Đức Thánh Cha bàn về chán nản và hy vọng
Thực tại có thể bẽ bàng, nhưng bất chấp đau khổ, băng hoại và sự thờ ơ trong thế giới ngày nay, là những Kitô hữu chúng ta phải ngẩng cao đầu trong hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Năm, 27 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.
Suy tư trên các bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về số phận của hai thành Babylon và Giêrusalem. Ngài chỉ ra rằng cả hai bài đọc trích từ sách Khải Huyền và từ Tin Mừng của Thánh Luca đều lôi cuốn sự chú ý của chúng ta đến thời kỳ thế mạt.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng các bài đọc đã đề cập đến sự sụp đổ của hai thành phố đã từ chối đón nhận Chúa và xa lánh Ngài. Hai thành phố này đã sụp đổ vì những lý do khác nhau. Babylon là “biểu tượng của sự dữ, và tội lỗi” và “sụp đổ vì sự băng hoại của nó”. Thành phố này tin rằng nó là “phi tần của thế giới và của chính nó”. Khi “tội lỗi chất chứa anh chị em sẽ mất khả năng chống trả và bắt đầu băng hoại”. Điều này cũng xảy ra với “một dân tộc băng hoại, là những người không còn sức để chống trả nữa”.
“Sự băng hoại đem lại cho con người chút hoan lạc nào đó. Nó đem lại cho anh chị em quyền lực và làm cho anh chị em cảm thấy hài lòng với chính mình. Nhưng nó khiến cho chúng ta không còn chỗ cho Chúa, cho sự ăn năn hoán cải. Kinh thành này băng hoại … Từ ‘băng hoại’ nói với chúng ta rất nhiều điều. Không chỉ băng hoại trong kinh tế, nhưng còn băng hoại với nhiều thứ tội lỗi đa dạng, băng hoại của một tinh thần ngoại giáo, tinh thần thế gian!
Nền “văn hóa băng hoại” làm cho anh chị em cảm thấy như đang ở trên thiên đường, ngay tại thế này” nhưng “bên trong, nền văn hóa băng hoại là một nền văn hóa thối nát”. Babylon là biểu tượng cho “mọi xã hội, mọi nền văn hóa trong đó con người tách mình ta khỏi Thiên Chúa. Họ tách ra khỏi tình yêu tha nhân và cuối cùng dẫn đến thối nát”.
Giêrusalem lại sụp đổ “vì lý do khác”. Giêrusalem là hôn thê của Thiên Chúa, nhưng lại không đón nhận Đấng Phu Quân của mình. Nó làm Chúa Giêsu bật khóc”.
Babylon sụp đổ vì băng hoại; còn Giêrusalem thì vì mất đi căn tính của mình, đã không tiếp nhận Chúa, là Đấng đến để giải thoát mình. Cô dâu này thấy không cần đến ơn cứu độ. Kinh thành này đã có luật của Mosê, và nó cảm thấy như thế là đủ rồi. Nhưng những luật lệ ấy là những bản văn đóng kín làm cho kinh thành ấy không còn chỗ cho ơn cứu độ. Nó đã đóng cửa không để Chúa đến. Ngài đã đến gõ cửa nhà nhưng gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài. Họ đã không lắng nghe tiếng Ngài hầu được cứu sống. Và vì vậy Giêrusalem sụp đổ.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng sự sụp đổ của hai thành này giúp chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chính chúng ta. Chúng ta có “băng hoại như Babylon và tự mãn như Giêrusalem” hay không?
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “sứ điệp của Giáo Hội trong những ngày này không kết thúc với sự hủy diệt. Thật thế, cả hai bài đọc đều chứa đựng những lời hứa đầy hy vọng”. Chúa Giêsu khích lệ chúng ta ngẩng đầu lên “đừng sợ hãi trước phường ngoại giáo.” Những kẻ này “có thời của chúng, và chúng ta phải kiên nhẫn, như Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng cuộc Thương Khó của Ngài.”
“Khi chúng ta nghĩ về thời thế mạt, với tất cả những tội lỗi của chúng ta, lịch sử của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ đến bàn tiệc sẽ được ban cho chúng ta cách nhưng không và chúng ta hãy ngẩng đầu lên. Đừng chiều theo tuyệt vọng! nhưng hãy hy vọng! Thực tế có thể bẽ bàng: có rất nhiều người, nhiều thành phố và dân chúng sẽ phải chịu đau khổ, với cơ man những cuộc chiến tranh, vô vàn những thù hận, và ghen tị, tinh thần thế gian thống trị thế giới và bao nhiêu những băng hoại. Vâng, thật thế! Nhưng tất cả những điều này sẽ qua đi! Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn để biết luôn luôn sẵn sàng cho bàn tiệc đang đón đợi chúng ta, và luôn luôn biết ngẩng cao đầu”.
Đặng Tự Do 28/11/2014