Bernard Sesboüé: “Lòng thương xót là cảm nhận của lòng quảng đại khi đứng trước cảnh khốn quẫn
cath.ch, Maurice Page, 01/12/2015
Linh mục Dòng Tên Bernard Sesboüé là tác giả của hơn bốn mươi sách về thần học và đời sống thiêng liêng (Hình của Maurice Page)
Ngay cả người công giáo, họ cũng không hiểu rõ khái niệm về lòng thương xót. Lòng thương xót liên hệ với công chính và tha thứ hoặc liên hệ đến với lòng bao dung và chủ thuyết tương đối, các điểm này thường được đưa ra tranh luận. Linh mục Dòng Tên Bernard Sesboüe, giáo sư thần học và tác giả của hơn bốn mươi quyển sách nói về các khái niệm này. Đối với linh mục Dòng Tên, lòng thương xót là “cảm nhận của lòng độ lượng bật ra khi đứng trước cảnh khốn quẫn.”
Khái niệm lòng thương xót thường khá mù mờ ngay cả trong đầu người công giáo. Theo cha, làm sao định nghĩa được lòng thương xót?
Bernard Sesboüe: Lòng thương xót bao gồm hai tình trạng. Tình trạng của một người ở cảnh cùng khốn theo như Chúa Giêsu mô tả trong Phúc Âm Thánh Matêô (25): “Ta đói, Ta khát, Ta tù rạc, các con đã thăm Ta…” Như thế, lòng thương xót là cảm nhận của lòng độ lượng nảy sinh trong tâm hồn khi chúng ta đứng trước cảnh khốn cùng.
Có một lòng thương xót đặc biệt hơn khi đứng trước cảnh khốn cùng do tội lỗi. Người phạm tội ở trong tình trạng bất hạnh do tội lỗi mình gây ra. Trong hoàn cảnh này, họ ở trong những trường hợp tuyệt vọng lớn và rõ ràng là xứng đáng được nhận lòng thương xót của người khác. Trong lòng thương xót vừa có cảm nhận của tình thương, của lòng nhân hậu, của sự giúp đỡ và sự quan tâm để có một hành động, một hiệu quả. Lòng thương xót chỉ ở nơi lời thì chưa đủ. Lòng thương xót là lòng quảng đại và như thế sẽ rất đắt.
“Nhất là không được nghĩ sự cứu chuộc Kitô là thưởng phạt.
Sự cứu chuộc là ơn ban, nó vượt thực tế và sức nặng của tội lỗi một cách vô tận.”
Đó là những gì các dụ ngôn của Tin Mừng giải thích
Phúc Âm Thánh Luca được xem là Phúc Âm của lòng thương xót vì trong Phúc Âm này có ba dụ ngôn: con chiên đi lạc, đồng tiền bị mất và người con hoang đàng trở về. Trong cả ba trường hợp, lòng quảng đại được phát triển khi đứng trước tình trạng khốn cùng.
Người mục tử bỏ 99 con chiên không cần đến mình, để đi tìm con chiên đi lạc là thể hiện lòng thương xót, tự trong tận đáy lòng mình, anh cảm nhận con chiên này sẽ có thể bị chết hay bị con vật khác ăn thịt. Anh muốn cứu nó, muốn làm điều tốt cho nó.
Câu chuyện đồng tiền bị mất thì đơn giản hơn, mất một vật gì rất quý, rất quan trọng và khi tìm lại được thì lòng hân hoan vui sướng. Mất một cái gì tạo ra cho mình một cảm giác rất khó chịu, nhưng việc mất mát này không làm cho mình chết. Nhưng dụ ngôn này đã lay động chúng ta vì người phụ nữ đã quét cả nhà để tìm đồng tiền, khi tìm được bà quá hân hoan vui sướng. Thực hiện lòng thương xót mang đến cho chúng ta một niềm vui khác và thích hơn là được thỏa mãn sau khi hoàn thành một việc làm tốt. Một niềm vui bộc phát, không vụ lợi, nhưng không. Người phụ nữ này muốn chia sẻ niềm vui bà vừa thấy, bà đi báo cho các bạn mình biết.
Còn về dụ ngôn người con hoang đàng trở về thì ai cũng biết, có lẽ đây là dụ ngôn được biết đến nhiều nhất của Chúa Giêsu
Dụ ngôn người con hoang đàng làm nổi bật lên khía cạnh tội lỗi của người phạm tội. Chàng thanh niên ích kỷ, lấy phần gia tài của mình, dành quyền tự lập để thoát khỏi tay người cha. “Cha cho con phần của con.” Gần như anh tranh chấp với công lý. Người cha cho người con phần nó đòi. Người con ra đi, tiêu xài hoang phí và rốt cùng ở trong cảnh túng quẫn. Người con suy nghĩ lại, nhớ lại tình cha con và thấy mình đã xúc phạm cha. “Tôi không còn xứng đáng là con của cha tôi”. Người cha ra đường chờ con. Khía cạnh này rất quan trọng, vì theo truyền thống gia đình Đông phương, người cha là tượng trưng cho hình ảnh của danh dự, của phẩm cách gia đình, là người mà người khác phải đến chứ không phải ngược lại. Người cha chờ con và mong con trở về là đã thể hiện lòng thương xót của mình. Trước khi người con trở về và xin tha thứ, người cha đã tha thứ trước. Chính người bị xúc phạm đi bước trước.
Và đó là niềm vui. Thay vì trách cứ con mà nó đáng bị trách cứ, người cha hôn con, mặc áo đẹp cho con và tổ chức tiệc ăn mừng. Ở Đông phương, tổ chức ăn mừng như thế này là đi quá lý lẽ bình thường. Người cha không để cho người con thú tội.
Và người anh cả đến. Anh ở nhà, trung thành với cha nhưng lòng anh ở chỗ khác. Nhưng khi anh thấy sự nhưng không của lòng thương xót thì anh từ chối và nói “Không công bằng”. Như thế tiệc ăn mừng này là bất công! Nhưng người cha nhân hậu có tấm lòng quảng đại, ông có thái độ giống nhau đối với người em hoang đàng cũng như đối với người anh cả. Ông đi ra khỏi nhà để mời người con cả ăn mừng. Trong dụ ngôn, cảnh này chưa xong. Người ta không biết người anh cả có dự tiệc ăn mừng không. Lời cuối cùng của người cha là lời mời người anh cả cùng vào dự tiệc.
Thái độ này là thái độ biểu hiệu trước cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người
Lòng thương xót theo tinh thần Phúc Âm là biểu cảm cho thái độ của tâm hồn. Rốt cùng đó là dụ ngôn huyền nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng đã hiến thân mình để cứu nhân loại. Lòng thương xót của Chúa đối với con người là thái độ của một tình yêu đi đến tận cùng, có thể, không những cho đi mà còn tha thứ par-donner. Trong các quan hệ của chúng ta, tha thứ thường hay bị vấp nhất. Chúng ta chấp nhận cho nhưng tha thứ cho người đã hại mình hay người vô ơn thì khó hơn nhiều. Chúng ta thường nghe nói: “Chuyện này, tôi sẽ không bao giờ tha thứ”. Tôi hiểu, họ có thể không tha thứ hôm nay vì đó là câu nói diễn tả sự đau khổ cùng cực của họ. Nhưng người này không nên nguyền rủa tương lai, tốt hơn họ nên nói: “Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ tha thứ được.”
Đâu là sự phân biệt rõ ràng giữa lòng thương xót và công chính? Đối với một số người, hai khái niệm này chống đối nhau
Lòng thương xót đòi hỏi sự công chính. Vả lại, nó không thể nào khác hơn. Đó là sự sai lầm khi vào cuối chiến tranh, một số tu sĩ và linh mục đã chứa chấp những người phạm tội ác trong chiến tranh nhưng sau đó không đưa họ ra pháp luật. Người ta không đòi hỏi các tu sĩ phải đi tố cáo những người này khi chưa đúng lúc hay khi lòng cay đắng vẫn còn áp đặt. Nhưng sau đó, đúng và cần là phải đi tố cáo. Sự công chính đích thực phải dựa trên tình yêu. Nó không thể không quan tâm đến người phạm tội. Và đó là đặc nét của một sự công chính có thể dẫn đến lòng thương xót. Trong nhiều việc phán xét mà luật dự trù những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc thì không thể áp dụng một cách phi nhân cách và trừu tượng. Nó phải cân nhắc đến bối cảnh giảm khinh để quyết định một hình phạt. Công chính phải xét đến khía cạnh khốn khổ của con người.
Tuy nhiên công chính đòi hỏi phải sửa mình
Sửa mình không phải là đền bù. Ý tưởng chúng ta có về công chính là bàn cân thăng bằng, với một bên là tội ác đã phạm và một bên là hình phạt, ý tưởng này là sai. Người ta luôn bắt người có tội phải đền tội xứng đáng, nhưng không bao giờ được. Tội ác đã phạm là đã phạm. Người ta không xóa trọn tất cả hệ quả của nó, những hệ quả mà có khi kéo từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Lòng thương xót luôn đòi hỏi phải hối cải, nhưng lòng thương xót chấp nhận cần phải có thời gian và biết điều này rất khó.”
Nếu chúng ta nhìn Chúa Kitô, Chúa không muốn thưởng phạt, Ngài nói với Chúa Cha “có quá nhiều xúc phạm, phải cần có lòng quảng đại hơn”. Ngài ở trong lôgic của trọn hảo “không có tình yêu nào lớn cho bằng hy sinh mạng sống mình cho bằng hữu của mình”. Và chính nơi đó là nơi thực thi công chính có thể biến thành lòng thương xót. Và nhất là không được nghĩ sự cứu chuộc kitô là thưởng phạt. Sự cứu chuộc là ơn ban, nó vượt thực tế và sức nặng của tội lỗi một cách vô tận.”
Sự sửa mình là quan tâm của con người muốn làm tất cả những gì có thể làm để giảm khinh hình phạt cho người đi xúc phạm. Nếu tôi làm một cái gì thiệt hại nặng cho ai, tôi phải cố gắng sửa mình để được tốt hơn. Nhưng phải tránh vướng vào tương quan với quyền, khi cho việc sửa mình là điều kiện để có lòng thương xót. Trong lòng thương xót, tình yêu đứng trước quyền.
Đối với một số người, lòng thương xót là một hình thức nhiều ít có tính bao dung
Lòng thương xót không lẫn lộn với lòng bao dung. Mặt khác, chữ này hoàn toàn bị loại ra khỏi sắc lệnh công đồng về tự do tôn giáo. Vì bao dung là bất đắc dĩ phải chấp nhận, vì “tôi không thể làm khác đi”. Trong bao dung là có ý tưởng làm một cái gì trái ý mình. Xét cho cùng, là có thái độ hơi khinh đối với người hay sự việc mà mình bao dung. Một giáo sư bao dung sự ồn ào mất trật tự trong lớp là không đúng chút nào. Bao dung là một chữ chưa mang ý nghĩa đủ hay chứa quá nhiều yếu tố tiêu cực. “Lòng thương xót luôn đòi hỏi phải hối cải, nhưng lòng thương xót chấp nhận cần phải có thời gian và biết điều này rất khó.”
Vậy thì có bất trắc dùng lòng thương xót để biện minh cho chủ thuyết tương đối hóa không?
Tương đối hóa là giả định không có sự thật cũng không có sai lầm, nó ở lưng chừng không tốt cũng không xấu. Tôi có thể nhân danh tương đối hóa để nghĩ rằng, tôi đã có thiện ý làm tất cả và tôi không có gì phải hối tiếc. Nối lại quan hệ với người nào đó không phải là việc của tôi. Như thế thì chúng ta rơi vào trong tính ích kỷ của con người. Nhân danh tự do cá nhân, tôi không có gì phải lo đến người khác, cũng không lo gì cho thế hệ tương lai. Tôi an toàn đứng ngoài cuộc.
Các dụ ngôn của Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta phải biết cương vị của mình. Tôi phải tự chất vấn mình về câu chuyện Người Samaritanô Nhân Hậu. “Tôi có phải là vị tư tế, là thầy lê-vi đi qua mà không thấy gì, hay tôi là người Samaritanô có tấm lòng trắc ẩn đến với người anh em không điều kiện, nhân danh tình tương trợ là tình nền tảng giữa con người với nhau không? Ngoài ra, thái độ của người Samaritanô Nhân hậu lại được đưa vào luật pháp của chúng ta, luật phạt không-cứu giúp người đang gặp nguy hiểm. Rõ ràng đây là đặc nét của lý tưởng theo tinh thần kitô, một lý tưởng được đưa vào luật.
“Kitô giáo dạy có sự hiện diện của Chúa, nhưng còn dạy nhiều hơn đến sự hiện diện của con người trước mặt Chúa.”
Như thế lòng thương xót và sự tương trợ đi chung với nhau?
Đức Phanxicô nhắc lại, lòng thương xót không phải là một ý tưởng hiểu theo chủ nghĩa cá nhân. Thông điệp “Chúc tụng Chúa” về môi sinh của ngài là thông điệp tiếp nối các thông điệp lớn của các vị tiền nhiệm của ngài. Môi sinh không phải chỉ quan tâm đến các bông hoa nho nhỏ, nhưng là quan tâm đến các thế hệ sau này. Nếu chúng ta sát hại hành tinh, chúng ta làm cạn kiệt tài nguyên của quả đất thì con cháu chúng ta sẽ thiếu thốn trầm trọng, chúng ta thiếu công chính. Ao ước cho công chính này chỉ được thúc đẩy bằng một ao ước của lòng thương xót. Cũng thế, tôi không thể dửng dưng với làn sóng người di dân hiện nay, tôi không thể dửng dưng với sự kiện con cháu chúng ta sẽ ở trong một thế giới quá ô nhiễm và không còn tài nguyên.
Thánh Phaolô đã nói nói: “Nơi nào có tội, nơi đó có lòng thương xót”.
Trong nghĩa này, Đức Giáo hoàng ở trong truyền thống xưa cổ nhất, khi nào cũng có một chút ngần ngại giữa sự nghiêm khắc và lòng thương xót, đi từ tình trạng này qua tình trạng kia. Giáo hội không bao giờ ở trong cương vị nghiêm khắc. Các hình thức ăn năn hối cải trong thời kỳ sơ khai của Giáo hội luôn mang hình thức nghiêm khắc, thậm chí còn cực kỳ tàn ác, nhưng lúc đó cũng đã có khái niệm của lòng thương xót. Dần dần, tiến trình giải hòa càng ngày càng dịu hơn. Người ta chú trọng đến người phạm tội hơn là mức độ trầm trọng của tội. Người phạm tội xứng đáng được hưởng lòng khoan dung độ lượng.
Nhiều người vẫn còn giữ trong đầu hình ảnh của một Thiên Chúa quan tòa, người tính toán, cân đo và trừng phạt
Phải bỏ hình ảnh này ra khỏi đầu. Thiên Chúa của người kitô là một Thiên Chúa đến gần, quan tâm đến con người. “Kitô giáo dạy có sự hiện diện của Chúa, nhưng còn dạy nhiều hơn đến sự hiện diện của con người trước mặt Chúa.”
Con người xứng đáng được Chúa Kitô đến với mình, chết trên thập giá và sống huyền nhiệm Phục Sinh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: phanxico.vn