Đời sống mới – Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa
Đối với người tín hữu, lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy là một khúc rẽ quan trọng trong đời. Qua việc được dìm mình trong dòng nước tái sinh (hay được dội nước trên đầu như trong thực hành hiện nay), họ đoạt tuyệt với quá khứ, bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, tức là hành trình theo Đức Kitô.
Ai cũng biết tầm quan trọng của nước trong đời sống con người, đến nỗi người ta so sánh: nước là sự sống. Con người cũng như động vật cỏ cây không thể sống nếu không có nước.
Nước diễn tả sự sống một cách đặc biệt trong nghi thức thanh tẩy, là bí tích nền tảng trong bảy bí tích của Kitô giáo. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa, dòng nước thanh tẩy có khả năng tái sinh, làm cho người lãnh nhận được "sinh ra một lần nữa" trong ân sủng. Qua dòng nước này, người Kitô hữu được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, là anh chị em với mọi tín hữu khác, như những chi thể của cùng một thân thể, như những thành viên trong cùng một gia đình Giáo Hội. Nếu nước của trận Hồng thuỷ thời Cựu ước đã huỷ diệt một nhân loại bị nhuốm màu tội lỗi để thiết lập một tạo thành mới tốt lành hơn, thì nước của bí tích Thanh tẩy cũng nhấn chìm và huỷ diệt con người cũ, tái tạo con người mới, trong Đức Kitô.
Đối với người tín hữu, lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy là một khúc rẽ quan trọng trong đời. Qua việc được dìm mình trong dòng nước tái sinh (hay được dội nước trên đầu như trong thực hành hiện nay), họ đoạt tuyệt với quá khứ, bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, tức là hành trình theo Đức Kitô. Bí tích thanh tẩy nhắc nhớ ta luôn cố gắng để nên thánh, vì đó là ơn gọi căn bản của người Kitô hữu: "Các con hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 11,45). "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48). Nhờ được mang danh Kitô hữu, người đã lãnh nhận bí tích này còn được mời gọi trở nên hiện thân của Chúa Giêsu giữa lòng cuộc đời, qua việc thực thi ba chức năng quan trọng Chúa ban: chức năng ngôn sứ; chức năng tư tế và chức năng quản trị.
Có lẽ do khiếm khuyết trong việc dạy và học giáo lý, phần lớn các Kitô hữu ít hiểu biết về ý nghĩa và vẻ đẹp của bí tích Thanh tẩy, thậm chí nhiều phụ huynh còn quên không nhớ các con mình đã được rửa tội hay chưa. Vì chưa hiểu đúng bí tích này, nên họ không thể làm cho ơn của bí tích lớn lên trong tâm hồn, đồng thời không cảm thấy vinh dự và niềm vui của những người tín hữu.
Được rửa tội có nghĩa là lịch sử đời chúng ta được chìm đắm trong dòng chảy tình yêu của Chúa. Đức Thánh Cha Benêđitô đã viết: "Đời tôi thuộc về Chúa Kitô chứ không thuộc về tôi nữa… Được Chúa tháp tùng, vâng, được Chúa đón nhận vào tình yêu của Người, tôi được thoát khỏi sợ hãi. Chúa bao bọc tôi và mang tôi đi tất cả nơi nào tôi đi. Người chính là sự sống" (Youtcat, tr. 168).
Thánh Luca trong Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Việc Người xếp hàng cùng dân chúng chờ đợi được ông Gioan Tẩy giả thanh tẩy cho thấy sự khiêm nhường hạ mình của Chúa. Đây cũng là giờ phút linh thiêng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiển linh giới thiệu với dân chúng Đấng Messia, tức là Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi. Với việc đón nhận phép rửa bởi tay ông Gioan, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai, thi hành sứ vụ loan báo Nước Trời. Khi dìm mình xuống dòng nước sông Giordan, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thanh tẩy, để rồi, những ai được thanh tẩy nhân danh Chúa Ba Ngôi đều được tái sinh vào cuộc sống mới, trở nên con cái ánh sáng.
Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhớ mỗi chúng ta về bí tích Thanh tẩy chúng ta đã lãnh nhận, đồng thời khuyên chúng ta hãy cố gắng sống xứng đáng với tước hiệu Kitô hữu. Thánh Phaolô khuyên môn sinh của mình là Titô và các tín hữu "từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này" (Bài đọc II). Thánh nhân cũng phân tích ý nghĩa của bí tích Thanh tẩy, như biểu tượng lòng thương xót dồi dào của Thiên Chúa, nhằm đổi mới cuộc đời chúng ta và cho chúng ta thừa hưởng sự sống đời đời.
Mỗi chúng ta cần ý thức "đời sống mới" được lãnh nhận nhờ bí tích Thanh tẩy. Đời sống mới này cần được tăng trưởng và lớn lên mỗi ngày, để hình ảnh của Chúa ngày càng rõ nét trong ta, đến mức chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org