Niềm vui của trời – Bài giảng Chúa nhật XXIV thường niên C
Năm Thánh cũng giúp chúng ta tìm lại niềm vui của đời sống tín hữu. Đó là niềm vui được tuôn chảy từ trời, nơi có Thiên Chúa và triều thần thiên quốc. Niềm vui ấy lan tỏa xuống cõi trần và gắn kết chúng ta trong tình hiệp thông, để rồi mỗi chúng ta là những người loan báo và kiến tạo niềm vui trong cuộc sống hôm nay.
Trong hai dụ ngôn người chủ chiên đi tìm con chiên lạc và người đàn bà tìm đồng bạc đánh mất, Đức Giêsu đều nói đến "niềm vui của trời". "Trời" ở đây là triều thần thiên quốc, là chính Thiên Chúa. Thật lạ lùng! sự trở lại của một cá nhân, xem ra chỉ là vô danh tiểu tốt mà lại là niềm vui của cả cõi trời. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy mỗi người dù nhỏ bé đều có giá trị trước mặt Chúa và hết thảy đều được Ngài yêu thương. Chính vì yêu thương như thế, nên Chúa sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được một con chiên bị lạc. Đối với quan niệm thông thường của chúng ta, nếu có một trăm con chiên, mà lạc một con, thì chẳng có nghĩa lý gì, và cũng chẳng đáng phải cất công đi tìm vất vả. Cũng vậy, nếu có mười đồng mà chẳng may rơi mất một đồng thì cũng dễ dàng bỏ qua. Tuy vậy, đối với Thiên Chúa thì lại khác: Ngài cất công đi tìm con người, đưa họ ra khỏi lầm lạc, cho họ hưởng niềm vui của sự phục hồi. Con người trở về là niềm vui của chính Thiên Chúa. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy tình yêu thương quan phòng của Chúa đối với chúng ta thật chu đáo, lớn lao như tình thương của cha mẹ dành cho con cái mình.
Niềm vui của trời còn được diễn tả qua nhân vật người cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu. Một trong những nét đẹp của nhân vật người cha là sự chờ đợi. Người cha nuối tiếc khi đứa con bỏ nhà ra đi. Ông luôn nghĩ đến nó. Trong suy nghĩ của ông, chưa bao giờ nó vắng mặt. Ông hiểu những gì đang xảy ra cho nó ở nơi xa xôi. Ông vẫn hàng ngày chờ đợi và biết chắc có ngày nó trở về, nên ông đã chuẩn bị sẵn giày dép, nhẫn quý và cả con bê béo sẵn sàng thết đãi láng giềng. Sự mong mỏi ấy được biến thành niềm vui vỡ òa khi cậu út trở về. Đối với người cha, việc người con trở về là sự kiện quan trọng, như đã chết mà sống lại, đã mất mà nay tìm thấy. Người cha đã gặp lại con mình. Mặc dù nó thân tàn ma dại, nhưng điều quan trọng là nó đã trở về và đang đứng trước mặt ông. Đó là niềm vui lớn nhất của đời ông. Cũng giống như người mục tử và người phụ nữ trong hai dụ ngôn trước, ông mời bạn bè đến chung chia niềm vui, để niềm vui ấy được nhân lên, lớn mãi.
Thánh Luca cho chúng ta biết rõ bối cảnh của những dụ ngôn này. Đó là lúc những người Biệt phái và Pharisiêu phàn nàn chỉ trích Chúa và xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Chính vì thế, qua ba câu chuyện dụ ngôn, Chúa muốn gửi một thông điệp tới những người tự cho mình là thánh thiện, công chính rằng: các bạn hãy cẩn thận khi xét đoán nhận định người khác. Có thể họ đang là những người lầm lạc, nhưng nếu được khuyên bảo, họ sẵn sàng phục thiện. Nếu các bạn chỉ trích phê phán người khác, có thể các bạn dìm họ xuống sâu hơn trong vũng bùn lầy. Mặc dù họ tội lỗi, khi thành tâm sám hối trở về, họ vẫn được Thiên Chúa đón nhận. Nếu Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh giang rộng vòng tay đón người tội lỗi trở về, thì các bạn lại là ai mà không biết mở lòng đón nhận những anh chị em đồng loại (hoặc đồng đạo) của mình? Nhân vật người con cả phản ánh sự cố chấp và ganh tỵ của những người tự cho là thánh thiện. Anh không bỏ nhà đi. Anh luôn sống với cha, mà lòng anh xa lắc xa lơ. Tại sao anh khước từ đứa em ruột của mình? Có thể anh sợ nó về sẽ chiếm đoạt tài sản. Có thể vì anh chưa hết thù hận thành kiến về một đứa em lầm lạc. Anh đã từ chối mối tương quan huyết nhục khi tuyên bố với cha mình: “Thằng con của cha kia…” (câu 30). Vì lý do nào chăng nữa thì cách hành xử của anh cũng cho thấy anh là một người cố chấp và ghen tỵ. Anh không cảm nhận được niềm vui qua sự trở về của người em để cùng gia đình sum họp. Tấm lòng bao dung của người cha với lối suy nghĩ của anh thật cách biệt xa vời. Đó cũng là sự khác biệt giữa ý định của Thiên Chúa và những dự tính của loài người. Chắc chắn những người Pharisiêu và các kinh sư đều nhận ra hình ảnh của họ nơi người anh cả.
Các bài đọc trong thánh lễ Chúa nhật này đều diễn tả tình thương của Thiên Chúa, và có ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Khi thấy thấy Thiên Chúa giận dữ trước sự bất trung của dân Do Thái, vì họ đã bỏ Ngài mà đi thờ con bò vàng, Ông Môisen đã cầu nguyện với Chúa và lời cầu nguyện của ông đã làm Chúa nguôi cơn giận (Bài đọc I). Thiên Chúa là Đấng "nổi giận chỉ trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời". Ngài đã tỏ tình thương đối với dân Do Thái. Sau này, trong hành trình sa mạc, còn nhiều lần dân bất trung phản nghịch cùng Chúa, nhưng Ngài vẫn tha thứ và không chấp tội họ.
Năm Thánh Lòng Thương Xót không phải là những hoạt động văn hóa giải trí, nhưng là thời điểm của hồng ân để mỗi chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Chúa đối với bản thân mình. Thánh Phaolô, người ý thức rõ về thân phận tội lỗi lầm lạc của mình trước khi được Chúa "tìm thấy" trên đường đi Damas, đã khẳng định: "Đức Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi" (Bài đọc II). Năm Thánh cũng giúp chúng ta tìm lại niềm vui của đời sống tín hữu. Đó là niềm vui được tuôn chảy từ trời, nơi có Thiên Chúa và triều thần thiên quốc. Niềm vui ấy lan tỏa xuống cõi trần và gắn kết chúng ta trong tình hiệp thông, để rồi mỗi chúng ta là những người loan báo và kiến tạo niềm vui trong cuộc sống hôm nay.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org