Chúa Thăng Thiên B – 17/05/2015

16-05-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Chúa Thăng Thiên B – 17/05/2015 by

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20
Lm. Jude Siciliano, OP.

CHỨNG NHÂN CHO THẦY

Kính thưa quý vị,

Một vị khách thường xuyên ghé thăm nhà nguyện trong tu viện hỏi vài người trong chúng tôi về ngày chịu chức. Bà ấy ngạc nhiên khi nghe thấy những ngày ấy rất sát với nhau. Dù là năm nào đi nữa, chúng tôi được thụ phong và đầu tháng sáu theo thông lệ trước đây. Câu hỏi của bà ấy làm sống lại ký ức xa xôi. Quả vậy mấy tháng trước ngày lớn lao đó đều là những tháng ngày thật bận rộn! Có lẽ không tất bật cho bằng một gia quyến đang lo chuẩn bị đám cưới, tuy vậy chúng tôi cũng rất bận bịu. 

Các thư mời cần phải được gửi đến gia đình và bạn bè đồng thời cần có những chuẩn bị cho bữa tiệc tại gia sau đó. Cũng có những sự kiện tại trường đại học trong những học kỳ trước đó: các ban khảo thí, thi vấn đáp về bí tích hòa giải, các bài thi tự luận về thần học và Kinh Thánh, ngay cả việc thực hành chủ sự các bí tích.

Không chỉ một lần trong suốt kỳ thi này, chúng tôi phải “cầm rắn trong tay” và “uống phải chất độc” như cách nói của bài Tin Mừng theo Thánh Máccô. Tôi không chắc chúng tôi có thể vượt qua được các thử thách đức tin ấy không. Khi tôi sống và giảng dạy ở bang West Virginia, tôi có nghe nói chuyện về một nhà giảng thuyết địa phương đút tay vào một cái hộp có chứa nhiều rắn chuông để đáp trả lại bài trình thuật Tin Mừng hôm nay. Ông đã bị vài con rắn cắn và cộng đoàn của công đã phải đưa ông đi cấp cứu. Không thể như thế được, chúng tôi những tiến chức và thừa tác viên không chức thánh chỉ là những con người bình thường đang cố gắng hết sức để trung thành với lời truyền của Đức Giêsu, “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.”

Gần đây tôi đã ở cùng với một người đàn ông đang hấp hối. Chúng tôi cuốn nghi thức có những lời cầu nguyện cần phải đọc cũng như các chỉ dẫn để cử hành việc xức dầu cho người bệnh và người đang gặp cơn nguy tử. Nhưng chúng tôi lại không có bản văn hướng dẫn chúng tôi phải nói gì trong những lúc này. Không có những câu “trả lời” cho những câu hỏi được đưa ra vào những dịp này và cho những hoàn cảnh khác chúng tôi với tư cách là ban mục vụ của giáo xứ, cha mẹ hay những thiện nguyện viên phải đối diện khi đồng hành với những ai đang cần sự giúp đỡ. Đức Giêsu khẳng định rằng khi chúng ta đối mặt với các mầu nhiệm mà không có được những câu trả lời dễ dàng, chẳng hạn như bệnh tật, thất bại, cái chết, thì chúng ta luôn có được sự hiện diện của Người. Chúng ta sẽ có những “dấu chỉ” của những người tin vào danh Người.

Ngày hôm nay, ngày lễ Chúa Thăng Thiên là một ngày lễ chuyển tiếp. Chúng ta thấy được điều này ngay ở bài đọc một trích từ sách Tông Đồ Công Vụ. Lễ này tiếp theo sau biến cố Phục Sinh. Trong 40 ngày Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ của Người. Giờ đây Người nói lời từ biệt với các ông.

Những gì Đức Giêsu nói với các môn đệ của Người có vẻ giống nhưng bài diễn văn khai mạc tại lễ tốt nghiệp. Trường đại học cạnh chúng ta sắp tổ chức lễ tốt nghiệp. Trong khi lễ tốt nghiệp đánh dấu kết thúc những năm tháng học hỏi, chúng không gọi đấy là “Lễ chấm dứt.” Dĩ nhiên có những cái kết: đây là lần cuối cùng tất cả sinh viên tụ họp lại với nhau; các khóa học đã hết; nhiều lời chào nhau đã được nói lên. Nhưng đấy không chỉ nói về chuyện kết thúc, mà lại là một “Lễ khai mạc.” Những người trẻ sắp bắt đầu đường đời với những cuộc phiêu lưu cũng như những vấn nạn cụ thể cần phải đối diện – ngay cả cái vấn nạn nhỏ nhất cũng không là món nợ mà họ đã gánh chịu.

Cũng vậy đối với các môn đệ tại “Lễ khai mạc” của các ông. Đây là điểm kết của sứ vụ công khai của Đức Giêsu và còn nhiều việc nữa đang ở phía trước cái ông. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã muốn liên lụy với thế giới chúng ta. Giờ đây các ông phải tiếp tục công trình này, vì được mời gọi để: chữa lành cho những người đau yếu, hòa giải các bên thù địch, cho kẻ đói ăn, dạy cho tha nhân biết đường lối Chúa. Đấy chính là những gì chúng ta được mời gọi để thực hiện.

Đây không phải là một lễ dành riêng cho các linh mục, nữ tu và thừa tác viên trong Giáo Hội. Đây là một lệnh truyền cho tất cả chúng ta để khỏi phải rơi vào thái độ “xem hồi sau sẽ rõ”. Đức Giêsu đã không cuốn gói rồi ra đi. Người thúc giục chúng ta hãy đầu tư và để hết tâm trí vào thế giới – nghĩa là hãy thức thời như chính Người vậy. Bất cứ điều gì giúp cho con người thăng tiến đều phải là mối bận tâm của chúng ta.

Trước khi ra đi Đức Giêsu không nói với các môn đệ hãy cẩn trọng, hãy tạo lập một nhóm gắn bó để bảo vệ nhau, một thứ câu lạc bộ riêng thờ phượng trong những căn phòng khóa chặt với kiểu phụng vụ riêng biệt. Thay vào đó, Người truyền cho các ông phải ra đi ra với toàn thế giới, với hết thảy tạo vật. Điều này nghĩa là chúng ta sẽ làm tay mình dính bẩn và có lẽ chúng ta cũng sẽ phạm sai lầm. Dĩ nhiên chúng ta sẽ không thành công, như cách thức mà thế gian đánh giá thành công. Đức Giêsu đang đòi hỏi rất nhiều nơi chúng ta, những người môn đệ chưa được rèn luyện và còn rất thô sơ và đầy sợ hãi.

Để nói lên sự táo bạo và dũng cảm, những nguy cơ cũng như sự tín thác, Đức Giêsu dùng lối nói thậm xưng và hình thức tu từ mạnh mẽ. Uống phải thuốc độc, cầm lấy rắn độc – nói cách khác, “Các con hãy liều mình vì Thầy và Thầy sẽ ở với các con.” Không ai được miễn trừ khỏi sứ mạng mà Đức Giêsu đang trao cho chúng ta. Người khích lệ ngay cả những người đang bị tổn thương, những người yếu đuối mỏng dòn và những người tội lỗi trong chúng ta. Thánh Phaolô gọi chúng ta “những bình sành.” Chúng ta thật sự không để trang hoàng, nhưng với Đức Kitô chúng ta trở nên hữu dụng, bởi lẽ các bình sành có thể đựng nước cho những người khát và mang của ăn đến với những người đói kém. Lời bảo đảm chúng ta nghe hôm nay là: dù cách này cách khác chúng ta được mời gọi để phục vụ thì Đức Giêsu sẽ ở với chúng ta ngõ hầu cũng cố sự hiện diện của Người cách thực thụ và khả giác.

Lễ Chúa Thăng Thiên dĩ nhiên là lễ của mỗi người chúng ta. Trong sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta có trình thuật của Thánh Luca về sự ra đời cũng như những ngày đầu của Giáo Hội. Thời kỳ này của Giáo Hội sẽ tiếp tục triển nở cho tới khi Đức Giêsu trở lại. Dù Người không còn hiện diện thể lý, hay chúng ta có lẽ cảm thấy Người bỏ rơi chúng ta, nhưng trình thuật của Thánh Luca chất chứa một lời hứa. “Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất.”

Ngay khi chúng ta cảm nghiêm nỗi sợ, giới hạn và tội lỗi thì Sách Thánh công bố một lời “nhưng”. Sau cái “nhưng” ấy chúng ta nghe điều Thiên Chúa sắp làm cho mình. Dù có những nỗi sợ hãi, sự bất xứng và những phản kháng do yếu đuối, chúng ta nghe “Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh…”

Sau khi đã quan sát và lắng nghe những đau khổ cũng như những nhu cầu của con người chúng ta công bố Tin Mừng bằng cách nói lên lời “Nhưng” của chúng ta. Điều này có lẽ sẽ là “Nhưng tôi sẽ không bỏ rơi bạn trong cơn túng quẫn.” “Nhưng tôi sẽ chống lại sự bất công đang gây ra khổ đau cho bạn.” “Nhưng tôi sẽ đi chợ cho bạn khi bạn bị bệnh.” “Nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn mau khỏi.” “Nhưng tôi sẽ thăm viếng bạn nơi lao tù.”

Chúng ta có thể nói “Nhưng” trước những nhu cầu của con người vì Đức Giêsu đã giữ lời hứa của Người là sai Thánh Thần Người đến với chúng ta. Giờ đây, dẫu cho còn có những trở ngại, chúng ta vẫn có thể là những chứng nhân của người “cho đến tận cùng trái đất.” Chúng ta sẽ không đút tay vào sọt đầy rắn chuông để chứng minh niềm tin của mình, nhưng chúng ta sẽ được các dấu chỉ Đức Giêsu hứa ban cho chúng ta trong bài Tin Mừng ngày hôm nay đồng hành. Trong lời nói cũng như việc làm, sống hay mất đi, chúng ta đều làm chứng cho Đức Giêsu.

Chúng ta sẽ có thể xua trừ những thứ quỷ thời đại đai chiếm hữu tâm hồn con người: thói nghiện ngập, lòng kiêu ngạo, tính ích kỷ, thói hung hăng,v.v…Chúng ta sẽ nói “các ngôn ngữ mới” khi chúng ta vui vẻ đón tiếp mọi người đến từ những nền văn hóa và ngôn ngữ khác với chúng ta. Rắn độc là biểu tượng xa xưa của cái ác, vậy chúng ta sẽ “bắt lấy rắn độc” bất kể khi nào chúng ta chạm trán và gọi tên các sự ác trong gia đình, đất nước và Giáo Hội của chúng ta.

Điều gì sẽ bảo vệ chúng ta khỏi tất cả sự ác này? Khi lòng tràn ngập Thánh Thần Đức Giêsu hứa ban và luôn gắn bó với Đức Kitô Phục Sinh trong cầu nguyện, suy niệm và đời sống phụng vụ, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi những thứ thuốc độc đang tấn công và giết chết sự sống thiêng liêng của mình.

Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW