Yêu và nhận biết mình được yêu
Hai chữ “yêu thương” là ngôn từ rất đẹp, thường xuất hiện trong ngôn ngữ thường ngày của chúng ta. Tuy vậy, trong thực tế, khái niệm “yêu thương” có nguy cơ trở thành những công thức vô hồn hay những khẩu hiệu trống rỗng. Người ta nói nhiều đến tình yêu trong mọi lãnh vực, Đạo cũng như đời, gia đình cũng như xã hội, nhưng trong thực tế thì ngược lại. Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp để nhắc chúng ta: mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương và mỗi người phải thực thi tình bác ái đối với anh chị em mình.
“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16). Tình yêu Thiên Chúa là giáo huấn cốt lõi của Kitô giáo, được ghi lại rải rác trong các trang Kinh Thánh, Cựu cũng như Tân ước, đến nỗi người ta gọi Kinh Thánh là “câu chuyện tình” giữa Thiên Chúa và con người. Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả vừa như người cha người mẹ đùm bọc vỗ về, vừa như người bạn thân thương luôn ở bên cạnh khi ta cần đến, thậm chí như tình yêu giữa người vợ với người chồng luôn gắn bó chung thủy. Dung mạo Thiên Chúa cũng được trình bày theo lối văn “nhân cách hóa”, cũng ghen tương, hờn giận, cũng năn nỉ kiên trì. Nhưng trên tất cả, Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, vì “Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời” (Tv 29,6).
Mặc dù Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi tạo vật, nhưng con người là đối tượng yêu thương đặc biệt của Ngài. Từ khởi thủy, Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Chúa. Khi nói giống ai, thường người ta hãy nhắc trước hết tới diện mạo. Qua việc tạo dựng giống hình ảnh của mình, Chúa muốn gửi gắm hình ảnh của Ngài nơi khuôn mặt của con người, để rồi, mặc dù Ngài là Đấng cao cả vô hình, nhưng có thể thấy và gặp gỡ Thiên Chúa xuyên qua anh chị em đồng loại. Như vậy, khi yêu mến tha nhân là yêu mến Chúa; khi phản bội tha nhân là phản bội Chúa.
Con người u tối tội lỗi không nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, xuống trần gian để nói cho con người biết về tình yêu bao la ấy. Trong lời giảng dạy của Người, Chúa Giêsu luôn nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa. Ngài là Cha, Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ; làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Trong cách diễn tả bình dị của Chúa Giêsu, Thiên Chúa giống như một con người. Ngài là người Cha nhân hậu, sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lầm lỗi cho người con hoang đàng phung phá, khi nó hồi tâm sám hối ăn năn. Ngài còn như người mục tử, để lại 99 con chiên để cất công đi tìm một con chiên lạc cho đến khi tìm thấy mới thôi. Trước mặt Chúa, mỗi tâm hồn đều quý giá, mặc dù bé nhỏ mọn hèn và tội lỗi. Hơn nữa, những người thiệt thòi bất hạnh trong cuộc sống lại được Chúa yêu thương hơn, như người cha người mẹ luôn ưu tiên chăm sóc đứa con bệnh hoạn tật nguyền.
Nếu Thiên Chúa yêu thương con người, thì Ngài cũng muốn cho họ thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Như người cha luôn mong muốn các con cái hòa thuận để cùng nhau xây đắp tương lai, Thiên Chúa mời gọi con người hãy chung sống hòa bình để làm thành gia đình nhân loại. Tuy vậy, lời mời gọi này có những lúc không được tôn trọng và thực thi. Ngay từ khởi đầu của lịch sử, Cain đã giết em ruột của mình chỉ vì ghen tương. Thế rồi, sự ghen tương đã ngấm vào tâm trí con người, hậu quả là bạo lực, chém giết, chia rẽ, hận thù và loại trừ lẫn nhau. Lịch sử ghi nhận những cuộc chiến tranh tàn khốc ở mọi lãnh vực, để lại hậu quả vô cùng đau thương. “Đừng bao giờ chiến tranh tái diễn”, đó là lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI kêu gọi trong bài diễn từ ở Liên Hiệp Quốc ngày 4-10-1965. Thế giới đã quá đau khổ vì chiến tranh. Biết bao người dân vô tội đã đổ máu chỉ vì tham vọng và hiếu chiến của con người.
“Đây là Trái Tim đã mở ra vì yêu thương nhân loại!” Khi hiện ra với thánh nữ Magarita Maria (1647-1690), là một nữ tu dòng Thăm Viếng tại Paray-le-Monial (Pháp), Chúa Giêsu đã qua thánh nữ để kêu gọi nhân loại hãy trở về với nguồn tình yêu là Thánh Tâm Người, để nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương, rồi từ đó, chuyên cần thực thi đức yêu thương với anh chị em mình. Đây không phải là tình yêu lý thuyết mà bằng việc làm cụ thể. Thánh Gioan đã viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
“Yêu thương và nhận biết mình được yêu thương”, đó là đề tài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần thứ Tư, ngày 3-6-2015 tại Rôma. Đức Thánh Cha đã khuyến khích các tín hữu hãy cậy trông và yêu mến Thánh Tâm Chúa. Ngài nói: “Tháng sáu hằng năm được dâng kính Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu. Xin Thánh Tâm giúp các bạn trẻ hiểu biết vẻ đẹp của tình yêu và cảm nhận mình được yêu thương. Xin Ngài ban sức mạnh nâng đỡ những bệnh nhân trong đau đớn thử thách. Xin Ngài đồng hành với các cặp gia đình trẻ trong đời sống hôn nhân” (Zenit 3-6-2015).
Tình yêu không phải một khẩu hiệu hời hợt, mà là hành động cụ thể trong mối tương quan hằng ngày. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định điều này trong Tông huấn về Năm Thánh Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus):“Tình yêu không bao giờ là một khái niệm trừu tượng. Tự bản chất, tình yêu là đời sống cụ thể: đó là những thiện ý, thái độ, cách ứng xử, được chứng nghiệm trong hành động thường ngày. Lòng thương xót Chúa chính là trách nhiệm của Ngài đối với chúng ta. Ngài tỏ ra có trách nhiệm, nghĩa là Ngài muốn cho chúng ta những sự lành và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, được sung mãn trong niềm vui và an bình. Tình yêu nhân hậu của các Kitô hữu cũng phải dựa trên chính chiều hướng đó” (số 9).
Tháng kính Thánh Tâm Chúa cũng là tháng cầu nguyện cho các linh mục được ơn thánh hóa. Các linh mục là hiện thân của Chúa nơi trần gian để đem yêu thương và an ủi cho mọi người. Dù được đón nhận thánh chức linh mục, các ngài vẫn là những con người mỏng giòn yếu đuối. Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho các linh mục luôn nhận biết mình được yêu thương để đền đáp tình yêu thương hải hà của Chúa bằng cuộc sống gương mẫu và nhiệt thành dấn thân phục vụ con người.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, là “lò lửa mến hằng cháy”, xin sưởi ấm tâm hồn mỗi chúng con bằng ngọn lửa yêu thương của Người. Amen
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên