Người thân cận là bất cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta
Nếu có lòng cảm thương trong con tim, bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai đang cần sự trợ giúp. Không phải ai lui tới Nhà Chúa và biết lòng thương xót của Ngài đều biết yêu thương người lân cận đâu.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các đoàn hành hương cũng có một đoàn tín hữu Việt Nam do các cha dòng Tên hướng dẫn.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa dụ ngôn Người Samaritano nhân hậu, như thánh sử Luca kể trong chương 10. Có một tiến sĩ Luật muốn thử Chúa Giêsu nên hỏi Ngài: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu xin ông tự trả lời cho mình, và ông trả lời một cách toàn vẹn: “Ngươi phải yêu Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và trí tuệ ngươi, và yêu thương người thân cận như chính mình vậy” (c. 27). Khi đó Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy làm như thế và sẽ sống” (v. 28). Ông này lại đặt một câu hỏi khác, rất quý báu đối với chúng ta: “Ai là người thân cận của tôi?” (c. 29), và ông ta hiểu ngầm: cha mẹ tôi? các người đồng hương của tôi? Các người đồng đạo với tôi?”. Nghĩa là, ông ta muốn có một luật lệ rõ ràng cho phép ông sắp loại các người khác thành những người “thân cận” và “không thân cận”, thành những người có thể trở thành thân cận và những người không thể trở thành thân cận.
Và Chúa Giêsu trả lời ông với một dụ ngôn, có ba nhân vật: một tư tế, một thầy Lêvi và một người Samaritano. Hai gương mặt đầu tiên liên quan tới việc phụng tự trong đền thờ; người thứ ba là một người Do thái ly giáo, bị coi như ngoại quốc, dân ngoại và ô uế. Trên đường từ Giêrusalem xuống Giêricô thầy tư tế và Lêvi gặp một người hấp hối, vì bị cướp đánh và bỏ rơi. Trong các trường hợp như thế Lề Luật của Chúa dự trù bổn phận cứu giúp, nhưng cả hai đi qua mà không dừng lại. Họ vội vã… Thầy tư tế có lẽ đã nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đễn trễ lễ… Tôi phải làm lễ”. Và người kia thì nói: “Tôi không biết Luật có cho phép tôi không, bởi vì có máu ở đó và tôi sẽ bị ô uế…” Họ đi một con đường khác và không tới gần.
Và ĐTC rút tỉa ra giáo huấn đầu tiên như sau:
Ở đây dụ ngôn cống hiến cho chúng ta một giáo huấn đầu tiên: không phải tự động ai lui tới nhà Thiên Chúa và biết lòng thương xót của Ngài là biết yêu thương người lân cận. Nó không tự đông đâu! Bạn có thể biết toàn sách Thánh Kinh, bạn có thể biết tất cả các chữ đỏ của Phụng Vụ, bạn có thể biết toàn thần học, nhưng từ việc biết không tự động yêu: yêu thương có một con đường khác, cần sự thông minh, nhưng cũng cần một cái gì khác nữa…
Vị tư tế và thầy Lêvi trông thấy, nhưng không biết; nhìn thấy nhưng không lo liệu. Nhưng không có phụng tự thật, nếu nó không được thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến gần đứa trẻ đó, ông già đó hay bà già đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chúng ta hãy bước vào trọng tâm của dụ ngôn: người Samaritano, nghĩa là chính người bị khinh miệt này, chính người mà có lẽ không ai sẽ đánh cá gì hết, và cả ông ta cũng có các dấn thân và công việc phải làm, khi trông thấy người bị thương, ông không bỏ qua như hai người kia, là những người gắn liền với đền thờ, nhưng mà “cảm thương” (c. 33). Phúc Âm nói thế: “Ông cảm thương”, nghĩa là trái tim, ruột cảm động. Đây là sự khác biệt. Hai người kia “trông thấy”, nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người samaritano đồng điệu với chính con tim của Thiên Chúa. Thật vậy, sự “cảm thương” là một đặc tích nòng cốt của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa cảm thương chúng ta. Nó có nghĩa là gì? Ngài đau khổ với chúng ta, các khổ đau của chúng ta Ngài cảm nhận được. Cảm thương có nghĩa là “đau khổ với”. Động từ ám chỉ ruột máy động và run rẩy trước nỗi đau của con người. Và trong các cử chỉ và hành động của người samaritano nhân hậu chúng ta nhận ra hành động thương xót của Thiên Chúa trong tất cả lịch sử cứu độ. Nó cũng chính là sự cảm thương, qua đó Chúa đến gặp gỡ từng người trong chúng ta: Ngài không giả vờ không biết chúng ta, Ngài biết các khổ đau của chúng ta, Ngài biết chúng ta cần sự trợ giúp và ủi an biết chừng nào. Ngài đến gần chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi và trả lời trong tim: “Tôi có tin điều đó không? Tôi có tin rằng Chúa cảm thương tôi, như tôi là không, là người tội lỗi, với biết bao nhiêu vấn đề và biết bao nhiêu sự?” Hãy nghĩ tới điều đó và câu trả lời là: “Có!” Nhưng mỗi người phải nhìn vào con tim mình xem mình có tin vào sự cảm thương này của Thiên Chúa không, của Thiên Chúa nhân hậu, là Đấng đến gần, chữa lành chúng ta, vuốt ve chúng ta. Và nếu chúng ta khước từ Ngài, Ngài chờ đợi: Ngài kiên nhẫn và luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.
Người Samaritano hành xử với lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta. Và ĐTC rút tiả ra thêm một giáo huấn khác:
Tất cả những điều này dậy cho chúng ta biết rằng sự cảm thương, tình yêu, không phải là một tâm tình mông lung, nhưng có nghĩa là lo lắng cho tha nhân cho tới độ chính mình phải trả giá. Nó có nghĩa là để cho mình bị liên lụy bằng cách làm mọi sự cần thiết để tới gần người khác cho tới độ tự đồng hóa với họ: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Đó là giới răn của Chúa.
Kết luận dụ ngôn Chúa Giêsu nêu bật câu hỏi của vị tiến sĩ Luật và hỏi ông: “Ai trong ba người, theo ông, đã là người thân cận của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (c. 36). Sau cùng câu trả lời không thể mập mờ được: “Đó là người đã thương xót ông ta” (v.27). Mở đầu dụ ngôn đối với thầy tư tế và thầy Lêvi người thân cận là kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn đò là người Samaritano đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp các người khác để xem ai là thân cận ai không. Bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai bạn gặp trong cần thiết, và bạn sẽ là người thân cận, nếu trong tim bạn có sự cảm thương, nghĩa là nếu bạn có khả năng đau khổ với người khác.
Dụ ngôn này là một món qua tuyệt diệu cho tất cả chúng ta, và cũng là một dấn thân nữa! Chúa Giêsu lập lại với từng người trong chúng ta điều Ngài đã nói với vị tiến sĩ Luật: “Hãy đi và làm như vậy” (c. 37). Chúng ta tất cả được mời gọi đi cùng con đường của người Samaritano nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, biến thành tôi tớ của chúng ta, và như thế Ngài đã cứu chuộc chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, theo cùng một cách thức.
ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khàc nhau. Trong các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu đến từ các giáo phận Montpellier, Nantes, San Claude và Moulins, do các GM sở tại hướng dẫn. Ngài khuyến khích mọi người đừng thờ ơ trước các khổ đau của tha nhân, nhưng hãy bắt chước người Samaritano nhân hậu cảm thương săn sóc và thoa dịu các khổ đau của họ.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Thuỵ Điển, Slovachia, Trung quốc, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Việt Nam, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Kitô phục sinh chúc lành cho họ và gia đình họ.
Với các tín hữu A Rập ĐTC chào đoàn hành hương của đại học Thánh Giuse Beirut nhân kỷ niệm 140 năm thành lập. Ngài nhắc cho mọi người biết kitô hữu được mời gọi là dụng cụ hòa giải, đem ơn tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa tới cho người khác qua các cử chỉ bác ái yêu thương.
Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào phái đoàn giáo phận Bolzano Bresanone và các nhóm đến từ Đức, đặc biệt các bạn trẻ và cầu mong họ là các người Samaritano nhân hậu đối với tha nhân.
Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu đến từ Zurich, Brasilia, các linh mục giáo phận Serrinha, các nữ tu Phansinh thánh Giuse, và chúc mọi người biết hiến dâng cuộc sống như món quà tình yêu cho tha nhân.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan và Slovachia, ĐTC cầu mong tín hữu noi gương người Samaritano nhân hậu đến với những người nghèo nàn đói khổ, săn sóc gia đình, môi sinh và xứ đạo, và được nhiều ơn Chúa khi bước qua các Cửa Thánh.
Trong số các phái đoàn Ý ĐTC chào tín hữu các giáo phận Chieti-Vasto, Novara, Alessandria, Chiavari và Pavia, do các Giám Mục hướng dẫn; các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế; các linh mục giáo sư các đại chủng viện liên hệ với đại học Urbaniana của Bộ Truyền Giáo; và các tham dự viên tuần hội học do đại học Thánh Giá tổ chức.
Chào đông đảo các bạn trẻ ĐTC chúc họ luôn trung thành với bí tích Rửa Tội và hăng say làm chứng cho Chúa. Với người đau yếu ĐTC khích lệ họ biết nhìn lên Chúa Kitô khổ nạn và dâng mọi khổ đau lên cho Chúa để góp phần mưu cầu ơn cứu rỗi cho mọi người. Sau cùng ngài chào các đôi tân hôn và cầu chúc họ biết thực thi giáo huấn của thánh Phaolô: yêu thương nhau, tha thứ tất cả và chịu đựng tất cả trong cuộc sống thường ngày.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải, RadioVaticana 27.04.2016