời, không ngớt mở miệng tuyên xưng Giêsu thập giá: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa” đầy nhân ái và xót thương. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB