Bài giảng Chúa nhật 20 Thường niên năm B
“Hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy; hãy nhận lấy mà uống, vì này là Chén máu Thầy”. Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến dự tiệc do Người dọn sẵn. Đây cũng là lời mời gọi được tác giả sách Châm Ngôn trước Chúa Giêsu vài thế kỷ, ghi lại: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế. Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Bài đọc I)
BÀI 2: THỊT VÀ MÁU CHÚA
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và người Do Thái về chủ đề Bánh. Càng về cuối, cuộc tranh luận càng gay cấn. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ, Người là Bánh trường sinh và Bánh chính này là Thịt và Máu của Người. Hai từ “Thịt – Máu” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nhờ được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Chúa Giêsu, thế gian tìm được sự sống
Thánh Gioan đã khởi đầu tác phẩm Tin Mừng của mình bằng lời xác quyết: “Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt” (Ga 1,14). Qua lời khẳng định ấy, tác giả muốn diễn tả Con Thiên Chúa thực sự là con người như chúng ta. Đấng Cao cả đã hóa thân làm người. Thiên Chúa đã đến để ở cùng người thế. Đất với Trời trở nên một. Tuy vậy, sự hiện diện của Ngôi Lời như một con người trên trần gian chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 33 năm. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã muốn tiếp tục hiện diện giữa loài người dưới một dạng thức khác, đó là Bí tích Thánh Thể. Nếu khởi đầu của công trình nhập thể là Ngôi Lời trở nên xác thịt, thì nay, xác thịt lại trở thành Bánh để nuôi dưỡng con người.
Hình ảnh thịt và máu gợi lại cho chúng ta sự dưỡng nuôi của người mẹ đối với thai nhi. Nhờ dưỡng chất từ người mẹ, thai nhi phát triển và lớn lên hằng ngày. Thiên Chúa quyền năng đã lấy những tế bào của người mẹ mà tạo thành người con. Nhờ được “ăn thịt và uống máu” của người mẹ, mà thai nhi có sự sống cho đến ngày chào đời. Nhờ được “ăn thịt và uống máu” của Chúa Giêsu, chúng ta được nếm hưởng sự sống đời đời ngày từ khi còn sống trên trần gian. Chúa Giêsu đã hứa ban cho những ai ăn thịt và uống máu Người sẽ được sự sống đời đời.
Khi dùng hình ảnh “thịt và máu” để diễn tả lương thực thiêng liêng được ban cho thế gian, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta, Thánh Thể là của ăn thiết thực, nhờ đó chúng ta được sống tình thân nghĩa với Chúa, tức là sự hiệp thông với Người. Quả vậy, nhờ được nuôi dưỡng bởi Bánh Thánh Thể, chúng ta trở nên một với Chúa Giêsu. Trong cơ thể của chúng ta, có thịt và máu của Người. Khi ngự trong ta, Chúa Giêsu sẽ biến đổi chúng ta mỗi ngày, khác với thực phẩm chúng ta hưởng dùng hằng ngày. Nếu thực phẩm mà chúng ta ăn uống sẽ trở nên máu thịt chúng ta, thì Mình Thánh chúng ta đón nhận lại biến đổi chúng ta mỗi ngày nên giống Chúa Giêsu hơn. Thánh Augustinô đã diễn tả sự biến đổi huyền nhiệm này như sau:“Ta là thức ăn của người mạnh, hãy lớn lên và ăn Ta. Nhưng con không biến đổi Ta trong con như biến đổi một thức ăn, mà đúng ra là con sẽ được biến đổi thành Ta”.
Để được Chúa biến đổi cuộc đời, ta phải cộng tác với Ngài. Thánh Phaolô đã khẳng định với giáo dân Ephêsô như vậy. Vị tông đồ dân ngoại đã khuyên mọi người hãy tận dụng thời gian hiện tại, từ bỏ mọi nếu xấu như chơi bời say sưa, rượu chè trụy lạc. Hãy dùng thời gian để cầu nguyện và tôn vinh Chúa bằng những bài thánh ca cùng Thánh vịnh. Đây chính là một hình ảnh lý tưởng của cộng đoàn tín hữu, được thấm nhuần tâm tình cầu nguyện và tình bác ái huynh đệ. Bí tích Thánh Thể là mối dây liên kết mọi người trong tình hiệp nhất yêu thương, vì mọi người đều được nuôi dưỡng bằng một lương thực thiêng liêng là thịt và máu Đức Kitô.
“Hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thày; hãy nhận lấy mà uống, vì này là Chén máu Thày”. Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến dự tiệc do Người dọn sẵn. Đây cũng là lời mời gọi được tác giả sách Châm Ngôn trước Chúa Giêsu vài thế kỷ, ghi lại: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế. Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Bài đọc I). Quả vậy, nhờ được ăn thịt và uống máu Chúa, chúng ta được liên kết với Người và hiểu biết thánh ý của Người, nhờ đó, chúng ta sống hoàn thiện trong cuộc đời đầy bóng tối hôm nay.
“Ta phải quyện đời ta quanh Thánh Thể. Mắt hướng về Chúa là Ánh Sáng; trái tim đặt rất gần trái tim thánh của Chúa; cầu xin Người ơn để tuyên xưng Người, tình yêu để yêu mến Người, can đảm để phụng sự Người » (Mẹ Têrêsa).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2 : TẤM BÁNH BẺ RA CHO MỘT NHÂN LOẠI MỚI
“Mình Thánh Đức Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho một nhân loại mới hiếu thảo với Chúa Cha và thương yêu nhau”.
Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã khẳng định: Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống để nuôi dưỡng sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài.
Bài Tin mừng tuần này Ngài lại khẳng định: Ai ăn thịt và uống máu Ngài thì ở lại trong Ngài, và sống nhờ Ngài; như Ngài hằng ở lại trong Chúa Cha và sống nhờ Chúa Cha vậy.
Như thế chúng ta có thể nói cách khác là: Mình Thánh Đức Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho một nhân loại mới hiếu thảo với Chúa Cha và thương yêu nhau.
Nhân loại cũ là nhân loại đã bị quỷ dữ lối kéo chống lại Thiên Chúa và hậu quả là nhân loại bị đắm chìm trong mê lầm tội lỗi, chia rẽ, ghen ghét hận thù và chém giết lẫn nhau…. Trong hoàn cảnh ấy, con người luôn hoài niệm về những điều tốt đẹp được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm khảm của mình – đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Cảm nghiệm sâu sắc về điều này nên thánh Augustinô đã tự thú: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Cũng trong hoàn cảnh ấy mọi người sống ở trần gian đều chia sẻ với thánh Phaolô kinh nghiệm đớn đau và khắc khoải: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19) Và Phao-lô đã thét lên gần như tuyệt vọng: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7:24).
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi tay ma quỷ, đưa con người về nẻo chính đường ngay và ban sức mạnh để con người có thể đạt tới đúng phẩm giá của mình là hình ảnh Thiên Chúa, đồng thời sống “đời sống mới trong Chúa Kitô”, cùng với Chúa và với nhau xây dựng nên một nhân loại mới hiếu thảo với Chúa Cha và thương yêu nhau.
Những ai muốn được vào trong nhân loại mới này cần phải “sám hối và tin vào Tin mừng”. Sám hối là chân nhận mình đang lầm đường lạc lối, cũng như mỏng giòn yếu đuối không thể tự giải thoái mình khỏi tội lỗi và ác thần như kinh nghiệm của Phaolô. Đồng thời phải tin vào Đức Giêsu như lời nhắn nhủ của Chúa Cha trong mầu nhiệm hiển dung ”Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).
Vì Đức Giêsu chính là Con đồng bản thể với Chúa Cha khi làm người trần gian, Ngài đã luôn luôn hiếu thảo với Chúa Cha như Chúa Con hiếu Thảo với Chúa Cha, Ngài đã đạt đến mức hiếu thảo trọn vẹn và hoàn hảo với Cha trong thân phận con người trần gian qua mầu nhiệm Thập giá và phục sinh (ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời); cũng là đạt tới hạnh phúc viên mãn của con người trong cung lòng Chúa Ba Ngôi. Chính trong hạnh phúc ấy, Ngài khao khát đến tột cùng cho mọi người được chia sẻ tình con thảo và hạnh phúc với Ngài và như Ngài, nên Chúa Giêsu đã trở nên Tấm bánh cho nhân loại mới.
Những ai đón nhận Chúa Giêsu Kitô trong bích tích Thánh Thể sẽ được Chúa Thánh Thần biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu – người con thảo của Chúa Cha và yêu thương anh em đến hiến dâng cả mạng sống mình cho tha nhân như Chúa Giêsu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục