Chúa Nhật 11 Thường Niên B – Sức mạnh của Nước Trời
Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về da liễu. Khi lên mười tám tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Ðức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Ðức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu. Khi nhắc lại đoạn đời đó, cha Chung cho biết là ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó, cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Ðức Cha Jean Cassaigne, và còn trở thành một linh mục.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết: Hạt giống được gieo xuống đất, đêm hay này, người gieo dù ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả. Khi nói điều này, Chúa muốn trả lời cho những người rơi vào tình trạng sốt ruột khi thấy công cuộc loan báo Nước Trời của Chúa dường như không đạt kết quả, hoặc kết quả quá ít. Dụ ngôn này cũng nhắm đến những người cho rằng sự thành công của công cuộc loan báo Tin Mừng là do cố gắng của con người.
Lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã trải qua bốn thế kỷ đón nhận hạt giống Tin Mừng. Từ những ngày đầu tiên, khi hạt giống vừa nảy mầm, đã bị những cơn bách hại kinh khủng khiến hàng trăm ngàn người phải chết vì Tin Mừng. Tuy nhiên, trong những cơn sóng gió như thế, Tin Mừng của Chúa Kitô vẫn âm thầm nảy mầm và phát triển. Cho đến nay, mặc dù người Kitô hữu vẫn là số ít trong cộng đồng Việt Nam, nhưng cây đức tin vẫn đang không ngừng trổ sinh hoa trái cho Giáo Hội và xã hội.
Thực tế đó cho chúng ta hiểu các hình ảnh dụ ngôn Chúa dùng hôm nay về hạt lúa và hạt cải. Nước Trời ví như hạt lúa được ông chủ gieo vào mảnh ruộng trần gian này. Điều mà câu chuyên muốn nhắm đến là sức sống nội tại mãnh liệt của hạt giống. Nếu nhìn bên ngoài, một hạt lúa không có gì đặc biệt, nó có vẻ khô cứng, không sự sống. Thế nhưng, cũng giống như nhiều loại hạt khác, bên trong nó đang ấp ủ một mầm sống. Khi có môi trường thích hợp thì mầm sống ấy thức dậy, phá vỡ lớp vỏ cứng của bản thân, phá vỡ cả lớp đất đè trên bề mặt để nảy lên mầm sống mới. Con người không hề can thiệp vào quy trình này dù người gieo thức hay ngủ, hạt giống vẫn nảy mầm. Không chỉ như thế, mầm sống này còn có sức mạnh nội tại, hút lấy dưỡng chất từ trong đất để chuyển hóa thành dinh dưỡng nuôi cây và sinh hoa kết trái. Đến mùa, chủ ruộng đem liềm ra gặt và thu vào kho.
Cũng vậy, hạt giống Tin Mừng được gieo vào thế gian. Thiên Chúa cũng cho nó có một sức mạnh nội tại để có thể nảy mầm trong gian nan thử thách, lớn lên trong khó khăn và trổ sinh hoa trái tốt lành dù bị bão tố vùi giập. Nói như thế để những cộng tác viên của Chúa, những người mang trách nhiệm gieo hạt giống Nước Trời đừng bao giờ thất vọng khi gặp khó khăn thử thách, vì Thiên Chúa vẫn có cách để làm cho hạt giống bén rễ, chỉ cần mỗi người cứ nhiệt tâm gieo vãi với hết khả năng và nhiệm vụ của mình. Dụ ngôn cũng đồng thời nhắc cho nhiều người khác đừng bao giờ nghĩ rằng sự thành công trước mắt, sự lớn mạnh của Nước Trời, sự lan rộng của Tin Mừng là do công lao vất vả của mình, nhưng là do Thiên Chúa. Nhìn thấy như thế để mỗi người không rơi vào tình trạng tự mãn khi thành công hoặc thất vọng, chán nản khi gặp khó khăn thất bại. Những thành quả mà chúng ta đạt được là do công khó của nhiều người và là do quyền năng của Thiên Chúa, còn mỗi chúng ta là người được thừa hưởng mùa gặt từ người khác đã gieo, hoa quả từ người khác đã trồng, thành công từ người khác đã vun đắp.
Với dụ ngôn hạt cải, Chúa Giêsu muốn trình bày Nước Trời dưới một góc độ khác. Hạt cải là một trong những hạt giống rất nhỏ bé, nó có thể lẫn với những hạt cát, nhưng khi mọc lên, nó lại trở thành một cây to, cành lá xum xuê đến độ chim trời có thể nương náu. Hạt cải Chúa Giêsu ví dụ, còn là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội cùng với Tin Mừng của Chúa, lúc khởi đầu hết sức nhỏ bé, khiêm tốn, nằm lẫn trong vùng sỏi đá Palestin cùng với nhiều tôn giáo và các triết thuyết. Vậy mà đến nay, với quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa, Tin Mừng đã được loan báo đến khắp mọi vùng trên trái đất này. Với một khởi đầu nhỏ bé chỉ có mười hai con người tầm thường, mà nay Giáo Hội của Chúa Kitô đã phát triển thành một cây to, tỏa bóng mát tình yêu thương và ơn cứu độ cho thế giới. Những cánh chim mệt mỏi đau khổ của thế giới, những con người bị bỏ rơi, tìm được nơi Giáo Hội sự che chở, chăm sóc, nương náu.
Tất cả sự kỳ diệu này là do bàn tay uy quyền của Thiên Chúa chứ không do tài khéo léo của con người. Tiên tri Ezekien cũng đã dùng hình ảnh tương tự để nói lên quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa : Từ ngọn cây hương bá cao chót vót, ta sẽ ngắt một chồi non. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao, nó sẽ trổ cành kết trái thành cây hương bá huy hoàng. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp. Với lời tiên báo nhiều hình ảnh này, vị tiên tri đã nhận ra rằng Thiên Chúa luôn luôn có đường lối riêng của Ngài mà con người khổng thể hình dung hết được. Thiên Chúa luôn thực hiện những điều kỳ diệu từ những cái nhỏ bé, tầm thường mà con người không ngờ tới.
Sau hơn hai ngàn năm được gieo vào lòng đất, đến nay, cây Nước Trời không ngừng vươn cành tỏa bóng cho thế giới qua Giáo Hội. Xét về phương diện hữu hình, Giáo Hội vẫn là một cây nhỏ bé, vậy mà Giáo Hội đã có một tầm ảnh hưởng không biên giới. Tiếng nói của Giáo Hội được lắng nghe tại các nước có tôn giáo cũng như các nước vô thần. Nhiều quốc gia đã cậy nhờ Giáo Hội làm trung gian hòa giải, làm trọng tài trên nhiều lãnh vực xã hội và luân lý. Trong cái nhỏ bé khiêm tốn của Giáo Hội, chúng ta nhận thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần hoạt động và hướng dẫn Giáo Hội. Chúa Thánh Thần như dòng nước tuôn chảy, tưới mát mọi hoạt động của Giáo Hội và làm cho mọi công việc của Giáo Hội trổ sinh hoa trái cho thế giới.
Mặc dù các dụ ngôn hôm nay nhấn mạnh đến sức mạnh của Thiên Chúa tiềm tàng và hoạt động trong Giáo Hội, trong công cuộc gieo vãi hạt giống Tin Mừng, nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng và sự hy sinh cộng tác của con người. Tin vào quyền năng và kế hoạch của Thiên Chúa để chúng ta không chán nản, thất vọng hoặc sốt ruột khi thấy bao công khó gieo trồng của mỗi thành viên trong Giáo Hội dường như vẫn chưa đạt đến mức độ mong muốn. Có nhiều người cảm thấy sốt ruột, muốn nhìn thấy thành quả ngay trước mắt, hoặc đánh giá sự thành công theo những tiêu chuẩn và con số bên ngoài, mà quên rằng, ngoài những hoạt động và hình thức bên ngoài, Giáo Hội còn có một dòng chảy mãnh liệt làm sức sống từ bên trong. Dòng chảy đó là quyền năng của Thiên Chúa qua sự tác động của Thánh Thần. Chính dòng chảy này như là dòng nhựa sống nuôi dưỡng mọi hoạt động của Giáo Hội, làm cho Giáo Hội lớn mạnh và trổ sinh hoa trái.
Hạt giống Tin Mừng cũng đã được gieo vãi vào tâm hồn chúng ta. Dấu ấn của Chúa Kitô qua phép rửa đã được khắc ghi vào tâm hồn mỗi người. Hạt giống ấy đang thực sự nảy mầm trong tâm hồn con người. Tuy nhiên, để cho hạt giống được trổ sinh hoa trái tốt lành, vẫn cần đến sự cộng tác của mỗi người. Những tâm hồn sẵn sàng thì hạt giống Tin Mừng sẽ bén rễ sâu và sinh hoa kết trái trong cuộc đời người ấy. Còn những tâm hồn khô khan sỏi đá, hạt giống Tin Mừng không chết đi, nhưng vẫn cứ chờ đợi khi có một cơ hội thuận tiện, nó sẽ nảy mầm và sinh hoa trái.
Tin Mừng hôm nay cũng mời gọi mỗi Kitô hữu, đừng mặc cảm mình là thiểu số, nhưng cần phải sống hết mình với Tin Mừng và cùng với Ơn Chúa vươn những cành yêu thương, trổ sinh những trái nhân ái cho hết mọi người. Hãy mở rộng vòng tay để cho vợ chồng con cái có thể nương náu dưới bóng mát yêu thương của mình. Hãy làm cho gia đình trở thành nơi bảo vệ an toàn cho con cái và các thành viên. Các bạn trẻ đừng dửng dưng đứng nhìn, nhưng cần vươn rộng đôi tay để có thể đón nhận và trao ban, để có thể an ủi và nâng đỡ cho những tâm hồn đang cần đến chúng ta.
Xin cho bất cứ ai khi gặp gỡ, tiếp xúc với người Kitô hữu, cảm nhận được dòng chảy tình yêu và sức sống của Chúa trong ta và họ có thể hoàn toàn tin tưởng nơi sự chân thành của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
Nguồn: baicamoi.com