Ngày 30/6 – Suy niệm Tin mừng Lễ các thánh Tử đạo tiên khởi giáo đoàn Roma

17-06-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Ngày 30/6 – Suy niệm Tin mừng Lễ các thánh Tử đạo tiên khởi giáo đoàn Roma by

Thánh Linh mục Vinhsơn Đỗ Yến, Cha xứ Kẻ Sặt, Tử đạo (1764 – 1838)

"Đức Giêsu nói: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy". (Lc 9, 23-24)

Tôi sẵn sàng chịu chết vì nói sự thật, chứ không nói dối để được sống

"Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm nhuộm máu hồng, từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu". Lời ca hào hùng vang xa mà sâu lắng, giúp mỗi người chúng ta sống lại những giây phút anh dũng của các thánh tử đạo khi các Ngài tiến lên pháp trường để đón nhận cái chết vì danh Đức Kitô. Chúng ta cùng dâng lên Chúa một bài ca thắm nhuộm máu hồng, một bài ca mà lại mang mầu đỏ của máu, bài ca ấy diễn tả lịch sử của Giáo Hội Việt Nam, một lịch sử rất đáng tự hào, nhưng một lịch sử cũng rất đau thương. Một bài ca thắm nhuộm máu hồng, bài ca nói lên niềm hân hoan, phấn khởi, vui mừng, hoan lạc; nhưng một bài ca được viết lên bằng máu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Non song gấm vóc của đất nước chúng ta được thấm đẫm máu đào của hơn một trăm ngàn vị anh hùng tử đạo những tín hữu đã chết vì đức tin. Ngày 19-06-1988 đã in một nét son trong lịch sử Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc. 117 vị thánh tử đạo là con số tiêu biểu cho hơn 100 ngàn Vị tử đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội bị bách hại. Đây là một biến cố quan trọng đối với Dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam vốn đã tự hào về một truyền thống kiên cường trong việc dựng nước và giữ nước, nay càng tự hào hơn vì có những bậc tiền nhân anh hùng kiên vững trong Đức tin. Quê hương Việt Nam đã xinh đẹp, nay còn xinh đẹp hơn nhờ được tô điểm bằng Đức tin Công giáo.

Kính thưa cộng đoàn, phụng vụ hòa vang tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hân hoan vang lên bài ca: "Tiếng nhạc oai hùng vang trên khắp cõi trời Việt Nam. Tiếng lòng tha thiết, con dân nước Nam hòa khúc khải hoàn ca. Đồng thanh ta hát khen mừng, bao Đấng Anh Hùng, xưa đã thắng gian lao tòa cao chói lói, trên trời hiển vinh muôn ngàn đời"…

Cách đây 177 năm tại cánh đồng Năm Mẫu thuộc nội thành Hải Dương, máu của Thánh Linh mục Vinhsơn Đỗ Yến, Cha xứ Kẻ sặt đã đổ ra để minh chứng tình yêu vào Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh. Hải Dương là hai từ linh thiêng gắn liền với giáo phận đông đàng ngoài nay là Giáo phận Hải Phòng. Hải Dương cũng là một linh địa gắn liền với sự đau thương, một trang sử của Giáo Hội Việt Nam, một trang sử vừa đau thương nhưng vừa anh hùng và oanh liệt.

Thánh Linh mục Vinhsơn Đỗ Yến sinh năm 1764 tại làng Trà Lũ, thuộc giáo xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Lớn lên, ngài dâng mình cho Chúa. Sau một thời gian dài học tập và tu luyện, ngài được Đức cha Delgado Y truyền chức linh mục. Năm 43 tuổi, cha nhập dòng Đaminh và mặc áo dòng ngày 22-07-1807, rồi khấn vào năm sau đó. Ngài được cử tới coi xứ Kẻ mót, rồi tới xứ Kẻ sặt Hải Dương. Thời vua Minh Mạng cấm đạo, vì bị quân lùng bắt dữ dội, và để bảo toàn xứ Kẻ sặt, cha đã phải cải trang thành thường dân cho dễ lẩn trốn.

Ngày 08-06-1838, Cha bị bắt trên đường đến xứ Lực điền Hưng Yên và bị đóng gông giải về Hải Dương. Khi hay tin Cha bị bắt giáo dân hai giáo xứ Kẻ sặt và Lực điền đem trâu và tiền đến chuộc, nhưng ông Cai nhất định không cho vì hy vọng được quan lớn ban thưởng nhiều tiền hơn. Cha Vinhsơn phải hết lời khuyên can mới ngăn được hai họ khỏi dùng vũ lực để giải thoát ngài. Trong tù, Cha luôn trung kiên với đức tin Công giáo và nêu gương chủ chăn tốt lành. Tại Hải Dương, ba ngày sau Cha được đưa ra trước công đường. Quan tuần phủ tỉnh này vốn lòng nhân hậu, lại có lời can thiệp của ông lang Hàn, y sĩ chữa bệnh cho quan, nên không muốn đụng tới máu người có đạo, ông xin vị Linh mục tự nhận là lang y để ông phóng thích. Vị chứng nhân trả lời: "Không, tôi không phải là thầy lang. Tôi là Thầy Cả chuyên lo việc giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết vì lẽ đó, chứ không nói dối để được sống".

Ngày 30-06-1838, bản án từ kinh đô ra tới Hải Dương, quan tỉnh ra lệnh cho thi hành án đúng trưa hôm đó. Cha vui vẻ bình tĩnh ra tới pháp trường, dân chúng các xã chung quanh đổ ra xem rất đông, Cha quỳ trên chiếc nệm và chiếu mà lính đã giải sẵn, rồi làm dấu Thánh giá và cầu nguyện hồi lâu. Khi nghe lệnh quan, lý hình chém Cha một nhát, đầu cha rơi xuống đất, còn linh hồn cha lên lãnh hào quang vinh hiển trên trời. Năm ấy, Cha thọ đúng 74 tuổi, dân chúng đổ xô vào thấm máu Cha. Xác của Cha được các quan cho phép khâu đầu lại, và giao cho giáo dân. Quan tỉnh còn tặng một tấm vải mới để liệm, giáo dân đem về chôn tạm ngay nhà thờ Bình Lao. Rồi tám tháng sau, họ cải táng và chôn cất trong nhà thờ Thọ Ninh. Khi cải táng lên, mọi người thấy xác cha vẫn còn nguyên vẹn và tươi tốt như khi mới xử. Thánh Vinhsơn Đỗ Yến đã được Đức Lêô XIII tôn lên bậc chân phước ngày 27-05-1900, và ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II ghi tên trong danh sách 117 vị anh hùng tử đạo Việt Nam được phong bậc hiển thánh.

"Ngời sáng gương Linh mục, đẹp tựa lòng trung kiên. Vinhsơn Đỗ Yến Thánh Tử Đạo Việt Nam". Cộng đoàn thân mến, nói tới các Thánh Tử Đạo, chúng ta không khỏi ngạc nhiên đến lạ lùng bởi vì hàng hàng lớp lớp các vị tử đạo trên khắp thế giới đã đổ máu đào để minh chứng cho Chúa Giêsu. Vì thế, Văn hào Tertullien đã viết: "Chính dòng máu các Thánh Tử Đạo đã làm nẩy sinh người Kitô hữu". Và chúng ta cũng không thể tả xiết nỗi vui mừng khi sách Khải Huyền mô tả: "Xuất hiện một đoàn lũ thật đông đảo không thể đếm được, họ thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Chiên Con, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai và chính Chiên Con đã cứu độ chúng ta". Họ là ai? Vị Kỳ mục trả lời: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua những cơn thử thách lớn lao, đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu của Chiên Con". Họ là những người đã không tiếc gì với Chúa, đã không khước từ tình yêu dù để cứu lấy mạng sống mình. Và họ là những người đã luôn tin vào Chúa, tin vào ơn cứu độ chỉ có ở nơi Thập Giá của Đức Kitô.

Đọc lại lịch sử các Thánh Tử Đạo Việt Nam, đặc biệt là trong ngày lễ Thánh Vinhsơn Đỗ Yến hôm nay, chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động, bởi vì các Thánh Tử Đạo xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội. Họ là những người thấp bé, là những giáo dân theo Chúa, nên họ đã bị bắt, bị kết án và bởi vì không chịu chối đạo, không chịu bước qua Thánh giá, họ đã bị xử tử hình bằng nhiều cách hung bạo dã man. Họ là những người chân yếu tay mềm, nhưng quyết không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi mà chối Chúa. Họ đã trung kiên, tín thác nơi Chúa và như thánh Phaolô đã nói: "Tôi làm được mọi sự là nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi".

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Giáo Hội Việt Nam đã phát sinh các nhân chứng, đặc biệt là các Vị Tử Đạo. Lời tiền nhân nói rất đúng: "Máu đào là hạt giống phát sinh Kitô hữu". Vì do máu các Đấng Tử Đạo của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà đức tin trong thế hệ trước đã mọc lên, và đức tin của thế hệ hiện tại được bảo toàn, và hy vọng đức tin của thế hệ mai sau được gìn giữ.

Lạy Thánh Linh mục Vinhsơn Đỗ Yến, Cha xứ Kẻ sặt yêu mến của chúng con, đang hưởng vinh phúc trên quê trời, xin hằng cầu bầu cho chúng con là những con chiên của Người còn tại thế. Amen.

Giuse Phạm Hoàng Vũ

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW