Một chút an ủi dành cho nhau

26-09-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Một chút an ủi dành cho nhau by

Con người là một loài thụ tạo nên không phải là một hữu thể hoàn hảo. Bao giờ con người cũng cần có nhau. Trợ giúp nhau về vật chất đã đành, nâng đỡ nhau về tinh thần cũng là một điều không thể thiếu. Chính khi con người ở gần nhau, tương trợ cho nhau, con người mới thấy sự hiện hữu của mình trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Con người được Tạo Hóa ban cho một con tim nhạy cảm, có thể “nghe” được những tâm tư sâu kín chưa kịp thổ lộ của những người thân quen. Nhờ đó, họ có thể đến, chia sẻ và động viên nhau, ngay cả khi người kia chưa bày tỏ nỗi niềm ra cho biết.

Sống với nhau trên cõi đời này, ta được mời gọi để nối nhịp cầu tình liên đới với nhau. Khi vui, ta chia sẻ niềm vui ấy cho người khác để niềm vui của ta được nhân lên thật nhiều. Ta muốn cùng người thân yêu có những buổi tiệc mừng, để cùng nhau nô đùa, nhảy nhót, hát ca trong hạnh phúc. Tình liên đới ấy giữa con người giúp cho cuộc sống này thêm mặn mà và khắc sâu những khoảnh khắc không phai. Nhưng không phải cuộc sống lúc nào cũng là những giây phút vui vầy hân hoan như ta hằng mơ ước. Có người đã ví cuộc đời này như một món ăn nhiều hương vị trộn lẫn với nhau. Có khi ngọt ngào, có khi mặn đắng, có lúc chát chua. Những phút giây u buồn thất vọng cũng là một phần làm nên món ăn dương gian mà cuộc sống bày biện ra, buộc ta phải cảm nếm. Thế nhưng, rất nhiều khi, ta hăm hở chạy đến với người khác khi vui, còn khi họ buồn, ta lại vô tình, chẳng mảy may để ý đến.

Ai mà chả có lúc buồn, lúc cảm thấy cô đơn, lúc thấy lòng trống vắng. Những lúc đấy, điều duy nhất họ cần là có ai đó, đặc biệt là người họ yêu mến, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với mình. Một sự cận kề với trọn con tim của người ấy nhiều khi chưa hẳn giúp họ vượt qua được khó khăn gặp phải, nhưng lại là một niềm an ủi rất lớn, giúp họ vực dậy được tinh thần. Ngay cả Đức Giêsu, một con người toàn vẹn như thế, cũng có lúc trải qua nỗi buồn sầu thê lương đến tê buốt con tim. Ít là ba lần, Ngài chia sẻ với các môn đệ về những gì Ngài sẽ phải trải qua ở Giêrusalem, những đòn roi, những nhục nhã, nhưng chẳng ai hiểu được nỗi lòng Ngài. Trong Vườn Dầu, hơn bao giờ hết, Ngài cần một ai đó đến bên mình, chia sẻ tâm tư với mình, nhưng rồi cũng chỉ còn lại một mình Ngài với bóng đêm và tiếng côn trùng kêu trong thanh vắng. Hiển nhiên là Đức Giêsu vẫn luôn thi hành ý Cha, vui lòng đón chịu tất cả vì ơn cứu độ cho nhân loại. Nhưng ở phương diện con người, Ngài vẫn cần những người yêu dấu của mình nâng đỡ mình trong những lúc đơn côi. Đức Giêsu còn như thế, huống hồ gì những con người yếu đuối như chúng ta.

Nhưng dường như, chúng ta cũng có cùng một lối hành xử như các môn đệ năm xưa. Trong mắt các ông, Thầy là một con người tuyệt hảo nhất rồi. Làm gì có nỗi khổ nào trên đời này có thể làm Thầy lo lắng được. Thầy vừa tràn đầy Thánh Thần, luôn kết hiệp với Cha, lại có quyền năng hô phong hoán vũ, tư tưởng Thầy thâm thúy và cao siêu. Một con người như thế thì cần đến ai nữa! Các ông chỉ nhìn thấy nơi Thầy một sự toàn hảo vô song, mà quên đi một sự thật là Thầy cũng là một con người như ai khác. Thầy cũng biết khóc, biết cười, biết buồn, biết vui, biết lo sợ, biết nôn nao, biết hạnh phúc. Nghĩ thế, nên khi nào cần được an ủi hay nâng đỡ, các ông chạy đến với Thầy. Còn tâm tư của Thầy ra sao, các ông không màng để ý đến.

Trong mắt chúng ta, bố mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình là những con người trưởng thành lắm rồi. Bố lúc nào cũng cứng rắn, lạnh lùng, khôn ngoan và thẳng thắn. Bố làm gì biết buồn, làm gì biết cô đơn! Nghĩ thế, ta cứ thản nhiên sống cuộc sống của mình mà chẳng bao giờ nhẹ nhàng gửi đến bố một lời hỏi thăm. Chúng ta đâu biết rằng, từ ngày ta xuống thành phố để học tập, lúc nào mẹ cũng lo lắng cho ta. Mẹ lo không biết mình sống ra sao, sức khỏe có đủ không, ăn uống có tốt không. Nhiều lần mẹ muốn gọi điện hỏi thăm ta nhưng lại sợ làm phiền ta học hành và làm việc khác. Còn ta, ta vui hơn khi đi chơi với chúng bạn, cùng nhau du ngoạn đây đó. Có khi ta còn khó chịu khi bố mẹ cứ hỏi thăm ta hoài, hay còn cấm cản bố mẹ đừng xuống thành phố thăm ta. Ta chỉ chạy về với bố mẹ khi túi tiền đã cạn kiệt và cầu xin được trợ cấp. Bố mẹ đã lớn thế rồi, cần gì ta hỏi han quan tâm nữa, cần gì lời chúc sinh nhật, mừng ngày cưới của ta!

Sự vô tâm ấy của chúng ta cũng làm lộ lên trong ta sự ích kỷ. Ta chỉ muốn được yên thân thoải mái cho mình, chứ không thích trở thành người liên lụy đến nỗi buồn phiền của người khác. Ta sẵn sàng chia vui với người khác vì nó chẳng làm ta thiệt thòi gì. Còn chia buồn với người khác thì đòi ta phải đủ sự quan sát và nhạy cảm, buộc ta phải buồn cùng với họ, lo cùng với họ. Thế rồi, dần dần, ta bỗng trở nên “lãnh đạm” với mọi con người chung quanh, chỉ lo đi tìm điều gì mang đến cho ta sự thoải mái và yên nhàn thể xác. Người nghèo, người bệnh, các trẻ em đường phố, những người thiểu năng, ta xem họ là những thành phần khác, ta gạt họ ra khỏi cuộc sống của ta, chỉ đơn giản bởi vì những con người ấy chẳng mang lại ích lợi gì cho ta cả.

Con người chỉ trở nên là con người hơn, khi đặt mình trong tương quan với người khác. Đừng bao giờ chỉ biết lo cho mình mà lạnh nhạt với mọi thụ tạo chung quanh. Bố mẹ, anh chị em của ta đó, họ cần sự nhạy cảm của ta để hạnh phúc vì thấy được sự quan tâm của ta. Bạn bè, thầy cô của ta đây, có đôi khi cần nơi ta một cử chỉ trao ban nguồn êm ấm. Đừng để con tim mình trở nên vô tình, lạnh nhạt, vì chính nó sẽ giết chết chúng ta, biến chúng ta thành một tảng băng không tình thương, không hạnh phúc. Chỉ khi nào ta cho đi, cuộc sống của ta mới được nhận lại xứng đáng!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW