Chúa Nhật 34 Thường Niên A
ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Ed 34,11-112.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
Lm. Jude Siciliano, OP.
ĐỨC GIÊSU, VUA CỦA NHỮNG TÂM HỒN NHÂN TỪ
Kính thưa quý vị,
Khi tôi viết những dòng này, thì mọi người đang chuẩn bị đi tới các điểm bỏ phiếu bầu các nhà lãnh đạo. Quả là chúng ta đang ở trong tình trạng hỗn loạn! Nhiều người cảm thấy chính phủ quốc gia đang bế tắc, dù ai chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc hội đi nữa, thì những khó khăn của chính phủ sẽ vẫn tiếp tục, khi mà những vấn đề quốc gia và quốc tế đang là áp lực cần phải giải quyết. Chúng ta muốn những vấn đề có câu giải đáp, nhưng dường như không có nhiều thay đổi sau mỗi kỳ bầu cử, “Mọi thứ vẫn như cũ”.
Nhiều người cho rằng chính phủ hiệu quả nhất là một chế độ độc tài ôn hòa. Một nhà độc tài biết đặt lợi ích của người dân trên hết, có thể vượt thắng được sự dửng dưng, ích kỷ và ham quyền lực, để thực hiện nhiều điều ích lợi cho dân chúng. Một nhà độc tài tốt bụng có thể nhanh chóng hành động, mang lại phúc lợi cho những người nghèo khổ nhất trong xã hội.
Nhưng, chúng ta biết rằng một chế độ độc tài tốt lành như thế không tồn tại. Thậm chí, một nhà độc tài khởi đầu với những ý định tốt lành nhất, nhưng rồi quyền lực làm ra hư hỏng và sự chuyên chế phá hoại hoàn toàn mọi thứ. Ích kỷ và tham sống sớm thay thế cho thiện chí ban đầu; và những lợi ích của người dân cũng bị gạt sang một bên. Với thực tế này, chúng ta có thể nói rằng chỉ Thiên Chúa mới là “nhà lãnh đạo tuyệt vời”, một nhà lãnh đạo biết đặt lợi ích của người dân trên hết – và làm mọi thứ để đem lại lợi ích cho dân chúng.
Bài đọc thứ nhất hôm nay cho thấy Thiên Chúa trực tiếp lãnh đạo dân Người. Hãy thử đếm số lần cách nói “ta phán” được dùng trong bản văn. Tôi ngại dùng quá nhiều danh xưng “tôi …” trong cả lúc nói cũng như viết, vì sợ rằng ra như tôi đang tập trung vào bản thân mình. Nhưng Thiên Chúa chúng ta thì lại dùng chính xác cách truyền đạt này thông qua ngôn sứ Êdêkien. Chỉ trong một bản văn ngắn, có những mười lần danh xưng “ta …” được sử dụng. Nếu ai đó thường xuyên dùng đại từ có tính quy chiếu về bản thân trong một không gian ngắn như thế, người đó sẽ bị gọi là ‘duy kỷ’, tự cao tự đại.
Ở đây, chúng ta không thể quy kết thái độ duy kỷ cho Thiên Chúa, bởi vì Người hoàn toàn ngược lại. Thiên Chúa biết rằng, vì dân chúng đang ở trong tình trạng buồn sầu, chán nản, nên cần được nghe một sứ điệp do chính Thiên Chúa phán và lặp đi lặp lại. Dân đang gặp phải khó khăn và cần biết rằng Thiên Chúa sẽ ra tay chăn dắt vì lợi ích của họ. Hơn nữa, tất cả các cụm “ta …” có trong bản văn, đều được kết nối với thì tương lai – “ta sẽ”. Điều này nghĩa là Thiên Chúa đảm bảo rằng, dù dân đang trong tình trạng khốn đốn, Người sẽ làm điều gì đó để cứu giúp dân.
Hôm nay là đại lễ Chúa Kitô Vua, nhưng khá lạ lẫm, vì bài đọc thứ nhất không đề cập Thiên Chúa như một vị vua, mà chỉ như một Mục tử. Tuy nhiên, điều đó cũng không quá lạ thường, vì đối với Israel, Thiên Chúa được mường tượng như một Mục tử lãnh đạo, bảo vệ, dẫn dắt và gìn giữ dân Người, với tấm lòng hiền hậu và nhân lành. Ngôn sứ Êdêkien được Thiên Chúa sai đến để lên án, kết tội những mục tử nhẫn tâm, không chăm lo cho đoàn chiên. Họ giống như những nhà lãnh đạo độc tài, ích kỷ, làm mọi thứ để duy trì quyền lực của mình. Do những nhà lãnh đạo tội lỗi, nên đàn chiên mà Ngôn sứ Êdêkien đang quan tâm ở đây, đã bị phân tán và lưu đày ở Babylon. Thiên Chúa đặt quyền lợi lớn lao nhất của dân Israel trên hết mọi sự, và Người hứa sẽ cứu dân ra khỏi chốn lưu đày. Thiên Chúa sẽ không chỉ mang Israel trở về, nhưng còn tiếp tục đỡ nâng họ. “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh …” Thiên Chúa khiển trách những nhà lãnh đạo Israel (“cừu đực và con dê”), Người hứa sẽ dẫn dắt Israel, sẽ mang cả đàn ra khỏi chốn lưu đày. Sự trợ giúp của Thiên Chúa không dừng lại ở đấy, nhưng Người còn tiếp tục chăm sóc dân bằng cách cho xuất hiện một vị Mục tử công minh. Đó là lý do tại sao có quá nhiều cụm từ “ta sẽ” trong đoạn văn này. Một lần nữa, dân Israel cần được đảm bảo rằng Thiên Chúa sẽ ra tay, Người quyết định làm điều đã hứa – chính Người sẽ chăn dắt đoàn chiên.
Bài Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn cuối cùng trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Thiên Chúa hoàn trọn điều Người đã hứa với Israel. Đức Giêsu là Mục tử mà dân trông ngóng từ lâu. Người lên ngai xét xử, với các triều thần vây quanh. Bấy giờ, Người cho các bề tôi trung thành được chung hưởng vinh quang. Đây không phải là sự phân phát tài sản và ban thưởng các chức vụ cho bề tôi – như làm đại tướng, chiến binh anh hùng, quan chức triều đình, lãnh chúa, thành viên hoàng gia…
Các bề tôi trung thành của vị Vua là những tôi tớ biết hành động noi theo những gì vị Vua đã làm, biết tỏ lòng xót thương đối với người nghèo khổ, bệnh tật, vô gia cư, tù đày và khách lạ – những người Đức Giêsu gọi là “bé mọn nhất”. Cảnh tượng này không gây bất ngờ cho các thính giả của Đức Giêsu, những người đã am tường truyền thống ngôn sứ. Vị Mục tử nhà Israel được diễn tả trong sách Êdêkien là người luôn quan tâm đến “chiên mất …, chiên lạc …, chiên bị thương …, chiên đau yếu…”
Có một sự phân biệt giữa Giáo Hội và Vương Quốc của Thiên Chúa được ngụ ý trong dụ ngôn hôm nay. Người ta hy vọng rằng mọi thành viên của Giáo Hội sẽ là những chứng nhân cho sự quan tâm của Thiên Chúa đối với những người bé mọn nhất. Chúng ta, những người đã lãnh nhận phép rửa, được mời gọi trở nên dấu chỉ cụ thể cho Vương Quốc của Thiên Chúa trong trần gian. Nếu không trở nên những dấu chỉ cho sự hiện diện của Vương Quốc, chúng ta không thể đòi bất cứ một đặc ân nào hay tư cách công dân trong Vương Quốc này. Trong dụ ngôn hôm nay, hiển nhiên việc phán xét không căn cứ vào tên chúng ta được ghi trong sổ đăng ký của giáo xứ. Cảnh tượng phán xét của dụ ngôn cho thấy có nhiều người chưa bao giờ nghe biết Đức Kitô, thế nhưng họ lại được kể là thành phần của Vương Quốc Thiên Chúa, bởi vì họ hành động đầy lòng xót thương với những người được Thiên Chúa ưu tiên, những người nghèo.
Thánh Mátthêu cho thấy thế nào là một Giáo Hội đích thực của Đức Kitô. Dụ ngôn hôm nay mạnh mẽ thức tỉnh tâm trí chúng ta. Phải chăng chúng ta đang sống một thứ tin mừng đầy tiện nghi? Có lẽ xưa nay chúng ta chỉ xác định bổn phận tín hữu bằng những việc làm tại nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật? Dù có thực hành tốt “tôn giáo trong nhà” đến mức nào chăng nữa, thì qua dụ ngôn hôm nay, chúng ta biết rằng ngoài thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh đường và kinh nguyện gia đình, người tín hữu còn phải dấn thân cho Người trong thế giới nữa. Cảnh phán xét cho chúng ta biết đâu là những ưu tiên của Đức Giêsu.
Người được chúng ta yêu thương sẽ nói lên rằng chúng ta đang hành động thế nào với tư cách cá nhân và tư cách một Giáo Hội. Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người, và chúng ta, những người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cũng phải sẵn sàng chia sẻ tình yêu đó với tất cả mọi người, đặc biệt với những ai không thể đáp trả lại tình yêu đó.
Có một hành động tự phát trong dụ ngôn hôm nay. Những người được đón tiếp vào Vương Quốc đã không nhận ra bản thân họ đang làm mọi sự cho Đức Kitô, hoặc hành động nhân danh Người. Họ chia sẻ những điều họ có cho những người túng thiếu. Họ đơn giản làm những điều phù hợp với bản tính con người. Chúng ta biết rằng con người quy hướng về điều phù hợp với bản tính. Có thể, họ không ngồi chung ghế với chúng ta trong nhà thờ vào Chúa nhật, nhưng họ lại cùng với chúng ta mang bánh cho những người lang thang đường phố vào thứ Hai.
Thêm nữa, thật hữu ích khi chúng ta ngồi cạnh nhau tại ghế nhà thờ này, chúng ta cùng với nhau, một lần nữa, để cho cặp mắt và đôi tai được mở ra nhờ các dụ ngôn tương tự như dụ ngôn được nghe đọc hôm nay.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp