Chúa Nhật II Thường Niên – Năm B

18-01-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Chúa Nhật II Thường Niên – Năm B by

HÃY ĐẾN VÀ Ở LẠI VỚI NGƯỜI

Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”  Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu.  Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?”  Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu.  Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô).  Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phêrô).

 

Kính thưa quý vị,

Thánh Gioan giới thiệu vị Tẩy giả rất sớm, ngay ở đầu Tin Mừng. “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6). Hôm nay, Gioan Tẩy giả đã hoàn trọn sứ mạng của mình khi ông chỉ cho các môn đệ của mình về Đức Giêsu, “Đây là Chiên Thiên Chúa.”

Tôi tự hỏi các môn đệ của Gioan đã nghĩ gì khi họ nghe ông nói về Đức Giêsu, khi thấy Người đi ngang qua – “Đây Chiên Thiên Chúa”? Theo truyền thống, họ biết rằng con chiên bị sát tế trong Đền Thờ và đuổi vào trong hoang địa sau khi đã mang lấy tội lỗi của cộng đồng đã nuôi nó.

Con chiên cũng liên hệ đến sách Xuất Hành, nó gợi lại  Chiên Vượt qua (Xh 12) và nghi lễ mừng Israel được  giải thoát khỏi Ai Cập. Con chiên đã bị sát tế và đã cứu dân khỏi Thần chết – là điều Đức Giêsu sẽ thực hiện trên thập giá. Con chiên sẽ được dùng hết trong bữa ăn Vượt qua – như Thân Thể Đức Giêsu sẽ được hiến dâng cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Sách Khải Huyền cũng giới thiệu con chiên khải hoàn.

Do đó, nếu như hai môn đệ chọn đi theo Đấng mà Gioan Tẩy Giả đang giới thiệu và gọi là “Chiên Thiên Chúa”, các ông rồi sẽ phải chấp nhận những khó khăn đang tiềm tàng phía trước và cũng đạt được chiến thắng sau cùng khi họ quyết định “ở lại” với Đức Giêsu. Lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho các môn đệ – “Hãy đến mà xem” là một lời hứa, đồng thời là biến cố làm thay đổi cuộc sống của các ông.

Ông Anrê và vị môn đệ khác, truyền thống cho đó là ông Gioan, trước tiên, ngập ngừng bước theo Đức Giêsu. Các ông theo sau Đức Giêsu mãi cho đến khi Người quay lại và hỏi: “Các anh tìm ai?” Đức Giêsu không lãng phí thời gian. Người đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Người không hỏi, “Các anh là ai?” “Các anh tên gì?” Nhưng Người hỏi, “Các anh tìm ai?” Các môn đệ trả lời Đức Giêsu bắt đầu với tước vị “Rabbi”, được Gioan cho biết nghĩa là “Thầy”. Các môn đệ hỏi nơi Đức Giêsu “đang ở”, bào hàm trong câu hỏi là ước muốn của họ về cuộc sống mà Đức Giêsu sẽ  dạy dỗ và chia sẻ với họ.

Câu hỏi của Đức Giêsu cũng dành cho chúng ta. “Các anh tìm gì thế?” Người chất vấn bằng một câu hỏi căn cốt, khiến cho chúng ta phải chú ý vào trọng tâm đời sống của mình. Những ưu tiên của chúng ta là gì? Chúng ta có thể đạt được điều đó nơi đâu? Chúng có được đặt trên nền tảng là Đức Giêsu và giáo huấn của Người hay không? Chúng ảnh hưởng đến hướng đi cuộc sống chúng ta như thế nào? Hằng ngày, những chọn lựa của chúng ta có phản chiếu Đấng chúng ta chọn theo hay không?

Bước theo Đức Giêsu là mang lấy cuộc đời biết lắng nghe, biết học hỏi, biết hành động và, khi cần thiết, cũng biết hối lỗi. Giai đoạn học hỏi này có thể là những gì ông Gioan đề nghị khi Đức Giêsu mời gọi những người tìm kiếm “đến và xem”. Họ đến với Thầy và ở với Người. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu là người ra đi tìm kiếm các môn đệ. Còn trong Tin Mừng Gioan, các môn đệ lại tìm kiếm Đức Giêsu. Vậy đâu là sự thật? Thưa rằng, sự thật có cả trong hai lối diễn tả. Có những lúc và trong những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta nghe Đức Giêsu mời gọi bước theo Người. Đó có thể là một lời mời gọi nền tảng nhằm thay đổi cách sống của chúng ta. Hoặc lời mời gọi có thể là để đáp lại, theo một cách thức riêng biệt, điều chúng ta phải thực hiện hôm nay.

Có lúc, giống như các môn đệ, chúng ta có cảm giác khát khao, ước muốn Thiên Chúa mãnh liệt, và vì thế, chúng ta ra đi tìm kiếm. (Nỗi khát khao này được diễn tả trong các Thánh vịnh 63 và 42). Chúng ta có thể quyết định nói với cho ai đó được xem là khôn ngoan về  khát vọng của mình. Hoặc là chúng ta cầm một cuốn sách đã được người khác giới thiệu. Có lẽ chúng ta đang tĩnh tâm, hoặc là đi bộ đường dài để nghiền ngẫm những điều đó. Những lúc đó, chúng ta nhập nhóm các môn đệ, những người hỏi Đức Giêsu “Thưa Thầy…Thầy ở đâu?” Dù ở dạng thức nào, nỗi khát khao tìm kiếm của chúng ta đều đưa đến chọn lựa dành nhiều thời gian ở với Đức Giêsu, nhờ đó, chúng ta có thể biết được nơi Người “đang cư ngụ”.

Khi hai môn đệ tìm hỏi Đức Giêsu, “Thầy ở đâu?”, hạn từ “ở” được Gioan sử dụng đồng thời trong chương 15, dụ ngôn về thân nho và cành nho. Ở đó, Đức Giêsu hứa những ai “ở lại” hoặc “còn lại” trong Người sẽ ở lại trong Đức Giêsu và Cha của Người. Tin Mừng của Gioan có những tầng sâu ý nghĩa hơn là ý nghĩa đơn thuần của từ ngữ. Khi Đức Giêsu trả lời cho các môn đệ của Gioan “đến mà xem” Người không có ý nói về căn nhà Người đang sống. Người mời gọi  họ đến để trải nghiệm Người trong tận sâu thẳm – để khám phá ra nơi Người có sự sống của Thiên Chúa.

Chúng ta nhớ những khoảnh khắc đặc biệt bằng việc hồi tưởng ngày và giờ xảy ra. Ông Gioan thuật lại cho chúng ta, “lúc đó khoảng 4 giờ chiều”, khi các môn đệ đón nhận lời mời của Đức Giêsu. Tôi tự hỏi hai ông Anrê và Gioan đã lập lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ với Đức Kitô bao nhiêu lần và kết thúc lời chứng của họ bằng, “lúc đó khoảng 4 giờ chiều”? Chúng ta không cần biết lời gọi diễn ra vào thời khắc nào trong ngày. Nhưng đối với hai ông Anrê và Gioan, thời khắc ấy lại rất quan trọng bởi vì nó khởi đầu hành trình thay đổi cuộc sống của họ vĩnh viễn. Bằng việc cho chúng ta biết thời gian hai ông được mời đến và ở lại với Đức Giêsu, Tin Mừng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thời khắc đó cho các môn đệ. Tác giả Tin Mừng dường như cũng ám chỉ đến tầm quan trọng lời mời gọi mỗi chúng ta nhận được. Có thể lời mời gọi không xuất hiện vào một thời khắc đặc biệt nào, nhưng dù là chúng ta cảm thấy lời mời gọi trải rộng suốt cuộc đời, thì lời mời gọi theo Đức Giêsu và “ở lại” với Người cũng đã là, hay sẽ là, sự thay đổi đời sống.

Độc giả sẽ nhận thấy rằng trong Tin Mừng Gioan không có khung cảnh khi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu. Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại phép rửa của Đức Giêsu với hình ảnh các tầng trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống với hình bồ câu và tiếng từ trời tuyên bố Đức Giêsu là “Con Yêu Dấu”. Nhưng, trong Tin Mừng Gioan, điều chúng ta có là ông Gioan Tẩy Giả minh chứng về căn tính của Đức Giêsu. Không có bất cứ dấu chỉ đặt biệt hay các dấu lạ nào minh chứng cho lời chứng của ông. Đức Giêsu đi ngang qua và Gioan chỉ về Người cho các môn đệ. Chỉ có vậy. Họ tin Gioan là một chứng nhân đáng tin cậy và họ chấp nhận lời chứng của ông về Đức Giêsu. Đơn giản là như thế này: Một người thực sự, không có bằng chứng khả thị, minh chứng những gì ông ta đã thấy và nghe. Những ai tin vào ông sẽ giữ lấy lời ông và thay đổi cuộc sống của họ sao cho phù hợp.

Các bậc cha mẹ muốn con cái của họ tin vào Đức Giêsu và thực hành đức tin của chúng. Chúng ta mong muốn bạn bè và những người chúng ta quen biết chia sẻ niềm tin của chúng ta và nhận lấy cuộc sống đức tin mang lại cho chúng ta. Hội Thánh là cộng đồng các môn đệ của Đức Giêsu đã “ở” với Người và “xem” nơi Người sống. Với tư cách là những cá nhân và là một Giáo hội được kêu gọi bước theo Đức Giêsu, chúng ta có bổn phẩn mời gọi người khác “đến mà xem”. Người ta sẽ nhận biết Đức Giêsu qua những chứng tá và lời chứng của chúng ta về Người.

Không có bất cứ dấu hiệu nào từ trời cao minh chứng những gì chúng ta nói, nhưng nếu như, giống như Gioan Tẩy Giả, đời sống chúng ta chính trực và biểu hiện những dấu chỉ Thánh Thần đang hoạt động trên chúng ta, thì dù lời chứng của chúng ta mỏng manh yếu ớt cũng đủ để lôi cuốn người khác “đến mà xem”.

Lm. Jude Siciliano, OP.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW