Bài giảng Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B
Bài 1: “Ở lại trong Thầy”
Ngỏ lời với các môn đệ vào giờ phút rất thiêng liêng, tức là trước lúc bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã sử dụng một hình ảnh đơn sơ mà sâu sắc để an ủi động viên các ông, đó là hình ảnh cây nho. Đức Giêsu tự giới thiệu như một chiếc cầu nối để thông chuyển nguồn sống từ nơi Thiên Chúa Cha đến với các môn đệ và đến với mỗi tín hữu. Bởi lẽ, nếu Đức Giêsu là cây nho, thì Chúa Cha là người trồng, là người chăm lo vun xới và làm cho cây nho ấy phát triển, mỗi tín hữu là một cành nho, gắn liền với thân nho. Nhờ được gắn liền với thân nho mà cành nho mới có khả năng sinh hoa kết trái. Nhờ gắn bó với Đức Giêsu mà chúng ta được vươn lên tới Chúa Cha.
“Hãy ở lại trong Thầy!”, lời mời gọi vào giờ phút biệt ly thật thâm sâu và tha thiết. Lời mời gọi ấy nói lên mối tình thày trò, cha con, bạn hữu giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
“Hãy ở lại trong Thầy” tức là hãy trung tín với Thầy, kể cả vào giờ phút khó khăn khủng hoảng nhất, giờ đó chính là lúc Người bị bắt trong Vườn Cây Dầu.
“Hãy ở lại trong Thầy”, tức là hãy kiên vững trước mọi gian lao thử thách sau này, vì họ đã ghét Thày, họ cũng sẽ ghét các con”.
“Hãy ở lại trong Thày” còn là sự kết hợp thân tình với Thày, sự kết hợp ấy sẽ làm tăng sức mạnh và nghị lực để lên đường loan báo Thày đã phục sinh. Mối thân tình gắn bó ấy được thể hiện qua hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho để được tiếp nhận nguồn sự sống.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở trong anh em”. Thật vinh hạnh cho người tín hữu, bởi họ có Chúa ngự trong lòng họ, làm cho họ được “thần hóa” và nên giống Người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy tư về thái độ sống của mỗi người, với tư cách là tín hữu. Quả vậy, chúng ta có nhiều lúc giống như cành nho bị lìa khỏi thân cây, vì chúng ta dửng dưng đối với Thiên Chúa, dửng dưng trước lời mời gọi của Tin Mừng. Một khi không còn gắn kết với thân nho, chúng ta cũng lìa xa các cành nho khác. Không liên kết với Thày Giêsu, chúng ta cũng khó mà liên kết với tha nhân. Thánh Gioan tông đồ đã nhấn mạnh đến điều này, khi đặt tình yêu thương lên hàng đầu của các thực hành Kitô giáo (Bài đọc II). Khái niệm “ở lại trong Chúa” cũng được tác giả nhắc đi nhắc lại, đồng thời cho thấy sự hòa quyện giữa tâm hồn chúng ta với Chúa Ba Ngôi, nhờ việc Ngài đến ở trong chúng ta, như chúng ta được ở trong Ngài.
Sự gắn bó với Đấng Phục Sinh là nguyên lý của biết bao ân huệ khác. Đức Giêsu đã hứa rõ ràng: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thày ở trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Như thế, liên kết với Chúa là điều kiện căn bản để lời cầu nguyện của chúng ta được nhận lời.
Thông thường, cây nho muốn sinh hoa kết trái thì phải được cắt tỉa hằng năm. Sự cắt tỉa ấy làm cho cây rỉ máu vì đau đớn, nhưng thật cần thiết, vì nếu không cắt tỉa, cây sẽ cằn cỗi, vô dụng. Mỗi năm, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu, các tín hữu cũng được mời gọi chết đi với con người cũ để sống lại với Đấng Phục Sinh. Sự “chết đi” ấy không phải chỉ là lý thuyết suông, nhưng là những hy sinh cố gắng để vác thập giá cuộc đời, để được gắn bó hơn với Đấng đã hy sinh đến cùng vì yêu thương chúng ta.
Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã để cho Chúa “cắt tỉa” đời mình: từ một người hăng say tìm giết các tín hữu, cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đức Giêsu trên đường đi Đa-mát đã làm thay đổi cuộc đời ông và biến ông thành một nhân chứng trung kiên loan báo Tin Mừng. Bài đọc I trong phụng vụ hôm nay cho thấy Phaolô đã sớm hòa nhập với các tông đồ để thực hiện sứ mạng Chúa trao phó. Ông sẵn sàng chấp nhận những nguy hiểm đe dọa tính mạng để làm chứng cho Chúa. Ông thực sự gắn bó với Đức Giêsu, đến nỗi sau này ông viết : “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).
Dù trong hoàn cảnh nào trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng có thể trở nên tông đồ của Chúa, nếu chúng ta thực sự “ở lại trong Người”.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài 2: Nguồn mạch sự sống thần linh là chính Chúa
Chúa nhật tuần trước chúng ta suy ngắm về đề tài “Chúa là Mục tử nhân lành”. Khi diễn tả tương quan giữa Người và các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự sánh ví mình như một người mục tử và những ai theo Người làm thành một đoàn chiên. Chúa nhật tuần này chúng ta lại thấy Chúa dùng hình ảnh cây nho để diễn tả tương quan đó, nhưng dưới một khía cạnh khác.
Trước hết, Chúa tự khẳng định mình là cây nho: “Thầy là cây nho thật”. Nói đến cây nho, ta nghĩ ngay đến trái nho, vì mục đích của người trồng nho luôn nhắm đến là trái nho. Không ai trồng nho để lấy thân, cũng không ai trồng nho để lấy lá, trồng nho là để thu hoạch trái. Chúa Giêsu đã tự sánh ví mình là cây nho thật, thì đương nhiên ta sẽ hiểu trái nho từ cây nho này sẽ rất sai và rất tốt. Hơn nữa, Chúa lại còn khẳng định: “Cha Thầy là người trồng nho” thì càng làm cho hiệu quả của những trái nho tốt tươi và sai tới mức nào. Vậy mà một mắt xích chưa được nối vào thì sẽ chẳng có một hoa một trái nào cả, mắt xích ấy chính là cành. Nói về cành, Chúa Giêsu đã khẳng định: Cha Thầy là người trồng nho, Thầy là cây nho, còn “anh em là cành”. Một mắt xích quan trọng đã được nối, để nhờ đó, tương lai một vụ bội thu trái nho mới trở thành sự thực. Nhưng chuyện lại không đơn giản như vậy. Chỉ là một mắt xích thôi, nhưng nếu mắt xích này không làm đúng vai trò của mình thì trái nho làm sao có được. Điều xảy ra đối với nhiều cây nho, có khi cành vẫn gắn chặt với thân, lá vẫn tốt tươi nhưng lại không sinh hoa kết trái. Lỗi này tại đâu? Xét thực tế thì nhiều lý do, có thể vì thân cây, có thể vì cả người trồng cây. Ở đây, Chúa Giêsu nói luôn lý do là ở tại cành. Người trồng thì đã quá tốt “Cha Thầy là người trồng”, thân cây cũng quá tuyệt vời: “Thầy là cây nho”, thế thì làm sao cành này lại không sinh hoa kết trái?
Có hai lý do: một là sự thiếu lưu thông giữa cây với cành, hai là thiếu sự cắt tỉa. Để có được sự lưu thông này, Chúa nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Những câu “Hãy ở lại” được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần cho thấy tầm quan trọng của việc “lưu thông”. Nếu không có sự lưu thông này, cành sẽ không thể nào sinh hoa kết trái và hậu quả chắc chắn sẽ là: “bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Ngoài sự lưu thông cần thiết, ngay từ đầu, ta đã thấy Chúa nhắc đến việc cắt tỉa. Lưu thông là tốt, nhờ lưu thông mà cành xanh tươi sum suê. Nhưng lưu thông không thôi, biết đâu chỉ đem lại những cành đầy lá xanh tươi mỡ màng mà không có hoa có trái. Bởi thế, cần phải được cắt tỉa: “cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”. Lưu thông và cắt tỉa là hai yếu tố không thể thiếu để một cành nho sinh hoa kết trái.
Thực ra, nếu chúng ta để ý từng chi tiết, ta sẽ nhận ra có một sự đan xen dường như lẫn lộn giữa hình ảnh cây nho – cành nho, với tương quan giữa Chúa và các môn đệ. Khi đang nói đến chuyện cây nho và cành, Chúa lại nói sang chuyện có một mạch sống từ Chúa tới các môn đệ làm nhiều lúc chúng ta không phân biệt được đâu là cây nho- cành nho, đâu là sự sống lưu chảy giữa Chúa với các môn đệ. Cả hai cứ lẫn vào nhau khó phân biệt.
Khi dùng hình ảnh này, Chúa Giêsu tỏ lộ (mặc khải) cho chúng ta một khía cạnh rất quan trọng và ý nghĩa trong đời sống Kitô hữu của mình. Là Kitô hữu tức là được tháp nhập vào Chúa Kitô, trở nên một với Chúa Kitô, mang trong mình sự sống của Người. Đó là sự sống của Thiên Chúa, bắt nguồn từ nơi Chúa Cha qua kiểu nói: “Cha Thầy là người trồng nho”. Một đời sống mang sự sống thần linh như vậy không thể không sinh hoa kết trái. Nhưng nếu không có trái có hoa, chắc chắn sự lưu thông, dòng lưu chảy sự sống thần linh kia đã bị ngắt quãng ở phía bên kia của cây rồi. Nếu hoa trái không nhiều không tươi tốt, chắc chắn cành cây đã không chịu để được “cắt tỉa”.
Hình ảnh người mục tử và đoàn chiên nói lên tương quan thân thiết và sự hy sinh của người mục tử cho đoàn chiên, thì hình ảnh cây nho với cành nho lại nói lên yếu tố sự sống thần linh tuôn chảy từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Con xuống toàn thể nhân loại, một khi nhân loại đó tháp nhập vào thân mình là Chúa Kitô.
Câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay như một lời mời gọi chúng ta: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”. Khi chúng ta để cho nguồn mạch sự sống thần linh của Chúa tuôn chảy trong cuộc đời chúng ta, làm cho cuộc đời chúng ta sinh nhiều hoa trái là việc lành phúc đức, chúng ta xứng đáng là môn đệ của Đức Kitô và đang làm công việc tôn vinh Thiên Chúa ở dưới trần gian này.
Lm. Giuse Dương Hữu Tình