Chúa Thánh Thần hiện xuống – B – 24/05/2015
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
Lm. Jude Siciliano, OP.
LẠY THÁNH THẦN, KHẤN XIN NGỰ ĐẾN
Kính thưa quý vị,
Các môn đệ tụ họp với nhau để cử hành một trong ba lễ hội chính trong năm của người Do Thái, đó là lễ Ngũ Tuần – 50 ngày sau lễ Vượt Qua. Đây là lễ tạ ơn mừng hoa trái đầu mùa của vụ Đông Xuân. Vào thời Tân Ước, người Do Thái cũng cử hành biến cố Chúa ban Lề Luật tại núi Sinai vào dịp này. Lề Luật chính là ân ban của Thiên Chúa cho dân Do Thái nhằm dẫn đưa họ trở thành một quốc gia hùng cường, là ánh sáng cho muôn dân. Chúa muốn người Do Thái trở nên một dấu chỉ cho các dân nước thuộc về Người.
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, người Kitô hữu chúng ta mừng biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ – tức là ngày khai sinh của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần cũng là món quà Chúa ban, nhưng không chỉ nhằm vào việc thánh hóa bản thân chúng ta. Các môn đệ đang ở trong phòng đóng kín cửa khi Chúa Thánh Thần đến đã làm cho các ông mạnh dạn lớn tiếng rao giảng cho “những người Do Thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về.” Điều gì đã có thể làm cho những người dân quê mùa miền Galilê đang co rúm vì sợ hãi trở nên những chứng nhân gây “sửng sốt và bỡ ngỡ” cho những ai tuôn đến vì sự xôn sao này?
Những ai đọc Kinh Thánh đều nhớ lại một khoảnh khắc khác trong Sách Thánh khi gió-thần khí “ruah” thổi sinh khí vào thung lũng đầy xương khô trong sách ngôn sứ Êdêkien (37,9-14). Gió-thần khí làm cho các xương khô ấy hồi sinh chính là quyền năng của Thiên Chúa. Ở đây nữa, khi Đức Giêsu nói về “gió-thần khí,” Người nói rằng gió sẽ thổi, nhưng chúng ta không biết gió từ đâu tới hay gió sẽ đi đâu (Ga 3,8).
Nếu như cơn gió mạnh mẽ đấy chưa đủ là một dấu chỉ thì đã có những lưỡi lửa rải rác đậu trên các môn đệ. Gió – lửa – chúng ta đang nói về sức sống, sự huyên náo và năng lượng! Chẳng phải ông Gioan Tẩy Giả đã nói rằng Đấng đến sau tôi sẽ làm phép rửa bằng lửa và Thánh Thần đó sao? (Lc 3,16-17)
Hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các môn đệ đã lôi cuốn một đám đông gồm nhiều thứ dân khác nhau, tuy vậy họ vẫn hiểu được những gì các môn đệ tràn đầy Thánh Thần đang nói. Đây chính là hình ảnh tiên báo sự lan tỏa của Giáo Hội. Một ngày nào đó các dân nước của thế giới sẽ có thể nói với những người hậu duệ của các Kitô hữu tiên khởi, “…chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa.”
Cảnh tượng của ngày lễ Hiện Xuống không chỉ là một sự thống nhất toàn vẹn, nơi đây cũng có một biến cố tách biệt đi kèm. Trong khi cộng đoàn hợp nhất với nhau và nhiều người hiểu được lời rao giảng đầu tiên của các môn đệ, tuy vậy chúng ta có được những dấu hiệu về những gì lời rao giảng này phải đương đầu. Có những người lòng còn nghi nan trong đám đông, một số người đã nói rằng các môn đệ đang hăng say rao giảng là những người say rượu (Cv 2,13). Chúa Thánh Thần hiện xuống đã cho thấy có những rạn nứt trong cộng đoàn, một số thì tin, những người khác thì lại nghi nan.
Điều ấy không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Những vị thánh vĩ đại nhất được Chúa Thánh Thần linh hứng cũng không được những người nghe các vị rao giảng hoàn toàn chấp nhận – thậm chí có khi không được những thành viên trong cộng đoàn của mình chấp nhận. Khi Đức Thánh Cha tông du nước El Salvador, ngài sẽ phong chân phước cho tổng giám mục Oscar Romero. Trong lúc còn tại thế Đức Tổng Giám mục Romero được người nghèo quý trọng vì ngài đã bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng ngài đã bị giới chủ đất, nhân viên công quyền và thậm chí một số người trong Giáo Hội dán nhãn là cộng sản.
Rõ ràng rằng Thánh Thần không làm cho các môn đệ được thoải mái, yên tâm và an toàn. Khi Thánh Thần đến thì những người đang túm tụm lại với nhau đã bị đẩy ra thế giới bên ngoài – một thế giới thật xa lạ và bề bộn. Nhưng họ không đơn côi. Họ được Thánh Thần thúc đẩy và đồng hành.
Bất cứ ai đã từng dự họp hội đồng mục vụ giáo phận hay giáo xứ, hay coi sóc một giáo xứ có thể nói cho bạn biết rằng quả thật đôi khi các cuộc họp là một đống hỗn độn! Phải chăng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu như tất cả chúng ta đều hiểu nhau, nhất trí về mục tiêu cũng như phương pháp tiến hành? Chúng ta có cảm tưởng rằng công tác mục vụ tựa như là Tháp Baben nơi mà các ngôn ngữ trở nên lộn xộn. Nhưng những người nghe những Kitô hữu được ban đầy Thánh Thần giảng lại không hiểu được ngôn ngữ xứ Galilê. Thay vào đó, những người Galilê này nói nhiều thứ tiếng khác nhau và người khác đã có thể hiểu được. Tuy có sự đa dạng nhưng vẫn có một sự hiệp nhất ở đây. Điều này lý giải làm thế nào mà Tin Mừng vẫn tiếp tục được loan truyền khắp thế giới, nhờ vào nhiều cách thức biểu đạt bằng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Thánh Thần đã quy tụ các môn đệ vào trong một Giáo Hội. Nhưng Thánh Thần cũng thúc đẩy các tín hữu vượt qua giới hạn của những điều gì là bình thường và quen thuộc.
Giả như ai đó đang ở trước cửa khi các môn đệ rời căn phòng sau khi họ được đầy tràn Thánh Thần, nếu như người ấy hỏi từng môn đệ “Ông đi đây vậy?” Tôi nghĩ, các ông sẽ trả lời “Tôi không biết, nhưng tôi phải ra đi.” Nếu như người ta hỏi các ông “Thế các ông sẽ nói gì khi đến được chỗ các ông muốn đi?” Tôi nghĩ các ông sẽ đáp lại “Lúc này thì tôi không biết. Nhưng tôi sẽ biết khi tôi đến đó bởi lẽ ngọn lửa trong tôi dường nhưng sẽ không bao giờ tắt!”
Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca mô tả biến cố Chúa Thánh Thần ngự đến bằng một thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, uy lực và sống động. Ngài đang muốn nêu rõ một điểm này: Thiên Chúa đang hoàn trọn lời hứa: vào thời đấng Mêsia, Thánh Thần sẽ được ban xuống trên dân chúng (Ed 39,29; Is 32,15). Thế nhưng khi nói như vậy, thánh Luca có thể làm cho người đọc có cảm tưởng rằng Thánh Thần đến vào một số thời điểm nào đó rồi lại rút lui và chờ cho đến lúc quan trọng khác thì Người lại đến. Xin quý vị thứ lỗi khi tôi đùng hình ảnh này, chuyện này ví như Thánh Thần nhảy vào rồi lại nhảy ra khỏi cuộc đời chúng ta. Nếu điều đó là đúng thì khi phải đối diện với một chọn lựa khó khăn hay một thách đố nào đó trong cuộc đời của tôi, tôi sẽ phân vân có nên tiến tới và thực hiện những gì cần làm hay không: làm một cái phòng chứa thực phẩm; dạy giáo lý cho thiếu niên; ra trước hội đồng thành phố để phản đối các chính sách phân biệt chủng tộc; nhận lời đọc các bài đọc trong Thánh lễ hay làm thừa tác viên Thánh Thể, v.v…
Trong những cảnh huống thế này tôi tự hỏi không biết Thánh Thần sẽ rút lui hay quyết định ngự đến để linh hứng và hướng dẫn tôi không. Chúng ta đều quen thuộc với lời cầu nguyện này “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến đầy lòng chúng con…” Quý vị có thấy tôi muốn nói điều gì không? Thánh Thần ở đâu và tại sao chúng ta cần phải cầu xin Người ngự đến?
Có lẽ lời cầu nguyện khẩn xin Thánh Thần “ngự đến” là cần thiết cho chúng ta. Thánh Thần luôn hiện diện và lời nguyện này nhắc nhớ chúng ta về điều đó. Điều chúng ta cần phải làm là đọc lời nguyện này và tiến bước để thực hiện điều cần phải làm. Xin quý vị đừng lo, Thánh Thần sẽ hiên diện trong từng bước trên con đường đó.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ