Lòng tham – Bài giảng Chúa nhật XVIII thường niên C
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chúa dạy chúng ta, đừng cậy dựa vào của cải như một điểm tựa vững chắc vĩnh cửu. Kinh nghiệm đời thường cũng cho chúng ta thấy, dư dật của cải không phải lúc nào cũng cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một vị tướng rất giỏi, có khả năng chinh đông dẹp bắc. Một lần kia, sau khi đánh thắng quân thù, nhà vua muốn khen thưởng cho vị tướng và nói: “Trẫm ban cho ngươi một phần thưởng: ngươi cưỡi ngựa phi đến đâu thì phần đất ấy thuộc về ngươi”. Vị tướng nọ cưỡi ngựa phi nước đại, chẳng mấy chốc, đã đi được rất xa. Nhưng ông ta tiếp tục phi ngựa vì nghĩ rằng cần phải mở rộng đất đai cho con, cháu và các thế hệ tương lai. Ông phi ngựa tới lúc xế chiều và con ngựa mệt mỏi vấp chân làm ông ngã lăn ra, đập đầu vào tảng đá. Lúc hấp hối, vị tướng đã thốt lên: “Ta tham vọng có một giang sơn, nhưng nay, lúc chết, chỉ cần mấy tấc đất làm chỗ chôn là đủ”.
Việc một người đề nghị Chúa Giêsu làm trọng tài phân chia của cải làm chúng ta nghĩ đến những cuộc tranh chấp thường xuyên xảy ra giữa những người cùng chung máu huyết trong cuộc sống hôm nay. Thực vậy, của cải tiền bạc đã làm nhiều người mờ con mắt và quên hết mọi sự. Đối với những người này, tiền bạc là lý tưởng, là ưu tiên. Vì tiền bạc, người ta có thể phủ nhận những gì là thiêng liêng nhất: anh em chia rẽ, huynh đệ tương tàn, bạo lực cướp bóc gia tăng tràn lan, xã hội hỗn loạn, gia đình tan vỡ, bạn bè chia lìa. Trong lãnh vực đức tin cũng vậy. Nhiều người sẵn sàng làm những điều trái với luật Đạo, để làm giàu hoặc thăng tiến trong đời sống chính trị. Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay muốn khẳng định: chọn của cải như lý tưởng của cuộc đời là một chọn lựa lầm lẫn, thậm chí là ngu ngốc.
Người phú hộ thực ra là người khôn ngoan và cần mẫn. Nhờ sự khôn ngoan khéo léo mà anh có thể làm giàu. Anh lo lắng tích trữ của cải, phá kho nhỏ đề xây kho lớn. Đến lúc anh tưởng như mình thực sự an toàn và được hưởng thụ của cải bao lao công khó nhọc làm ra, thì anh lại bị quở trách là đồ ngu ngốc! Anh bị kết án vì anh tham lam và coi của cải là lý tưởng cao cả nhất của mình. Anh đặt mọi niềm hy vọng nơi của cải. Anh còn bị kết án là ngốc, vì anh không biết lo lắng cho linh hồn mình, là điều mà Chúa Giêsu gọi là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Vì vậy, nếu anh nghĩ rằng đã đến lúc nghỉ ngơi thoải mái, thì Chúa lại đòi linh hồn anh, có nghĩa là anh chẳng còn cơ hội để mà hưởng lạc nữa.
Đừng vội cho rằng Chúa kết án những người giàu có! Trong lịch sử, biết bao người giàu có đã nên thánh. Họ không coi tiền bạc của cải như lý tưởng và mục đích cuối cùng của cuộc đời. Họ ý thức rằng, ở đời này, của cải thực ra là Chúa trao cho mỗi người quản lý và sinh lợi. Họ như những đóa sen, sống gần bùn mà vẫn thanh tao tinh tuyền, tỏa hương thơm ngát. Của cải chi là phương tiện để giúp họ nối kết tình bạn, thực thi bác ái và làm cho phẩm giá con người được tôn trọng.
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Chúa dạy chúng ta, đừng cậy dựa vào của cải như một điểm tựa vững chắc vĩnh cửu. Kinh nghiệm đời thường cũng cho chúng ta thấy, dư dật của cải không phải lúc nào cũng cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc.
Tác giả sách Giảng Viên đã khẳng định: mọi sự đời này đều như mây trôi, hội tụ rồi lại phân tán, như đóa hoa phù dung sớm nở chiều tàn, tất cả chỉ là hư vô. Con người cứ mải mê làm giàu, một lúc nào đó giật mình nhìn lại, không biết mình sống vì ai và để làm gì, như trường hợp vị tướng trong câu chuyện trên đây. Anh nghĩ rằng cần phải mở rộng giang sơn, nhưng “ba tấc đất mới thật là nhà”. Giang sơn rộng rãi ấy, đối với một người đang hấp hối, đã trở nên vô nghĩa.
Thánh Phaolô không chỉ phê phán thói quen gắn bó lệ thuộc vào của cải, mà còn mời gọi mọi người hãy từ bỏ gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam, từ bỏ giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, ăn nói thô tục. Thánh nhân cũng gọi tham lam là một thứ ngẫu tượng, cần phải diệt trừ để có thể trung thành sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu, trở nên con người của thượng giới, vì con người hạ giới đã bị giết chết khi chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm, xem đâu là chọn lựa quan trọng và ưu tiên cho đời mình. Chọn Chúa là một chọn lựa khó khăn và chấp nhận nhiều thiệt thòi, nhưng đó là một chọn lựa căn bản, giúp ta tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định với chúng ta: Đừng sợ chọn lựa Chúa Giêsu. Bạn sẽ không phải thiệt thòi, vì Chúa Giêsu sẽ ở bên bạn và Người sẽ giúp bạn vượt lên những thử thách cam go của cuộc đời. Chúa cũng nói với chúng ta : “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org