Ánh mắt yêu thương
Ánh mắt của Chúa mang lại tha thứ cho tội nhân, sức mạnh cho người ngã quỵ và hy vọng cho người nản chí.
Thông thường, khi công bố trên truyền hình hoặc báo chí, hình ảnh những nghi phạm hay những nhân vật được nêu trong trường hợp tế nhị thường được che mờ hai con mắt. Lý do tại sao? Bởi vì đôi mắt là điểm quan trọng giúp ta nhận ra một con người. Do việc xóa mờ đôi mắt, người xem dù có nhìn thấy cả khuôn mặt, cũng khó nhận ra người đó chính xác là ai. Thiếu đi đôi mắt, những khuôn mặt hầu như đều giống nhau.
Con mắt là nét đặc trưng riêng để ta nhận ra một người. Con mắt cũng là cửa sổ của tâm hồn. Những gì được đón nhận bằng con mắt, sẽ giúp chúng ta học hỏi, trau dồi kiến thức và rèn luyện phong cách để trở nên con người tốt hơn. Một cửa sổ mở ra đón nhận những điều tốt và có những điều không tốt cũng lợi dụng để ùa theo. Vì thế, lý trí là chủ nhân của cửa sổ tâm hồn phải chọn lọc để tránh những điều xấu lọt vào đôi mắt, làm cho tâm hồn băng hoại và suy đồi.
Ánh mắt đơn giản mà hàm chứa bao ý nghĩa khác nhau như một thứ ngôn ngữ không lời. Trong tiếng Việt, ánh mắt được diễn tả bằng những từ ngữ phong phú, vừa tiêu cực vừa tích cực. Quả vậy, có những cái nhìn hận thù, hằn học, căm ghét, khinh bỉ, chế giễu, giận dữ, thách thức, nhưng cũng có những ánh mắt thân thiện, bằng hữu, thông cảm, khích lệ động viên, bao dung độ lượng, âu yếm, nhân từ. Ánh mắt luôn mang một thông điệp, diễn tả trạng thái tâm hồn con người, đồng thời biểu thị tâm tình của người đó với người có liên hệ. Một cái nhìn “đểu” có thể dễ dàng cướp đi một mạng sống; một ánh mắt bao dung có thể cứu vớt một con người. Một cái nhìn hằn học có thể tiếp tục đào hố sâu ngăn cách; một ánh mắt thân thiện có thể chấm dứt mối thù hận truyền đời.
Đối với những người kém may mắn do khiếm thị bẩm sinh, họ ước ao được nhìn thấy thiên nhiên vũ trụ, nhất là được nhìn thấy những người thân trong gia đình bạn bè. Tuy vậy, những ước mơ rất đỗi đơn giản ấy lại là điều không thể có được. Trong khi đó những người có con mắt sáng, lại vô tình không nhận ra món quà tặng vô giá ấy của Thượng Đế, để biết quan sát và học hỏi những điều mang lại ích lợi cho mình, hoặc để tạo mối thân thiện với những người xung quanh.
Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót nhắc tới ánh mắt của Chúa Giêsu. Cái nhìn của Chúa như ánh lửa rọi vào nơi sâu thẳm của tâm hồn. Cái nhìn ấy vừa yêu thương trìu mến, vừa giúp con người chất vấn lương tâm và sám hối trở về. Ánh mắt của Chúa mang lại tha thứ cho tội nhân, sức mạnh cho người ngã quỵ và hy vọng cho người nản chí. Trong kinh Năm Thánh, những nhân vật được biến đổi nhờ ánh mắt của Chúa là Phêrô, Matthêu, Giakêu, Mađalêna, người trộm lành. Đọc Phúc âm, chúng ta còn thấy rất nhiều người bệnh tật nhờ tiếp xúc với Chúa mà được chữa lành; nhiều tội nhân đã được gặp Chúa mà phục thiện và biến đổi cuộc đời; nhiều người bị quỷ ám được giải phóng khỏi quyền lực tối tăm.
Trong suốt bề dày của lịch sử Giáo Hội, biết bao người tín hữu nam cũng như nữ đã cảm nhận sự ngọt ngào từ ánh mắt yêu thương của Chúa và điều đó đã giúp họ nên thánh. Họ cảm nhận rõ sự hiện diện của Đấng vô hình trong cuộc đời, đến nỗi còn sống nơi trần gian mà họ đã được nếm hưởng trước hạnh phúc thiên đàng. Ánh mắt của Chúa đã cho họ niềm vui và hạnh phúc, mặc dù trong cuộc sống họ gặp nhiều thử thách gian nan. Ánh mắt của Chúa là sức mạnh của các vị tử đạo, là niềm hạnh phúc của đời tu trì, là nghị lực của các thừa sai, là niềm vui của những tu sĩ đang âm thầm dấn thân phục vụ người nghèo.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi chúng ta hãy xác tín mình đang sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Sống dưới ánh mắt của Chúa, chúng ta không còn lo lắng sợ hãi, vì Chúa như người canh gác bảo vệ chúng ta được an toàn, như mẹ hiền bao bọc che chở chúng ta trong tình nồng ấm.
Trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Mátta ngày 22-5-2016, khi diễn giải Tin Mừng Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu phục sinh hỏi ông Phêrô ba lần về tình yêu mến (x. Ga 21,15-19), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Cả chúng ta cũng nên suy tư xem ánh mắt nào Chúa Giêsu dành cho tôi ngày hôm nay là gì? Chúa Giêsu đang nhìn tôi như thế nào đây? Với một lời mời gọi hay với một sự tha thứ? Hay với một sứ mệnh? Trên con đường Người đã vạch ra, tất cả chúng ta đang được Chúa Giêsu đưa mắt nhìn. Người luôn luôn nhìn chúng ta với tình yêu. Người tha thứ cho chúng ta và Người trao ban cho chúng ta một sứ mệnh”.
Ý thức mình đang sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa, mỗi chúng ta hãy thể hiện sự bao dung, nhân ái qua những ánh mắt và qua cuộc sống hằng ngày. Được vinh dự mang danh Chúa Kitô, mỗi tín hữu cần phản ánh sự bao dung của Người. Khi chuyên tâm thực hành giáo huấn của Người, chúng ta sẽ có ánh mắt như ánh mắt của Chúa và có trái tim như trái tim của Người.
“Lạy Chúa, xin uốn nắn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”, đây là lời cầu nguyện trong kinh kính Trái Tim Chúa Giêsu. Trong tháng Sáu này, Giáo Hội tôn vinh Lòng Thương Xót của Chúa được thể hiện qua Trái Tim Chúa Giêsu. Ước gì, trong cuộc sống này, chúng ta sống với nhau bằng trái tim và lòng nhân hậu, để vương quốc tình yêu mà Chúa Giêsu đã khai mở sớm được thực hiện trong cuộc sống chúng ta.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org