Chúa Nhật III Phục Sinh B – 19/04/2015
Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
Lm. Jude Siciliano, OP.
CHÍNH ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN CỦA THẦY
Kính thưa quý vị,
Hai môn đệ đang trên đường Emmau. Họ rời khỏi Giêrusalem, niềm hy vọng tan vỡ sau cái chết của Đức Giêsu. Và rồi, họ gặp được Chúa Phục Sinh. Thoạt tiên, hai môn đệ này không nhận ra Đức Giêsu, nhưng rồi đã nhận ra sau khi Người giải thích Sách Thánh và cùng họ bẻ bánh. Sau biến cố gặp gỡ đó, hai môn đệ quay gót trở về với cộng đoàn ở Giêrusalem để loan báo những điều đã xảy ra. Trong khi họ vẫn còn đang kể lại các sự việc cho cộng đoàn thì Đức Giêsu hiện ra và đứng giữa mọi người.
Giêrusalem là nơi các môn đệ hội họp. Cộng đoàn ở Giêrusalem này có lẽ đang ở cùng nhau, nhưng họ chưa phải là một cộng đoàn thực sự. Họ bị phân tán bởi sợ hãi và thất vọng. Niềm hy vọng tiêu tan khi Đức Kitô bị giết và giờ đây có lẽ họ cũng lâm vào cảnh nguy hiểm – những kẻ tiếp theo trong danh sách bị xử lý.
Trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta đã lắng nghe trình thuật của thánh Máccô về ngôi mộ trống (16,1-7): có một người thanh niên bảo các phụ nữ đi báo cho các môn đệ rằng: “Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Ngày hôm nay, chúng ta ở trong bối cảnh của Tin Mừng Luca và vị tác giả ấy đem chúng ta quay trở lại thành Giêrusalem với những lần hiện ra của Đức Giêsu. Với thánh Luca, Giêrusalem là nơi Thánh Thần sẽ ngự xuống trên các môn đệ để thiết lập Giáo Hội và khởi động sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới. Thánh Luca sẽ kể câu chuyện đó trong phần khởi đầu của quyển sách thứ hai của ngài, sách Công vụ Tông đồ. Tuy nhiên, vẫn chưa đến lúc đó. Hôm nay, chúng ta hiện diện với các môn đệ tâm hồn xáo trộn và tan tác. Lúc này, họ chỉ biết về sự chết – chứ không phải sự Phục Sinh.
Có bao nhiêu người trong cộng đoàn chúng ta đang ở trong tình trạng tương tự như vậy? Họ có thể giống hệt các môn đệ kia ở Giêrusalem, những người đã trải nghiệm cái chết và nỗi thất vọng. Đức Giêsu có lẽ đang ở giữa họ, nhưng những kinh nghiệm này đã ngăn không cho họ nhận ra Người. Họ giống những người môn đệ mà với họ Đức Giêsu ngay lúc này dường như chỉ là một bóng ma, một ảo ảnh của trí tưởng tượng và không giúp ích được gì. Trong cơn khốn cùng, một vài người đang ngồi trên những chiếc ghế ở xung quanh chúng ta có lẽ đang đặt câu hỏi: “Liệu các tác giả Tin Mừng ấy đã lừa dối mình chăng? Trong lúc đang cần sự an ủi, trí tưởng tượng có cuốn họ đi không?”
Điều khiến câu chuyện mang tính hiện thực đó là thoạt tiên, các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu – điều này giống với các trình thuật khác về biến cố Phục Sinh. Mặc dù đã có những người phụ nữ và hai môn đệ trên đường Emmau làm chứng, nhưng các môn đệ vẫn không tin. Ai có thể trách họ ?
Lúc bấy giờ, các môn đệ chỉ nhìn thấy một bóng ma. Điều sẽ giúp họ đó là việc Chúa Giêsu đến và cất lời chào: “Bình an cho anh em.” Người đang khích lệ họ đừng sợ hãi. Điều này vẫn chưa đủ. Tiếp đó, Người mời họ chạm vào Người. Chưa hết, Người hỏi họ xem ở đó có gì để ăn không. Đức Kitô đang hiện diện một cách rất thể lý, như xưa khi như Người cùng họ đồng hành và ăn uống. Tuy nhiên, hiện nay Người đã khác ; cần thêm một chút nữa. Người không chỉ là một người nào đó mà cách nào đó đã sống sót và thoát được sau những gì người ta đã làm với mình. Người không chỉ trải nghiệm cái chết cận kề trên thập giá – Người đã chết thực sự.
Đức Giêsu nhắc nhở rằng, Người vẫn như xưa, tuy nhiên, có một vài điều khác biệt về Người. Đấng mà các môn đệ từng biết đang ở cùng họ, Người đã chứng minh điều đó bằng việc xác minh sự hiện diện cách thể lý của Người. Tuy nhiên, các môn đệ cần nhiều hơn để chấp nhận sự hiện diện mới này của Người. Đức Giêsu đã thực hiện lại điều Người từng làm với hai môn đệ trên đường Emmau. Đức Giêsu giải thích những điều Sách Thánh nói về Người. Đây là một chủ đề nổi bật trong Tin Mừng Luca: Đức Giêsu là sự ứng nghiệm những lời Thiên Chúa đã phán hứa cùng các bậc tổ tiên năm xưa. Họ có nhận ra điều đó không? Liệu họ có thể hiểu điều Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta, đó là mang lại sự sống mới sau sự chết không? Đức Giêsu không chỉ dùng một vài quyển Sách Thánh nào đó làm bằng chứng. Người kể cho họ nghe “tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
Trong những ngày Phục Sinh này, nguyện đường của chúng ta có chưng những cành huệ ở phía trước bàn thờ. Đó là một biểu tượng thích hợp để tượng trưng cho sự chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu – niềm hy vọng phát xuất từ sự tự hiến. Nhưng chúng ta cũng có những đóa hoa ở phía trước bục giảng (giảng đài), và đó là một biểu tượng khác nhắc nhớ rằng, cuộc đời, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu đang hiện diện với chúng ta trong Lời Chúa được công bố. Khi Lời được công bố một lần nữa chúng ta gặp gỡ Chúa Phục Sinh.
Hãy để ý dòng cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, Đức Giêsu nói thêm với họ cũng như với chúng ta một điều nữa là: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Việc nghe giải nghĩa Kinh Thánh không phải như trong một lớp học Kinh Thánh, hay là một cái nhìn lại lịch sử. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, các môn đệ và chính chúng ta được nhắc nhở phải là những chứng nhân cho tất cả những gì mà chúng ta đã nghe và đã thấy.
Trong Tân Ước, “chứng nhân” có nghĩa là “tử đạo”. Đó là điều mà Đức Kitô Phục Sinh yêu cầu chúng ta. Chúng ta phải dùng đời sống của mình mà làm chứng về Người. Mỗi người chúng ta phải thể hiện cách cụ thể niềm tin vào biến cố Phục Sinh.
Giêrusalem có lẽ là địa điểm của bài Tin Mừng hôm nay, nhưng nó chỉ là khởi điểm. Trong phần mở đầu sách Công vụ Tông đồ, Đức Kitô Phục Sinh bảo các môn đệ hãy chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa” (1,4). Người đang nói về Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn đưa những kẻ được xức dầu mới đó ra khỏi căn phòng trên lầu mà trở thành những chứng nhân cho khắp trần gian. Nhiều người trong số những chứng nhân đầu tiên đó sẽ đổ máu vì niềm tin của mình – và cuộc tử đạo vì niềm tin này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới.
Sẽ rất ấm cúng khi cộng đoàn cùng nhau quy tụ vào ngày Chúa nhật, chốt cửa then cài ngôi thánh đường. Cùng nhau, những người cùng chí hướng, chúng ta có thể cử hành niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô trong Thánh Thể. Để tăng thêm cảm giác dễ chịu, chúng ta có thể ca lên những bài thánh ca cho đến khi mỗi người hát thật tốt. Rồi chúng ta cùng cất lên tiếng hát từng bừng. Sau đó cùng chia sẻ bữa tối truyền thống với những món ăn do chính mình chuẩn bị, hát thêm những bài thánh ca, nói lời tạm biệt: “Hẹn gặp lại tuần tới”, mở chốt cửa và trở về với thế giới hung bạo bên ngoài.
Nghe có vẻ thú vị đấy, nhưng đó không phải niềm tin Kitô giáo của chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân về Đức Kitô cho thế giới ngoài kia, và đôi khi đó là một thế giới tàn bạo. Đó mới chính là chúng ta, những người mang Đức Kitô Phục Sinh đến cho thế giới. Chúng ta thực sự chia sẻ một bữa ăn cùng nhau, cùng một bữa ăn mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ năm xưa trên đường Emmau. Kinh Thánh được công bố cho chúng ta và chúng ta cùng nhau bẻ bánh. Đó là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng, Thánh Thể không chỉ là bữa ăn đáp ứng những nhu cầu, nhưng còn là thần lương nuôi dưỡng chúng ta, những người môn đệ trên đường Emmau với cả một chẳng đường dài ở phía trước. Khi dấn bước trên con đường đó, chúng ta sẽ phải là những chứng nhân cho niềm tin, dẫu có phải trả giá bằng chính bản thân mình.
Để là những Kitô hữu trong thế giới này, chúng ta bị đòi hỏi rất nhiều. Chúng ta cần sự trợ giúp và chúng ta có được sự trợ giúp ấy từ Chúa chúng ta, Đấng mở trí chúng ta “để hiểu được Kinh Thánh” và dưỡng nuôi chúng ta bằng Mình và Máu của Đức Kitô Phục Sinh trong bí tích Thánh Thể.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp