Họ không cần phải đi đâu cả – Thứ Hai tuần 18 Thường niên

07-08-2017 Chức năng bình luận bị tắt ở Họ không cần phải đi đâu cả – Thứ Hai tuần 18 Thường niên by

Họ không cần phải đi đâu cả” (Mt 14, 13-21)

Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!“ Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy! “ Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.

Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Chạnh lòng thương

Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo, thì “chạnh lòng thương”; và tình thương của Đức Giêsu được diễn tả bằng những hành động rất cụ thể: chữa bệnh và cho ăn. Như thế, Đức Giêsu quan tâm đến sự sống của con người chúng ở mức độ căn bản nhất, đó là sức khỏe và lương thực. Và điều này hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:

Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ,
rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi. (Tv 3, 6)

Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136, 24)

Một khi nhận ra chính mình được Đức Giêsu yêu thương gìn giữ và nuôi dưỡng, chúng ta được được mời gọi “chạnh lòng thương” người khác như Đức Giêsu, và diễn tả tình thương của chúng ta một cách cụ thể, qua việc đáp ứng những nhu cầu liên quan đến sự sống của con người hôm nay, nhất là những người nghèo đói, bệnh tật và đau khổ. Như thế, Đức Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương con người hôm nay ngang qua sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội, trong đó có từng người chúng ta, vốn là thân thể của Ngài.

Tuy nhiên, bối cảnh của bài Tin Mừng mời gọi chúng ta hiểu sâu hơn và rộng hơn tình thương của Đức Giêsu, và mời gọi chúng ta vượt qua bình diện nhu cầu chóng qua để mở lòng ra đón nhận. Thật vậy, khi nghe tin ông Gio-an Tẩy Giả bị trảm quyết, dường như Đức Giêsu cảm thấy sự sống của chính mình cũng bị đe dọa; chính vì thế, Ngài đã xuống thuyền đến một nơi hoang vắng riêng biệt. Hơn thế nữa, cái chết của ông Gioan Tẩy Giả loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giêsu (x. bài Tin Mừng thứ bảy, sau Chúa Nhật XVII Thường Niên: Mt 14, 1-12); và chính khi Ngài hi sinh sự sống của mình trên Thập Giá:

Ngài “chạnh lòng thương” loài người chúng ta ở mức độ tuyệt đối nhất, đến độ thánh Phao-lô nói: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39). Loài người chúng ta không chỉ sống bằng nhu cầu sức khỏe hay lương thực, nhưng nhất là bằng tình thương nữa, tình thương của nhau và tình thương của Thiên Chúa.

Ngài không chữa lành bệnh thể lí của chúng ta, vì sức khỏe dù quan trọng nhưng không bền vững và tuyệt đối. Ngài chữa lành những tổn thương trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, bằng ơn tha thứ và ơn giải phóng chúng ta khỏi “mọi sự dữ”.

Ngài không kéo dài sự sống này của chúng ta, nhưng ban cho chúng ta sự sống đời đời. Như ngôn sứ Isaia loan báo: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.” (Is 55, 3)

« Chính anh em hãy cho họ ăn »

« Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi ». Chúng ta có thể dừng lại một chút để đón nhận những gì hình ảnh « nơi hoang vắng » và « bóng đêm đang đến » cùng với cơn đói gợi ra tâm tâm trí chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được ăn và ánh sáng cũng trở lại. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa, bóng tối đến và không chịu biến đi. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là ánh sáng và là bánh ban sự sống đời đời ? Điều này giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giêsu ở mức độ tuyệt đối: « Họ không cần phải đi đâu cả ». Đức Kitô là Đấng hằng sống và là Đấng ban sự sống đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và trong bóng tối chết người, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !

Đức Giêsu, vì lòng thương đám đông, không nỡ để họ trở về đói bụng, nên muốn cho họ ăn. Có điều là, Chúa muốn cho họ ăn, nhưng Chúa lại biểu các môn để làm: “Chính anh em hãy cho họ ăn”! Có lẽ, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự, ở bình diện cá nhân, cộng đoàn hay Hội Dòng: Chúa mời gọi chúng ta làm điều vượt quá sức lực và khả năng của chúng ta. Trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, các môn đệ nói: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6, 37)

Trước một nhu cầu lớn như thế, các môn đệ nghĩ ngay đến tiền. Chúa bảo mình làm nhưng lại không cho tiền ! « Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các phương tiện, tài năng, khả năng chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả [1]. Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống gia đình, đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm: « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá diễn tả con người thật của chúng ta.

Năm chiếc bánh và hai con cá

Đức Giêsu nói: « Đem lại đây cho Thầy ». Như thế, Ngài muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và với những gì chúng ta là; và điều này đòi hỏi thời gian và cả sự từ bỏ để trao lại cho Chúa tất cả những gì mình có. « 5 chiếc bánh và 2 con cá » tượng trưng cho con người thật của chúng ta, những gì chúng ta có và những gì chúng ta là: thật nhỏ bé, thật giới hạn. Tuy nhiên, Đức Giêsu không chê bỏ, nhưng đón nhận với tất cả sự trân trọng, hơn nữa còn đón nhận như ơn huệ của Chúa Cha.

Chúng ta hãy dừng lại để nhìn và nghe từng cử chỉ là lời nói của Đức Giêsu:

Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng” (c. 19)

Bánh đến từ đất trời và công lao của con người: “Lạy Chúa, là Chúa Cả Trời Đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này, là hoa màu của ruộng đất và công lao của con Người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên Bánh Trường Sinh cho chúng con”. Và Bánh chưa hóa nhiều, nhưng Đức Giêsu đã tạ ơn rồi; và trước ngưỡng cửa của cuộc Thương Khó, Đức Giêsu chưa được cứu thoát khỏi sự chết, Ngài đã tạ ơn rồi, ngang qua Bí tích Thánh Thể, vốn là Bí Tích Tạ ơn. Đó là lời Tiền Tụng (Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta – Thật là chính đáng) trước khi truyền phép trên bánh và rượu, hiện thân của cuộc Thương Khó. Tạ ơn trước khi dấu lạ xẩy ra, tạ ơn trước khi được Thiên Chúa cho trỗi dậy từ cõi chết, diễn tả lòng tín thác vào quyền năng Thiên Chúa ở mức độ tận cùng. Chúng ta được mời gọi tạ ơn hằng ngày, dù còn đang ở trên đường đi đầy thách đố.

Chúng ta có thể đọc ra nơi phép lạ bánh hóa nhiều ba cấp độ ý nghĩa:

(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện 2 lần (theo Tin Mừng Gioan, thì một lần). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.

(2) Bánh Thánh Thể. Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngày trong Thánh Lễ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Kitô. Ngoài ra, phép lạ « Bánh Lời Chúa » hóa nhiều cũng được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày trong Thánh Lễ và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa.

(3) Bánh đời ta. Để đáp lại ơn huệ lương thực hàng ngày và ơn huệ lương thực trường sinh, chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « 5 cái bánh và 2 con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể: « năm chiếc bánh và hai con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.

« Năm chiếc bánh và hai con cá », diễn tả con người thật của chúng ta, nhưng nếu chúng ta quảng đại trao vào tay Chúa, như là Ngài mời gọi: “Đem lại đây cho Thầy”, thì trở thành điều kì diệu một cách nhiệm mầu, sẽ trở thành, có thể nói, “chính Chúa”, như thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1).

Các môn đệ phân phát bánh, nhưng không còn là bánh của mình nữa, nhưng là từ bàn tay của Chúa. Chúa không làm cho bánh rơi xuống từ trời ào ào, như xưa Đức Chúa cho Manna đổ xuống từ trời như mưa rào, nhưng Đức Giêsu làm cho những gì có sẵn, dù rất nhỏ bé và giới hạn sinh sôi nẩy nở đến vô hạn. Đó lạ dấu lạ cả thể, nhưng lại được thực hiện ngang qua một hành động rất đỗi bình thường nhưng ý nghĩa thật lớn lao.

Và kết qua là ai nấy được ăn và được ăn no nê, và dư với số lượng lớn: 12 thùng bánh đầy. « Dư Tràn » một cách nhưng không chính là dấu vết của Thiên Chúa (mẻ cá lạ, gấp trăm, 70 lần 7, lòng nhân hậu của người cha, người gieo giống ra đi gieo giống, 6 chum nước trở thành rượu ngon, chữa bệnh gắn liền với tha tội, nước hằng sống..). Bởi lẽ, để giải quyết cơn đói của dân chúng trong hoang địa, không cần bánh nhiều và ngon như thế; tương tư như trường hợp phép lạ nước hóa thành rượu. Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Đến độ cầu nguyện, tĩnh tâm, Thánh Lễ, giáo lý cũng phải nhanh chóng và phải có hiệu quả tức thì và thấy được ngay; nếu không sẽ bị xếp loại! Trong khi hình ảnh “hạt giống” được gieo mang những ý nghĩa hoàn toàn ngược lại: âm thầm, lâu dài, đích thật và bền vững.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW