Truyền giáo cho xã hội hôm nay
Đề tài trước thúc đẩy chúng có những suy tư đặt nền tảng cho việc dấn thân truyền giáo, với đề tài này muốn chúng ta để ý đến những nhu cầu cụ thể của việc truyền giáo trong xã hội hôm nay để, hy vọng, chúng ta có thể rút ra vài kết luận cho việc dấn thân truyền giáo của chúng ta, cũng như của cộng đoàn giáo hữu chúng ta phục vụ.
Đề tài này chúng ta sẽ dõi theo hai điểm chính yếu: 1) Một số hoàn cảnh cần chú ý đặc biệt trong việc dấn thân truyền giáo; 2) Khơi dậy nhiệt huyết truyền giáo.
I. MỘT SỐ HOÀN CẢNH ĐÒI SỰ CHÚ Ý ĐẶC BIỆT
Trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều nhu cầu truyền giáo, nhưng có lẽ cần để ý đặc biệt đến ba khía cạnh sau đây:
1. Dân chúng tại các thành thị
Khi nói đến công tác truyền giáo, người ta thường nói đến “vùng sâu, vùng xa” và nói đến dân nghèo, trẻ em bị bỏ rơi. Dĩ nhhiên đây là một thành phần rất đáng được để ý, nhưng đối tượng cần được chú ý hơn trong công tác truyền giáo có lẽ là những người sống tại các thành thị, nhất là giới trí thức và giầu có. Một đàng vì họ là những người có khả năng chi phối cuộc sống của xã hội, đàng khác, chính những người nghèo và dân sống vùng thôn quê cũng ngước nhìn lên họ với lòng ao ước và thèm khát, muốn bắt chước họ. Chính thông điệp “Redemptoris Missio” cũng xác định điều này: “Trong quá khứ, công tác truyền giáo thường được thực hiện nơi những vùng xa xôi hẻo lánh, cách xa những trung tâm sinh hoạt và khó khăn về giao thông, về tiếng nói và về khí hậu. Hôm nay hình ảnh truyền giáo có lẽ đang thay đổi: nơk đáng chú ý có lẽ phải là những thành phố lớn, nơi phát sinh những phong tục và mẫu sống mới, những hình thức văn hóa và truyền thông mới có ảnh hưởng lớn đến dân chúng. Dĩ nhiên “sự lựa chọn những kẻ rốt cùng” không cho phép chúng ta làm ngơ đối với những nhóm người sống bên lề xã hội, nhưng cũng phải nhớ là không thể rao giảng Tin Mừng cho những cá nhân hay nhóm người thấp hèn, nếu bỏ qua những trung tâm nơi phát sinh, có thể nói, một nhân loại mới với những mẫu phát triển mới. Tương lai của các quốc gia trẻ đang thành hình tại các thành phố.” (RMi, 37).
2. Dân chúng sống trong các tòa nhà cao ốc
Ở nhiều nơi nhưng đặc biệt ở những thành phố lớn như Hà Nội, Saigòn và cả Bà Rịa, Vũng Tầu, người ta thấy đang mọc lên đầy dẫy những tòa nhà cao ốc và những khu dân cư dành riêng cho người giầu, những chuyên viên, những thương gia. Đa số những người này là anh chị em lương dân. Đây sẽ là những thế giới riêng biệt và những người sống trong những môi trường này sẽ tách mình khỏi những sinh hoạt và liên hệ bình thường để trở thành những ốc đảo riêng tư. Làm sao để tới được những người trong môi trường này và làm thế nào để có thể đem Tin Mừng của Chúa đến cho họ? Đây là một vấn đề rất lớn của công việc truyền giáo trong tương lai và đòi hỏi một suy tư để tìm câu trả lời thích hợp ngay từ bây giờ.
3. Hiện tượng di dân
Một môi trường mới khác đang trở thành một thách đố lớn lao cho công tác truyền giáo là môi trường của hiện tượng di dân. Thực ra hiện tượng di dân đã được nhiều người nói đến từ lâu, nhưng thường được nhìn dưới góc cạnh kinh tế, xã hội, luân lý. Ở đây, chúng ta nhìn vấn đế dưới góc cạnh truyền giáo.
Hiện tượng di dân đặt ra nhiều vấn đề cho Giáo Hội và xã hội, nhưng đối với sứ mệnh truyền giáo, đây lại là một cơ hội lớn. Qua hiện tượng di dân, Giáo Hội không cần đi tìm đồng bào lương dân, nhưng chính đồng bào lương dân đến với Giáo Hội và họ ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận những nghĩa cử của tình yêu, của lòng thương mến. Đây là dịp may để Giáo Hội loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa đối với nhân loại khổ đau và thiếu thốn. Một khi người ta đã ổn định, có gõ cửa người ta cũng không mở! Nhưng xem ra, Giáo Hội đang để lỡ những cơ hội bằng vàng.
II. ĐÀO TẠO TÔNG ĐỒ TRUYỀN GIÁO
Vấn đề sau cùng chúng ta phải đặt ra là việc đào tạo tông đồ truyền giáo. Bất cứ làm công việc gì cũng cần phải được huấn luyện. Công tác nào càng khó khăn và tế nhị càng đòi hỏi công việc huấn luyện phải kỹ càng và cẩn thận hơn.
1. Những yếu tố căn bản của việc đào tạo: Các yếu tố của công việc huấn luyện các tông đồ truyền giáo thì rất nhiều, nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại theo 3 phương diện: Thần học, Mục vụ và Tu Đức.
- Thần học: Nhà thừa sai truyền giáo có thể đi đến khắp nơi, làm trăm ngàn công việc, tùy theo nhu cầu của hoàn cảnh hoặc tùy theo công tác được trao phó và khả năng riêng của cá nhân mình. Tuy nhiên, cho dù đi đâu, làm việc gì, nhà thừa sai truyền giáo cũng có sứ mệnh phải truyền đạt một sứ điệp chính yếu: Thiên Chúa yêu thương nhân loại, đã xuống thế và đã chịu chết và sống lại để ban sự sống cho nhân loại. Do đó, cần phải hiểu thấu đáo sứ điệp và mục đích của nhiệm vụ.
- Mục vụ: Khía cạnh mục vụ nhắm đến đối tượng của việc truyền đạt sứ điệp. Tuy cùng một sứ điệp, cách truyền đạt sứ điệp phải tùy theo đối tượng Vì vậy, cần phải hiểu đối tượng của công tác truyền giáo trong bối cảnh tôn giáo, văn hóa, chủng tộc, lịch sử, tuổi tác của họ.
- Tu đức: Mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ đòi hỏi phải có những đức tính, những tư cách và thái độ thích hợp. Đây là khía cạnh tu đức, gồm cả những yếu tố nhân bản và thiêng liêng.
Trong ba yếu tố trên đây, yếu tố tu đức, hiểu là hành trình nên thánh, phải được coi là yếu tố nền tảng. Theo thông điệp “Redemptoris Missio”, “việc canh tân công cuộc truyền giáo đòi phải có những thừa sai thánh thiện. Chỉ canh tân phương pháp truyền giáo hay tổ chức và phối kết các sức lực của Giáo Hội cách hiệu quả tốt đẹp hơn thôi thì chưa đủ, hoặc nghiên cứu cho chính xác hơn các nền tảng thánh kinh và thần học về đức tin thôi cũng không đủ. Cần phải khơi dậy lòng hăng say nên thánh nơi các thừa saia truyền giáo và tất cả cộng đoàn Dân Chúa, đặc biệt nơi những người cộng tác gần gũi với các thừa sai truyền giáo. Ta thử nghĩ đến nhiệt tâm truyền giáo nơi những cộng đoàn kitô hữu đầu tiên. Mặc dầu thiếu thốn phương tiện di chuyển và thông tin của thời đại đó, Tin Mừng của Chúa đã tới tận cùng bờ cõi thế giới trong một thời gian ngắn và mặc dầu đó là tôn giáo của Con Người chết trên thập giá, là ‘sự xúc phạm đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại’! Nền tảng của tất cả bầu nhiệt huyết truyền giáo là sự thánh thiện của các tín hữu và của các cộng đồng các tin hữu đầu tiên” (RMi, 90).
Chúng ta có thể diễn tả hành trình linh động huấn luyện theo mô hình dưới đây:
I | II | III |
Thần học | Tu đức | Mục vụ truyền giáo |
Học hỏi để hiểu thấu đáo Sứ Điệp sẽ loan truyền | Biến đổi cuộc sống nhờ ánh sáng và sức mạnh của Sứ Điệp | Truyền đạt Sứ Điệp với kinh nghiệm sống |
2. Khơi dậy ngọn lửa truyền giáo
– Lắng nghe lời ký thác của Chúa
- “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8).
- “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính chúng con là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,47-48).
- “Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20).
- “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
- “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21).
- “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50)
– Học theo kinh nghiệm của các Tông đồ
- Ga 20,19: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : ‘Bình an cho anh em !’ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.’
- Cv 2,1-41: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho… Bấy giờ, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng : "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giô-en nói đến : Thiên Chúa phán : Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưới đất thấp, đó là máu, lửa và những cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang. Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ…”
3. Một mẫu gương truyền giáo: ĐTC Gioan Phaolo II
Trong thời đại chúng ta, một khuôn mặt sáng ngời, lôi cuốn đông đảo dân chúng và cũng có thể nói là hình ảnh của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại, là ĐTC Gioan Phaolô II đáng kính. Suốt 26 năm trong sứ mệnh chủ chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, ngài đã vượt trùng dương loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi tầng lớp. Chính cái chết của ngài cũng là một lời loan báo Chúa Giêsu một cách hùng hồn. Chắc chắn mọi người đã theo dõi đầy đủ các tin tức và hình ảnh chung quanh cái chết và Thánh Lễ an táng của ngài. Con xin được nhắc lại đây 4 sự kiện:
- Ngay sau khi ngài qua đời, không ai bảo ai, không ai tổ chức, tự nhiên dân chúng ùn ùn kéo về đền thờ Thánh Phêrô kính viếng thi hài của ngài. Người ta nói là có chừng 4 triệu người. Để có thể vào đền thờ, đi qua trước thi hài của ngài trong giây lát, người ta phải nối đuôi chờ đợi 12 giờ, hay có thể 14 giờ đồng hồ, chịu đựng ban ngày trời nóng, ban đêm khí hậu lạnh. Họ là mọi thứ bậc người: đàn ông, đàn bà, già, trẻ, lớn, bé; họ là các giáo hữu, con cái của Giáo Hội Công Giáo, nhưng cũng có nhiều người thuộc các giáo hội Chính Thống, Tin Lành và ngay cả các tín hữu của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, và có thể cũng có những người vô thần hoặc thù địch với Tin Mừng của Chúa…
- Hiện diện trong Thánh Lễ an táng, có đầy đủ thủ lãnh các quốc gia và của các tôn giáo. Họ xin đến chứ không phải được mời và họ phải ngồi ở hàng ghế đã được Toà Thánh xếp theo vần thứ tự tên các nước theo tiếng Pháp. Cho nên có sự kiện thủ lãnh các quốc gia kình địch với nhau ngồi bên nhau và cũng bắt tay chào hỏi nhau!
- Các hãng truyền hình đã đồng loạt loan báo tin tức về cái chết và các sự kiện diễn tiến sau khi ngài qua đời. Có những đài truyền hình phát hình 24/24 giờ một ngày.
- Cỗ quan tài gỗ trơn đơn sơ được đặt nằm ngay trên nền của công trường đền thờ Thánh Phêrô.
- Trong Thánh Lễ, tự nhiên có một cơn gió mạnh nổi lên, tư từ lật mở từng trang, từ đầu đến cuối cuốn Thánh Kinh đặt trên quan tài của ngài. Cái chết của ĐTC Gioan Phaolô II là một lời loan báo hùng hồn và vĩ đại về Chúa Giêsu. Ngài đã lôi kéo bao nhiêu người, không phải chỉ những người về Roma, mà còn bao nhiêu người theo dõi tin tức và các lễ nghi qua các phương tiện truyền thông. Sức mạnh nào đã lôi kéo người ta, đoàn lũ đông đảo như vậy? Sức mạnh nào đã qui tụ được các thủ lãnh các quốc gia và đại diện các tôn giáo và có sức hoà giải tất cả như vậy?
Đây không thể là kết quả của sức người phàm, nhưng phải là sức mạnh linh thiêng của Thiên Chúa, có sức thúc đẩy, hàn gắn và qui tụ lòng người. Về phía ĐTC Gioan Phaolô II, ngài đã là một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Thiên Chúa, diễn tả qua khẩu hiệu của ngài: “Totus Tuus”. “Tất cả con là của Mẹ” và phần thứ II hiểu ngậm: “để tất cả con thuộc về Chúa Giêsu”. Yếu tố quan trọng ở đây nằm ở chữ “Totus”, có nghĩa là “tất cả”, ‘trọn vẹn”.
Cỗ quan tài bằng gỗ đơn sơ đặt trên nền công trường đền thờ Thánh Phêrô cũng kéo sự chú ý của nhiều người. Lý do không phải vì nói lên sự nghèo khó. Nghèo khó thì có gì mà hấp dẫn? Sức hấp dẫn nằm ở sự lựa chọn của ngài, là lý do của sự nghèo hèn đơn sơ: Ngài đã chọn duy chỉ mình Chúa, đã sống hoàn toàn cho Chúa và vì Chúa. Đúng là “Totus Tuus”. Chính vì thế, qua sự nghèo hèn và đơn sơ của ngài, Chúa đã thể hiện được tất cả sức mạnh của ơn thánh và tình yêu của Người.
Sự kiện cơn gió nổi lên, như thể một ngón tay từ từ lật giở từng trang, từ đầu đến cuối của cuốn Thánh Kinh đặt trên cỗ quan tài: có người cho đó là tình cờ, người khác cho đó là sự can thiệp trực tiếp của Chúa. Ai muốn cắt nghĩa theo chiều hướng nào tùy ý. Nhưng sự kiện đó có nói lên một điều quan trọng của cuộc đời thiêng liêng của ĐTC Gioan Phaolô II. Đó là ngài đã sống theo Tin Mừng; cuộc đời của ngài đã được thấm nhuần bằng Lời Chúa; ngài đã sống theo tất cả sứ điệp Ơn Cứu Độ. Đúng là “Totus Tuus”.
Sự kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn một khía cạnh tế vi của tinh thần truyền giáo của thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại. Đó là sự dâng hiến tất cả cho Chúa không phải chỉ có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ tất cả vì Chúa và chịu thiệt thòi vì Chúa, mà còn có nghĩa là để cho lòng mình được thay đổi theo tinh thần của Chúa và mọi khía cạnh của con người mình đều được thấm nhuần bằng tinh thần của Chúa Giêsu để trở thành hương thơm của Người như lời ngài viết trong thư gửi giáo đoàn Corintô: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng cho chúng ta tham dự cuộc khải hoàn trong Chúa Kitô, và đã dùng chúng tamà làm cho hương thơm của sự nhận biết Chúa Kitô lan toả khắp nơi trong thế giới. Thực vậy, chúng ta là hương thơm của Chúa Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.” (2Cor 2,14-15).
Ước chi trong hàng ngũ linh mục, những người tận hiến trọn cuộc đời để phục vụ Chúa trong ơn gọi linh mục, có nhiều người là hiện thân của thánh Phaolô, là những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, hay nói theo cách diễn tả dân gian, là những vị chân tu, đã được thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu nên làm lan tỏa những mùi hương thơm của Người để ướp thế gian. Gặp được một linh mục là người ta ngửi được một mùi thơm ngào ngạt: “mùi Giêsu”.
Thay kết luận: Từ một con tim và khối óc được chiếu soi và thiêu đốt bởi lòng khao khát thấy toàn thế giới nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của họ và hạnh phúc sống trong tình nghĩa với Ngài, chắc chắn sẽ phát sinh những sáng kiến truyền giáo. Có biết bao nhiều cơ hội vàng ngọc để truyền giáo đã bị bỏ qua! Có biết bao anh chị em lương dân sống ngay bên cạnh mà mình không ý thức. Vì vậy, nếu các cha cho phép, tôi xin được kết bài chia sẻ này với mấy câu mời gọi:
Hỡi anh em linh mục,
Hãy say mến Chúa Giêsu
Hãy tỉnh dậy,
Hãy chỗi dậy
Hãy lên đường, đi chia sẻ niềm vui của những người say mến Chúa Giêsu với những anh chị em chưa có hạnh phúc này.
Gm. Giuse Đinh Đức Đạo
Nguồn: tinvuixuanloc.vn