Đức Thánh Cha cử hành đại lễ Lòng Thương Xót
VATICAN. Đừng bao giờ mệt mỏi kín múc lòng thương xót nơi Thiên Chúa Cha và đem nó đến cho toàn thế giới, sống thương xót và phổ biến sức mạnh của Tin Mừng khắp nơi. Đây là lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ được cử hành lúc 10 giờ 30 sáng hôm 03.04.2016, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót tại thềm Đền Thờ Thánh Phêrô với sự hiện diện của hơn 80.000 tín hữu.
Cùng đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 40 Giám Mục và 500 Linh Mục. Một số trong các vị hướng dẫn tín hữu về Roma hành hương Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.
Bắt đầu bài giảng, ĐTC nói: Tin Mừng là cuốn sách của Lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đã khuyến khích tất cả mọi người hãy đọc Tin Mừng và hãy tiếp tục viết Tin Mừng bằng những cử chỉ đơn sơ và cụ thể của tình thương.
ĐTC tiếp tục bài giảng như sau: “Lòng Thương xót không bao giờ dừng lại ở xa”, nhưng đi đến “với những người bị tổn thương và sợ hãi, đến với những ai mang những vết sẹo của đau khổ và sự bất an”. Và ĐTC nhắc nhở rằng “mỗi bệnh tật có thể tìm thấy nơi Lòng thương xót của Thiên Chúa một sự cứu chữa hiệu quả”. Lời mời gọi của ĐTC là hãy “kín múc Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha và phân phát chúng cho toàn thể thế giới”. Để làm được điều này đòi hỏi “phải đọc đi đọc lại Tin Mừng”, vốn được coi là cuốn sách của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhưng đây còn là “một cuốn sách mở”:
“Không phải mọi thứ đều được viết ra, Tin Mừng của lòng thương xót luôn là một cuốn sách mở, nơi đó tiếp tục được kết dệt nên bởi những dấu chỉ của các môn đệ của Đức Kitô, những cử chỉ cụ thể của tình yêu, vốn là chứng từ hùng hồn nhất của lòng thương xót. Tất cả chúng ta được kêu gọi để trở nên những tác giả sống động của Tin Mừng”.
Đức Thánh Cha yêu cầu “những cử chỉ đơn sơ và mạnh mẽ, đôi khi thậm chí là vô hình nữa”, để mang lại sự dịu dàng và an ủi của Thiên Chúa. ĐTC nhắc nhở rằng Đức Giêsu trong ngày lễ Phục Sinh, đã đổ tràn cõi lòng của các môn đệ đang hoảng sợ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, được nhấn mạnh bằng “một sự tương phản rõ ràng”:
“Một đàng, tồn tại nỗi sợ của các môn đệ, khi các ông đóng các cửa nhà: đàng khác, có đó sứ mạng được Đức Giêsu trao phó để sai phái họ vào thế giới nhằm mang lại tin vui của sự tha thứ”
ĐTC nhận xét điều này như sau
“Một cuộc chiến nội tâm giữa sự đóng kín của con tim và lời mời gọi của tình yêu để mở toang những cánh cửa đóng chặt và ra khỏi chính bản thân chúng ta”.
ĐTC minh định chỉ có một con đường đó là : “hãy ra khỏi chính mình, để làm chứng cho uy lực sống động của tình yêu vốn đã chinh phục chúng ta”. Điều đó có nghĩa là những dấu chỉ của sự cảm thông và quan tâm tới “biết bao người khẩn nài được lắng nghe và đón nhận”. Sau khi đã cảm nghiệm rằng “lòng Thương Xót của Thiên Chúa là vĩnh cữu; bất diệt, không bao giờ cạn, cũng chẳng đầu hàng khi đối diện với sự đóng kín, và không bao giờ mệt mỏi”.
Đề cập đến bình an của Thiên Chúa, ĐTC nói: “Chúng ta tìm thấy sự nâng đỡ trong những thời khắc thử thách và yếu đuối, bởi vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta”. ĐTC nói rằng chúng ta không thể hiểu thấu tình yêu này nhưng từ đây chúng ta có thể kín múc bởi vì Đức Kitô đã ban bình an của Ngài trong ngày lễ Phục Sinh:
“Không phải là thứ bình an có thể mua bán, cũng chẳng phải là sự chấm dứt của một điều gì đó chưa ổn: nhưng đó là bình an của Ngài, bình an vốn bắt nguồn từ con tim của Đấng Phục Sinh, bình an vốn đã chiến thắng tội lỗi, tử thần và sợ hãi”.
ĐTC giải thích đây là bình an vốn không chia rẽ nhưng hợp nhất, đây là bình an không để chúng ta một mình, nhưng làm cho chúng ta cảm thấy được đón nhận và yêu thương. ĐTC nói với chúng ta đây là bình an vốn “vẫn tồn tại trong đau khổ và làm trổ bông hy vọng”.
ĐTC kết thúc bài giảng với lời mời gọi như sau: “Chúng ta hãy khẩn cầu để bản thân chúng ta biết thương xót, ngõ hầu gieo vãi bất cứ nơi đâu uy lực của Tin Mừng, để viết lên những trang Tin Mừng mà thánh Tông đồ Gioan đã không viết”.
Tổng hợp và biên tập: Jos. Nguyễn Huy Mai, dongten.net