Cửa Thánh, Cửa của Lòng Thương Xót và Hy vọng
Từ Catholic Straight Answer
Từ năm 1300, khi Đức Giáo hoàng Boniface VIII tuyên bố Năm Thánh đầu tiên, Giáo hội Công giáo đã thường lệ cử hành ‘Năm Thánh,’ thường là mỗi 25 năm (ít nhất là từ 1470) ngoại trừ các hoàn cảnh đặc biệt, như năm 1983, khi Đức Gioan Phaolô tuyên bố năm thánh đánh dấu kỷ niệm 1950 năm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Một khía cạnh chính của Năm Thánh là hành hương đến Roma, để sửa đổi tộilõi và canh tân sự hoán cải trong đời mình.
Một hành động biểu tượng rất quan trọng mà mỗi người hành hương sẽ làm là đi qua Cửa Thánh. Chúa Giêsu đã tả mình là Cửa. Trong sắc chỉ Incarnationis Mysterium tuyên bố Năm Thánh, Đức Gioan Phaolô II xác nhận rằng Cửa Thánh ‘… gợi lên con đường từ tội lỗi đến ân sủng mà mỗi một Kitô hữu được kêu gọi vươn đến. Chúa Giêsu nói rằng ‘Ta là cửa’ (Ga 10, 7) để làm rõ rằng không ai đến được với Cha mà không qua Ngài. Cách mô tả này của Chúa Giêsu chứng tỏ sự thật rằng chi rmình Ngài là Đấng Cứu Độ do Chúa Cha sai đến. Chỉ có một đường mở lối vào đời sống thông hiệp với Thi: Là Chúa Giêsu, đường cứu độ độc nhất và tuyệt đối. Chỉ nơi Ngài, những lời thánh vịnh mới chân thực trọn vẹn: ‘Đây là cửa của Đức Chúa, nơi người công chính đi vào’ (Tv 118, 20)
Do đó, đi qua cửa từ bên ngoài vương cung thánh đường thánh Phêrô, là đi từ thế giới này vào sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như trong Đền thờ Jerusalem xưa, trong lễ Yom Kippur, vị thượng tế đi qua bức màn chắn đường vào Nơi Cực Thánh để đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa mà dâng lễ đền tội. Hơn nữa, đi qua cửa là xưng thú với lòng xác tín vững vàng rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Chúa, và Đấng Cứu Độ đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Với sự can đảm tột cùng, một người tự do quyết định bang qua ngưỡng, bỏ lại đàng sau vương quốc thế gian để đi vào đời sống mới đầy ân sủng của Vương quốc Thiên Chúa.
Khi mở cửa, Đức Thánh Cha gõ cửa ba lần với một cây búa bằng bạc, nhưng từ thời Đức Gioan Phaolô II, ngài gõ ba lần vào cữa. Việc gõ cửa này cũng có ý nghĩa biểu tượng. Ông Moses gõ vào tảng đá và nước chảy ra để giải khát cho dân Israel trong hoang mạc (Ds 20, 6) Năm Thánh cũng là thời gian Thiên Chúa đổ ơn dư tràn để giải khát cho linh hồn chúng ta. Thiên Chúa chấn động mặt đất để giải thoát Phaolô và Silas khỏi ngục tù, từ đó người canh ngục và gia đình ông đã xin được rửa tội (Cv 16, 25) Thiên Chúa cũng chấn động tâm hồn chúng ta để chúng ta mở ra với ơn sủng Ngài, bắt đầu từ ơn cứu độ của phép Rửa tội. Như khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, một người lính lấy đòng mà đâm vào Trái Tim Cực Thánh và máu và nước tuôn tràn (Ga 19, 31), biểu tượng của Phép Thánh Thể và Phép Rửa Tội nuôi dưỡng cho linh hồn mỗi một người chúng ta. Việc gõ vào cửa là biểu tượng cho ân sủng tuôn tràn trên các tín hữu.
Hơn nữa, khi cửa mở, thì các chướng ngại trên con đường đến với Chúa cũng được dỡ bỏ. Trong Năm Thánh, chúng ta hi vọng và cầu nguyện cho các chướng ngại của chúng ta, những yếu đuối, cám dỗ và tội lỗi sẽ được dỡ bỏ, để chúng ta có được sự hiệp nhất thánh thiện với Chúa chúng ta.
Cấu trúc của Cửa Thánh, tự mình cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta về lịch sử cứu độ. Cửa có 16 ô, theo 4 hàng dọc và 4 hàng ngang, cửa có 2 cánh, với hai dãy dọc mỗi cửa. Hàng trên cùng có hai ô hình ghi lại cảnh trục xuất Adam và Evà ra khỏi vườn Địa đàng sau khi họ sa ngã, và các thiên thần cầm gươm lửa đứng canh giữ cửa vườn. Hai ô trên cùng phía đối diện là cảnh Tổng lãnh Thiên thần Gabriel truyền tin cho Đức Mẹ. Câu đề cho hàng 4 ô hình này là ‘Những gì Evà đã đem ra [khỏi vườn Địa đàng,] thì người [Đức Mẹ] đưa về lại với đứa con ban sự sống’ [Quod Heva tristis abstulit, Tu reddis almo germine]
Hàng thứ hai từ trên xuống là các trình thuật tin mừng về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa: Thứ nhất là cảnh ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu ở sông Jordan với câu đề là ‘Ngài đến với tôi sao?’ [Tu venis ad me?] Thứ hai, là cảnh mục tử nhân lành tìm thấy con chiên lạc: ‘Cứu vớt những gì lạc mất’ [Salvare quod perierat] Thứ ba là cảnh đứa con hoang đàng xin cha mình tha thứ: ‘Thưa cha, con có tội với Trời và với cha’ [Pater, peccavi in coelum et coram te] Thứ tư, là cảnh Chúa Giêsu chữa người bại liệt, nhưng trước hết, Ngài bảo anh: ‘Tội con được tha. Hãy vác chõng mà đi.’ [Tolle grabatum tuum et ambula]
Hàng thứ ba, tiếp tục cùng chủ đề thương xót và tha thứ: Thứ nhất là người phụ nữ ăn năn rửa chân Chúa Giêsu trong nhà ông Simon người Pharisiêu: ‘Tội của cô nhiều, nhưng đã được tha’ [Remittuntur ei peccata multa] Thứ hai, là thánh Phêrô hỏi Chúa xem phải tha thứ bao nhiêu lần, và Chúa nói: ‘Bảy mươi lần bảy’ [Septuagies septies] Thứ ba, thánh Phêrô khóc sau khi đã chối Chúa 3 lần ngoài dinh thượng tế Caiphas vào tối thứ năm tuần thánh: ‘Chúa quay lại và nhìn Phêrô’ [Conversus Dominus respexit Petram] Thứ tư, là Chúa Giêsu chịu đóng đinh giữa hai kẻ trộm cướp, và Ngài nói với người ‘trộm lành’: ‘Hôm nay, con sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng’ [Hodie mecum eris in paradiso]
Hàng cuối cùng là về mầu nhiệm Phục sinh và khai sinh Giáo hội: Thứ nhất là thánh Tôma xem các vết thương của Chúa Giêsu: ‘Hạnh phúc thay kẻ có lòng tin’ [Beati qui crediderunt] Thứ hai, là Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, ‘Hãy đón nhận Thánh Thần’ [Accipite Spirituum Sanctum] Thứ ba là Chúa Giêsu hiện ra với thánh Phaolô trên đường Damascus: ‘Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.’ [Sum Jesus quem tu persequeris] Cuối cùng là bức hình Đức Thánh Cha đứng gõ Cửa Thánh, ‘Ta đứng bên cửa và gõ’ [Sto ad ostium et pulso] Những cảnh hình này nhắc nhở chúng ta về lời kêu gọi làm người hành hương đi vào mầu nhiệm cứu độ, và đi từ tội lỗi đến ân sủng, từ xa rời đến hiệp nhất với Thiên Chúa, và từ sự chết đến với sự sống đời đời.
Khi chúng ta đang hướng đến Cửa Thánh và đặc biệt là Năm Thánh này, thì Chúa chúng ta đang đứng bên cửa lòng chúng ta và đang gõ. Chúng ta phải mở cửa lòng mình ra và đi qua ngưỡng cửa hi vọng, đấu tranh vì sự thánh thiện.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Nguồn: phanxico.vn