Mùa Chay – Mùa Xuân
Năm nay, thứ Tư lễ Tro trùng vào ngày 30 tết, làm nhiều người băn khoăn về việc ăn chay và kiêng thịt. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định rời ngày ăn chay vào thứ Sáu sau Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, tức là mùng 9 tết Ất Mùi. Sự trùng hợp giữa lễ Tro và ngày cuối cùng của năm âm lịch mang một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, trong truyền thống văn hóa của dân Việt, trong ngày cuối năm, mọi người muốn đẩy xa những điều xui xẻo, thanh toán nợ nần, dọn nhà dọn cửa, trang trí tươm tất để đón Xuân về. Trong đời sống thiêng liêng của người Công giáo, Mùa Chay là mùa canh tân hối cải, trở về với Chúa, từ bỏ tội lỗi, sám hối ăn năn để tìm được niềm vui. Hơn nữa, Mùa Xuân là mùa đầu tiên của chu kỳ mới xuân, hạ, thu, đông. Mùa Xuân cũng tượng trưng cho sức sống và niềm vui hạnh phúc vì đó là thời điểm cây cối đâm chồi nẩy lộc, muôn hoa đua sắc khoe tươi diễn tả một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Cũng thế, Mùa Chay nhắc nhở người Kitô hữu đoạn tuyệt với quá khứ đã bị nhuốm màu tội lỗi, chỗi dậy khởi đầu một hành trình mới đến gặp Chúa là Cha. Mùa Chay cũng là thời kỳ chuẩn bị cử hành sự phục sinh của Đức Giêsu. Đó cũng là sự phục sinh của mỗi tín hữu sau khi đã sám hối chân thành. Như thế, Mùa Chay và Mùa Xuân có một điểm tương đồng, đó là sự khởi đầu, canh tân đổi mới để đạt tới niềm vui.
Lời Chúa đầu mùa Chay là một lời mời gọi thống thiết. Ngôn sứ Giôen đã kêu gọi một cuộc “tổng động viên” gửi tới mọi thành phần trong xã hội Do Thái: tư tế và dân chúng; người già và trẻ em. Tất cả đều phải sám hối để được ơn tha thứ. Lời mời gọi này quyết liệt và cấp bách đến nỗi “tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê”. Tất cả những hình thức hy sinh và chay tịnh này đều nhằm kêu van lòng thương xót của Chúa để Ngài không giáng phạt.
“Hãy trở về với Ta”. Đây cũng là lời mời gọi của Chúa trong suốt lịch sử dân thánh, và cũng là lời mời gọi gửi đến thời đại của chúng ta. Bởi lẽ hết thảy chúng ta đã phạm tội. Chúng ta đã lạm dụng tự do để đi ngược lại giáo huấn của Chúa. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay nhằm giúp chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời, để nhờ đó, chúng ta sống trong tình con thảo đối với Chúa và tình huynh đệ đối với anh chị em.
Chúa Giêsu đã đề nghị ba thực hành cụ thể của Mùa Chay: Chia sẻ bác ái; chuyên tâm cầu nguyện; chay tịnh hy sinh. Những việc làm đạo đức này nhằm tới sửa đổi bản thân, liên kết với Chúa và hướng tới tha nhân.
Qua những nghĩa cử chia sẻ với anh chị em về tinh thần và vật chất, chúng ta thực hiện giới răn yêu thương của Chúa, nhận mọi người đều là anh chị em của con một Cha trên trời. Hơn nữa, của cải, trí tuệ, sức khỏe mà chúng ta sở hữu chỉ là Chúa trao cho chúng ta quản lý. Chúng ta có bổn phận dùng những vốn liếng ấy mà giúp đỡ anh chị em khó khăn đang sống xung quanh mình.
Qua đời sống cầu nguyện, chúng ta được liên kết mật thiết với Chúa trong tình con thảo. Lời cầu nguyện chính là những lời tâm sự chân thành giữa ta với Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta nhận được sức mạnh và nghị lực thiêng liêng để vượt lên những khó khăn của cuộc sống hàng ngày.
Qua những hy sinh chay tịnh, chúng ta kìm hãm những ham muốn hợp pháp của mình là những nhu cầu ăn uống, giải trí, vui chơi… Nhờ việc chay tịnh và hy sinh, chúng ta có thể dành ra tiền bạc vật chất và đồ dùng cho người nghèo và những ai đang túng thiếu. Nói đến chay tịnh, chúng ta thường chỉ nghĩ đến việc nhịn một vài bữa ăn. Tuy vậy, chay tịnh phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn: đó là những nhường nhịn để không cãi vã; tiết kiệm để không hoang phí; bao dung tha thứ để không hận thù; quảng đại chia sẻ chứ không ích kỷ khép kín đối với người nghèo khổ.
Những thực hành Mùa Chay do Chúa Giêsu đề nghị nhằm tới việc cải hóa canh tân bản thân. Nhờ những thực hành này, chúng ta đến gần Chúa và đến gần anh chị em mình hơn. Mùa Chay cũng giống như mùa cây thay lá, cởi bỏ những tán lá đã già cỗi để nhường chỗ cho những mầm non sẽ mọc lên. Sau mùa lá rụng là mùa đâm chồi nẩy lộc. Sau Mùa Chay là Mùa Phục Sinh. Những cố gắng canh tân sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự sống mới trong Chúa. Đó chính là hạnh phúc tròn đầy, là mùa xuân bất diệt.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên